Khám phá

Chuyện uống rượu của các nhà vua Việt

Sử sách nước ta ghi lại nhiều câu chuyện về tác hại của việc uống rượu, mà vua chúa cũng lấy để răn dạy con cháu.

10 dòng họ đông đảo nhất thế giới: Họ Nguyễn Việt Nam xếp thứ mấy? / 8 vị vua có số phận cay đắng nhất trong lịch sử Việt Nam

Điển hình như câu chuyện vua Trần Anh Tông vì say rượu suýt bị Thượng hoàng Trần Nhân Tông phế truất, sau đó quyết tâm bỏ hẳn rượu.
Theo bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư, thì vào năm 1299, vua Trần Anh Tông uống rượu xương bồ từ hôm trước mà say đến tận chiều hôm sau, sáng hôm đó Thượng hoàng từ Thiên Trường vào thăm mà không biết. Khi nghe Thượng hoàng nổi giận, triệu tập trăm quan ở hành cung Thiên Trường vào sáng hôm sau, nhà vua hoảng sợ, nhờ người học trò là Đoàn Nhữ Hài làm bài biểu tạ tội, rồi dùng thuyền nhẹ chèo suốt đêm về Thiên Trường kịp ra mắt vua cha.
Thượng hoàng nhờ đọc bài biểu tạ tội mới nguôi giận, bảo vua rằng: "Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?", rồi cho tiếp tục làm vua.
Sau khi bỏ rượu, vua Trần Anh Tông cai trị đất nước rất quy củ, không những thế ông còn không ưa những người nghiện rượu. Toàn thư cho biết, khi Thượng hoàng gợi ý Anh Tông chọn Nội thị Chánh chưởng Nguyễn Quốc Phụ làm Hành khiển, Anh Tông từ chối, tâu: "Nếu lấy ngôi thứ mà bàn, thì Quốc Phụ được rồi, chỉ hiềm hắn nghiện rượu thôi!".
Các vua về sau chắc không quên cái chết của Đinh Tiên Hoàng năm 979 trong một cơn say rượu. Toàn thư viết: “Nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Chi hậu nội nhân là Đỗ Thích liền giết luôn cả vua và Nam Việt Vương Đinh Liễn”. Vua nối là Đinh Toàn mới được 6 tuổi, quần thần tôn Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi, triều đại nhà Đinh chấm dứt chỉ sau có 12 năm.
Còn trong những năm đầu thời Trần, chuyện uống rượu trong cung diễn ra đầm ấm và thân mật. Theo Toàn thư thì đời Trần Thái Tông: “Vua ban yến ở nội điện, các quan đều dự. Đến khi say, mọi người đứng cả dậy dang tay mà hát. Ngự sử trung tướng là Trần Chu Phổ cũng dang tay theo mọi người, nhưng không hát câu gì khác, chỉ nói ‘Sử quan ca rằng, sử quan ca rằng”.
Sử thần Ngô Sĩ Liên viết đến đó ghi lời bàn rằng: "Tuy bấy giờ vua tôi cùng vui, không gò bó vào lễ pháp, cũng là điều giản dị, chất phác của phong tục, nhưng không còn chừng mực gì nữa”.
Cũng chính Trần Thái Tông từng xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình, vua tôi cùng ăn yến uống rượu với nhau. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau.
Vua Đồng Khánh thường uống rượu chát Bordeaux chứ không uống rượu mạnh. Ảnh tư liệu.

Vua Đồng Khánh thường uống rượu chát Bordeaux chứ không uống rượu mạnh. Ảnh tư liệu.

Nhà Trần bắt đầu suy yếu từ đời Trần Dụ Tông (trị vì từ 1341-1369), một ông vua nghiện rượu, mê đánh bạc và không còn quan tâm gì đến triều chính.
Sử chép nhà vua thích uống rượu đến mức thường rủ các quan cùng uống thi, ai uống thắng được ông thăng chức. Có vị quan Chính chưởng phụng ngự cung Vĩnh An là Bùi Khoan dùng mẹo lừa vua rằng uống được trăm thăng, Dụ Tông tin là thật, thưởng tước hai tư để dự thăng trật. Sự ăn chơi vô độ của Trần Dụ Tông khiến triều Trần dần rơi vào suy vong, chẳng bao lâu sau, chính quyền rơi vào tay nhà Hồ.
Sử sách cũng chép về các vị hôn quân như Lê Long Đĩnh, Lê Uy Mục, Mạc Mậu Hợp đều là những người nghiện rượu. Trong đó Lê Uy Mục được mô tả dã man đến mức “hằng đêm đều cùng cung nhân uống rượu, khi say thì giết chết tất cả”.
Sang đến thời Nguyễn, các tác giả phương Tây từng tiếp xúc với vua Gia Long đều khẳng định nhà vua ghét uống rượu.
Theo bộ sử triều Nguyễn Đại Nam thực lục (Chính biên, đệ nhất kỷ), khi vua Gia Long còn đang tranh đấu với nhà Tây Sơn, đã ban hành 32 điều lệnh trong quân, trong đó có điều thứ 10 là: “Trong quân không được đánh bạc uống rượu. Như đánh bạc ở đồn sở thì không kể quan hay dân, đều trị 100 roi, tiền mặt bắt được trong sòng thì thưởng cho người tố cáo. Uống rượu thì quan bị xử nặng, lính cũng trị 100 roi và sung làm đầu bếp. Ra trận thì đều chém đầu để răn bảo mọi người”.
Cũng bộ sử này có ghi lời bàn của vua Minh Mạng về uống rượu. Đó là chuyện xảy ra vào năm 1833, trước lễ tế Nam Giao, vua bảo Thượng thư bộ Lễ Phan Huy Thực rằng: "Từ trước đến nay những ngày trai giới, ta thường không uống rượu, không ăn tỏi, cũng không dùng thịt, nhưng nghĩ rượu thì tán khí, ngũ vị vì cay đắng, ăn vào tinh thần dễ sinh lờ mờ, kiêng là phải; còn thịt thì vị ngon lành, cốt để bổ dưỡng cho người, không giống các thứ kia; nếu một mực kiêng cữ, chẳng cũng giống như nhà chùa ăn chay sao?”
Chuyện ghi năm Minh Mạng thứ 19 (1838) cho biết chi tiết món rượu mà nhà vua dùng. Tiết Trùng dương (ngày 9 tháng 9 âm lịch), vua đi chơi núi Ngự Bình, trăm quan làm lễ khánh thọ, lễ xong, vào hầu yến. Vua thân rót rượu cúc của vua dùng ban cho hoàng tử, thân công, đại thần văn võ, mỗi người 1 chén, và nói: “Rượu này rất tốt, trẫm uống 1 chén, 2 lần mới hết. Phan Huy Thực cũng chính là người biết uống rượu, đã phải cau mày chưa?”.
Vua Minh Mạng để lại cho hậu thế tiếng tăm của bài thuốc ngâm rượu “Minh Mạng thang”, với lời đồn là giúp tăng cho khí lực đàn ông. Mặc dù vậy, sự ra đời của thang thuốc này không thấy ghi trong các tư liệu của Thái Y viện triều Nguyễn.
Đến vua Đồng Khánh, nhà vua đã dùng rượu chát Bordeaux theo lời khuyên của các y sĩ để giúp phủ tạng hơi yếu. Còn vua Bảo Đại thì đã là một “tay chơi” với rất nhiều lạc thú, từ lái máy bay, xe hơi, chơi tennis, săn bắn, hút thuốc, uống rượu và các cô gái đẹp… Tuy nhiên theo lời kể của ông Nguyễn Đức Hòa, một người hầu cận của vua Bảo Đại ở Biệt điện trên Đà Lạt thì nhà vua uống rượu không nhiều, và hợp khẩu vị nhất là rượu Cognac.
Theo Lê Tiên Long/Zing
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm