Lịch sử Trung Hoa đã ghi nhận một trường hợp về người phụ nữ dù mù một bên mắt, tàn phế một bên chân vẫn được Hoàng đế yêu thương trân trọng, lập làm Hoàng hậu.
Vị Hoàng hậu với nhân phẩm xuất chúng
Nhắc đến ngôi mẫu nghi thiên hạ, người ta thường nghĩ ngay tới những người phụ nữ sắc nước hương trời mới có thể được Hoàng đế sủng ái, hết mực yêu chiều. Thế nhưng lịch sử Trung Hoa đã ghi nhận một trường hợp về người phụ nữ dù mù một bên mắt, tàn phế một bên chân vẫn được Hoàng đế yêu thương trân trọng, lập làm Hoàng hậu.
Người phụ nữ đó chính là Hiếu Trang Duệ Hoàng hậu hay Tiền Hoàng hậu, hoàng hậu duy nhất của hoàng đế Minh Anh Tông. Ông luôn hết mực yêu thương dù bà có trở nên tàn phế, thậm chí trước khi ra đi ông còn hạ lệnh sau này hợp táng bà cùng một lăng mộ.
Tiền hoàng hậu, xuất thân từ vùng Hải Châu, có cha là một quan võ thuộc hàng Chính nhị phẩm. Mùa xuân năm Chính Thống thứ 7 (1442), Tiền thị thông qua kỳ tuyển tú nhập cung được chọn làm Hoàng hậu khi 15 tuổi.
|
Tiền thị thông qua kỳ tuyển tú nhập cung được chọn làm Hoàng hậu khi 15 tuổi. (Ảnh minh họa) |
Tiền thị khi đó so với những mỹ nhân tham gia tuyển cùng không phải có xuất thân quá nổi bật hay vẻ đẹp sắc nước hương trời, tuy nhiên Thái hoàng thái hậu của Minh Anh Tông là Trương thị đã cảm nhận được nhân phẩm xuất chúng của bà. Là một người phụ nữ kiệt xuất, từng giúp chồng và phò trợ con trai, Trương Thái hoàng thái hậu biết rõ vị trí Hoàng hậu quan trọng đến nhường nào.
Sau khi thành thân, tình cảm giữa Anh Tông và Tiền hoàng hậu rất tốt. Khi Minh Anh Tông thấy gia tộc của Tiền Hoàng hậu đều chỉ giữ những chức quan khá nhỏ, ông liền đề nghị cất nhắc, phong hầu nhưng Tiền thị lập tức từ chối.
Bà nói rằng, trong gia tộc bà chưa ai có tài năng xuất chúng để xứng đáng được phong tước, việc không có công lao mà nhận tước lộc, ắt sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Anh Tông. Sau đó, Hoàng đế có vài lần nhắc lại việc này nhưng lần nào cũng bị Hoàng hậu khước từ. Từ đó, Anh Tông ngoài tình cảm vợ chồng đối với Tiền hoàng hậu ra, trong tâm còn thêm phần kính trọng đối với bà.
Mù một bên mắt, tàn phế một chân vì ngày đêm thương nhớ chồng
Năm Chính Thống 14, thủ lĩnh bộ tộc Ngõa Lạt của Mông Cổ ồ ạt tiến quân vào lãnh thổ nhà Minh. Quân đội nhà Minh vốn suy yếu, nay tình hình biên ải lại nguy cấp, thái giám Vương Chấn đã tìm cách xui khiến Minh Anh Tông phải thân chinh cầm quân ra trận.
Dù các đại thần trong chiều can ngăn song Minh Anh Tông vẫn trực tiếp nghênh chiến với quân Mông Cổ để cho em trai Chu Kỳ Ngọc ở lại trấn thủ kinh thành. Thái giám Vương Chấn khi ấy ngang nhiên mượn danh Hoàng đế chỉ huy quân đội tùy tiện, phong tỏa hết thảy những thông tin bất lợi với Anh Tông khiến quân nhà Minh liên tiếp bại trận, thương vong vô số.
Đến khi nhận thấy tình hình bất lợi, Vương Chấn muốn rời khỏi Anh Tông nhưng không ngờ bị quân đội của Dã Tiên bao vây. Việc Vương Chấn bị giết chết, Anh Tông bị bắt làm tù binh, 66 đại thần chết trận đã được sử sách ghi lại và gọi là “biến cố Thổ Mộc”.
