Khám phá

Giải mã những điều ít ai biết về phong tục người dân Lào

Vào mùa chay, những du khách lần đầu đến Lào không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh hầu khắp các tuyến phố đều có những đoàn người quỳ bên vệ đường chờ đến lượt mình thành kính dâng cơm nếp, thức ăn, hoa quả... lên các đoàn tăng sĩ đi khất thực.

Những bức ảnh ấn tượng nhất năm 2020 trên khắp thế giới / CLIP: Bị đồng loại và trâu rừng tấn công, sư tử đực vẫn may mắn thoát chết

Càng ngạc nhiên hơn khi anh Trần Văn Quốc, người đã sống mười mấy năm ở Lào cho biết việc này diễn ra quanh năm vào mỗi buổi sáng. “Riêng hôm nay số người dâng phẩm vật tăng đột biến bởi đang có lễ hội Okphansa, một trong những lễ hội lớn nhất của Lào”, anh nói.
Các tăng sĩ xếp thành hàng dài đi khất thực.

Các tăng sĩ xếp thành hàng dài đi khất thực.

Mùa chay nhân văn

Để chúng tôi dễ hình dung, anh giải thích rõ hơn: Ở Lào, Phật giáo là quốc đạo. Mỗi năm có một mùa chay kéo dài tới 3 tháng. Bắt đầu mùa chay là lễ Khaophansa (lễ vào chùa) thường được tổ chức vào ngày rằm tháng 7 Phật lịch (tháng 8 dương lịch) và kết thúc là Okphansa (lễ ra chùa hay còn gọi là mãn chay) diễn ra vào rằm tháng 11 Phật lịch, năm nay ứng vào ngày 6/10 dương lịch. Vào mùa chay, các tăng sĩ và phật tử nhìn lại quá trình tu hành của mình trong năm qua và học hỏi thêm để có thành tựu mới. Đây cũng là thời gian thích hợp nhất để đàn ông bước vào giai đoạn tu hành.
“Đàn ông Lào khi đến tuổi trưởng thành phải có ít nhất 6 tháng tịnh tu trong chùa để học hỏi Phật pháp, trui rèn đạo đức, báo hiếu ông bà, cha mẹ. Họ cũng có thể đi tu suốt đời theo nguyện vọng của bản thân và gia đình. Theo tục lệ ở Lào, chỉ đàn ông mới được đi tu nên nhiều người nương náu cửa chùa vài năm với mục đích tu thế cho mẹ và chị em gái của mình”, nghệ sĩ Khamteum Soutthideth (khu Thatluang, Viêng Chăn) tiếp lời.
Không chỉ dâng vật phẩm cho các thầy tu đi khất thực, người Lào thường xuyên cúng dường (dâng lễ vật cúng cho nhà chùa). Tại các ngôi chùa cổ được xây dựng cách đây 300-400 năm ở cố đô Luangprabang (di sản thế giới) như Vat Mai, Xiêng Thoong…, chúng tôi chứng kiến phật tử xếp thành những hàng dài chờ đến lượt mình dâng lễ vật cho nhà chùa. Dù trời nắng hay mưa, họ vẫn xếp hàng rất trật tự, giữ im lặng và kiên nhẫn chờ đợi. Ai đến trước làm lễ trước, ai đến sau lễ sau, không có cảnh chen lấn giành chỗ.
Đi dâng lễ.

“Ai chưa được nhà chùa nhận lễ coi như chưa được xá tội và ban phước”, anh Quốc nói, còn Bun Thăm cho biết mùa chay còn là mùa xá tội. Mọi người lên chùa làm lễ, tự thú những việc sai trái trong năm, cầu mong trời phật xóa bỏ lỗi lầm để đón nhận những điều tốt lành. Cũng vì thế, vào dịp này, ngôi chùa nào ở Lào cũng đông nghẹt người đến xin phước.
Người Lào dâng lễ xuất phát từ lòng thành.Trước lễ Okphansa vài ngày, chúng tôi đã thấy hai mẹ con bà chủ khách sạn Chanh Thaphome (Luangprabang) tất bật đi chợ mua bánh trái, hoa, nến… Họ còn tự tay đồ xôi, làm bánh, kết thuyền hoa. Mùi bánh phong lan nướng và bánh nếp hấp thơm ngào ngạt. “Món nào ngon mới mang đến chùa cúng Phật và cũng là để những người đã khuất được thưởng thức”, bà chủ khách sạn nói, giọng mãn nguyện.
Vào chùa, chúng tôi chứng kiến nhiều người đứng trước những cái tháp nhỏ (gọi là Wats) và thì thầm rất lâu trước di ảnh được khảm trên tháp. “Họ đang nói chuyện với người âm đó! Người Lào không có tục chôn người chết mà hỏa táng rồi đặt vào wats”, anh Quốc nói. Theo tay anh chỉ, chúng tôi nhìn thấy những cái wats được đặt ngay hàng thẳng lối quanh chùa làm thành hàng rào trông rất độc đáo.
Tôi chợt nghĩ, phải chăng vì thế mà một con phố có đến 5-6 ngôi chùa tọa lạc và Lào dẫn đầu thế giới về tỉ lệ chùa chiền trên tổng số dân, bởi nước này có tới 1.400 ngôi chùa trong khi dân số chỉ khoảng 7 triệu người? Người dân cúng dường cho nhà chùa mỗi ngày một phần cũng vì mong muốn được gửi gắm đồ ăn cho người thân của mình ở thế giới bên kia?
Nghi thức quan trọng nữa của lễ Okphansa là thả thuyền đèn trên sông Mê Kông. Có nhiều kiểu dáng thuyền nhưng phổ biến nhất là thuyền hình tròn kết bằng bẹ chuối hoặc lá dừa, trang trí bằng nến và những đóa cúc vàng rực. Khi màn đêm buông xuống, phật tử lầm rầm khấn nguyện rồi thắp nến và thả cho thuyền trôi trên sông. Khúc sông nơi chúng tôi đứng ken dày những chiếc thuyền với ánh nến lung linh rất ấn tượng.
Trò chuyện với chúng tôi, có người bảo nghi thức này ngụ ý để cho đội thuyền đèn chịu mọi rủi ro thay cho con người. Một số phật tử khác thì nói đoàn thuyền sẽ đưa đường dẫn lối cho những linh hồn phiêu bạt đi đúng hướng, tìm được đường trở về trước khi cửa âm phủ đóng lại.
Biển người đi lễ chùa ngày Okphansa.

3 tháng kiêng cất nhà, cưới hỏi, rượu bia…

Anh Trần Văn Quốc kể, có lần anh đến thăm nhà người bạn vào mùa chay. Bạn làm tiệc rất thịnh soạn với nhiều món chế biến từ thịt, cá; bia, rượu cũng ê hề. Vốn là người có tửu lượng mạnh nhưng hôm đó gia chủ không uống giọt nào. Hỏi ra mới biết theo tục lệ ở Lào, người nào đã lên chùa dâng lễ ước nguyện vào mùa chay thì trong suốt 3 tháng đó không được cất nhà, cưới hỏi; không uống rượu, hút thuốc lá…
Anh Bun cho hay, sư sãi ăn uống bình thường như dân dã. Hầu như toàn bộ thức ăn của nhà chùa là do người dân mang đến hoặc tăng sĩ đi khất thực. Việc cúng dường diễn ra hàng ngày để các nhà sư không phải bận tâm đến chuyện cơm áo, chỉ chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp, thiền định; giảng dạy nhiều điều thiết thực, bổ ích cho phật tử: “Người nào chưa làm được những điều tốt đẹp thì phải chăm học đạo lý và cố gắng thay đổi mình. Muốn tránh gặp ác nghiệp thì nhất định không được làm điều ác…”.
Giờ ngọ, chúng tôi nhìn thấy mấy bà, mấy chị xách làn mây vào chùa. Một người trong số họ có vẻ là trưởng nhóm, mở nắp lấy thức ăn từ làn mây ra và xếp vào mấy cái mâm có sẵn chén bát. Các mâm cơm đều khá tươm tất do tập hợp món của nhiều người cúng dường mang lại. Lát sau, các chú tiểu bê một mâm đến chỗ sư trụ trì đang ngồi ngay trước tượng Phật, một mâm cho sư phó, một mâm cho các chú tiểu lớn và một mâm cho các chú tiểu nhỏ. Trước khi ăn, nhà sư và các chú tiểu chắp tay hướng về những người cúng dường và đọc lên vài câu kinh hàm ý cảm ơn. Các phật tử chắp tay xá trở lại.
Ăn xong, các chú tiểu bê mâm đến chỗ những người cúng dường. Các mâm cơm vẫn còn khá tươm tất như lúc mới dọn ra, không có cảnh cơm vương vãi. Dường như việc ăn uống gọn gàng như một quy tắc của nhà chùa. Mọi người chia nhau thức ăn thừa để mang về nhà. Vì một mực kính trọng các bậc tăng ni, sư sãi trong chùa nên họ xem những gì các vị dùng rồi mà ban lại cho mình giống như được Phật ban phúc vậy. Những người không cúng dường nhưng nếu muốn cũng được vui vẻ chia phần. Thế đấy, chùa như ngôi nhà chung của mọi người, ai nghèo đói cứ đến hỏi xin, do đó ở Lào hầu như không có cảnh ăn xin nơi hàng quán.
Nhờ chăm học lời răn của Phật, tu thân tích đức nên người Lào thật thà, điềm đạm, trọng danh dự… Từng có mười mấy chuyến công tác và du lịch dài ngày ở Lào nhưng tôi chưa gặp phải điều gì khó chịu. Có lần để quên túi xách đựng toàn bộ giấy tờ, tiền bạc, điện thoại ở quán ăn bên lề đường. Một tiếng sau quay lại tìm thì chủ quán vui vẻ giao lại. Tôi đề nghị tặng ít tiền để cảm ơn nhưng họ không chịu nhận.
Anh Quốc kể, năm 2001, khi đặt chân đến nơi này, lòng anh đang nhức nhối vết thương tình cảm, đầy tủi hận, trong túi chỉ còn ít bạc lẻ và hoàn toàn không biết tiếng Lào. Tưởng rằng cuộc sống phiêu bạt xứ người sẽ rất gian truân. Nhưng rồi lời dạy của sư thầy giúp anh dần tỉnh ngộ: “Con người ta không thể biết sẽ ra đi ngày nào nên phải làm cho tâm hồn trong sạch, thanh thản”. Mặt khác, sự hiền hậu, mộc mạc và lạc quan của người Lào giúp anh nguôi ngoai dần nỗi đau. Người Lào có câu “Khôn Lao mặc muồn” (người Lào thích vui) nên rất lạc quan, ít than phiền. Họ cũng ít khi gây gổ với nhau, ngay cả trong chợ cũng vậy và hiếm khi có hành vi khiếm nhã, đặc biệt với phụ nữ.
Kết thúc mùa chay là lễ hội đua thuyền lớn nhất nước Lào. Xứ sở hoa Chămpa vốn yên bình bỗng một ngày tưng bừng náo nhiệt mà không có từ ngữ nào lột tả hết được. Hầu như mọi người dân và du khách đổ ra sông Mê Kông. Bến sông nào cũng rộn ràng tiếng trống, tiếng reo hò của các tay đua và cả biển người cổ vũ; tiếng khua đập vào nước ầm ào của mái chèo khi mọi người nín thở theo dõi các tay đua tràn trề sinh lực đẩy thuyền rẽ sóng lao về đích.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm