Cơn sốt săn kho báu của Vương quốc Sriwijaya cổ đại: Dân Indonesia đổ xô đi làm thợ lặn
Kỳ bí cổ vật bị tro núi lửa bao bọc cả nghìn năm - Đây là "kho báu phù thủy" / "Hòn đảo tử thần" nơi sinh sống của hàng vạn con rắn độc: 1 mét vuông 5 con rắn, ẩn giấu truyền thuyết về kho báu cướp biển
Thợ lặn kiêm nhà sưu tập đồ cổ Asmadi khoe một số món đồ từ bộ sưu tập nhẫn vàng. Ảnh: SCMP
Palembang - thành phố lâu đời nhất của Indonesia - được thành lập cách đây khoảng 1.300 năm, được cho là trung tâm của Vương quốc Sriwijaya - một đế chế Phật giáo rộng lớn cai trị các phần của Quần đảo Mã Lai từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 12 và là một trung tâm hàng hải, kinh tế.
Trong thời gian qua, nhiều thợ lặn đã tìm đến sông Musi dài 750 km ở Palembang để săn kho báu.
Cuộc săn lùng dưới đáy sôngThợ lặn Budiman khoe mũi giáo mà anh tìm được ở sông Musi. Ảnh: SCMP
Budiman tháo mặt nạ dưỡng khí và hít thở không khí khi anh nổi lên khỏi mặt nước.
Từ túi sau của mình, Budiman lấy ra một vật kim loại sắc nhọn giống như một mũi giáo. Nó dài khoảng 30cm, với phần cán bằng gỗ bị gãy. Đây là đồ vật thú vị nhất mà Budiman tìm thấy trong suốt hai giờ lặn ở sông Musi. Nhưng Budiman vẫn chưa tìm thấy vàng.
Khoảng 15 chiếc thuyền từ đảo Kemaro đến sông Musi tìm kho báu mỗi ngày. Ảnh: SCMP
Trong những năm qua, các đồ tạo tác liên quan đến Vương quốc Sriwijaya bao gồm phần còn lại của dòng chữ Kedukan Bukit - một phiến đá khắc chữ Pallava có từ năm 683 - cũng như vô số báu vật, bao gồm tượng, đồ trang sức, chuỗi hạt, vàng và đồ đồng đã được tìm thấy dưới sông Musi.
Thực tế, việc lặn tìm đồ vật dưới sông này đã bắt đầu từ những năm 1970, khi mọi người tìm kiếm gỗ vụn và kim loại rơi ra từ những con tàu chở hàng đi qua. Những món đồ cổ cũng được tìm thấy dưới đáy sông, nhưng lúc đó cư dân không nhận ra giá trị của chúng.
Một thợ lặn chuẩn bị xuống sông Musi. Ảnh: SCMP
Khi hết gỗ, sắt vụn, người dân sống ven sông chuyển sang khai thác cát. Tuy nhiên, khi ngày càng nhiều cổ vật được tìm thấy, hoạt động khai thác cát đã chuyển sang tìm kiếm cổ vật để bán lại.
Bà Retno Purwanti - Nhà khảo cổ học thuộc Trung tâm Khảo cổ Nam Sumatra cho biết: "Việc phát hiện ra các cổ vật ở sông Musi không chỉ mới diễn ra trong 5 năm qua. Nó đã diễn ra trong nhiều thập kỷ... Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, những cổ vật được tìm thấy dưới sông Musi không phải đều thuộc về Vương quốc Sriwijaya".
Săn vàng - nghề béo bở ở PalembangMột nhóm thợ hút cát để tìm bụi vàng ở sông Musi. Ảnh: SCMP
Hầu hết các thợ lặn tìm kiếm kho báu đến từ đảo Kemaro, một vùng đồng bằng nhỏ phía đông bắc Palembang.
Hamid - 58 tuổi - là một trong những cư dân lớn tuổi vẫn làm công việc "săn kho báu". Trước đây, ông có thể lặn tối đa hai giờ, nhưng hiện tại tuổi tác khiến ông phải nghỉ lặn và trở thành người cố vấn cho các thợ lặn trẻ tuổi.
"Lặn biển thường là nghề gia đình. Hai người con của tôi là thợ lặn. Giờ tôi chỉ hướng dẫn và giúp đỡ từ trên thuyền như thế này", ông Hamid nói.
Budiman là con thứ sáu của Hamid. Budiman nói rằng phải giữ sức khỏe để lặn mỗi ngày. Xoa một lớp dầu để giúp giữ ấm cơ thể, Budiman cũng có thể lặn tối đa hai giờ.
Chỉ có một cái ống nối động cơ máy nén khí với mặt nạ để giúp Budiman lặn. Vùng nước đầy bùn ở Musi khiến anh luôn bị bao quanh bởi bóng tối. Budiman chỉ có thể hình dung khu vực xung quanh bằng cách tự cảm nhận.
"Nếu bị chảy nước mũi, bạn không thể lặn. Bên dưới rất lạnh", anh nói. "Khi không thể chịu được cái lạnh nữa, tôi lấy sợi dây được nối với con tàu và kéo nó 3 lần. Đó là dấu hiệu để họ tắt động cơ và kéo tôi lên thuyền".
Những đồng tiền cổ của Trung Quốc được tìm thấy dưới sông Musi. Ảnh: SCMP
Đối với những người săn kho báu, thứ dễ tìm thấy nhất ở sông Musi là bụi vàng. Họ sử dụng máy bơm để hút cát dưới đáy sông, sau đó nhúng vào nước thủy ngân để tách ra bụi vàng rồi bán cho đại lý. Một gram vàng hiện có giá trị 500.000 Rupiah (khoảng 35 USD).
Adi - một thợ lặn khác - cho biết: "Trong một tháng, mỗi thợ lặn có thể kiếm được 3 - 5 triệu Rupiah (200 - 350 USD) từ việc bán bụi vàng, trong khi mức lương tối thiểu ở Palembang là 3,27 triệu Rupiah (225 USD)".
Ngoài bụi vàng, các thợ lặn còn thường tìm thấy đồ gốm sứ như bát, đĩa hoặc đồ đất nung. Các mảnh gốm sứ cổ có giá khoảng 50.000 - 100.000 Rupiah (3,5 - 7 USD) và được bán ở chợ địa phương. Trong khi những món đồ gốm sứ nguyên vẹn được định giá cao hơn, đắt nhất có thể lên tới 10 triệu Rupiah (gần 700 USD) tùy thuộc niên đại và độ quý hiếm.
Asmadi khoe những món đồ trong bộ sưu tập nhẫn vàng của mình. Ảnh: SCMP
Nghề lặn béo bở đến mức Asmadi - một người đã tốt nghiệp đại học - quyết định bỏ công việc cũ để chuyển sang nghề lặn chuyên nghiệp vào năm 2018. Chàng trai 26 tuổi có một bộ sưu tập đồ cổ lớn, chủ yếu là vàng và đồng. Asmadi - tốt nghiệp Đại học Stisipol Candradimuka ở Palembang, nơi anh theo học ngành Quản trị Nhà nước - cho biết: "Tôi đã nghỉ việc sau khi cảm thấy rằng, bán đồ cổ kiếm được tiền hơn".
Một số cổ vật mà anh đã tìm thấy bao gồm tiền xu Trung Quốc từ thời nhà Tống đến nhà Nguyên, cũng như đồ gốm sứ, hạt vàng, nhẫn, vòng tay, dây chuyền và tượng đồng... Cuối năm 2019, anh nghỉ làm thợ lặn để tập trung sưu tầm đồ cổ.
Nguy cơ đồ cổ giả
Bộ sưu tập tượng đồng của Asmadi trị giá hàng triệu Rupiah. Ảnh: SCMP
Mặc dù số lượng đồ cổđược tìm thấy dưới sông Musi đã giảm dần trong những năm qua nhưng người dân địa phương vẫn nuôi được gia đình bằng cách lặn sông mỗi ngày và phát hiện ra những món đồ có giá trị lớn.
Nhưng theo nhà khảo cổ học Retno, số lượng cổ vật ngày càng cạn kiệt nên nhiều đồ vật được tìm thấy không phải là di tích của Vương quốc Sriwijaya. Quá trình kiểm định một món đồ cổ vốn rất phức tạp và tốn kém.
"Nếu một món đồ được làm bằng vàng, sẽ không có dấu hiệu đặc biệt nào để nhận biết. Gốm sứ, chuỗi hạt hoặc tiền xu cổ dễ nhận biết hơn. Ngay cả khi đó, chúng tôi không thể ngay lập tức khẳng định chúng có niên đại từ thời Sriwijaya. Chúng tôi vẫn phải cẩn thận", bà cho biết thêm.
"Kim loại, dù ở dạng nào - vàng, bạc, đồng- đều có thể chế tạo rất dễ dàng", bà cảnh báo. "Các vật phẩm có thể được tạo ra, đặt xuống sông Musi và sau đó được vớt lên như thể chúng là đồ cổ được tìm thấy ở đó".
Nghiên cứu về các cổ vật được tìm thấy dưới nước rất khó khăn. Đối với những phát hiện trên đất liền, tuổi của một cổ vật có thể được xác định từ các lớp đất tại nơi phát hiện, nhưng những cổ vật dưới nước không thể được tính theo cách tương tự.
"Các nhà nghiên cứu nước ngoài đã nói rằng Sriwijaya là "Đảo vàng", và luôn đề cập đến câu chuyện của Sinbad, đó là câu chuyện hư cấu", bà Retno nói. "Họ chỉ kể những câu chuyện cổ tích".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ lạc nguyên thủy mạnh nhất thế giới: xé xác dã thú bằng tay, ngồi xổm để sinh con cái
Tể tướng Trung Quốc nạp nhiều thê thiếp hơn cả Hoàng đế, vẫn sống thọ đến 104 tuổi
Việt Nam xuất hiện thêm 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới, tỉnh nắm giữ trữ lượng lớn nhất có 1/3 diện tích nằm trên 'mỏ vàng' này
Danh tướng có chỉ số IQ cao ngất ngưởng ở Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa, xuất thân danh giá, từng lừa được cả Tào Tháo
Bộ lạc nữ duy nhất trên thế giới: Bắt cóc đàn ông mạnh để sinh con và đuổi họ đi khi mang bầu
Bộ lạc nguyên thủy nhất thế giới, nơi phụ nữ cả đời không tắm bằng nước 1 lần nào