Tin tức Anh Tông bị bắt truyền về kinh thành, khiến triều đình vô cùng hoảng loạn và rối ren. Tôn Thái hậu phải gấp gáp lập Chu Kì Ngọc, em trai của Minh Anh Tông lên ngôi, tức Minh Đại Tông nhằm ổn định tình hình.
Chồng bị bắt làm tù binh, anh và em trai đều bỏ mạng nơi chiến trường, Tiền Hoàng hậu đau đớn chẳng thiết sống. Là một người phụ nữ, chẳng thể làm gì để cứu vãn tình hình, bà đành giam mình chốn hậu cung ngày ngày quỳ gối trước Phật, thành tâm khẩn cầu hy vọng trượng phu có thể bình an trở về.
Suốt một thời gian dài cầu khấn, mùa đông với cái lạnh cắt da cắt thịt đã khiến tình hình sức khỏe của Tiền Hoàng hậu suy giảm đến mức không thể tự đứng dậy được. Không ngừng quỳ lạy bất kể ngày đêm, không ngừng khóc thương người chồng đang bị bắt, vậy nên một chân bà đã bị thương nặng dẫn đến tàn phế, một con mắt cũng đã bị mù. Năm đó, bà mới chỉ 24 tuổi.
Sau một thời gian, Minh Anh Tông cuối cùng cũng được quân Mông Cổ trao trả cho nhà Minh. Thân là vua nhưng khi ông trở lại thì triều đình đã có vị vua mới, Minh Anh Tông bị đưa đến giam lỏng ở Nam cung.
Tiền Hoàng hậu thấy vậy liền dọn đến Nam cung sống cùng chồng. Trong những năm gian khó, đã có lúc bà phải bán đồ thêu để lấy tiền sinh sống qua ngày. Dù cuộc sống gian nan nhưng hai người đã có những năm tháng hết sức hạnh phúc.
Chết đi vẫn không được ở bên chồng
Vài năm sau, Minh Đại Tông không may mắc bệnh. Tình hình trở nên nguy kịch, một số đại thần đã khẩn cầu Minh Anh Tông quay về trị vì đất nước. Một lần nữa, Minh Anh Tông lên ngai vàng, trở thành Hoàng đế.
Sau khi Anh Minh lên lại ngai vàng, ông cần sắc phong một vị Hoàng hậu mới. Dù nhà vua hết mực yêu thương nhưng suốt thời gian sinh sống cùng nhau, Tiền Hoàng hậu vẫn không thể sinh cho ông một người con trai nào. Vì vậy mọi người đều nghĩ ngôi Hoàng hậu sẽ thuộc về quý phi Chu thị, người đã sinh ra trưởng tử Chu Kiến Thâm.
Thế nhưng bất ngờ thay, Minh Anh Tông vẫn sắc phong cho Tiền thị lên ngôi Hoàng hậu. Tình nghĩa sâu nặng và tấm lòng sắt son của Tiền thị đã khiến Hoàng đế luôn mực trân quý, yêu thương bà dù có tàn tật.
Bảy năm sau, Minh Anh Tông yếu đi và ngã bệnh. Lo lắng cho cuộc sống của Tiền thị khi không còn mình bên cạnh, Minh Anh Tông đã ra chỉ dụ: "Hoàng hậu tha nhật thọ chung, nghi hợp táng", tức khi Tiền thị ra đi phải dùng danh nghĩa hoàng hậu mà chôn cùng lăng tẩm với ông.
Bốn năm sau khi Minh Anh Tông qua đời, Tiền thái hậu cũng ra đi ở tuổi 42. Song lúc này Chu thái hậu đã ngang nhiên bất tuân di mệnh của tiên đế, không cho Tiền thái hậu hợp táng với Minh Anh Tông. Các đại thần trong triều thấy vậy liền khóc lóc ngoài cửa thành Văn Hoa để gây sức ép. Cuối cùng lăng tẩm được phân thành ba điện để Chu thái hậu và Tiền thái hậu cùng được an táng chung với tiên đế.
Dù vậy, Chu thái hậu vẫn bí mật sai người bịt kín đường thông giữa điện của Minh Anh Tông và Tiền thái hậu. Đến khi sự thật được tiết lộ, Minh Hiếu Tông đã có ý sửa lại nhưng không được nên phần mộ của Tiền thái hậu mãi mãi không được thông suốt với phần mộ của chồng.
Theo Khám phá