Độc thần kiếm, song thần côn hay tam thần đao là những vũ khí huyền thoại của các danh tướng Tây Sơn, khiến kẻ thủ khiếp đảm.
Trong lịch sử Việt Nam, khởi nghĩa Tây Sơn là phong trào nông dân duy nhất giành được thắng lợi hoàn toàn. Thành quả đó có sự đóng góp rất lớn của những danh tướng kiệt xuất gắn liền
vũ khí lợi hại.
Độc thần kiếm
Đây là thanh kiếm cổ mà Nguyễn Nhạc tình cờ mua được lúc đi buôn trầu trên thượng nguồn sông Côn (Bình Định), khi ông và hai em trai còn chưa dựng cờ khởi nghĩa.
Sau khi có được bảo vật, ông mang tặng cho thầy Trương Văn Hiến. Trương sư phụ biết là kiếm quý nên cất giữ rất kỹ. Khi Nguyễn Nhạc xây dựng xong cơ sở chiến đấu, xuống An Thái thăm thầy và vấn kế, Trương Văn Hiến trả lại thanh kiếm cho Tây Sơn vương để làm đại sự.
Theo sách Võ Nhân Bình Định, cây độc thần kiếm dài hơn sải tay, có thể chém sắt. Khi lưỡi gươm được rút ra khỏi vỏ, ánh hào quang tỏa ra lóa mắt. Người dân tộc vùng Tây Sơn thượng tin rằng đây là thanh kiếm của thần ban cho nhà vua nên gọi là kiếm thần và gọi Nguyễn Nhạc là "Vua Trời".
Nguyễn Nhạc còn dùng kế khiến nhiều người tin đây là thanh kiếm trời ban cho ông. Một hôm, Nguyễn Nhạc cùng bộ hạ ở An Khê về đến Hoành Sơn thì ngựa lồng lên, rồi thẳng cổ phi nước đại. Đến chân núi phía trong gò Sặt, cương ngựa bị đứt khiến Nguyễn Nhạc té nhào xuống đất, chân bị trật khớp không đứng dậy được.
Đám tùy tùng chạy đến xoa bóp hồi lâu mới bớt. Khi đứng dậy lên ngựa, Nguyễn Nhạc chợt thấy chuôi kiếm ló ra nơi vách đá trên sườn núi. Ông sai người lấy thì thấy một thanh kiếm cổ, lưỡi sáng. Ai nấy đều mừng, cho rằng đó là kiếm trời ban. Sau này, ngọn núi đó mang tên hòn Kiếm Sơn.
Song thần côn
Đó là hai cây côn của võ tướng Võ Đình Tú và Đặng Xuân Phong. Ngân côn của tướng quân Võ Đình Tú màu trắng được rèn bằng bạch thiết, rất chắc và khá nặng, phải hai người khiêng. Tương truyền, Võ Đình Tú múa côn dưới mưa, người không dính giọt nước.
Thiết côn của tướng quân Đặng Xuân Phong màu đen, nặng như ngân côn.
Ngân côn và thiết côn chỉ lớn bằng cổ tay, dài quá đầu, song rất nặng. Khi lâm trận, côn múa lên, ngân côn tạo thành đạo bạch quang, thiết côn tạo nên luồng hắc quang. Đường côn đi đến đâu, vũ khí của đối phương văng lên tứ phía, người ngã rạp như rạ gặp bão.
Cũng theo sách Võ Nhân Bình Định, một lần, hai vị cao thủ dùng côn thi đấu biểu diễn cho hoàng tử Quang Toản xem. Đường côn qua lại nhanh như chớp, mạnh như gió bão, đẹp như "rồng bay phượng múa". Gia tướng đến xem chật cả trong lẫn ngoài. Tiếng hò reo, vỗ tay vang cả một góc thành .
Tam thần đao
Đó là ba cây đại đao của Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu và Lê Sĩ Hoàng.
Nguyễn Huệ dùng Ô Long đao, cán bằng gỗ mun đen nhánh, lưỡi được làm bằng loại kim khí màu đen. Khi đao ra khỏi vỏ, khí lạnh tỏa ra một vùng khá rộng. Thanh đao không có hào quang, chỉ có khí lạnh, rất sắc bén. Nó rất nặng, phải một người vác mới nổi.
Huỳnh Long đao là vũ khí của tướng quân
Trần Quang Diệu, do sư phụ Diệp Đình Tòng truyền tặng. Cặp Ô Long và Huỳnh Long đao phối hợp tung hoành trong trận đánh quân Xiêm tại Rạch Gầm, Xoài Mút. Các chiến công của Trần Quang Diệu đều do thanh Huỳnh Long góp phần tạo nên.
Xích Long đao là vũ khí của tướng Lê Sĩ Hoàng. Ông quê ở Quảng Nam, nổi tiếng có sức khỏe, lúc nhỏ chăn trâu cho phú ông trong thôn. Một hôm trâu bị cọp bắt, sợ chủ bắt đền, ông chạy trốn vào rừng sâu và lạc đường.
Ông gặp được người truyền thụ võ nghệ, chuyên sử dụng cây đao Xích Long của sư phụ ban tặng.
Năm Quang Trung thứ hai (1789), vua Quang Trung tổ chức khoa thi võ đầu tiên tại kinh đô Phú Xuân, Lê Sĩ Hoàng ra ứng thí. Ông tỉ thí với Trần Quang Diệu, hai thanh đao Huỳnh Long và Xích Long như đôi rồng hợp nhau múa lượn, người xem vỗ tay hoan hô vang dậy.
Hai bên bất phân thắng bại. Vua Quang Trung cao hứng, truyền đem Ô Long đao ra để tỷ đấu cùng Lê võ sinh. Lê Sĩ Hoàng cung kính quỳ tâu: Với Trần tướng quân, hạ thần còn chưa địch nổi, huống chi bệ hạ.
Nhà vua đắc ý, vỗ vai họ Lê, cười nói: “Khanh là Hứa Chử của ta đó!”. Sau đó, vua cởi chiếc cẩm bào đang mặc, ban cho Lê Sĩ Hoàng.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing