Khám phá

Bí ẩn xóm nhỏ ở Hải Phòng, trong 3 năm có 40 người bỏ mạng liên tiếp vì đột tử, tai nạn

Khoảng 3 năm, trên dưới 40 người tại thôn Phác Xuyên đã bỏ mạng một cách vô cùng bí ẩn, hầu hết là đột tử, tai nạn giao thông.

Những bí ẩn xung quanh Hồ nước ngọt sâu nhất hành tinh / Long mạch vua chúa Việt “phát” thế nào?: Nối lại nhờ Lý Công Uẩn

Nhà ngoại cảm “nhìn thấy vong hồn” người anh hùng trẻ tuổi bị giặc hành hình

Khi nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà đi về đầu thôn Phác Xuyên, bỗng dưng ông cảm thấy đầu óc tê buốt, chân tay giá lạnh, mặt đỏ phừng phừng. Chỉ vào bãi rác ở đầu thôn, ông quát lớn như thể có ai đó nhập vào: “Nơi đây có người chết oan nghiệt quá, tại sao mọi người lại đổ rác vào đây? Phải dọn ngay, vì ở đây có một linh hồn rất thiêng”. Người dân trong thôn Phác Xuyên rùng mình khiếp hãi, vì nơi mà ông Cung Hà chỉ vào chính là địa điểm khi xưa anh hùng thiếu niên PD bị địch hành hình man rợ.

Bi an xom nho o Hai Phong trong 3 nam co 40 nguoi bo mang lien tiep vi dot tu, tai nan hinh anh 1

Một xóm của thôn Phác Xuyên đã trở nên âm u, tang tóc sau hàng loạt cái chết liên tiếp .

Lời cầu cứu của ông Tổng cục trưởng

Nằm cách không xa trung tâm của huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), thôn Phác Xuyên là một làng thuần nông nghiệp. Trong khoảng từ năm 2008-2010, thôn này bỗng xảy ra những hiện tượng khác thường. Ông Trần Đình Đạt, thời điểm ấy là trưởng thôn Phác Xuyên, kể rằng: Cả xóm có hơn 40 người chết trẻ, mỗi gia đình trong xóm đều có từ 1 đến 2 người chết trẻ, trẻ em thì chết đuối, tai nạn; thanh niên thì bệnh tật chết, và rất nhiều phụ nữ về làm dâu trong xóm bị chết bất đắc kỳ tử.

Những cái chết thường xuyên, không rõ nguyên nhân gây nên làn sóng hoang mang, khiếp hãi cho người dân. Nhiều gia đình bỏ làng đi nơi khác hòng tránh nguy tai. Không biết khởi nguồn từ đâu, hàng loạt lời đồn đại mê tín như động long mạch, hay rắn có mào bắt người, hoặc là cô hồn dã quỷ hoành hành… lan rộng tại thôn quê này.

Thời gian đó, thôn làng Phác Xuyên không ngày nào được bình yên, không khí nặng nề với mùi nhang khói, nếu không phải là đám ma thì cũng là thầy cúng lập đàn bắt quỷ (về chi tiết những việc này, phóng viên xin gửi đến ở những kỳ sau).

Trong thôn làng hẻo lánh đó, có gia đình ông Nguyễn Ngọc T., thời điểm năm 2010 đang đương chức tổng cục trưởng một tổng cục quan trọng của Nhà nước. Gia đình ông T. giàu có và thế lực, cũng đã chuyển ra Hà Nội sinh sống từ lâu.

 

Bi an xom nho o Hai Phong trong 3 nam co 40 nguoi bo mang lien tiep vi dot tu, tai nan hinh anh 2

Nhà ngoại cảm Cung Hà chia sẻ rằng ông đã thấy “vong” của anh hùng PD.

