Ảnh hiếm có dinh thự cổ nổi tiếng nhất Sài Gòn xưa
Dinh Gia Long (nay là Bảo tàng TP HCM) là một trong những dinh thự cổ nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn xưa. Cùng xem những hình ảnh quý giá về công trình này một thế kỷ trước.
Chuyện bí ẩn quanh tượng Phật bằng đồng cổ nhất Sài Gòn / Sài Gòn thập niên 1960 tuyệt đẹp trong ảnh phó nháy Việt
Dinh Gia Long ở Sài Gòn thập niên 1920. Được xây dựng với mục đích làm Bảo tàng Thương mại để trưng bày sản phẩm Nam Kỳ, tòa nhà được khởi công vào năm 1885 và hoàn thành năm 1890 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux.
Cận cảnh hai trụ cổng của Dinh Gia Long, khoảng năm 1880-1890 (hai trụ này bị dỡ bỏ ít năm sau khi Dinh được xây). Tòa nhà có diện tích mặt bằng rộng hơn 1.700 m², gồm hai tầng với một tòa nhà chính và hai dãy nhà ngang, thiết kế theo phong cách cổ điển – phục hưng, kết hợp Âu – Á.
Hình ảnh Dinh Gia Long trên một bưu thiếp cổ của Pháp. Ban đầu ở hai bên cửa chính tòa nhà có hai cột trụ trang trí bằng hai tượng nữ thần Thương nghiệp và Công nghiệp. Năm 1943, Thống đốc Nam Kỳ Ernest Thimothée Hoeffel cho phá bỏ hai tượng này để xây dựng một mái hiên.
Góc nhìn chéo về mặt tiền Dinh Gia Long. Mặt tiền tòa nhà được trang trí bằng rất nhiều tác phẩm điêu khắc tinh xảo.
Dinh Gia Long nhìn từ vườn phía sau. Trong lịch sử tồn tại, dinh thự đã rất nhiều lần đổi chủ, được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như bảo tàng, dinh thống đốc, dinh khâm sai, dinh tổng trấn, dinh thủ tướng… Tên gọi Dinh Gia Long có từ năm 1954, do Quốc trưởng Bảo Đại đặt.
Dinh Gia Long nhìn từ đường De Lagrandière, nay là đường Lý Tự Trọng. Từ năm 1955, tòa nhà này được dùng làm Dinh Quốc khách. Ngày 27/2/1962, Dinh Độc Lập bị ném bom, Ngô Đình Diệm chuyển sang Dinh Gia Long và ở đây cho đến ngày bị đảo chính lật đổ vào tháng 11/1963.
Phối cảnh mặt đứng kiến trúc nguyên bản của Dinh Gia Long.
Dinh Gia Long trong một bức ảnh chụp năm 1964. Sau 1975, tòa nhà tạm thời bị bỏ không. Đến năm 1978, TP HCM ra quyết định sử dụng tòa nhà này làm Bảo tàng Cách mạng TP HCM. Đến năm 1999 thì bảo tàng chuyển đổi thành Bảo tàng TP HCM như hiện nay.
Theo T.B/Kiến thức
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo