Suốt 400 năm, các thành viên trong gia tộc Habsburg sinh ra đều có ngoại hình kỳ lạ với chiếc hàm bạnh, khó khăn khi ăn uống.
Hoàng tộc Habsburg là gia đình có thế lực trong lịch sử châu Âu thời kỳ cận đại. Tuy nhiên, các thành viên nhiều đời của dòng họ này sinh ra đều mang trên mình ngoại hình kỳ lạ với chiếc cằm nhọn, bạnh hai bên kèm theo chiếc mũi dài. Hiện tượng này đặc biệt đến mức chúng được đặt tên là hàm Habsburg.
Số phận tội nghiệp của vị vua cuối cùng
Gia đình Habsburg có vai trò đặc biệt sau khi lên nắm quyền ở trung tâm châu Âu, cai trị nước Áo, Đức và là
đế chế La Mã hùng mạnh. Sức mạnh của gia tộc còn lan sang cả Tây Ban Nha sau khi Philip I, con trai của Hoàng đế La Mã Habsburg thứ hai, kết hôn với nữ vương của Castilla và Aragon năm 1496.
Triều đại của Habsburg ở Tây Ban Nha kéo dài 2 thế kỷ, cho đến khi Charles II - vị vua gặp nhiều bệnh quái ác kỳ lạ - qua đời vào năm 1700 và không có người thừa kế.
Hôn nhân giữa anh em họ, chú bác và cháu gái phổ biến trong gia tộc Habsburg. Nó khiến nguồn gene ngày càng thu hẹp. Vào thời điểm Charles II sinh ra, năm 1661, bộ gene của ông có chỉ số cận huyết tương đương anh chị em ruột kết hôn.
Nhà vua khó khăn khi nhai thức ăn. Lưỡi của Charles II to đến nỗi ông ta không thể nói được. Từ nhỏ, Charles II bị cấm đi bộ cho đến tuổi trưởng thành. Ngoại hình xấu xí khiến ông không được dạy dỗ, giáo dục đầy đủ. Hậu quả là nhà vua mù chữ và hoàn toàn phụ thuộc vào những người xung quanh.
Nghi do kết quả của hôn nhân cận huyết
Theo công bố trên tạp chí Annals of Human Biology vào năm 2019, kết quả của những chiếc “hàm Habsburg” có thể là do
hôn nhân cận huyết trong hoàng tộc.
Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu là nhà di truyền học Román Vilas từ Đại học Santiago de Compostela (Tây Ban Nha), đã tập trung vào 15 thành viên có chiếc hàm đặc biệt. Theo Smithsonian Magazine, nhóm lật lại cây gia phả nhà Habsburg, bao gồm hơn 6.000 thành viên, kéo dài hơn 20 thế hệ.
Sau khi phân tích, các tác giả nhận thấy tỷ lệ cận huyết trung bình của gia đình này là 0,93. Điều đó có nghĩa khoảng 9% gene của các thành viên trong nhà hoàn toàn giống nhau. Bởi, chúng đến từ một tổ tiên.
Tỷ lệ này ở hai anh em họ gần khi kết hôn là 0,0625. Hai anh em họ xa, như Hoàng tử Charles của Anh, có hệ số cận huyết là 0,04. Như vậy, nhà Habsburg có hệ số cận huyết cao gấp nhiều lần so với trường hợp hai anh em họ gần kết hôn.
Các nhà nghiên cứu còn yêu cầu nhóm 10 bác sĩ phẫu thuật chuyên khoa răng hàm mặt phân tích 66 bức chân dung để chẩn đoán tình trạng 15 thành viên của triều đại Habsburg.
Các bức chân dung đã được nhiều chuyên gia từ những bảo tàng uy tín (như Bảo tàng Kunsthistorisches ở Vienna và Bảo tàng Prado của Madrid) thẩm định tính chính xác.
Nhóm bác sĩ nhận thấy có 11 đặc điểm bẩm sinh, 7 nhân dạng do thiếu hụt mao mạch, dễ nhận biết nhất là môi dưới dày, trề và chóp mũi nhô ra.
Họ kết luận Mary của Burgundy, người kết hôn với gia đình năm 1477, ít bị ảnh hưởng nhất. “Hàm Habsburg” thấy rõ nhất ở vua Philip IV, người từng cai trị Tây Ban Nha cho đến năm 1665. 5 thành viên, trong đó có vua Charles II, bị thiếu hụt răng hàm trên nặng nhất.
Sau khi nghiên cứu, chuyên gia di truyền học Roman Vilas chia sẻ: “Triều đại của nhà Habsburg gây ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử châu Âu và Thánh chế La Mã. Tuy nhiên, hôn nhân cận huyết đã kéo theo sự sụp đổ của gia tộc hùng mạnh”.
Dựa trên mối tương quan giữa mức độ cận huyết và đặc điểm tiên lượng bẩm sinh, nhóm của ông Vilas cho rằng “hàm Habsburg” là do gene lặn.
Các gene lặn chỉ biểu hiện thành kiểu hình đáng chú ý khi cả hai bản sao của cá thể giống nhau. Phát hiện này trái ngược với các giả thuyết trước đây rằng đặc điểm chiếc hàm kỳ lạ nhà Habsburg là do gene trội.
Tuy nhiên, các nhà khoa học thừa nhận rằng họ không thể hoàn toàn loại bỏ suy luận trước đó. Giả thuyết khác là sự tích tụ ngẫu nhiên các thay đổi di truyền, không giao phối mở rộng khiến tần suất gây hàm bạnh ra ngày càng nhiều trong nhiều thành viên.
Không chỉ ảnh hưởng tới ngoại hình và khả năng ăn uống, các nhà di truyền học của Đại học Santiago de Compostela trước đó đã phát hiện tình trạng cận huyết của gia tộc Habsburg còn làm giảm khả năng sống sót của con cái tới 18%. Họ xác định lý do tuyệt chủng của hoàng tộc trên là hai bệnh rối loạn hiếm gặp. Điều này ứng với trường hợp của Charles II.
Theo Thiên Nhan/Zing