DNA cổ đại tiết lộ tổ tiên của người Nam Á
Hai nghiên cứu di truyền được công bố trên tạp chí Cell và Science vào tháng 9/2019 đã cung cấp thêm những hiểu biết quý giá về nền văn minh lưu vực sông Ấn, hay còn gọi là nền văn minh Harappan. Chúng giúp làm sáng tỏ mối liên hệ di truyền giữa người dân của nền văn minh này với các quần thể người Nam Á hiện đại, cũng như nguồn gốc của ngôn ngữ và hoạt động canh tác nông nghiệp trong khu vực.
Trong thời kỳ phát triển rực rỡ nhất, nền văn minh lưu vực sông Ấn có thể sánh ngang với nền văn minh Lưỡng Hà và Ai Cập cổ đại. Lưu vực sông Ấn có diện tích lớn bằng tiểu bang Texas của Mỹ từng là nơi sinh sống của khoảng một triệu người cách đây khoảng 4.000 – 5.000 năm. Vùng đất này hiện nay nằm trên lãnh thổ của Ấn Độ và Pakistan. Thành tựu nổi bật của nền văn minh lưu vực sông Ấn phải kể đến những trung tâm đô thị lớn với hệ thống thoát nước thải, những tuyến đường thương mại dài hàng nghìn km và hệ thống tưới tiêu phục vụ canh tác nông nghiệp.
Các nghiên cứu mới chỉ ra rằng, nền văn minh lưu vực sông Ấn hình thành từ sự hợp nhất của một số nhóm săn bắt và hái lượm gần nhau. Sau đó, họ phát triển và di cư ra bên ngoài lãnh thổ Ấn Độ, để lại dấu ấn trên một vùng rộng lớn ở Nam Á.
Bài báo đầu tiên được công bố trên tạp chí Cell cung cấp cái nhìn đầu tiên về bộ gene của một cá nhân thuộc nền văn minh lưu vực sông Ấn. Việc tìm kiếm DNA cổ đại ở khu vực này là vô cùng khó khăn, bởi vì khí hậu nóng ẩm sẽ làm thoái hóa DNA nhanh chóng.
Tuy nhiên, sau khi sàng lọc 61 mẫu xương khai quật tại khu nghĩa trang Rakhigarhi của nền văn minh lưu vực sông Ấn ở bên ngoài thành phố New Delhi (Ấn Độ), các nhà nghiên cứu tình cờ tìm thấy mẫu xương chứa một lượng nhỏ DNA vẫn còn nguyên vẹn. Nó thuộc về một người phụ nữ sống cách đây khoảng 4.000 năm. Các nhà nghiên cứu tỉ mỉ giải trình tự DNA để có được bức tranh đầy đủ về bộ gene của người phụ nữ.
Kết quả phân tích đã cung cấp manh mối mới về sự ra đời của hoạt động canh tác nông nghiệp tại Nam Á. Một lý thuyết tồn tại từ lâu cho rằng những người dân ở khu vực Lưỡi liềm Màu mỡ (Fertile Crescent) – một vùng đất có hình dạng giống lưỡi liềm ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ – đã di cư vào khu vực Nam Á, mang theo các hoạt động sản xuất nông nghiệp của họ. Nhiều nghiên cứu trước đây về Nam Á cũng ủng hộ giả thuyết này.
Nhưng bộ gene của người phụ nữ ở lưu vực sông Ấn đã kể một câu chuyện hoàn toàn khác. Kết quả phân tích DNA cho thấy bộ gene của cô có sự pha trộn giữa những người săn bắt, hái lượm đầu tiên ở Đông Nam Á và Iran. Ngoài ra, cô không có mối liên hệ di truyền với những người nông dân di cư đến từ vùng đất Lưỡi liềm Màu mỡ và những người chăn nuôi gia súc trên thảo nguyên ở Trung Á. Đây là dấu hiệu cho thấy, người dân của nền văn minh lưu vực sông Ấn bắt đầu canh tác nông nghiệp một cách cách độc lập.
Các nhà nghiên cứu sau đó xem xét bộ gene của người phụ nữ có liên quan như thế nào đối với những người sống ở Nam Á ngày nay. Họ phát hiện tồn tại những liên kết di truyền mạnh mẽ giữa cô và người Nam Á hiện đại bao gồm Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Maldives, Nepal, Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka. “Đây là bằng chứng cho thấy tất cả những người Nam Á hiện đại đều bắt nguồn từ những người thuộc nền văn minh lưu vực sông Ấn”, Vagheesh Narasimhan, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Quá trình di cư và trộn lẫn
Bài báo thứ hai đăng trên tạp chí Science – được thực hiện bởi nhiều đồng tác giả của nghiên cứu công bố trên tạp chí Cell trước đó – cung cấp thêm những hiểu biết về lịch sử của người Nam Á. Nó được coi là nghiên cứu lớn nhất về DNA cổ đại, giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về sự di cư và biến đổi văn hóa của tổ tiên người Nam Á hiện đại.
Các nhà khoa học đã phân tích 523 bộ gene từ những hài cốt được khai quật trên khắp khu vực Nam Á và Trung Á có niên đại cách đây từ 12.000 năm (thời đại đồ đá giữa) đến 2.000 năm (thời đại đồ sắt). Tương tự nghiên cứu về bộ gene của người phụ nữ ở lưu vực sông Ấn, nghiên cứu này cho thấy người Nam Á có liên quan chặt chẽ về mặt di truyền với những người săn bắt, hái lượm ở Iran và Đông Nam Á.
Mọi thứ trở nên thực sự thú vị sau khi nền văn minh lưu vực sông Ấn sụp đổ vào năm 1800 trước Công nguyên. Những người còn sót lại của nền văn minh này – những người có khả năng mang đặc điểm di truyền tương tự người phụ nữ cổ đại được tìm thấy bên ngoài New Delhi – đã trộn lẫn với một số nhóm người ở bán đảo Ấn Độ để hình thành nhóm tổ tiên Nam Ấn Độ (South Indian) hiện đại.
Cùng thời gian đó, những hậu duệ khác của nền văn minh lưu vực sông Ấn đã trộn lẫn với những người chăn nuôi gia súc trên thảo nguyên di cư từ Trung Á đến khu vực Nam Á để tạo thành nhóm tổ tiên Bắc Ấn Độ (North Indian) hiện đại. Những người chăn nuôi gia súc đã mang theo những phiên bản đầu tiên của ngôn ngữ Ấn-Âu đến khu vực Nam Á đang được sử dụng rộng rãi ở Ấn Độ ngày nay.
Theo thời gian, hai nhóm tổ tiên nói trên đã hòa huyết với nhau, tạo ra sự đa dạng lớn của các nhóm dân tộc ở Nam Á.
“Hai nghiên cứu mới là minh chứng cho thấy sức mạnh của DNA cổ đại trong việc góp phần đưa những bí ẩn của các nền văn minh trong quá khứ ra ánh sáng. Trong thời gian tới, việc giải trình tự gene của nhiều mẫu hơn được thu thập từ các di chỉ khảo cổ ở lưu vực sông Ấn sẽ giúp lấp đầy khoảng trống trong kiến thức của chúng ta”, Narasimhan cho biết.
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ sử dụng kỹ thuật giải mã DNA để mở khóa thêm nhiều bí mật của nền văn minh lưu vực sông Ấn và tìm hiểu các xã hội cổ đại khác chưa được biết đến trên thế giới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ lạc nguyên thủy mạnh nhất thế giới: xé xác dã thú bằng tay, ngồi xổm để sinh con cái
Tể tướng Trung Quốc nạp nhiều thê thiếp hơn cả Hoàng đế, vẫn sống thọ đến 104 tuổi
Việt Nam xuất hiện thêm 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới, tỉnh nắm giữ trữ lượng lớn nhất có 1/3 diện tích nằm trên 'mỏ vàng' này
Danh tướng có chỉ số IQ cao ngất ngưởng ở Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa, xuất thân danh giá, từng lừa được cả Tào Tháo
Bộ lạc nữ duy nhất trên thế giới: Bắt cóc đàn ông mạnh để sinh con và đuổi họ đi khi mang bầu
Bộ lạc nguyên thủy nhất thế giới, nơi phụ nữ cả đời không tắm bằng nước 1 lần nào