Tuy nhiên, vị này vẫn nặng lòng với quê hương, thường xuyên kêu gọi những khoản tiền hàng trăm triệu để giúp cho địa phương. Khi phát sinh biến cố là hàng loạt người dân tử vong bất thường, ông trưởng thôn Trần Đình Đạt không biết làm thế nào, đành đem câu chuyện thuật lại với vị Tổng cục trưởng nhằm tìm phương sách. Nghe chuyện, ông T. vỗ vai trưởng thôn, nói như đinh đóng cột: “Được rồi, tôi sẽ giúp thôn mình giải cái họa này”.

Do mối quan hệ thân thiết từ trước, ông T. đã tìm gặp thiếu tướng Nguyễn Chu Phác (Chủ nhiệm bộ môn cận tâm lý của Viện nghiên cứu tiềm năng con người, thời điểm đó còn tại thế). Nghe qua câu chuyện, bản thân thiếu tướng Chu Phác đã có những nhận định riêng về nguyên nhân gây ra thảm kịch, tuy vậy, để đảm bảo giải quyết thấu triệt căn nguyên của những cái chết liên tiếp, thiếu tướng Chu Phác đã yêu cầu nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà về địa phương để nghiên cứu, xem xét và khắc phục hóa giải.

Giật mình khi “thấy vong linh” không trọn vẹn

Được ông Tổng cục trưởng thông báo về sự xuất hiện của nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà, lãnh đạo xã Bạch Đằng đón tiếp chu đáo. Đồng thời, họ thống nhất với nhau không đề cập bất cứ chi tiết nào của câu chuyện chết chóc xảy ra tại thôn Phác Xuyên như một thử thách đối với nhà ngoại cảm.

 

Sau khi dùng bữa xong, thầy Cung Hà nhờ người lấy một tấm bản đồ địa chính của xã, thầy lấy bút khoanh lại một vùng và dấu vị trí cần phải xem trước. Ông nhấn mạnh rằng thế đất ở đó là rất xấu về mặt phong thủy địa lý. Mọi người ồ lên công nhận đấy chính là vị trí của cái xóm có nhiều người chết trẻ.

Nhà ngoại cảm đi về xóm, theo sau là lãnh đạo xã Bạch Đằng và hàng trăm người dân hiếu kỳ. Thấy một bãi rác thải ở đầu xóm, nhà ngoại cảm khựng lại một lúc, mặt ông đỏ lên, chỉ tay vào bãi rác nói rất to như là ai đó nhập vào: “Nơi đây có người chết oan nghiệt quá, tại sao mọi người lại đổ rác ở đây, phải dọn sạch ngay, vì ở đây có một linh hồn rất thiêng”.

Bi an xom nho o Hai Phong trong 3 nam co 40 nguoi bo mang lien tiep vi dot tu, tai nan hinh anh 3

Người dân thôn Phác Xuyên vẫn còn kinh hoàng khi nhắc đến những cái chết bất thường hồi năm 2010.

Hồi tưởng lại sự kiện hôm đó, nhà ngoại cảm Cung Hà kể với phóng viên: “Thực sự là tôi bị sốc khi nhìn thấy vong của người đứng ở bãi rác. Đó là một thiếu niên chừng 13-14 tuổi, mặt mày bê bết máu, hốc hác, còm cõi. Người này đã chết một cách hết sức khủng khiếp, bi thảm. Chỉ nghĩ lại thôi mà tôi cũng rùng mình: Chân tay của vong này bị chặt hết, máu tóe loe. Bụng bị mổ phanh ra, trong bụng chỉ thấy một mớ lều nhều chứ không rõ bộ phận gì cả.

Nhưng điều mà tôi nhớ rõ ràng nhất về vong này là ánh mắt cực kỳ kiên định, khí thế bất phàm. Có thể nói, trước lúc chết, người đó đã giữ một tinh thần vô cùng dũng mãnh, bi tráng. Cũng vì thế, vong hết sức linh thiêng, thậm chí có thể nói là “hiển thánh”. Thế nhưng người dân vô tình không biết việc nên đã mạo phạm bằng cách đổ rác thải sinh hoạt lên khu vực “Ngài” hóa. Từ đó mới nảy sinh các tai ương, chết chóc của thôn làng như ông trưởng thôn đã đề cập”.

 

Người dân thấy lời nói của nhà ngoại cảm hết sức chính xác. Tại bãi rác của xóm, mọi người đều công nhận từng xảy ra cái chết oan nghiệt của anh hùng thiếu niên, liệt sỹ PD. Nói về anh hùng PD (1938-1953), các tư liệu lịch sử đều nêu rõ, ông là một nhân vật nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của Việt Nam, đồng thời là một trong số ít các thiếu niên Việt Nam được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Anh hùng PD sinh ra trong một gia đình lao động nghèo tại làng Phác Xuyên, cha là thợ mộc, mẹ làm thuê kiếm sống nuôi hai chị em. Nhà nghèo, PD phải đi ở cho một nhà giàu. Năm 15 tuổi, PD trở thành đội viên du kích xã, làm giao liên, trinh sát và trực tiếp tham gia chiến đấu trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bi an xom nho o Hai Phong trong 3 nam co 40 nguoi bo mang lien tiep vi dot tu, tai nan hinh anh 4

Tượng đài một vị anh hùng thiếu niên tại thị trấn Tiên Lãng.

PD được chọn vào tổ quân báo của du kích làm nhiệm vụ theo dõi địch, đặt mìn, vót chông, giấu cán bộ xuống hầm bí mật. Hiện tại, còn lưu truyền nhiều câu chuyện về sự anh dũng và mưu trí của cậu bé yêu nước PD. Ví dụ, PD bắt cóc buộc vào ống bơ thả vào đồn làm cho giặc ăn không ngon ngủ không yên; đánh trâu lồng húc thẳng vào bọn giặc, cứu anh phụ trách…

Một hôm giặc đi càn, chúng bắt được PD rồi ép phải chỉ hầm bí mật. Chúng chặt một tay rồi hai tay, PD vẫn không khai nửa lời. Cuối cùng, chúng đã chặt người vị thiếu niên anh hùng này ra từng khúc. PD đã hi sinh vì quê hương đất nước – chính tại địa điểm mà sau này bị người dân vô ý biến thành bãi rác.

 

Nhà ngoại cảm Cung Hà nhận định: “Cái gì cũng có nhân, rồi mới có quả. Việc đổ rác lên nơi hi sinh của liệt sỹ đã hi sinh anh dũng có thể chỉ là hành động vô tình, song, chính việc ấy khiến cho vong linh phải chịu cảnh ô uế. Người ta đã vì đất nước mà quên thân, sao mình lại quên? Theo tôi, những cái chết bất đắc kỳ tử tại thôn Phác Xuyên có một phần nguyên nhân từ việc đó”.

“Tôi vẫn thường mơ thấy cậu hiển linh”

Tại Tiên Lãng (Hải Phòng), anh hùng thiếu niên PD được rất nhiều người dân kính ngưỡng, không chỉ vì sự hi sinh bi tráng, mà còn do sự linh thiêng đã trở thành truyền thuyết của liệt sỹ trẻ tuổi này. Khi tìm về địa phương, phóng viên được biết liệt sỹ D. còn một người cháu ruột, gọi liệt sỹ là cậu, hiện đang sinh sống tại thôn Phác Xuyên.

Để tìm hiểu rõ về những câu chuyện liên quan đến sự linh thiêng của liệt sỹ D, và xác minh những tin đồn cho rằng hàng chục người dân đột tử trong thời gian ngắn vì xúc phạm anh linh liệt sỹ, phóng viên đã tìm gặp người này – tên gọi Trần Đình Thích, năm nay cũng hơn 60 tuổi.

Bi an xom nho o Hai Phong trong 3 nam co 40 nguoi bo mang lien tiep vi dot tu, tai nan hinh anh 5

Ông Thích thắp hương trong đền thờ liệt sỹ PD.

