Khám phá

Công chúa An Tư thay ai hy sinh thân mình lấy Thoát Hoan?

Ít ai hay, trước công chúa An Tư đã có ít nhất 2 công chúa nằm trong danh sách lựa chọn cho sứ mệnh nguy hiểm “đem thân vào hang cọp” làm vật tiến cống cho Thái tử Thoát Hoan của Nguyên Mông.

Người phụ nữ mà Quan Vũ yêu thương không rời là ai? / Triệu Tử Long - Chiến binh vĩ đại bậc nhất thời Tam Quốc

Mặc dù chỉ xuất hiện rất mờ nhạt, thoáng qua trong lịch sử nhưng người đời sau lại tốn khá nhiều giấy mực để bình phẩm, ca ngợi về công chúa An Tư – người đã chấp nhận làm vật tiến cống cho chủ tướng quân Nguyên Mông là Thái tử Thoát Hoan.
Chính sử chép rằng, vào tháng 2 năm Ất Dậu (1285), khi thấy quân Nguyên Mông thế rất mạnh, quan quân nhà Trần trên nhiều mặt trận đều trong thế bất lợi nên vua Trần “sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư bớt tai nạn của nước vậy” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Sách Việt sử tiêu án thì ghi hiệu của nàng là Thiên Tư, nội dung như sau: “Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông; quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được; ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Thiên Tư công chúa cho chúng, để thư nạn cho nước”.
Cong chua An Tu thay ai hy sinh than minh lay Thoat Hoan?
Họa hình công chúa An Tư và Thoát Hoan. (Hình minh họa – Nguồn: Đại Việt cổ phong).

Tuy không rõ hậu vận của công chúa An Tư thế nào, nhưng đời sau đã có nhiều lời ngợi ca về nàng. Trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, mục từ "An Tư" có đoạn viết: “... Một ngày trong tháng 2 năm 1285, Trung Hiếu hầu Trần Dương nhận lệnh đi thương thuyết giảng hòa, rồi sai quan hầu cận là Đào Kiên đưa công chúa An Tư sang dinh tướng Mông Nguyên (Thoát Hoan). Chẳng bao lâu, dưới sự chỉ huy kháng chiến của Trần Quốc Tuấn, quân Nguyên Mông bị dẹp tan. Trong chiến công này rõ ràng là có sự đóng góp của công chúa An Tư, người đã hy sinh vì nạn nước”.
Thực ra người phải đến trại quân Nguyên Mông không phải công chúa An Tư mà là công chúa Thiên Thụy. Theo bản Trần triều Ả nương Thiên Đức Quỳnh Trân công chúa ngọc phả lục do Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572), được Nguyễn Hiền sao lại năm Vĩnh Hựu 3 (1737) và sau này chép trong sách Kiến An tỉnh, Kiến Thụy phủ, Nghi Dương tổng, Nghi Dương xã thần tích thì công chúa Thiên Thụy tên thật là Quỳnh Trân, tương truyền nàng là Quỳnh Hoa công chúa ở trên thiên đình, vì vô ý đánh vỡ chén ngọc nên bị Ngọc Hoàng Thượng đế bắt đày xuống trần gian là con gái vua hạ giới. Công chúa là người cực kỳ xinh đẹp và thông minh, rất được vua Trần yêu mến và phong nàng hiệu là công chúa Thiên Thụy.
Các tư liệu về hoàng thân quốc thích triều Trần thì cho biết, công chúa Thiên Thụy là con gái cả của vua Trần Thánh Tông, là chị vua Trần Nhân Tông. Khi trưởng thành, công chúa được gả cho Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn – con trưởng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
Chính sử cho hay, giữa công chúa Thiên Thụy và Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, người được Trần Thánh Tông nhận làm “Thiên tử nghĩa nam” (con nuôi của vua) có mối quan hệ mờ ám. Sách Đại Việt sử ký toàn thư lược chép như sau: “… Sau Khánh Dư thông dâm với công chúa Thiên Thụy. Bấy giờ Hưng Vũ Vương Nghiễn vì là con trai Quốc Tuấn, được lấy công chúa Thiên Thụy, lại công đánh giặc. Vua sợ phật ý Quốc Tuấn, mới sai người đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây nhưng lại dặn chớ đánh đau quá, để không đến nỗi chết. Ít lâu sau xuống chiếu đoạt hết quan tước, tịch thu tài sản không để lại cho một chút gì... Khánh Dư lui về ở Chí Linh, cùng bọn hèn hạ làm nghề bán than”.
Về việc này, trong bản Trần triều Ả nương Thiên Đức Quỳnh Trân công chúa ngọc phả lục thì viết rằng: “Thời vua Nhân Tông, Trần Khánh Dư có công dẹp giặc Nguyên, được vua phong Phiêu Kị tướng quân và được tự do ra vào cung cấm, có lần lẻn vào phòng nàng định tư thông, bị nàng mắng cho. Sau đó, nàng chán thế tục, xin được xuất gia thờ Phật, dựng một am nhỏ ở trang Nghi Dương, rồi mở rộng quy mô thành chùa, tự xưng là Thiên Đức đại ni, khuyên dân khai đất hoang, chăm chỉ cày cấy”.
Dấu tích của công chúa còn lưu lại ở nhiều nơi, như trùng tu dựng lại chùa quán ở Bạch Hạc (Phú Thọ) mà bài minh trên chuông Thông Thánh quán ở Bạch Hạc ghi nhận, hay như mộ dân khai khẩn lập ra làng Câu Trung (nay thuộc huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng)…
Cong chua An Tu thay ai hy sinh than minh lay Thoat Hoan?-Hinh-2
Công chúa Thiên Thụy và Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. (Hình minh họa – Nguồn: blogspot.com).

Bản Ngọc phả về công chúa cho hay: “Năm Ất Dậu, giặc Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy phạm vào Vân Đồn, Vạn Kiếp. Vua phải chạy vào Nghệ An. Triều đình bàn nhau định gả nàng cho tướng giặc để cầu thân. Nàng cự tuyệt, vua thương lại cho về chùa, rồi cả công chúa An Tư cho Thoát Hoan. Từ đó nàng tiếp tục ở chùa, bố thí cứu bần, khuyến khích nông tang, dân xã trở lên giàu có. Đời vua Anh Tông (là cháu của công chúa), nàng xin vua miễn thuế cho dân 5 xã, được dân nhớ ơn. Sau khi nàng hóa (cùng ngày với Thượng hoàng Nhân Tông), được dân nhớ ơn lập đền thờ làm Phúc thần. Nàng được vua phong tặng là Ả Nương Thiên Đức Quỳnh Trân công chúa”.
Cuối đời công chúa Thiên Thụy tu hành ở một ngôi chùa ở ngọn Tử Tiêu trong dãy núi Yên Tử, gần với nơi tu hành của em trai là Thượng hoàng Trần Nhân Tông. Sử có đoạn chép rất cảm động về tình cảm của chị em bà như sau: “Mậu Thân, [Hưng Long] năm thứ 16 [1308]… Mùa thu, tháng 11… Ngày mồng 3, Thượng hoàng băng ở am Ngọa Vân núi Yên Tử. Bấy giờ Thượng hoàng xuất gia, tu ở ngọn Tử Tiêu núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ. Bà chị là Thiên Thụy ốm nặng, Thượng hoàng xuống núi, tới thăm và bảo:
Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi, thấy âm phủ có hỏi thì trả lời rằng: Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ tới ngay.
Nói xong, Thượng hoàng trở về núi, dặn dò người hầu là Pháp Loa các việc về sau, rồi bỗng nhiên ngồi mà hóa. Thiên Thụy cũng mất vào hôm đó”.
Cong chua An Tu thay ai hy sinh than minh lay Thoat Hoan?-Hinh-3
Đền Tây Sơn thờ công chúa Chiêu Chinh (quận Kiến An, TP Hải Phòng). (Hình minh họa – Nguồn: http://anhp.vn).

Ngoài công chúa Thiên Thụy còn có một nàng công chúa nữa cũng nằm trong diện phải làm vật cầu thân nhằm cản bước tiến của quân Nguyên Mông, đó là công chúa Chiêu Chinh.
Công chúa Chiêu Chinh tên thật là Trần Thị Hinh, con gái thứ của vua Trần Thánh Tông. Tương truyền khi vua còn là Thái tử, một lần ông đi du lãm sông núi, đến trang Kha Lâm, huyện An Lão, lộ Hải Đông (nay thuộc phường Kha Lâm, quận Kiến An, TP Hải Phòng) gặp một cô gái tên là Nguyễn Thị Hương tài sắc vẹn toàn, liền lấy làm Đệ tứ phu nhân. Năm Mậu Ngọ (1258) phu nhân hạ sinh một người con gái cực kỳ xinh đẹp, lúc sinh hương thơm bay khắp phòng nên đặt tên là Hinh; năm đó cũng là năm Trần Thánh Tông lên ngôi hoàng đế. Năm Trần Thị Hinh tròn 14 tuổi, vua cha ban cho hiệu là công chúa Chiêu Chinh.
Là người học hành giỏi giang, thông minh có tiếng trong đám nữ lưu cung đình, khi vừa 16 tuổi, công chúa được gả công tử Đỗ Khắc Hàn. Niềm hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, chưa sinh được mụn con nào thì năm công chúa 23 tuổi, chồng nàng không may bị bệnh mất, từ đó công chúa thủ tiết thờ chồng, đem tài sản tư gia mở trang trại, lập chợ, dựng chùa.
Cong chua An Tu thay ai hy sinh than minh lay Thoat Hoan?-Hinh-4
Công chúa triều Trần. (Hình minh họa – Nguồn: sotaytructuyen.com).

Khi quân Nguyên Mông tràn sang xâm lược nước ta lần thứ 2, công chúa bỏ tiền của mua lương thực, rèn đúc vũ khí, khuyên trai tráng tòng quân đánh giặc. Bản Ngọc phả về công chúa do Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572), được Nguyễn Hiền sao lại năm Vĩnh Hựu 3 (1737) và sau này chép trong sách Kiến An tỉnh, An Lão huyện, Văn Đấu tổng, Kha Lâm xã thần tích cho biết: “Bấy giờ giặc Nguyên do Ô Mã Nhi mang quân xâm phạm, vua định theo kế vua Hán, gả Chiêu Quân cho vua Hung Nô để cầu thân. Nhưng nàng không chịu và xin xuất gia thờ Phật. Vua bằng lòng, dựng cho nàng một ngôi chùa ở xã Kha Lâm. Từ đó nàng sớm tối thắp hương thờ Phật, bố thí người nghèo, mở chợ, khuyến khích dân chăm việc nông tang, chẩn bần dưỡng lão, cứu khổ phò nguy, ai cũng vui vẻ”.
Năm Giáp Ngọ (1294) công chúa Chiêu Chinh qua đời, người dân Kha Lâm nhớ ơn lập đền thờ phụng; các trang ấp, Tây Sơn, Kiến Vũ thuộc trang trại xưa kia của công chúa cũng lập đền thờ vọng. Sau này, có lần Bình Định vương Lê Lợi đi đánh giặc Minh có đi qua Kha Lâm, được công chúa báo mộng hiển linh giúp đánh thắng giặc, khi lên ngôi vua Lê Lợi (tức Lê Thái Tổ) đã ban tặng công chúa 4 chữ: “Phù dung, Ý dực, Tế thế, An dân”; các triều đại sau đều có sắc phong.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm