Gia Cát Lượng trong lịch sử không hề thần thánh, nếu không nhờ "Tam Quốc diễn nghĩa", liệu ông có thể lưu danh muôn đời?
Phò tá cho Lưu Bị, Gia Cát Lượng đã âm thầm che giấu 1 "ý đồ" mà đến lúc chết, Lưu Bị vẫn không phát hiện ra / 5 mãnh tướng trung nghĩa nhất thời Tam quốc, 2 trong số này phò tá Lưu Bị nhưng không hề có tên Trương Phi (Phần 2)
Gia Cát Lượng trong lịch sử
Nhắc đến Gia Cát Lượng, rất nhiều người nghĩ ngay đến "Ba lần bái phỏng lều tranh", tiếp theo đó cũng nghe nhiều nên quen với những câu chuyện về ông như "Khẩu chiến với đám nho sĩ", "Thuyền cỏ mượn tên", "Mượn gió Đông", "Ba lần chọc tức Chu Du"…
Thật ra, ghi chép liên quan đến Gia Cát Lượng trong tài liệu chính sử không hề thần kỳ như trong "Tam quốc diễn nghĩa" miêu tả.
Ví dụ như ghi chép về "ba lần bái phỏng lều tranh" trong "Tam quốc chí" chỉ có 5 chữ "phàm tam vãng, nãi kiến", "tam" ở đây có thể là đại từ chỉ định có nghĩa là nhiều lần, không chắc chắn là chỉ "ba lần".
Lý do nhà sử học miêu tả qua loa về "Ba lần bái phỏng lều tranh", có lẽ bởi vì việc Lưu Bị ba lần bái phỏng lều tranh mời Gia Cát Lượng xuống núi là tình tiết chuyển ngoặt không đáng để miêu tả tỉ mỉ.
"Long Trung đối sách" từng là nội dung sách giáo khoa môn Ngữ văn trung học của Trung Quốc, được người đời sau học tập và và ca tụng.
Thật ra Lỗ Túc, Chu Du của Đông Ngô cũng từng đề xuất kế sách tương tự với cha và anh trai Tôn Quyền nhưng vì thiên hạ khi ấy đã bị chia nhỏ gần hết nên chỉ có nước Thục ở vùng hẻo lánh phía Tây mới có điều kiện để thực hiện.
Khi mới bước chân vào con đường chính trị, Gia Cát Lượng chỉ là một "mưu sĩ", không hề có cơ hội tham gia việc quân đội của Lưu Bị.
Trước trận Xích Bích, quả thật Gia Cát Lượng có chủ động xin tới Đông Ngô thuyết phục Tôn Quyền bắt tay với Lưu Bị để đánh Tào Nguỵ. Sau khi đến được Đông Ngô, Gia Cát Lượng chỉ mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình một phen với Tôn Quyền, củng cố quyết tâm liên minh với Lưu Bị đánh lại Tào Tháo của Tôn Quyền, không có "Khẩu chiến với đám nho sĩ", càng không có "Mượn gió Đông".
Còn những diệu kế như "Thuyền cỏ mượn tên" và "Lửa thiêu Xích Bích" thực chất lại đều đến từ kế sách của Chu Du.
Bởi thế, công lao lớn nhất và cũng là duy nhất của Gia Cát Lượng trong trận Xích Bích chính là thúc đẩy sự thành lập liên minh Tôn - Lưu. Cũng nhờ đó Gia Cát Lượng được Lưu Bị đặc cách đề bạt làm "Quân sư trung lang tướng", nhưng đây chỉ là một chức vị "lặt vặt" phẩm cấp không cao, còn kém xa so với chức vị "Quân sư".
Sau khi Lưu Bị dừng chân tại Kinh châu, ông mới bắt đầu tiến quân đến Tây Xuyên theo kế hoạch được Gia Cát Lượng lập nên, nhưng công việc phụ trách tấn công quân sự lại được giao cho quân sư mới là Bàng Thống.
Gia Cát Lượng được bố trí công tác thu gom vận chuyển lương thảo, như trong "Tam quốc chí. Thục thư. Gia Cát Lượng truyện" có ghi lại: "Để Lượng chỉ huy quận Linh Lăng, Quế Dương, điều chỉnh thuế khoá ở đó để sung vào việc quân".
Sau khi Lưu Bị chiếm được Tây Thục đã phong Gia Cát Lượng làm Quân sư tướng quân, xử lý công việc trong mộ phủ của Tả tướng quân, tuy bắt đầu có được thực quyền quân sự, nhưng chủ yếu vẫn là công việc hậu cần như cung ứng lương thảo, khi Lưu Bị ra ngoài vẫn thường để Gia Cát Lượng trấn thủ Thành Đô.
Về sau Lưu Bị và Tào Tháo tiến hành trận chiến then chốt liên quan đến sự tồn vong tại Hán Trung (nay thuộc Thiểm Tây), Lưu Bị dẫn theo quân sư Pháp Chính mới theo mình chưa lâu, vẫn không mang theo Gia Cát Lượng như trước.
Lưu Bị rất có tài "nhìn người", tại sao khi đánh trận lại chưa từng dẫn theo Gia Cát Lượng "liệu sự như thần" đến tiền tuyến?
Đó là bởi Lưu Bị cho rằng Gia Cát Lượng có tính cẩn trọng, giỏi về đối nội nhưng lại không thạo ứng biến.
Sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng "sáu lần đánh Kỳ Sơn", năm lần Bắc phạt Trung Nguyên đa phần đều ra về tay không, chứng tỏ đánh giá của Lưu Bị về Gia Cát Lượng vẫn khá là khách quan.
Người đời sau cũng khá tranh cãi về những lần đánh Nguỵ của Gia Cát Lượng.
"Tam quốc chí" có một đoạn phân tích về ông như sau: "Nhiều năm liên tiếp khởi binh vẫn chưa thể thành công, e rằng việc ứng biến và dùng mưu lược nhà binh không phải sở trường của ông!"
Nói một cách khách quan, Gia Cát Lượng dùng binh khá ổn thoả, theo thói quen hành động cẩn thận nên rất ít tung ra đội kỳ binh (một dạng như lính đặc công thời nay).
Nhiều lần Bắc phạt tuy không có công lớn, nhưng cũng có thành quả nhỏ. Bởi thế, tổng hợp lại tài năng quân sự của Gia Cát Lượng chỉ có thể cho đánh giá "đạt chuẩn", không thể nào thần kỳ được như trong truyền thuyết.
Nếu đã như vậy, tại sao Gia Cát Lượng vẫn để lại tiếng thơm muôn đời?
Trước tiên là đạo nghĩa thiên cổ: Không phụ trọng trách được gửi gắm và tinh thần kính nghiệp "cúc cung tận tuỵ, đến chết mới thôi" của Gia Cát Lượng.
Để báo đáp ơn tri ngộ Lưu Bị gửi gắm, Gia Cát Lượng luôn làm việc cẩn thận kỹ càng, đích thân xử lý công việc, dùng hết sức mình cố gắng chèo chống chính quyền Thục Hán.
Vì di nguyện của Lưu Bị, Gia Cát Lượng không ngại gian khổ, nhiều lần đích thân dẫn quân Hán đi Bắc phạt Trung Nguyên, cuối cùng lao lực lâu ngày sinh bệnh rồi qua đời trên đường Bắc phạt.
Gia Cát Lượng chấp chính ở Thục Hán mười mấy năm, tuy nắm phần lớn quyền hành trong tay nhưng chưa từng sinh ra suy nghĩ bất trung. Ông luôn tập trung tư tưởng, một lòng vì việc công, có thể nói là tấm gương nghìn đời "cúc cung tận tuỵ, đến chết mới thôi".
Thứ hai, năng lực quản lý đất nước của Gia Cát Lượng vô cùng xuất sắc. Thuở đầu ở Kinh châu, ông không chỉ giải quyết công việc trưng thu thuế khoá và vận chuyển lương thảo đâu ra đấy, còn tích luỹ được kinh nghiệm quản lý đất nước phong phú.
Sau khi vào Tây Xuyên, dưới sự quản lý chuyên tâm của Gia Cát Lượng, không những khiến kinh tế của Tây Thục vốn lạc hậu đạt được sự phát triển rất to lớn, còn giúp nền chính trị của triều đình Thục Hán trở nên trong sạch, quan lại đều mang tinh thần khích lệ bản thân, những kẻ tiểu nhân gian ác không còn chỗ giấu mình, xã hội lành mạnh tốt đẹp, dân chúng an cư lạc nghiệp.
Thứ ba, về phương diện dùng người, Gia Cát Lượng ra sức đề bạt một lượng lớn người trung lương như Tưởng Uyển, Phí Y, Quách Du Chi, Đổng Doãn, Hướng Sủng, điều này rất quan trọng đối với việc bảo vệ chính quyền Thục Hán.
Cuối cùng, Gia Cát Lượng cũng có thành tích nổi bật trong công việc quản lý dân tộc thiểu số.
Năm 225 (năm Kiến Hưng thứ 3 của Thục Hán), Gia Cát Lượng dẫn đại quân Nam chinh cát cứ dân tộc thiểu số ở Tây Nam, sau khi bình định đã thực hiện một loạt chính sách xoa dịu với các dân tộc này thúc đẩy hoà nhập dân tộc, ổn định tình hình của vùng Tây Nam.
Chính bởi vì Gia Cát Lượng có tài năng và cống hiến trong bốn phương diện kể trên, nên dù tránh không bàn tới tài năng quân sự, ông vẫn được người đời kính nể, cái tên Gia Cát Lượng vì thế mà được lưu danh muôn đời.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
200 năm sau khi bị chôn nhầm vì ngất xỉu lúc sinh con, cảnh tượng bên trong quan tài của người phụ nữ khiến hậu thế bàng hoàng
Bí mật đáng sợ sau khi voi già chết: Nếu con người chạm vào sẽ gây ra cảnh tượng kinh hoàng?
Các nhà khoa học tiết lộ bí mật gây 'sốc' về con người sau khi chết: Chết có thực sự là hết?
Loài 'sói đầu lừa' đã tuyệt chủng 500.000 năm bỗng xuất hiện, giới khoa học bàng hoàng khi giải mã được
Chuyện sốc giới khoa học: Hồi sinh loài chim đã tuyệt chủng từ 3 thế kỷ trước! Giải mã phương pháp bí ẩn đằng sau!
Sự thật cặp vợ chồng mang gỗ lăng mộ đế vương về làm tủ, khiến 4 đứa con dính lời nguyền chết thảm