 

Đã nghỉ hưu từ lâu, nhưng ông Thích vẫn rất nhanh nhẹn và mạnh mẽ. Biết được rằng chúng tôi đến tìm hiểu về liệt sỹ PD, cũng là niềm tự hào của gia đình, ông Thích hồ hởi tay bắt mặt mừng.

Ông kể: “Ông bà ngoại tôi sinh được mấy người con, nhưng nghèo đói quá nên các cậu đều chết trẻ. Ông bà ngoại cũng không sống thọ, đến khi cả hai ông bà qua đời thì chỉ còn mẹ tôi là bà Phạm Thị Ếch (bà Ếch mới mất vài năm trước, nếu còn tại thế thì năm nay 90 tuổi – PV) và cậu D. Mẹ tôi và cậu dựa vào nhau mà sống. Cả hai chị em phải đi làm thuê cho một nhà giàu có ở trong vùng. Mẹ tôi làm việc vặt trong nhà, còn cậu D. đi chăn trâu. Năm 1952-1953, cậu vừa chăn trâu vừa làm giao liên cho du kích. Thời điểm ấy, giặc Pháp thường xuyên càn quét, bắt bớ du kích và những người dân yêu nước”.

Ông Thích bùi ngùi: “Đến ngày 30/8/1953, làng Phác Xuyên lại chìm trong lửa đạn trả thù của quân Pháp và tay sai. Trước hỏa lực hùng mạnh của quân Pháp, các du kích quân buộc phải rút xuống hầm trú ẩn. Địch tràn vào làng đốt phá, lùng sục. Không may cho cậu tôi, địch lại đặt súng cối trên nóc hầm bí mật của cậu nên đất sụt xuống, chúng đã đào bới tìm ra hầm và bắt được cậu D. cùng một số du kích quân khác – đến nay vẫn còn nhân chứng nằm cùng hầm với cậu là bà Thục.

Quân Pháp bắt trói cậu D. và tra tấn rất dã man nhằm buộc cậu phải chỉ điểm các hầm bí mật còn lại. Cậu tôi nói lớn vào mặt kẻ địch cốt để báo động cho các chiến sĩ khác đang ẩn nấp quanh khu vực đó biết: “Đúng, tao biết nhiều hầm nhưng không phải là để khai ra với chúng mày!”. Tên quan ba Pháp nổi tiếng tàn ác cầm dao chặt lìa một cánh tay của cậu D. Trong đau đớn, cậu vẫn giữ khí tiết.

Nhằm khủng bố tinh thần của cậu cũng như những chiến sĩ du kích khác, quân Pháp cắt từng đoạn chân của cậu, lại mổ cả bụng cậu cho đến chết nhưng vẫn không khai thác được gì. Cậu chết một cách bi tráng như thế nên đối với nhân dân, tất cả mọi người từ già đến trẻ đều rất tôn kính cậu. Cả Hải Phòng chỉ có anh hùng D. ngang với anh Kim Đồng, còn lại là những anh hùng thời sau.

 

Bi an xom nho o Hai Phong trong 3 nam co 40 nguoi bo mang lien tiep vi dot tu, tai nan hinh anh 6

Ông Thích thắp hương trong đền thờ liệt sỹ PD.

 

Cậu tôi linh lắm, lúc nào cũng phù hộ cho con cháu và người dân trong vùng. Bản thân tôi cũng từng nhiều lần mơ thấy cậu hiển linh, báo mộng cho nhiều sự việc, mà sau này tôi nghiệm ra là rất chính xác. Hoặc, trong họ có một cô cháu gọi cậu là ông, cô này đi lấy chồng mãi tận Thái Nguyên.

Thế nhưng mà mãi không có con. Nó đi xem bói, thì bà thầy bảo là trong họ ngoại có vong thiêng lắm, phải làm lễ xin thì mới có con được. Hai vợ chồng nó sực nhớ ra ông liệt sỹ D., thế là cả hai vợ chồng mua lễ về đây thắp hương, xì xụp khấn vái mãi. Mấy tháng sau thì tôi nghe tin là đứa cháu đó đã mang thai”.

Lạnh sống lưng đứng giữa xóm nhỏ hoang tàn

Được hỏi về tin đồn nhiều người trong xóm chết bất thường do bất kính với hương hồn liệt sỹ D., ông Thích rơi vào trầm ngâm một hồi rồi thủng thẳng đáp: “Trước đây ở cái ngõ, dải này, có nhiều người chết bất đắc kỳ tử, chết trẻ gắn liền với với đề tâm linh. Nhưng không phải vì vấn đề đấy mà nói là liên quan đến cậu D. hay là không liên quan.

 

Chỉ biết rằng, cái vị trí trước kia mà thằng quan Ba giết cậu, thì vốn đó là cánh đồng cạn, sau đó hợp tác xã đào thành ao thả cá. Về sau này, người dân không biết, nên cứ đổ rác vào đấy. Thối lắm, ai đi qua cũng phải bịt mũi. Các cụ thường bảo là “trần sao âm vậy”, tức là mình thấy khó ngửi, thì người chết cũng cảm thấy khó chịu, phải không ạ?

Ông Thích thân chinh dẫn phóng viên đi “tham quan” một góc của thôn Phác Xuyên, khu vực thầy phong thủy Nguyễn Cung Hà chỉ là địa thế xấu, cũng là nơi đã xảy ra nhiều cái chết liên tiếp trong khoảng các năm từ 2008 đến 2010. Hoang tàn – đấy là những từ đầu tiên xuất hiện trong đầu phóng viên khi chứng kiến một quang cảnh vô cùng vắng lặng, tiêu điều, âm u ở góc thôn Phác Xuyên.

Dọc theo con hẻm nhỏ, ngoài ngôi đền thờ mới xây và 2 căn nhà thờ họ, các ngôi nhà hầu hết đều bỏ trống. Tường tróc lở, cánh cửa gỗ bong sơn xộc xệch cho thấy chủ nhân của những ngôi nhà này đã bỏ đi từ lâu – hay là chết từ lâu! Cơn gió lạnh se se thổi vào hàng cây xào xạc khiến cho người viết và ông Thích đều bất giác rùng mình. Dường như, hơi lạnh của sự chết chóc rõ ràng đến mức có thể chạm vào được, hoặc ít nhất là cũng cảm thấy rất rõ ràng.

Giọng ông Thích vang lên đều đều: “Mấy nhà toàn chết 2 hay 3 người. Đây, nhà bà Nguyễn Thị G., chồng là ông K., chết hết. Kia là nhà anh Trần Trung N., đương đêm bị cảm chết. Nhà anh Bùi Tiến L., cảm chết. Bà Phạm Thị L., ung thư chết. Bùi Tiến N. cảm chết. Nguyễn Ngọc D., đột tử – ông này mới ngoài 50 tuổi thôi, cảm một tý là chết ngay. Anh Bùi Thành K. chết đột tử. Anh Trần Chí K., cũng đột tử.

Con anh K. cũng chết đột tử. Nguyễn Ngọc N., Phạm Khắc P., Phạm Khắc T. thì tai nạn chết. Ông T. ở đầu ngõ, cực kỳ khỏe mạnh, trưởng họ đấy. Ông ý cày gẫy cả cày thế mà cũng chết ngay trong đêm. Giật đùng đùng, thét lên vài tiếng vang cả nhà, rồi chết thẳng đơ. Hay trường hợp của ông Phan Lương M., ông này bơi lội rất tài, từ trẻ đã nổi tiếng với nghề đánh lưới.

 

Thế nhưng mà lại chết giữa lòng con mương nước cạn đến đầu gối. Người ta đồn rằng những người ấy bị “quở” nên mới chết bất minh như vậy. Tuy nhiên, ai “quở” thì tôi chịu không biết được. Dân làng cũng không ai biết, họ chỉ đối phó bằng cách bỏ nhà bỏ cửa đi ở nơi khác. Ví như trường hợp của ông Trần Chí C., ông ta kinh quá, không ở được, bỏ nhà đi nơi khác, đến nhà mẹ đẻ ở”.

Đi đến cuối hẻm, vị trí góc xóm nhỏ là một ngôi đền mới xây dựng khang trang, trên nóc ngôi đền ghi rõ “Đền thờ anh hùng PD”. Đây là công trình mới được xây dựng trên chính vị trí khi xưa liệt sỹ D. đã bị giặc hành hình, cũng là nơi người dân vô ý biến thành bãi rác trong thời gian dài trước khi xảy ra biến cố chết chóc. Ông Thích kể: “Sau khi nhà ngoại cảm xác định nguyên nhân dẫn đến thảm kịch của xóm này, thì ông ấy nói là phải xây dựng ngôi đền để hóa giải sự oán giận của vong, đồng thời tưởng nhớ đến sự hi sinh anh dũng của cậu tôi.

Tuy nhiên, ông trưởng thôn nói là phải xin ý kiến của nhiều cấp lắm, với lại không có kinh phí. Nhà ngoại cảm biến sắc, bảo là ông trưởng thôn nói thế thì ông ấy sẽ gặp nạn mất thôi. Quả nhiên, thời gian sau thì ông trưởng thôn qua đời thật – không biết là trùng hợp hay nhà ngoại cảm đã tiên đoán chính xác. Thấy tình hình như thế, bác Tổng cục trưởng đã đề xuất với xã là mời doanh nghiệp ở nơi khác về xây đền.

Đối với bác ấy thì việc này đơn giản. Vài tháng sau, một doanh nghiệp to đã mang tất cả mọi thứ, từ vật liệu đến nhân công, về đây để xây đền. Họ chỉ xin đất của địa phương thôi. Tổng cộng công trình làm mất 4 tỷ. Từ khi có ngôi đền, quả nhiên tình hình chết chóc bất thường ở khu vực này hầu như biến mất.

Người dân trong thôn đều tin vào sự linh thiêng của liệt sỹ, nên thường ra đền cúng bái vào các ngày rằm, mùng một hoặc khi có sự việc gì trọng đại. Thậm chí, học sinh khi kết nạp Đoàn cũng được đưa đến đền này để học tập tấm gương dũng cảm của anh hùng thiếu niên PD”.

 

Bi an xom nho o Hai Phong trong 3 nam co 40 nguoi bo mang lien tiep vi dot tu, tai nan hinh anh 7

Một chuyến đến thăm nhà tâm linh của bà Nhẽ.

Thấy “cậu” về trong mơ, bỗng dưng khỏi bệnh hiểm nghèo

Sau khi ngôi đền thờ anh hùng liệt sỹ P.D được xây dựng, đơn vị thi công đã nhờ cậy vợ chồng ông Trần Đình Thích và vợ là bà Nhẽ trông nom, hương khói – họ là những người thân gần gũi nhất với liệt sỹ D. Ông Thích là một người trực ngôn, ăn to nói lớn và có phần hơi “cứng nhắc”.

Ông nhất định không tin vào chuyện tâm linh, thứ mà ông nhấn nhá là “thiếu tư tưởng biện chứng”. Tuy nhiên, bà Nhẽ lại không phải là người như vậy. Bà Nhẽ tín lắm, bà rất tin rằng giữa gia đình bà và liệt sỹ D. có mối liên hệ bí ẩn, khăng khít không chỉ về mặt huyết thống mà còn về mặt “âm”.

Ngay cả chuyện bà Nhẽ về làm dâu họ Trần, bà cũng cho rằng có sự tác động của thế lực tâm linh, cụ thể là “cậu D”. Bà kể thế này: “Hồi xưa, nói không phải khoe, tôi cũng là một trong những cô xinh nhất làng. Tôi có học hành đầy đủ, với lại gia đình gia giáo, bề thế. Đáng lẽ tôi đã được gả cho một ông ở ngoài thị trấn Tiên Lãng rồi, nhưng mà “cậu” lại chấm tôi cho ông Thích.

 

Bi an xom nho o Hai Phong trong 3 nam co 40 nguoi bo mang lien tiep vi dot tu, tai nan hinh anh 8

Bà Nhẽ diễn tả lại động tác chào kiểu quân đội khi “vong” của liệt sỹ P.D nhập vào cô đồng.

Không phải là tôi tự nghĩ ra như vậy đâu nhé! Tôi vẫn còn nhớ, lúc tôi chưa lấy chồng, một hôm tôi đang ngồi chơi ở nhà thì bỗng nhiên ngủ gật. Tôi chìm vào giấc mơ, trong đó tôi thấy một cậu bé cỡ 15 tuổi mặc áo nâu, chân đất đến nắm tay tôi và kéo đi. Đến một ngôi nhà – sau này tôi mới biết là nhà ông Thích – “cậu” đẩy tôi vào, rồi sau đó tôi choàng tỉnh. Trời xui đất khiến thế nào, mấy ngày sau đó tôi gặp ông Thích rồi nên duyên chồng vợ”.

Trò chuyện hồi lâu với bà Nhẽ, càng nhận ra rằng niềm tin tâm linh của người phụ nữ này rất sâu sắc. Theo chia sẻ của bà, lý do mà bà tin tưởng vào sự linh thiêng của liệt sỹ D. là vì bà và gia đình luôn cảm nhận được sự che chở, giúp đỡ của hương hồn liệt sỹ. Ngay cả khi bà Nhẽ đau ốm thập tử nhất sinh, bà cũng chỉ một lòng cầu khẩn người cậu quá cố.

Bà kể: “Hồi tôi ốm sắp chết, chắc cách đây 20 năm rồi, đi khám ở đâu cũng bảo không có bệnh. Tự dưng trong người tôi như là có một con người khác ấy, nó làm cho đầu óc tôi trì trệ, chân tay chậm chạp. Đến cả lời nói đôi khi cũng không phải của mình, miệng nói ra đấy nhưng đầu lại nghĩ một cách khác. Quan trọng nhất là tôi không ăn, không uống được. Cơ thể cứ lả đi, sắp chết.

Ông Thích đưa tôi đi khám bệnh 6,7 lần, ra lấy thuốc ở Chí Linh – Sao Đỏ, mấy lần lấy thuốc, cứ về đến nhà thì miệng tôi lại bảo không phải thuốc. Nhất định không uống, ông nhà tôi ép thế nào tôi cũng không uống – nhưng rõ ràng đó là cái thuốc mà tôi đi cùng với ông ấy lấy về. Các thầy bảo là tôi bị vong nhập, cái vong nó mượn xác tôi để tác oai tác quái. Thế là nhà tôi phải mở khóa lễ để trục vong cho tôi.

 

Cúng bái linh đình 3 ngày, tốn kém lắm, nhưng tôi vẫn cảm thấy người gá ở trong tôi không đi đâu cả. Các thầy bảo là chịu chết, không trục được cái vong trong người tôi, vì nó mạnh quá. Tôi chẳng biết làm thế nào, chỉ biết thắp hương xin “cậu” đuổi cái vong đi. Đang đêm, tôi nằm mơ thấy “cậu”, người đậm đậm mặc cái quần nâu đến gối, áo may ô, bảo rằng: “Cậu D. đây, cậu sẽ đuổi cái thằng láo toét gá vào người cháu đi”. Từ đấy tôi thắp hương cậu. Bệnh cứ dần dần khỏi chứ không phải thuốc thang gì”.

Lời thầy bói ứng nghiệm khiến bà Nhẽ kinh hoảng

Chứng kiến bà Nhẽ kể chuyện, ông Trần Đình Thích chỉ cười cười. Ở với nhau bao nhiêu năm, ông cũng biết vợ ông là người ưa tâm linh, thích các chuyện về vong linh, hay đi chùa đi bói. Ông tỏ ra thờ ơ: “Đi đâu người ta cũng bảo nhà Nhẽ nhà tôi có căn, dễ bị “nhập” lắm. Bà ấy thường nhìn thấy hồn ma bóng quế của rất nhiều người, chứ không riêng gì hồn ma của cậu tôi”.

