Khám phá

Huyền thoại đá nổi Thoại Sơn và chuyện "săn vàng" ly kỳ như truyền thuyết

Theo truyền thuyết, đồng đá nổi (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) rộng lớn xưa kia từng xuất hiện hàng hà loại đá có hình thù đa dạng. Xen lẫn trong đó là nhiều câu chuyện ly kỳ về những tay “săn đá”, “săn vàng” với giấc mộng giàu sang.

Hà Tĩnh: Bắt được lươn vàng, trả 10 triệu đồng không bán / Những món ăn dát vàng siêu xa xỉ ở Dubai

Cũng từ đó, hàng loạt câu chuyện kỳ bí xoay quanh đồng đá nổi cũng như miếu đá nổi được người dân lưu truyền đến nay.

Ly kỳ chuyện lấy đá, “săn vàng”

Nằm lọt thỏm giữa vùng ruộng lúa mênh mông của xã Phú Thuận, đồng đá nổi xưa kia hiện hữu ở ấp Phú Tây - nơi duy nhất xuất hiện đá nổi. Và hiển nhiên, ngày nay trở thành một trong những điểm đến tâm linh nhất ở Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Người dân thờ cúng nhiều phiến đá trên đồng đá nổi ngày ấy.

Tìm về đồng đá nổi xưa kia, trước mắt chúng tôi chỉ toàn những mẫu ruộng còn thơm mùi lúa mới. Trưởng ban Quản lý di tích miếu Đá Nổi Văng Công Trạc chỉ tay về những ruộng lúa trước mặt giải thích: “Bây giờ không còn đá nổi trên những cánh đồng nữa. Trước đây, đá xuất hiện trên cánh đồng này nhiều lắm. Theo ông bà xưa thì đá nhiều không đếm xuể. Những viên đá to nhỏ, hình dạng khác nhau (tròn, dẹp, vuông…) như bàn tay con người tạo ra, thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người...".

Theo lời kể của ông Văng Công Trạc, thấy đá đẹp, nhiều người thích thú đem về nhà hoặc bán cho những “tay” săn cổ vật thời ấy. Nhưng không được bao lâu thì đá được người ta hoàn y chỗ cũ. Tất nhiên, đằng sau đó là những câu chuyện kỳ bí, khó lý giải. Được một thời gian, đồng đá nổi tự nhiên “biến mất” như cách nó xuất hiện - bí ẩn.

Ngồi giữa cánh đồng lộng gió, bóng cây xanh rợp mát, chúng tôi được nghe về những câu chuyện kỳ bí. Theo ông Trạc, gia đình ông nhiều đời đã gắn bó, quản lý miếu Đá Nổi nên hầu như chứng kiến nhiều chuyện lạ kỳ. Có người từng thích thú với phiến đá hình dáng như cái ghế ngồi trên đồng đá nổi xưa nên đã mang về nhà.

Không bao lâu, người ta lại thấy người đó được người thân dìu đến miếu khấn vái trong tình trạng “sức tàn lực kiệt”, đồng thời trả lại đá đã lấy trước đây. Vừa quay lưng đi, ai cũng ngạc nhiên vì người này đã đi đứng được bình thường như chưa từng lâm bệnh.

Đá nổi còn sót lại được chất ở sân miếu.

Cứ thế, hàng loạt câu chuyện kỳ bí mang dáng dấp hoang đường được truyền tai... Hiện nay, đến đồng đá nổi hỏi người dân địa phương, ai cũng lắc đầu bảo rằng không dám lấy bất kỳ viên đá nào. Tương tự đá nổi, theo lời dân bản địa, cánh đồng đá nổi lúc xưa ngoài đá còn xen rất nhiều vàng.

 

Điều này đã thu hút nhiều kẻ “săn vàng” tìm đến. “Số phận một số người tham gia cuộc đào vàng năm xưa (còn ở địa phương), nay cuộc sống không khá giả mà còn lâm cảnh nghèo túng” - ông Trạc chùn giọng.

Miếu Đá Nổi thu hút khách thập phương

Đương buổi ban trưa oi ả, cái nắng như thiêu đốt trên đầu mà miếu Đá Nổi cứ nhộn nhịp người viếng. Có điều vừa đặt chân đến miếu, không gian thoáng đãng, mát mẻ tràn ngập khắp nơi khiến lòng người dịu lại. Chúng tôi được Trưởng ban Quản lý miếu dẫn đi tham quan, giới thiệu khắp nơi.

“Miếu này phải có từ cả trăm năm trước. Từ thời ông nội tôi đã thấy miếu này được lập bên cạnh cánh đồng đá nổi. Song, ngày đó, miếu chỉ được dựng đơn sơ bằng tre lá xập xệ. Sau này, được xây cất khang trang hơn với mái thiếc và cây kiên cố. Đến nay, đã nâng cấp chỉnh trang bằng tường vách vững chắc...", ông Trạc giới thiệu.

Cây “thạch đao” trong miếu Đá Nổi.

Theo ông Trạc, măm 2017, miếu Đá Nổi được Chủ tịch UBND tỉnh An Giang công nhận là Di tích khảo cổ cấp tỉnh. Mỗi năm, đến mùng 9, 10, 11 tháng 3 (âm lịch), hàng ngàn người từ khắp các nơi ồ ạt kéo đến miếu vái lạy, cúng viếng, nhộn nhịp cả cánh đồng thơ mộng".

 

Miếu Đá Nổi thờ bà chúa và trăm quan (các vị thần). Ngoài miếu có nhiều miễu nhỏ thờ những phiến đá được mang về từ Đồng đá nổi. Đặc biệt, có phiến đá hình dạng như cây đao được mọi người gọi là “thạch đao”. Ai đến miếu đều không quên vái lạy "thạch đao".

Ông Văng Công Trạc chia sẻ thêm: “Lúc xưa, cây “thạch đao” này nằm trên Đồng đá nổi. Một gia đình nhà nông phát hiện và tìm cách mang về nhà. Họ dùng sức 2 con trâu và 4 người đàn ông lực lưỡng nhưng không lay chuyển được. Nghe mách nước, họ lập bàn thờ cúng lạy. Sau đó, chỉ cần 2 người là có thể ôm được “thạch đao” về.

Sau này, họ mang “thạch đao” đến miếu để thờ. Trước đây, mặt trước của “thạch đao” có khắc nhiều văn tự cổ, giờ bị mờ nhạt, gần như không còn. Tuy nhiên, người ta truyền tai rằng, ai “có duyên” sẽ nhìn thấy những chữ cổ ấy”.

Đồng đá nổi một thời thu hút những kẻ săn đá, tìm vàng, giờ đây càng thu hút nhiều người tìm đến vì những câu chuyện huyền bí. Song, tất cả chỉ dừng lại ở niềm tin. Người ta đến chủ yếu để giải tỏa thắc mắc và thắp vài nén nhang thể hiện tấm lòng thành, cầu mong gia đạo bình an là chính.

Chị Võ Thị Mỹ Châu, Trưởng ban Văn hóa xã Phú Thuận, bộc bạch: “Cánh đồng Đá Nổi là một nét văn hóa đẹp của địa phương. Phòng Văn hóa huyện Thoại Sơn từng có ý định tái hiện cánh đồng này. Tuy nhiên, do người dân tự lấp đá làm ruộng, nên ý định khó thực hiện. Hiện tại, trong miếu Đá Nổi vẫn giữ được những hiện vật là cổ vật khai quật được. Các nhà khảo cổ cũng cho biết khu vực này có giá trị nghiên cứu văn hóa Óc Eo”.

 

Hiện tại, cánh đồng Đá Nổi không còn nguyên vẹn vì người dân đã “thỉnh” hết đá về miếu, để lấy đất canh tác. Những phiến đá có thể xê dịch được, người dân cũng không dám đem đi chỗ khác mà gom lại, xếp vào khuôn viên miếu. Những phiến đá to nhỏ, hình thù kỳ dị nhưng quen thuộc vẫn được người dân nơi đây trân trọng, cung kính xếp vào trong miếu. Hàng ngày, mọi người nhang khói, mong được sức khỏe, bình an, mùa màng bội thu. Đó cũng là điểm thu hút du khách đến đây…

Theo infonet.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm