Ẩn số binh pháp: Thủ quân 'vượt ải' 180 mỹ nhân, bộc lộ tài cầm quân thiên bẩm
Tam quốc diễn nghĩa: Lý do khiến Tôn Quyền chịu gả em gái mỹ nhân cho Lưu Bị / Tam quốc diễn nghĩa: Trận chiến kinh điển minh chứng cho tài năng hơn người của Tào Tháo
Khoảng hơn 2.500 năm trước, một nhân vật xuất chúng trong lịch sử Trung Quốc đã cho ra đời cuốn sách có ảnh hưởng lớn tới nhiều tướng lĩnh quân sự trên thế giới, được biết đến với tên gọi "Binh pháp Tôn Tử", hay "The art of war" trong tiếng Anh, tạm dịch là "Nghệ thuật chiến tranh". Đó là Tôn Tử, một danh tướng, vị chiến lược gia và đồng thời là một triết gia của Trung Quốc thời cổ đại.
Cuốn binh thư kinh điển của ông đã có một sức ảnh hưởng lớn đối với những chiến lược, chiến thuật quân sự ở cả phương Đông và phương Tây.
Tuy "Binh pháp Tôn Tử" đã trở nên vô cùng nổi tiếng trên thế giới, nhưng còn rất nhiều điều bí ẩn xung quanh cuộc sống của vị tướng có tài dụng binh bậc thầy này chưa được giải mã, trong đó một số học giả thậm chí còn nghi ngờ về sự tồn tại của ông trong lịch sử.
Vậy Tôn Tử thực sự là ai?
Tôn Tử hay còn gọi là Tôn Vũ, có tên chữ là Trưởng Khanh, được cho là sinh vào cuối thời Xuân Thu (771 TCN – 476 TCN), một giai đoạn hỗn loạn và nhiều biến động trong lịch sử Trung Quốc. Ông là một danh tướng nổi tiếng của nước Ngô.
Mặc dù có rất ít thông tin, nhưng một số chi tiết thú vị về cuộc đời của Tôn Tử có thể được tìm thấy trong cuốn "Binh pháp" nổi tiếng của ông và những ghi chép lịch sử của những sử gia nổi tiếng thời cổ đại.
Không rõ năm sinh, năm mất của Tôn Tử, mọi manh mối đều phải dựa vào bối cảnh sống của vị chiến lược gia tài ba. Theo đó, một số bộ chính sử có tiết lộ Tôn Tử được sinh ra vào thời kỳ Xuân Thu hoặc ngay trước thời Chiến Quốc (475TCN – 221TCN). Nhưng có nhiều ghi chép khác lại chỉ ra rõ ràng hơn và chính xác về thời điểm và "quê hương" của ông.
Kinh Xuân Thu, bộ biên niên sử của nước Lỗ, một quốc gia chư hầu của nhà Chu trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc, khẳng định rằng Tôn Tử được sinh ra ở nước Tề. Trong khi đó, bộ Sử ký (viết vào thế kỷ 1 TCN) của Tư Mã Thiên, sử gia nổi danh thời nhà Hán lại cho rằng quê hương của vị tướng tài hoa là ở nước Ngô.
So sánh hai chi tiết "trái chiều" này, các nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ Kinh Xuân Thu đã đúng. Tôn Tử sinh ra và lớn lên ở một vùng ven biển phía bắc, nơi gần với tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày nay.
Dựa theo những sử liệu, có thể Tôn Tử sinh cùng thời và ít tuổi hơn hơn chút so với Khổng Tử (561TCN -479TCN), triết gia lỗi lạc, đồng thời là một trong những người sáng lập ra nho giáo.
Vượt qua thử thách của vua Ngô, Tôn Tử chứng minh tài cầm quân
Sau khi rời khỏi nước Tề, sang nước Ngô, ông đã sớm bộc lộ tài cầm quân và kiến thức quân sự uyên bác của mình. Trong bộ Sử ký, Tư Mã Thiên có tiết lộ về một giai thoại cho thấy phần nào về tài năng và nhân phẩm của Tôn Tử.
Theo đó, sau khi được Ngũ Tử Tư tiến cử, Tôn Tử buộc phải trải qua một thử thách của vua Ngô (Hạp Lư), đó là làm sao để đào tạo 180 vị phi tần trong cung của mình trở thành những người lính.
Tôn Tử đã chấp nhận thử thách, ông quyết định chia 180 phi tần của nhà vua ra thành 2 nhóm và cử hai người ra làm chỉ huy.
