Chống tham nhũng giúp Đại Việt có được thời kỳ toàn thịnh
Vua Lê Thánh Tông khiến Đại Việt thịnh trị
Khi vua Lê thánh Tông (1460-1497) mới lên ngôi, đất nước chìm trong quốc nạn tham nhũng, tướng sĩ thì lo hưởng lạc; quan lại chia bè phái và tham nhũng; người dân đói khổ oán thán. Vua nhìn nhận rằng nạn tham nhũng là nguyên nhân lớn nhất cần phải tiêu diệt.
Chính vì vậy, vua bổ sung hoàn thiện bộ luật Hồng Đức, nhằm tăng sức mạnh chống tham nhũng cho bộ luật này. Việc chống tham nhũng được tiến hành từ các quan to đầu triều xuống tận đến địa phương. Trong 722 điều bộ luật Hồng Đức thì có trên 40 điều thuộc về chống tham nhũng.
Điều 138 có đoạn quy định rõ như sau: “Quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước thì bị phạt: tham ô từ 1 đến 9 quan tiền, bị cách chức. Từ 10 đến 19 quan bị đánh trượng, đi đày. Từ 20 quan trở lên, bị chém. Các ngươi ăn lễ từ 1 đến 9 quan, phải phạt 50 quan. Từ 10 đến 19 quan, phạt từ 60 đến 100 quan. Từ 20 quan trở lên, phạt tội làm phu. Của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần trả lại chủ”. Việc xử phạt này không phân biệt giàu nghèo hay chức vụ đảm trách.
Luật Hồng Đức cho thấy sự nghiêm khắc của pháp luật ngày xưa, chỉ tham ô một quan tiền là mất chức, 20 quan tiền là bị tử hình.
Sách sử còn ghi chép lại chuyện Lê Bô phạm tội tham ô bị buộc vào tội “Hình”, có viên quan là Trần Phong xin cho Lê Bô nộp tiền chuộc tội thay vì phải chịu “Hình”. Thế nhưng vua Lê Thánh Tông cho rằng nếu cứ phạm tội rồi dùng tiền chuộc tội thì người giàu có sẽ không phải chịu tội, chỉ còn người nghèo khó thì phải chịu tội hay sao? Vua cho rằng Trần Phong đề xuất như thế là trái với tổ tông và trị tội cả ông ta nữa.
Vua Lê thánh Tông chủ trương chống tham nhũng, chỉ dùng bậc hiền tài, loại trừ kẻ xu nịnh, khiến các quan chức vốn chỉ lo tiến thân bằng nịnh bợ không còn đất dụng võ nữa, nạn tham nhũng đang tàn phá đát nước bị đẩy lùi và dẹp bỏ.
Những quan thanh liêm, thực sự phục vụ cho dân đều được trọng dụng, thậm chí những người từng bị hàm oan trước đây thì cũng được minh oan. Ví dụ như vụ án “Lệ Chi viên” khiến Nguyễn Trãi bị tru di tạm tộc cũng được minh oan trong thời gian này. Từ đó bậc hiền tài an tâm phục vụ dân chúng, người dân được yên ổn.
Thời vua Lê Thánh Tông cũng có nhiều hiền tài xuất chúng giúp vua trị nước. Vua nghe dân chúng đồn nhau có ông Vũ Tự làm quan rất thanh liêm, nên quyết định thử xem tin đồn có thật không.
Vua biết Vũ Tự vừa xử cho một người thắng kiện, liền bí mật mang một mâm lễ vật quý gửi người này mang đến cho Vũ Tự để hậu tạ. Người này vào đêm khuya liền mang lễ vật tới.
Vũ Tự hỏi: “Anh có biết ta là ai? Việc xét xử là theo luật vua ban, anh cho ta là người thế nào mà dám làm chuyện phi pháp này?”
Người đó đáp: “Bẩm thượng quan, tập tục là thế, đây là tấm lòng thành tri ân…”
Vũ Tự nói ngay: “Ta há phải theo tập tục quái gở này để chịu ô danh như những kẻ tham lam khác hay sao?”
Nói xong ông sai gia nhân đuổi người này về. Vua Lê Thánh Tông sau đó đã trọng thưởng cho Vũ Tự, đính vào cổ áo triều phục của ông hai chữ “liêm tiết”.
Sử sách thời này có ghi nhận rằng thời kỳ này “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa, hầu như không có trộm cắp”. Dân gian có câu rằng:
Đời vua Thái Tổ, Thánh Tông
Thóc lúa đầy đồng, chẳng mất mát chi.
Lật khắp phần về “Thánh Tông Thuần Hoàng Đế” ở “Kỷ nhà Lê” của “Đại Việt sử ký toàn thư”, chúng ta có thể thấy rằng vua Lê Thánh Tông đã ban ra rất nhiều luật lệ chống tham nhũng, thậm chí đến cả quan tiến cử mà đánh giá sai nhân cách người được tiến cử thì cũng bị vạ lây.
Nhà Nguyễn xử lý nghiêm tham nhũng
Thời nhà Nguyễn việc tham ô tham nhũng của dân bị trừng trị rất nghiêm khắc. Bộ luật Gia Long ra đời có 400 điều thì có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng. Trong đó điều 31 quy định quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất là 70 trượng, cao nhất là treo cổ.
Điều 111 quy định:
Quan lại dùng uy thế (chức vụ) vô cớ bắt trói người và tra khảo họ nơi tư gia (không kể có thương tích hay không thương tích) thì tăng hơn người thường hai bậc tội. Nếu nạn nhân chết, người ấy bị xử treo cổ.
Năm 1816 thượng thư bộ Binh là Đặng Trần Thường bị xét xử. Trong thời gian làm quan ở Bắc thành đã nhũng nhiễu tham ô tiền thuế điền và ao đầm của dân, nên y bị khép vào tội tử hình và tịch biên hết tài sản.
Tháng 5/1823, một ông quan làm việc tại Phủ Nội vụ tên là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng bị phát hiện, bị đưa ra giữ chợ Đông Ba xử chém cho dân chúng được chứng kiến.
Tháng 11/1831, Tư vụ Nội vụ phủ Nguyễn Đức Tuyên lại ăn bớt nhựa thơm, rồi lấy mật trộn lẫn vào, để ít hóa nhiều. Gian dối bị phát hiện, đáng lẽ cũng bị xử tử và chặt tay treo ở kho. Nhưng để răn đe nghiêm hơn, vua Minh Mạng ra chỉ dụ: “chặt một bàn tay thủ phạm Nguyễn Đức Tuyên đem treo, xóa tên trong sổ làm quan, để lại cho nó cái đầu, khiến nó suốt đời hối hận”.
Thời vua Tự Đức, có ông quan Vũ Đinh nổi tiếng là chính trực. Một hôm ông phát hiện người coi kho lấy trộm một ít tiền rồi lén ra quán uống rượu. Số tiền chẳng đáng bao nhiêu nhưng không hiểu vì sao chuyện lọt đến tai vua Tự Đức, vua xem cáo trạng rồi phê rằng:
Nhất nhật nhất tiền,
Thiên nhật thiên tiền.
Thắng cứ mộc đoan,
Thủy trích thạch xuyên.
Tội bất dung tru,
Lý ưng xử trảm.
Tạm dịch:
Một ngày một đồng,
Ngàn ngày ngàn đồng.
Dây cưa đứt gỗ,
Nước giọt thủng đá.
Tội không dung tha,
Lệnh truyền xử chém
Thời nhà Nguyễn các quan tham nhũng của dân đều bị tịch thu tài sản, đem xử chém trước dân chúng nhằm thị uy, các quan đều sợ mà không dám nhũng nhiễu của dân.
Việc chống tham nhũng của vua Lê Thánh Tông cũng như của thời nhà Nguyễn thật đáng học hỏi, nhất là hiện nay khi mà xã hội đang chìm ngập trong vấn nạn tham nhũng. Nhưng nếu chỉ lặp lại cách dùng luật pháp như thời vua Lê Thánh Tông hay thời nhà Nguyễn để áp dụng vào vấn nạn tham nhũng ngày nay của xã hội Việt Nam thì thật sự là chưa đủ. Luật pháp hiện đại có những mặt còn kiện toàn hơn luật pháp thời xưa, vậy thì tại sao vẫn xảy ra việc chém giết, trộm cướp, tham nhũng? Bởi vì kẻ làm quan dẫu sao cũng nắm trong tay luật pháp, vậy nên dù luật pháp có kiện toàn thì vẫn không làm khó được họ. Nguyên nhân gốc rễ âu chính là vấn đề đạo đức của người làm quan vậy.
Khổng Tử nói: “Dùng chính lệnh để dẫn dắt dân, dùng hình phạt để bắt dân vào khuôn phép, dân tránh khỏi tội nhưng không biết hổ thẹn. Dùng đạo đức để dẫn dắt dân, dùng lễ giáo để đặt dân vào khuôn phép, dân biết hổ thẹn mà lại theo đường chính.” Còn Lão Tử thì bàn rằng: “Pháp lệnh càng tăng trộm cắp càng nhiều.” Khi pháp luật càng phức tạp và nghiêm ngặt thì cũng có nghĩa là tiêu chuẩn đạo đức trong xã hội bấy giờ đã xuống thấp. Lúc này nếu không thể tập trung vào sự đề thăng đạo đức, thì cũng chỉ có thể dùng hình pháp để ngăn cấm gian tà, giúp tạm thời kéo dài sự tồn tại của chế độ xã hội mà thôi.
Để giải quyết tận gốc những vấn nạn như tham nhũng thì không có gì khác hơn là khiến cho cả quan và dân cùng tu đức, mà việc đó trước hết phải bắt đầu từ giáo dục. Hãy làm thế nào để các em học sinh có được nhân cách, biết cách làm người, trở thành những công dân tử tế, trở thành những vị quan mẫu mực thật sự vì dân. Tất nhiên, điều đó chắc chắn sẽ không thể nào có được bằng những bài giảng về triết học khó hiểu trong môn giáo dục công dân (cấp 3) và triết học đấu tranh giai cấp (bậc đại học). Chương trình giáo dục của nước ta mới chỉ chạm được đến được cái vỏ thành tích của cái gọi là đạo đức mà thôi, chứ chưa hề chạm được tới đạo đức chân chính…
Theo PV/Trí thức trẻ
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ lạc nguyên thủy mạnh nhất thế giới: xé xác dã thú bằng tay, ngồi xổm để sinh con cái
Tể tướng Trung Quốc nạp nhiều thê thiếp hơn cả Hoàng đế, vẫn sống thọ đến 104 tuổi
Danh tướng có chỉ số IQ cao ngất ngưởng ở Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa, xuất thân danh giá, từng lừa được cả Tào Tháo
Việt Nam xuất hiện thêm 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới, tỉnh nắm giữ trữ lượng lớn nhất có 1/3 diện tích nằm trên 'mỏ vàng' này
Bộ lạc nữ duy nhất trên thế giới: Bắt cóc đàn ông mạnh để sinh con và đuổi họ đi khi mang bầu
Vén màn lý do Doãn Chí Bình làm nhục Tiểu Long Nữ nhưng lại không bị Dương Quá trả thù