Hành trình lưu lạc của samurai ngoại quốc đầu tiên
Bí ẩn "sức mạnh siêu nhiên" của samurai huyền thoại Nhật Bản / Huyền thoại về samurai da màu đầu tiên: "Đại hắc thần" khét tiếng Nhật Bản?
Hồi sinh người đàn ông có số phận đặc biệt
Đó là câu chuyện về một người đàn ông bị lãng quên bởi thời gian, đến mức mà ngay cả tên khai sinh của ông cũng chẳng ai biết. Người ta chỉ biết ông ta bằng một biệt danh tiếng Nhật Bản: Yasuke - một nô lệ sinh ra ở vùng biển Đông Phi vào giữa thế kỷ 16 và trở thành samurai nước ngoài đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản.
Thế nhưng, phải tới 5 thế kỷ sau, thân phận của Yasuke mới được nhắc tới. Vì sao?
Người đàn ông mạnh mẽ và dũng cảm trong chiến tranh Yasuke mới đây đã xuất hiện trong một quảng cáo ở Nhật Bản. Tại Cameroon, một cuộc triển lãm về chiến binh này cũng diễn ra từ ngày 26/6 tại Trung tâm Hội nghị Yaounde, sau đó vài tháng cũng sẽ được trưng bày ở Nhật Bản. Ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy hoặc Rumania, hàng chục bài báo đã xuất bản kể lại những kỳ tích của chiến binh samurai này.
Tại Mỹ, công ty sản xuất Lionsgate, hãng sản xuất Highlander, đã thông báo rằng họ đang nghiên cứu làm phim tiểu sử về Yasuke. Cuộc đời của Yasuke giống như một cuốn tiểu thuyết.
Tranh vẽ Yasuke được tắm để kiểm tra xem da đen thật hay không. Ảnh: Le Monde.fr. |
“Một độc giả đam mê võ thuật đã từng liên lạc với tôi để nói rằng, trong chuyến đi tới Nhật Bản, ông ta được nghe nói về người châu Phi này, người nước ngoài đầu tiên tham gia vào giới tinh hoa võ thuật Nhật Bản”, Serge Bilé, nhà báo và tác giả của cuốn “Tiểu sử Yasuke - chiến binh samurai da đen” do Nhà xuất bản Owen phát hành tháng 3-2018 cho biết. “Tôi đã đào xới câu chuyện về chiến binh này dựa vào các thông tin mà các sử gia, nhà dân tộc học, chuyên gia từ Ấn Độ và Nhật Bản cung cấp.
Từ người tự do đến nô lệ...
Yasuke sinh ra ở hòn đảo Mozambique nằm ở ngoài khơi của đất nước cùng tên, trong khoảng thời gian năm 1530-1540. Giống như các thành viên trong cộng đồng makua của mình, hằng ngày Yasuke đi câu cá và săn bắn. Một lần, trong khi đang theo dấu vết của con sư tử bị thương bởi cây giáo của mình, Yasuke bị một nhóm buôn nô lệ bắt giữ và tìm cách đưa anh ta ra khỏi hòn đảo.
Một trong hai kẻ buôn người đã đẩy anh ta một cách thô bạo tới cây cầu, nơi có đám đông người da đen đang bị xích với nhau, lộn xộn và bẩn thỉu. Yasuke sợ hãi khi nhìn cảnh tượng này và phát nôn bởi mùi uế tạp ở đây. Một hỗn hợp mùi kinh tởm của nước tiểu, phân và mồ hôi. Rồi Yasuke và những người đồng hương bị đưa lên tàu tới Goa (Ấn Độ ngày nay), trước đây là một cảng biển của Bồ Đào Nha, sau hơn một tháng trời lênh đênh trên biển.
Yasuke bị dẫn đến Leilao, một chợ buôn bán nô lệ. "Thật tức giận khi thấy họ nhìn anh ta chằm chằm như nhìn một con thú”, Serge Bilé viết trong cuốn tiểu sử. “Yasuke nguyền rủa tất cả những người này vì đã cướp đi sự tự do của anh ta. Trong khi đó, đám người mua bán kia tiếp tục thăm dò anh ta từ trên xuống dưới. Thậm chí, họ còn đụng chạm vào bộ phận sinh dục và ngực của người phụ nữ bên cạnh. Với những kẻ đi mua bán, đó là điều bình thường, còn với những nô lệ, đó là sự ghê tởm. Nhưng nô lệ là vậy. Người có tiền có quyền kiểm tra hàng hóa trước khi quyết định chọn cho mình món đồ ưng ý”, Serge Bilé viết thêm.
May mắn thay, người thanh niên da đen trẻ tuổi đã được một người tốt bụng mua về và đưa tới một nhà thờ dòng Tên. Công việc của Yasuke là đi tới tận nguồn nước để lấy và mang về đổ đầy vào những chiếc bình lớn. Đối với một thanh niên khỏe mạnh như Yasuke, công việc đó chẳng thấm mệt gì nhưng nó lặp đi lặp lại khiến anh thấy nhàm chán. Thêm vào đó, sự có mặt của Yasuke trong nhà thờ đã gây chia rẽ trong đám phụ nữ, điều mà Yasuke cảm thấy giống như một sự sỉ nhục. Những tháng tiếp theo chẳng khác gì sự lưu đày.
"Anh ta đã có lúc muốn tự tử nhưng lại không thể làm điều đó bởi anh ta còn muốn gặp mẹ. Do đó, anh ta cần phải đối đầu với mọi thử thách để tồn tại”, cuốn “Tiểu sử Yasuke - chiến binh samurai da đen” tiết lộ thêm.
...và trở thành một samurai
Ngày 6/9/1574, số phận của Yasuke lại bị xô đẩy thêm lần nữa khi một nhóm gồm 44 giáo sĩ đến Goa. Trong số đó có Alessandro Valignano, một linh mục chịu trách nhiệm kiểm tra nhiệm vụ các tu sĩ dòng Tên. Sau vài tháng, Valignano quyết định đến Nhật Bản. Ông ta muốn tìm một người khỏe mạnh và dũng cảm để phục vụ và bảo vệ mình. Valignano đã chọn Yasuke. Ngày 20/9/1577, hai người bắt đầu cuộc hành trình kéo dài gần 2 năm. Sau khi dừng lại ở Malacca (Malaysia ngày nay) và Macao (Trung Quốc), họ đến Nhật Bản vào ngày 25/7/1579.
Chân dung Giáo sĩ dòng Tên Alessandro Valignano. Ảnh: Le Monde.fr. |
Trên hòn đảo Kyushu, trụ sở của giáo xứ dòng Tên nằm ở thị trấn nhỏ Arima, không xa Nagasaki. Ở đất nước Mặt trời mọc, hình ảnh của người đàn ông da đen này đã kích động sự cuồng nộ trong dân chúng. "Họ thích nhìn thấy người da đen, đặc biệt là người châu Phi", cha Organtino Gnecchi-Soldo viết. Người Nhật thậm chí còn sẵn sàng đi hàng trăm cây số, bỏ làm vài ngày chỉ để “mục sở thị” người đàn ông da đen. Ý tưởng sử dụng một nô lệ châu Phi để kiếm lời và kiếm tiền là hiện tượng phổ biến của các linh mục đòng Tên thời kỳ đó.
Ngày 8/3/1581, Yasuke et Alessandro Valignano rời đảo Kyushu để tới Kyoto, nơi lãnh chúa đầy quyền lực Oda Nobunaga thống trị. Sử sách Nhật Bản ghi lại rằng Oda Nobunaga (1534-1582) là 1 trong những nhân vật tài giỏi bậc nhất lịch sử Nhật Bản. Ông chính là người đặt nền móng cho công cuộc thống nhất Nhật Bản thời chiến quốc, chấm dứt thời kỳ chiến tranh loạn lạc trên khắp đất nước.
Khi Oda Nobunaga gặp chàng trai trẻ Yasuke, vị lãnh chúa đã bị choáng ngợp bởi sự cao lớn (cao hơn 1,90m), bởi sức mạnh, trí thông minh của anh ta. Do đó, Oda Nobunaga cho phép Yasuke học tiếng Nhật và cũng là cách để Oda Nobunaga kiểm nghiệm làn da của người nô lệ này. Oda Nobunaga đã cho Yasuke đi tắm để kiểm tra xem màu đen có thực sự là màu da tự nhiên hay không. Khá hài lòng sau khi chứng thực điều nghi ngờ, Oda Nobunaga đã yêu cầu Alessandro Valignano rời Nhật Bản và để lại người hầu hiếm Yasuke cho mình. Giáo sĩ dòng Tên chấp nhận.
Chàng nô lệ trẻ nhanh chóng được trả tự do và đưa vào hàng ngũ samurai (chiến binh Nhật Bản). Anh ta được huấn luyện đấu kiếm, học võ, ném lao... Yasuke đã trở thành một trong những vệ sĩ trung thành của lãnh chúa Oda Nobunaga, được trao 2 thanh kiếm và 1 cây giáo. “Đó là một ưu tiên đặc biệt thời kỳ đó”, Serge Bilé viết.
“Chỉ có những chiến binh mới được phép mang 2 thanh kiếm trong cùng một thời gian. Đó chính là sự tin tưởng mà Oga Nobunaga dành cho Yasuke. Còn đối với chàng trai dòng họ Makua, từ nô lệ đến một samurai đã trở thành hiện thực. Anh là người nước ngoài đầu tiên được mang danh tiếng của các hiệp sĩ nổi tiếng của Nhật Bản. Không ai trước anh ta, thậm chí không phải là người châu Âu, có vinh dự này! Yasule còn được Oda Nobunaga cấp một ngôi nhà và thậm chí được lãnh chúa gả con gái nuôi về làm vợ.
Yasuke trở thành một chiến binh, ông tự hào và hạnh phúc về điều đó. Năm 1582, ông giành chiến thắng trong trận chiến Tenmokuzan chống lại Takeda Katsuyori, một lãnh chúa khác là đối thủ lớn của Oda Nobunaga. Chiến thắng vang dội và Yasuke thích thú với điều đó.
Dần dần, sự lớn mạnh của quân đội Oda Nobunaga cùng tính tình có phần tàn bạo đã khiến ông trở thành cái gai trong mắt nhiều người. Nhiều phe phái đã liên minh lại hòng tiêu diệt Oda, trong đó có Akechi Mitsuhide - em vợ của ông, người đã cáo buộc Oda Nobunaga chịu trách nhiệm về cái chết của mẹ mình.
Bức họa thuyền chở nô lệ cập cảng Nagasaki ở đảo Kyushu của Nhật Bản. Ảnh: Le Monde.fr. |
Akechi Mitsuhide đã tập hợp dân chúng và khởi động cuộc tấn công chống lại Oda. Oda đã bị quân của Akechi Mitsuhide bao vây và phóng hỏa thiêu đốt khi ông đang trong chùa. Không cam tâm trước nghịch cảnh, Oda Nobunaga đã tự quyết định số phận của mình khi thực hiện nghi thức mổ bụng tự sát để có thể chết trong danh dự của một samurai ngay trước mắt của Yasuke.
Trong khi đó, Yasuke lại không có can đảm để mổ bụng tự sát. Yasuke muốn chết trong chiến đấu. Vì vậy, anh ta lấy vũ khí tuyên chiến với kẻ thù nhưng đã bị bắt. Đó cũng là cách để anh ta được an toàn. Trong một lá thư viết vào ngày 5/11/1582, Cha Luis Frois viết: "Đối với Akechi Mitsuhide, Yasuke không phải là một con người. Không cần phải giết anh ta. Anh ta phải được gửi trở lại Ấn Độ tới nhà thờ dòng Tên".
Vậy chiến binh samurai nước ngoài đầu tiên ấy có quay trở lại Goa? Hay châu Phi? Dấu vết của anh ta đã biến mất trong lịch sử.
"Ngày nay không ai biết số phận cuối cùng của Yasuke ra sao”, Julien Peltier - tác giả cuốn “Samurais - mười số phận đáng kinh ngạc (Nhà xuất bản Prisma, 2016) cho biết. Theo Julieng, Yasuke là một người được kính trọng và người ta cũng có thể tưởng tượng rằng anh ta đã ở lại Nhật Bản. Nhưng đó là suy đoán. Còn với Anne-Sophie Omgba, Giám đốc Tập đoàn Subsahara Group, công ty tổ chức triển lãm ở Yaounde, nói: “Chúng tôi tưởng nhớ đến Yasuke bởi ông là một nô lệ châu Phi và ông là một anh hùng”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ lạc nguyên thủy mạnh nhất thế giới: xé xác dã thú bằng tay, ngồi xổm để sinh con cái
Tể tướng Trung Quốc nạp nhiều thê thiếp hơn cả Hoàng đế, vẫn sống thọ đến 104 tuổi
Danh tướng có chỉ số IQ cao ngất ngưởng ở Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa, xuất thân danh giá, từng lừa được cả Tào Tháo
Người đàn ông vớt được vật lạ dưới sông, không phải cục vàng, đó là gì?
Bộ lạc nữ duy nhất trên thế giới: Bắt cóc đàn ông mạnh để sinh con và đuổi họ đi khi mang bầu
Việt Nam xuất hiện thêm 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới, tỉnh nắm giữ trữ lượng lớn nhất có 1/3 diện tích nằm trên 'mỏ vàng' này