Quanh bức tường đá trăm tuổi bên đường Phùng Hưng, sự thâm trầm của lịch sử và dòng chảy sôi động của cuộc sống dường như đã hòa quyện để tạo nên một không gian độc đáo, mang đậm bản sắc Hà Nội.
Nhắc đến đường Phùng Hưng ở Hà Nội, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh của bức tường xây bằng đá tảng chạy dài hàng km dọc theo tuyến đường này. Phía sau bức tường đó là cả một phần lịch sử của Hà Nội.
Ít ai biết rằng, đường Phùng Hưng xưa kia là hào nước của thành Hà Nội. Năm 1893 - 1894 thành bị phá dỡ, hào bị lấp và trở thành đường. Bên con đường ấy, người Pháp dùng đá lấy từ thành Hà Nội để xây cầu dẫn dành cho xe lửa. Thành cầu chính là “bức tường” mà mọi người biết đến.
Cây cầu trên đường Phùng Hưng xây bằng đá của thành Hà Nội, vị trí lại gần như trùng khớp với tường phía Đông của thành, nên trên một chừng mực nào đó, nó là một dấu tích đặc biệt của tòa thành lịch sử.
Cây cầu dẫn kéo dài từ cuối đường Phùng Hưng đến tận ga Long Biên. Riêng đoạn trên đường Phùng Hưng dài gần 1 km. Phần phía Nam thấp hơn và bức tường đá được xây liền mạch.
Phần phía Bắc chia thành 75 nhịp. Mỗi nhịp có một mái vòm được xếp bằng đá tảng theo kiểu múi cam. Phía trên mỗi vòm có đánh số bằng sơn.
Thời xưa nhiều vòm được mở để làm lối đi lại, sau này bị bịt lại. Ngày nay chỉ còn một vòm duy nhất được mở, đó là vòm số 9, thông ra ngõ Nàng Hương.
Gần đây, trên các vòm cầu bị bịt ở đầu phố, người ta đã vẽ những bức tranh lớn rất sinh động, khiến đoạn này được gọi là phố bích họa. Trong tương lai gần, 6 vòm ở đây sẽ được đục thông để làm không gian văn hóa.
Ở đầu phía Nam của cầu dẫn có một cầu thang được mở để người dân đi lên trên cầu.
Trên mặt cầu, cách một quãng lại có một lan can bằng đá được xây nhô ra để làm nơi tránh tàu cho người qua lại.
Sau hơn 100 năm tồn tại, bức tường đá của cây cầu dẫn đường sắt vẫn rất vững chắc, hàng ngày chống đỡ cho nhiều chuyến tàu ra vào ga Hà Nội.
Nét cổ xưa của các phiến đá được tôn lên bởi các loài cây cỏ dại. Dù vậy, cây cầu không mang vẻ lạnh lẽo và cô quạnh thường thấy ở các công trình bằng đá.
Sinh hoạt đời thường của người dân gắn với cây cầu khiến khung cảnh trở nên sống động và ấm cúng.
Ở nơi đây sự thâm trầm của lịch sử và dòng chảy sôi động của cuộc sống dường như đã hòa quyện để tạo nên một không gian độc đáo, mang đậm bản sắc Hà Nội...
Theo Quốc Lê/Kiến thức
Theo Quốc Lê/Kiến thức