Bà Nhẽ cự lại: “Chuyện của cậu, không phải chỉ một mình tôi nói, mà cả huyện này đều nói là cậu linh thiêng. Tôi đã đến nhà cô Mùi (xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng), cô ấy cũng bảo là cậu bây giờ đã thành Thánh rồi, cậu lo cho dân cho nước, chứ không phải chỉ lo chuyện một làng, một xã”.

Đang dở câu chuyện, bà Nhẽ giãi bày tiếp: “Hôm đi xem tâm linh, đặt lễ xong người ta bảo nhà ai có liệt sỹ thì vào. Tôi cứ ngơ ngác ra, xong họ nói: “Ai là cháu liệt sỹ, có người nhà què chân, què tay thì vào”. Tôi vào gặp cô đồng, thấy cô giơ tay chào kiểu quân đội. Tôi vẫn không thừa nhận là có người nhà như thế, cứ để xem thế nào. Tôi hỏi: “Ông là ai? Có phải ông không?

 

Bi an xom nho o Hai Phong trong 3 nam co 40 nguoi bo mang lien tiep vi dot tu, tai nan hinh anh 9

Bí thư Lập nói về hiện tượng tâm linh tại thôn Phác Xuyên.

Ông xưng tên đi”. “Ta là cậu của cháu, cậu đau tay đau chân, nó chặt què chân của cậu, cậu không vào được, cậu phải nhờ các bạn đưa về đây. Xe để ở ngõ kia kìa”. Sau đấy, cậu hoan hô, bảo mừng quá. Tôi hỏi cậu hoan hô cái gì. Cậu bảo mừng quá, người ta xây đền thờ của cậu. Nhưng mà cậu buồn lắm cháu ạ. Người ta đổ bao nhiêu rác xuống chỗ của cậu, nên cậu phạt họ đấy.

Tôi khấn: “Cậu phạt cái gì, con lạy cậu, cậu nói cho con biết!”. “Rác nó đổ bao nhiêu, từng bao từng bao một, chỗ người ta yên nghỉ thì chúng nó lại đổ rác. Ta phạt họ đấy, cho chết đến 40 người rồi”. Tôi nói: “Con xin cậu nhé, xóm này người ta ra quét dọn để xây dựng đền. Con xin cậu tha cho xóm họ”. Vậy là “cậu” nói: “Ừ, ta tha cho rồi”. Từ đấy, xóm không có người chết nữa”.

Kết thúc buổi “nhập hồn” kinh dị đó, bà Nhẽ túa mồ hồi ướt cả sống lưng. Bà giấu không dám nói cho một ai trong xóm về những lời từ miệng cô đồng, vì sợ rằng người dân trong làng biết được chuyện chết chóc tai ương có liên quan đến vong linh của liệt sỹ P.D Nhưng, miệng dân sóng biển, không biết bằng cách nào, tin đồn về những cái chết ở làng Phác Xuyên là do bất kính với liệt sỹ D. đã lan ra.

Theo bà Nhẽ, ban đầu cũng có người hiểu lầm, thậm chí tỏ ra oán giận vì liệt sỹ đã trừng phạt cái lỗi mà theo họ là nhỏ nhặt. Song, sau một thời gian, đặc biệt là sau khi ngôi đền được xây dựng ở vị trí liệt sỹ D. hi sinh bi tráng và tai ương không xảy ra nữa, người dân càng lúc càng hiểu ra việc làm chưa đúng của mình với tiền nhân. Hiện tại, người dân thôn Phác Xuyên nói riêng và xã Bạch Đằng nói chung đều dành cho hương hồn liệt sỹ D. sự tri ân tôn kính.

 

Theo VTC
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm