Khám phá

Chuông "chủ quyền" bảo vật Hà Giang có gì đặc biệt?

Là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở Hà Giang, Bình Lâm Tự còn mang trong mình một quả chuông đồng thuộc hàng đẹp nhất Việt Nam.

Huyền bí ngôi chùa Đồng linh thiêng ít biết trong lịch sử / Ngôi chùa làm bằng vỏ ốc, san hô độc nhất ở Việt Nam

Là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở Hà Giang, Bình Lâm Tự còn mang trong mình một quả chuông đồng thuộc hàng đẹp nhất Việt Nam. Nhưng câu chuyện xa xưa sau lớp bụi thời gian mới đầy thú vị.
Và từ quả chuông này có thể kể cho hậu thế biết bao chuyện về một vùng biên cương của Tổ quốc cách đây đúng 720 năm. Quả chuông được mệnh danh là “thần”, có khả năng thức tỉnh nhân tâm. Nhưng trên hết, ngoài ý nghĩa Phật giáo, chuông chùa Bình Lâm còn là phép tính chính trị của cha ông thời xưa.
Chuong chu quyen bao vat Ha Giang co gi dac biet?
Chùa Bình Lâm dưới dãy núi Tông Mường.

“Trái tim” Bình Lâm Tự
Ông Âu Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang cho biết, sau khi được phục dựng lại từ năm 2007, chùa Bình Lâm đã thành chốn tâm linh của đông đảo người dân bản địa.
Trước đó, chùa chỉ còn lại phần nền ở phía chân núi đối diện với ngôi chùa hiện nay. Một ngôi chùa nhỏ ở vào một vị trí sơn cốc, nép bóng vào chân của dãy núi bản Mường có tên là Tông Mường thuộc xã Phú Linh (Vị Xuyên).
Theo PGS.TS Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học thì dưới lòng đất của nền chùa cũ còn chất chứa nhiều điều thú vị về lịch sử biên cương, nếu như rồi đây các nhà khảo cổ lại có những công trình khai quật lớn thì tất lẽ những bí mật sẽ dần khai mở giống như các cuộc khai quật di tích thời Trần trong vòng chục năm qua ở quanh TP Hà Giang.
Tuy nhiên, đó là chuyện của tương lai, còn hiện tại “trái tim” Bình Lâm Tự là quả chuông đồng đã làm rạng danh ngôi chùa nhỏ và cả xứ sở của cao nguyên đá: Vào năm 2013, chuông chùa Bình Lâm được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia, và là một trong hai bảo vật của Hà Giang.
“Quả chuông đồng quý giá này còn được người địa phương gọi là “thần”. Tiếng chuông trầm mà vang xa. Vang tới tận kẽ đá – ngóc ngách của lòng người. Ở vùng đất này, nhiều người đã thức tỉnh nhờ tiếng chuông ấy. Chuông chùa Bình Lâm xưa cũng được gọi là “chuông chủ quyền”, tức triều đình xưa đã ngầm đặt chùa ở đây để khẳng định lãnh thổ”, ông Âu Văn Hợp cho hay.
Chuong chu quyen bao vat Ha Giang co gi dac biet?-Hinh-2
Chuông cao 101cm và nặng 195kg.

Chuông có khai sinh
Theo PGS.TS Trịnh Sinh, chuông Bình Lâm còn nguyên lành, độc bản và đẹp. Đấy là những yếu tố được cấu thành một bảo vật. Chưa kể chuông có lý lịch rõ ràng: Được đúc vào ngày rằm tháng ba năm Ất Mùi (1295) dưới triều của vua Trần Anh Tông. Chữ được khắc trên thành chuông còn ghi rõ điều ấy.
Như vậy, không chỉ là một báu vật quý hiếm, chuông Bình Lâm còn có “khai sinh” và là quả chuông thuộc loại sớm nhất trong lịch sử chuông đồng ở nước ta.
Theo đo đạc của chúng tôi, chuông có chiều cao 101cm, đường kính miệng 59cm và nặng khoảng 195kg. Quai chuông là tượng nổi cặp rồng đang đấu lưng vào nhau, chân có 4 móng sắc nhọn quặp vào nóc chuông.
Trên thân chuông có 6 núm gõ nổi bật đăng đối nhau lại được viền 13 họa tiết hình cánh sen. Các ô hình chữ nhật trên thân đã được khắc minh văn gồm 309 chữ Hán. Vành miệng chuông được trang trí hoa văn 45 cánh sen to xen kẽ với 45 cánh sen nhỏ.
Ba chữ Hán lớn “Phụng Tam Bảo” nổi lên rõ nét cùng bài minh khắc cho thấy người tổ chức đúc quả chuông này là viên thủ lĩnh tên là Nguyễn Anh và vợ là bà Nguyễn Thị Ninh.
Chuong chu quyen bao vat Ha Giang co gi dac biet?-Hinh-3
Dù trải qua 720 năm nhưng minh văn trên chuông vẫn rất rõ.

Theo đánh giá riêng của PGS.TS Trịnh Sinh thì điều đáng lưu ý là họ của thủ lĩnh Nguyễn, một tộc họ phổ biến của người Việt. Điều đó chứng tỏ nhà Trần đã cử những viên quan người Việt lên vùng đất địa đầu của Tổ quốc để cùng bà con các dân tộc bảo vệ biên cương.
Bài minh văn, có đoạn nói rõ chính sách quản lý biên giới của nhà Trần khi nói đến họ tộc của người thủ lĩnh vùng “đã được phong lãnh địa ở địa giới phía Bắc, theo đó mà cháu con thừa hưởng đến muôn đời không dứt”. Đó là chính sách chia đất đai vùng biên giới nước Đại Việt cho những người có công với triều đình, nhất là bối cảnh nhà Trần 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông.
Vùng đất thiêng liêng này là của Đại Việt, được khẳng định rõ qua những nét khắc “Chùa Bình Lâm đời Trần thuộc châu Bà Đồng Thượng, ở giáp giới phía Bắc trường Phú Linh, nước Đại Việt”. Địa danh Phú Linh đó, nay vẫn còn lưu dấu ở chính tên xã Phú Linh nơi có ngôi chùa này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người khắc bài minh văn trên chuông là một vị sư có tên là Thiền tăng Mật Vân, ông tu ở Lịch Sơn. Vốn tài hoa chữ nghĩa lại giỏi thiết bút nên khi được nhờ, ông đã soạn và khắc chữ lên chuông sau một năm đúc.
Chuong chu quyen bao vat Ha Giang co gi dac biet?-Hinh-4
Quai chuông hình rồng vảy cá độc đáo.

Khẳng định chủ quyền
PGS.TS Trịnh Sinh cho rằng, thời Lý trước đó đã xây khá nhiều chùa lớn như Phật Tích, chùa Dạm và Diên Hựu. Thời Trần kế tục cũng xây nhiều chùa nhưng khôn khéo hơn: Đưa các chùa lên vùng phên dậu như Hà Giang, một sự khẳng định chủ quyền biên giới.
Hóa ra, ở vùng Vị Xuyên này lại là vùng địa đầu của nước Đại Việt thường xuyên bị sức ép của các cuộc xâm lấn. Từ năm Giáp Dần (1014) vào đời Vua Lý Thái Tổ, tức là trước khi chuông Bình Lâm được đúc 281 năm, Vị Xuyên đã bị quân Nam Chiếu ở phía Bắc, cầm đầu là tướng Dương Trường Huệ và Đoàn Kính Chí dẫn tới 20 vạn quân vào cướp.
Một năm sau, đích thân Dực Thánh Vương lên châu Bình Nguyên (tức Vị Xuyên) để dẹp loạn, bắt được thủ lĩnh Hà Án Tuấn đem về chém đầu bêu ở chợ Đông. Vậy là từ buổi đầu nhà Lý, đất Vị Xuyên đã là một điểm nóng.
“Đến thời nhà Trần, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Vị Xuyên không trực tiếp đương đầu với quân xâm lược, nhưng nhà Trần cũng nhận thức được ý nghĩa phên dậu của mảnh đất này. Phong lãnh địa cho thủ lĩnh, xây chùa chiền khẳng định bản sắc văn hóa Đại Việt nơi đây. Bởi vậy, cho đến nay, chúng ta mới tìm được vết tích nhiều chùa Trần ở lưu vực sông Lô như chùa Bình Lâm”, PGS.TS Trịnh Sinh cho hay.
Chuông chùa Bình Lâm hiện vẫn hiện hữu trong chùa. Tuy nhiên, vì sợ kẻ gian lấy mất nên chùa cũng như nhà chức trách đã lấy dây xích khóa quai chuông với cột chùa.
“Hình tượng rồng thời Trần khá đẹp, thân chắc khoẻ, phủ kín vẩy cá. Người ta đã biết đến nhiều hình tượng rồng thời Trần, nhưng rồng uốn hình để ăn nhập với quai chuông thì nay mới thấy ở quả chuông Bình Lâm. Điều đó nói lên trình độ thẩm mỹ cao của nghệ nhân đúc chuông trong mỹ thuật ứng dụng”.
PGS.TS Trịnh Sinh(Viện Khảo cổ học)
“Quả chuông này được đúc ở nơi khác vào năm 1295, rồi mới đưa đến chùa Bình Lâm. Ngôi chùa này cũng được dựng sớm hơn chùa Sùng Khánh. Cũng như chùa Sùng Khánh, chuông chùa Bình Lâm được hưng công đều bởi người đứng đầu ở địa phương cùng mang họ Nguyễn”.
GS Đinh Khắc Thuân(Viện Hán Nôm)

Theo Trần Hòa/Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm