Câu chuyện lạ về ngôi chùa có duy nhất một vị sư và tượng chú ngựa xích thố
Độc đáo ngôi chùa trăm tuổi, nửa Tây nửa ta ở Sài Gòn / Khám phá ngôi chùa Việt lâu đời nhất ở Thái Lan
Toàn cảnh ngôi chùa độc đáo
Nông dân nghèo chặt ngón tay thề xây chùa
Ngôi chùa trang nghiêm, yên tĩnh, tọa lạc tại ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, TX.Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Sư trụ trì Thích Huệ Sanh, tự hào: “Già Lam Cổ Tự nhiều năm liền được bình chọn là ngôi chùa có 145 tượng Phật với cảnh quan đẹp nhất tỉnh”.
Thượng tọa Thích Huệ Sanh năm nay đã qua tuổi 68, đây là vị trụ trì đời thứ 2 của ngôi chùa đặc biệt này, và cũng duy nhất thành kính, ông sống trong chùa này.
Ngôi chùa được 1 nông dân nghèo nhưng tài đức hơn người lập nên.
Thượng tọa Thích Huệ Sanh, trụ trì hiện tại của Già Lam Cổ Tự |
Cách đây hơn 70 năm, ông nông dân tên Phạm Hữu Vinh quê ở tận Sóc Trăng, vì chiến tranh ở vùng quê mình quá ác liệt, ông khăn gói lên vùng đất mới để thuê đất làm ruộng. Vốn am hiểu về thuốc Nam, ông ngày đi làm ruộng, tối về bốc thuốc làm từ thiện giúp dân nghèo.
Năm 1940, ông phát tâm đạo, xin quy y thọ giới vị trụ trì Tây An Cổ Tự (Châu Đốc, An Giang) và được ban pháp danh Thích Huệ Đức. Sau đó, ông trở về Hậu Giang, lập nên chùa Quan Thánh (hay Quan Thánh Đế) để thờ thánh Quan Vũ.
Lúc mới thành lập, chùa Quan Thánh chỉ được dựng nên bằng cây đủng đỉnh (loại cây mọc nhiều ở miền Tây Nam bộ) và lá dừa nước. Tất cả là nhờ công lao đóng góp của những người dân nghèo từng mang ơn ông. Chùa được dựng lên, vị trụ trì mời thợ về đắp 3 pho tượng Quan Vũ và 2 con nuôi của thánh là Quan Bình và Châu Hưng để thờ cúng.
3 pho tượng hoàn tất, mỗi bức cao gần 3m, nặng hàng tấn vì được làm bằng đất cát, xi măng. Đến khi đưa 3 phong tượng lên bệ thờ thì kỳ lạ thay, hàng trăm thanh niên trai tráng trong vùng đến giúp sức, dùng đủ mọi cách nhưng vẫn không sao nhấc pho tượng nào lên được.
Một đêm nọ, trong lúc tuyệt vọng ông quỳ trước tượng thánh mà khấn rằng: “Nếu các thánh phò hộ cho công việc di chuyển các bức tượng được thuận lợi, con xin chặt 1 ngón tay để tỏ lòng thành kính”. Sau lời khấn vái, quả nhiên qua hôm sau, vị trụ trì cùng người dân đã đưa được các pho tượng lên bệ một cách dễ dàng.
Nhớ đến lời khấn của mình, ông lựa lúc đêm hôm vắng vẻ, mang con dao nhỏ quỳ trước tượng thánh. Nhưng khi ông vung dao lên định cắt đi một ngón tay của mình thì một cơn gió lạnh từ đâu thổi đến làm ông ngất đi.
Chú ngựa có thần sắc khác thường |
Trong cơn mộng mị, ông mơ thấy Quan Thánh hiển linh, nhìn ông và quát rằng: “Thân thể là của cha mẹ sinh ra, ngươi không được quyền hủy hoại”. Nghe xong lời phán, ông bừng tỉnh dậy, mồ hôi đổ ra như tắm, mặt cắt không còn giọt máu…
Sự ra đời của ngựa thần xích thố trấn giữ cửa chùa
Nếu những giai thoại về vị trụ trì đầu tiên mang nặng màu sắc mê tín, thì sự xuất hiện của tượng ngựa xích thố là minh chứng rõ ràng nhất cho sự hưng thịnh của Già Lam Cổ Tự. Trụ trì Thích Huệ Sanh kể lại rằng, sau khi đất nước thống nhất chưa được bao lâu, ngôi chùa cũng trải qua nhiều biến cố thăng trầm.
Chỉ là một ngôi chùa nhỏ, Già Lam Cổ Tự không thể đứng ngoài sự bất ổn lúc bấy giờ. Càng nghĩ, trụ trì Thích Huệ Đức không biết dùng phương pháp nào để vực dậy thời “vàng son” của chùa. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, vị trụ trì lại được Quan Thánh báo mộng đưa đường dẫn lối để thoát khỏi cơn bỉ cực.
Quan Thánh phán rằng, hãy tìm 1 Phật tử có lòng trung thành tuyệt đối, tự nguyện cúng dường 1 pho tượng xích thố đúng như ý thánh, thì ngôi chùa này sẽ mãi trường tồn. Người cúng dường sẽ được ban phước 3 đời con cháu sống trong vinh hoa phú quý. Vị trụ trì tỉnh dậy trong lòng hoang mang, lo lắng không biết tìm đâu ra 1 nhà hảo tâm sẵn lòng cúng dường như ý nguyện của thần.
Trong lúc đang lo lắng không yên, bỗng một ngày nọ, vị trụ trì đón 1 người khách lạ không rõ lai lịch từ đâu đến ghé thăm chùa. Vị khách lạ tò mò muốn tìm hiểu ngôi chùa và diện kiến vị trụ trì từ lâu đã vang danh tên tuổi. Không giấu nỗi lòng, vị trụ trì tỏ rõ lòng mình đang muốn kiếm tìm 1 nhà hảo tâm tài trợ để đúc tượng xích thố dâng thánh.
Vốn tiềm lực tài chính dồi dào, người khách nọ không màng đến lời hứa 3 đời con cháu sống trong vinh hoa phú quý, đồng ý cấp tiền bạc để trụ trì có thể đắp tượng ngay. “Vị khách đó cúng dường đúng 1 triệu đồng. Lúc bấy giờ vàng chưa đầy 20.000 đồng/chỉ vàng, như thế là đủ biết giá trị biết bao nhiêu.
Từng đó tiền có thể đúc liền cả chục con ngựa chứ chẳng phải một. Bây giờ con cháu người cúng dường này vẫn còn liên lạc với chùa dù ở tận bên Nhật Bản”, sư thầy Thích Huệ Sanh nhớ lại.
Có được nguồn tài trợ rồi, nhưng đúc làm sao để có được 1 con chiến mã như ý của Quan Thánh mới là điều khó khăn. Sau nhiều trăn trở lo âu, trụ trì quyết định tìm khắp vùng đồng bằng sông nước để tìm ra người thợ điêu khắc tài ba lúc bấy giờ. Lúc đó, có 1 nghệ nhân điêu khắc nổi tiếng khắp vùng được đồng đạo ngưỡng mộ là nghệ nhân Ba Đém quê ở Sóc Trăng.
“Không ai nhớ rõ tên thật của người này là gì, chỉ biết rằng đây là con người rất tài ba. Trên thông kinh sử, dưới tường địa lý. Vừa lĩnh hội ý của vị trụ trì, con người tài hoa này đã nhận ngay công việc nhưng với mức thù lao đúng tròn 1 triệu đồng! Cho rằng đây là duyên số đưa đến, hòa thượng trụ trì không đắn đo suy nghĩ, gật đầu đồng ý ngay”, vị trụ trì đời thứ hai kể lại.
Hòa thượng trụ trì yêu cầu nghệ nhân Ba Đém đúc tượng ngựa đúng với nguyên bản như trong sách Tam Quốc. Nghĩa là con ngựa phải cao đúng 8 thước, dài đúng 1 trượng, và quan trọng nhất là màu lông đỏ rực như lửa, thần sắc phải khác thường.
Trụ trì Thích Huệ Sanh kể: “Suốt 2 tháng trời làm việc liên tục, ông Ba Đém chỉ thuê 1 người phụ việc và cấm tuyệt đối những người khác bén mảng đến nơi ông làm việc. Làm ngày chưa đủ, ông đốt đèn làm đêm, cứ như đây là tác phẩm cuối đời của ông vậy. Con ngựa quả là tuyệt đẹp với thần sắc vô cùng dũng mãnh.
Những chi tiết nhỏ được trau chuốt tỉ mỉ khiến người xem phải ngất ngây. Điều đặc biệt là con ngựa này có đầy đủ lục phủ ngũ tạng. Trước khi đắp tượng, ông đã cho làm từng bộ phận như tim, gan, phổi… riêng để cho vào bụng ngựa. Ông cho rằng đây là điều khác biệt tạo nên sức sống như thật của ngựa thần”.
Ngựa thần được hoàn thành và đứng sừng sững bên chùa, như đang sẵn sàng ra trận bảo vệ chủ nhân của mình. Người qua đường trầm trồ khen ngợi. Những nghệ nhân điêu khắc khác thì nhìn với con mắt ghen tỵ hoặc cảm phục. Nhìn từ xa, đôi mắt ngựa sáng quắc đầy sinh lực. Đây quả là lễ vật hoàn hảo nhất để dâng lên Quan Thánh. Sau khi ngựa thần hoàn thành, Già Lam Cổ Tự được trở về với thời hưng thịnh như trước.
Năm 1988, sau một cơn bạo bệnh, trụ trì Thích Huệ Đức qua đời. Ngôi vị trụ trì được nhường lại cho đệ tự là Thích Huệ Sanh cho đến ngày nay. Đã gần 40 năm trôi qua nhưng tượng ngựa xích thố này chưa một lần được trùng tu sửa chữa.
Dù vậy, màu đỏ như máu vẫn thắm mãi trên mình của ngựa thần nhờ kỹ thuật điêu khắc tài hoa của nghệ nhân Ba Đém. Những giai thoại ly kỳ về ngôi chùa Già Lam Cổ Tự và tượng xích thố sẽ còn mãi được lưu truyền trong lòng mỗi người dân nơi đây…
End of content
Không có tin nào tiếp theo