Tranh vẽ mô tả Tôn Tử.
Sau đó, ông hạ lệnh cho họ rẽ phải. Tuy nhiên, những nữ nhân đó vẫn cười khúc khích khi nghe thấy mệnh lệnh. Tôn Tử quay sang nhà vua và thưa rằng một vị tướng phải chịu trách nhiệm đảm bảo rằng binh lính của anh ta phải hiểu và nghe theo mệnh lệnh của mình, còn nếu họ không hiểu thì "vị thủ quân" đó là người có lỗi.
Sau đó, Tôn Tử quay sang và lặp lại mệnh lệnh của mình với hai vị cung phi chỉ huy, nhưng họ vẫn tiếp tục cười đùa, nên ông ra lệnh xử tử 2 người chỉ huy để thị uy, mặc dù nhà vua đã phản đối.
Kết quả là sau đó, nhờ tài năng chỉ huy của mình, tất cả những nữ nhân hậu cung còn lại đều nghiêm túc chấp hành huấn luyện, nghe theo mệnh lệnh của Tôn Tử hệt như những binh lính thực thụ khiến cho vua Hạp Lư rất khâm phục và trao cho ông vị trí tướng quân.
Tôn Tử cho rằng đỉnh cao của binh pháo là có thể khiến kẻ địch khuất phục mà không cần đánh. Ảnh minh họa
Một sự thật thú vị là mặc dù là tác giả viết ra cuốn binh thư nổi tiếng, nhưng Tôn Tử lại là người không ủng hộ chiến tranh.
Minh chứng đã được các nhà nghiên cứu đưa ra trong việc chỉ ra câu nói nổi tiếng của ông trong "Binh pháp Tôn Tử": "Đỉnh cao của binh pháp là khuất phục kẻ địch mà không cần chiến đấu". Ông có xu hướng sử dụng những phương tiện tâm lý để đánh bại kẻ thủ.
Bên cạnh đó, Tôn Tử cũng chỉ ra rằng một người chỉ huy tài giới có thể cần phải có khả năng tùy cơ ứng biến, biết địch biết ta, nhằm phá vỡ những liên minh của kẻ địch, tránh xung đột, đổ máu và tấn công bất ngờ lúc kẻ địch không phòng bị,...
Tranh cãi về sự tồn tại của bậc thầy binh pháp Tôn Tử
Dù tuyệt tác binh pháp rất nổi tiếng, nhưng nghi vấn về sự tổn tại của Tôn Tử là ẩn số khiến cho nhiều nhà nghiên cứu bối rối ít nhất là kể từ thế kỷ 12. Tôn Tử có phải là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc thời cổ đại?
Một số cho rằng Tôn tử không có thật là dựa vào việc không tìm thấy tên của ông trong Tả truyện, một tác phẩm nổi tiếng lâu đời của Trung Quốc về lịch sử, đặc biệt phản ánh thời kỳ Xuân Thu.
Mặc dù là "cha đẻ" của cuốn binh pháp nổi tiếng thế giới suốt hơn 2.500 năm, nhưng không ít nhà nghiên cứu vẫn còn tranh luận về sự tồn tại của Tôn Tử trong lịch sử. Ảnh: Internet
Trong cuốn sách nổi tiếng này đều đề cập đến tên tuổi của hầu hết các nhân vật nổi bật nhất lúc bấy giờ, nhưng việc thiếu tên của cha đẻ "Binh pháp Tôn Tử", dù có nhắc đến một cuộc chiến Bách Cử giữa hai nước Ngô – Sở mà ông từng chỉ huy vào năm 506 TCN, khiến nhiều người nghi ngờ về sự tồn tại của ông.
Dù vậy, nhưng "công trình" binh pháp đồ sộ mà Tôn Tử để lại suốt hơn 2.500 năm qua đã để lại cho hậu thế nhiều giá trị, bài học về quân sự, tài năng, phẩm chất của người lãnh đạo, biết người biết ta, trăm trận trăm thắng,...
Không những có ảnh hưởng lớn tới những chiến thuật, thao lược quân sự, binh pháp của Tôn Tử thậm chí còn có tác động không nhỏ tới nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống như giáo dục, kinh tế,...
Sau cùng, ông vẫn còn là một nhân vật bí hiểm mà các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn chưa thể giải mã được.
End of content
Không có tin nào tiếp theo