Kỳ bí 3 cây vải khổng lồ có từ thời 'Đẻ đất đẻ nước' giữa rừng Pù Luông
Nóc nhà xứ Mường
Đại ngàn Pù Luông không xa xôi, hiểm trở lắm, nhưng thú vị, là rừng ở đây còn khá nguyên vẹn trên nhưng dải núi đá vôi. Nơi đây, cây còn nhiều, thú còn lắm, và những bản Mường ngàn năm sống yên bình với rừng.
Đường vào Lũng Vân (Tân Lạc, Hòa Bình), được mệnh danh là nóc nhà xứ Mường, tiên cảnh xứ Mường, khá hiểm trở, với những con dốc dựng đứng bên vách đá, nhưng đã được trải nhựa.
Mùa này, Lũng Vân ít mây, nhưng không khí thì vẫn mát lạnh, chẳng kém gì Sapa. Lũng Vân là tên một xã, nhưng thực ra, nó đại diện cho cả xứ Mường Chậm giữa đại ngàn Pù Luông, gồm mấy xã xung quanh, nhỏ bé, lẩn khuất dưới những thung lũng, khe núi.
Bây giờ, chẳng ai biết ý nghĩa của chữ Mường Chậm là gì. Chữ Chậm ở đây không có nghĩa là nhanh chậm, và trong tiếng Mường nó cũng chẳng thể hiện ý nghĩa gì cả.
Truyền thuyết kể rằng, tại vùng núi non, nơi những bản làng đang sống yên bình, có cơ đại hồng thủy tràn đến. Bản làng bị cuốn trôi, ngàn người mất tích trong dòng nước bạc. Có đôi vợ chồng bám vào được một thân cây chìm nổi giữa sóng, lênh đênh nhiều ngày.
Gốc cây lớn đó vướng vào cành cây cổ thụ khổng lồ, người Mường gọi là cây Bi. Cây Bi quá lớn, rễ khổng lồ cắm sâu vào lòng núi, nên vững vàng giữa đại hồng thủy.
Nước rút, bản làng bị cuốn trôi sạch, chẳng còn cây gì, nên cặp vợ chồng dựng lều ở dưới gốc cây Bi, san đất làm ruộng, phát rừng làm nương, sinh con đẻ cái.
Nhớ ơn cứu mạng, cặp vợ chồng lấy tên cây đặt cho tên Mường, nên có vùng Mường Bi từ đó. Xứ Mường Hòa Bình có câu “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” nói lên rằng, Mường Bi là vùng đất giàu có nhất xứ Mường. Lũng Vân là nóc nhà của xứ Mường Bi, nơi cội nguồn của xứ Mường đậm đà bản sắc văn hóa. Cái tên Mường Chậm, là có sau này, và vùng đất Mường Chậm lọt thỏm trong Mường Bi rộng lớn.
Lang thang ở xứ ở mây gió này, cảm giác con người thoát tục, bởi cuộc sống chậm chạp, bình lặng, cảnh quan thiên thiên đẹp như cổ tích, không khí trong lành tuyệt đối. Có lẽ, cũng vì thế, mà “thung lũng mây” này được mệnh danh là chốn tu tiên, khi nơi đây, con người sống trường thọ. Vùng Lũng Vân nổi tiếng bởi bản làng nào cũng có cả chục cụ già sống trường thọ, cả trăm tuổi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.
Tò mò với tên gọi cây Bi, tôi đi tìm các cụ già, các thầy cúng, là những người nắm nhiều huyền thoại, truyền thuyết về xứ Mường ở thung lũng tu tiên này. Mỗi người nói cây Bi là một loại cây, người bảo là nghiến, người bảo là gù hương, người bảo là trai, người nói cây dâu, người bảo trường mật... toàn là những cây gỗ lớn, tuổi ngàn năm trong đại ngàn Pù Luông. Nhưng, điều thú vị, là nhiều cụ già bảo rằng, đó chính là những cây vải khổng lồ, mà dấu tích còn lại ở xóm Chiến, thuộc xã Nam Sơn bây giờ. Các cụ đều bảo, những cây vải tổ đó có từ thời... “Đẻ đất đẻ nước”!
Những cây vải tổ
Từ chợ Lũng Vân, đi xuyên qua những thửa ruộng, độ vài trăm mét, thì xóm Chiến hiện ra với thấp thoáng nhà sàn dưới những lùm cây. Con đường bê tông xuyên qua những thửa ruộng vàng óng.
Xóm Chiến xinh đẹp nằm trên mỏm một đồi, lọt giữa thung lũng, với những dải núi rừng già xanh biếc bao quanh.
Đứng từ xa, nhìn vào mỏm núi, vượt lên khỏi những nóc nhà sàn, đã thấy 3 tán cây xanh thẫm, cành lá xum xuê, như những đại thụ ngàn năm của rừng già lọt vào bản làng.
Ngay con đường nhỏ xinh xuyên qua xóm, trên dốc mỏm đồi, là ngôi nhà sàn nhỏ, sạch sẽ, chắn giữa cổng vào là đại thụ khổng lồ, to 3 người ôm không xuể.
Ông chủ của cây vải tổ này là anh Hà Văn Thạn. Anh Thạn cũng là chủ của homestay có tên Hải Thạn, là một trong 3 homestay duy nhất ở cả thung lũng mây mù Lũng Vân này.
Anh Thạn tính tình vui vẻ, cởi mở như những người Mường xứ Mường Chậm hiếu khách này. Hỏi về nguồn gốc cây vải khổng lồ trước nhà, anh lắc đầu không biết.
Đứng ngay dưới gốc cây vải trước cửa nhà mình, anh Thạn chỉ tán cây xanh thẫm, vượt lên khỏi những mái nhà sàn, bảo đó là cây vải tổ, chỉ nhỏ hơn cây nhà anh chút xíu, nhưng tán thì che một góc bản. Cây vải đó giờ nằm trong vườn nhà anh Hà Công Tần.
Xuyên qua ngõ nhỏ lầy lội, thì cây vải hiện ra giữa một khu vườn, ngay mép ruộng. Khu vườn nhỏ không có cây gì ngoài cây vải. Anh Tần làm hàng rào bao quanh, ngăn không cho trâu bò đến gần, để bảo vệ cây vải.
Phía sau nhà anh Thạn, trên mỏm cao nhất quả đồi, lọt vào trong sân, là cây vải thứ ba, tán nhỏ, nhưng thân cao vút, nằm trên đất nhà anh Hà Văn Nhui.
“Mình sinh ra đã thấy cây vải to y như thế này rồi. Ông nội mình lúc còn sống, cũng bảo là không biết nó có từ bao giờ, vì ông nội mình hỏi các cụ già 100 tuổi, các cụ cũng bảo từ nhỏ đã thấy nó to như thế. Các cụ chỉ đoán rằng, cây vải được trồng khi người Mường đến đây lập bản, lập làng. Vì, ở nơi khác không có cây vải nào, và những cánh rừng trong Pù Luông cũng không có giống vải. Còn người Mường đến đây định cư từ khi nào, thì cũng chẳng ai biết, phải tính bằng ngàn năm” – anh Hà Văn Thạn vỗ vào thân cây vải trước nhà nói.
Rồi anh Thạn đứng bên gốc cây vải tổ, giang tay ôm nó. Sải tay rất dài của anh, chỉ được một góc nhỏ của cái thân xù sì u cục. Anh bảo, phải 3 người to cao như anh, ôm mới hết được thân cây.
Hồi làm cái cổng, tiện có thước dây, anh đo cái thân nó, tính được đường kính của nó tới 1,7m. Phần thân trên cao, cây bạnh ra, đường kính to hơn, đến 2m, rồi chia ra làm hai cành khổng lồ, mỗi cành đường kính cũng tới 1m, bằng một đại thụ trong rừng. Hai cái cành đó, thẳng đuột, cao vút lên trời.
Mặc dù, cây vải nằm trong đất nhà anh, nhưng đại gia đình anh từ tổ tiên đến bây giờ, vẫn coi nó là báu vật của cả xứ Mường Chậm, bởi ai cũng tin nó được tổ tiên người Mường trồng khi cắm dùi lập bản.
Xung quanh cây vải tổ nhà anh, có nhiều câu chuyện tâm linh kỳ bí, thú vị. Bỏ qua những câu chuyện tâm linh, ma mãnh, mà xứ núi nào cũng kể quanh những cây to, thì có một loài chim “vô hình” sớm sớm cất tiếng hót ở những cây vải tổ này, cả trăm năm qua, không ai giải thích được.
Theo lời anh Thạn, cứ thi thoảng, mỗi tháng khoảng 10-20 ngày, vào lúc 4 giờ sáng, từ một trong 3 ngọn cây vải tổ, cất lên tiếng chim kêu rất to “quác, quác, quác”. Tiếng chim lạ kéo dài từ 4 giờ sáng đến 6 giờ sáng. Nhiều khi, anh Thạn tò mò, hé cửa sổ ngó xem, nhưng tuyệt nhiên không nhìn thấy con chim nào cả, chỉ thấy tiếng kêu rất lớn phát ra. Khi anh đến gốc cây, hoặc trèo lên, thì tiếng chim kêu biến mất. Cũng không thấy con gì bay ra từ lùm cây cả.
Ở xóm Chiến, người dân coi tiếng chim trên những cây vải tổ là tiếng kẻng báo thức buổi sáng, để mọi người thức dậy lên nương, nhưng tuyệt nhiên chưa ai nhìn thấy loài chim đó, không ai biết chúng là loài chim gì.
Điều thú vị, là không phải năm nào những cây vải này cũng ra quả. Có khi vài năm ra quả liên tục, sai chĩu chịt, có khi lại vài năm chẳng có quả nào.
Năm nào những cây vải này ra quả, thì thực sự là niềm vui của cả xóm. Bởi, mỗi cây cho đến cả tấn quả. Quả vải to như vải thiều, nhưng cùi mỏng. Ngày hái quả, thanh niên to khỏe trèo lên, hái vải xuống, rồi chia nhau mỗi nhà một gùi, cả bản cùng ăn.
Có một loài vật, rất thích ăn quả vải trên những cây vải tổ, đó là loài chồn bay (cầy bay). Đây là loài động vật rất quý hiếm, ít ai nhìn thấy. Người Mường xưa kia thi thoảng vẫn bẫy được và thịt nó ngon vô cùng. Chúng có đôi mắt đỏ lòm, cái đầu của loài chồn, nhưng lại có màng cánh như dơi. Chúng đậu trên đỉnh núi, rồi thả mình, bay như diều đậu trên 3 cây vải tổ trên đỉnh đồi xóm Chiến, ăn quả suốt đêm. Người Mường vẫn bắt chúng ở trong rừng để ăn, nhưng khi chúng về vải tổ ăn quả, thì không ai bắt chúng cả.
“Dân mình thích ăn thịt con cầy bay lắm, nhưng mà không ai dám trèo lên cây vải tổ đâu, nên nó ở đấy ăn quả cũng không dám bắt nó đâu. Chỉ đến ngày quả vải chín, làm lễ cúng cẩn thận lắm, rồi mới dám trèo lên cây hái quả. Mà mỗi năm, cũng chỉ trèo duy nhất ngày đó thôi” – anh Thạn bảo.
Có lẽ, câu chuyện những cây vải khổng lồ ở mỏm đồi xóm Chiến, có từ huyền thoại “Đẻ đất đẻ nước”, hay là cây Bi cắt nghĩa xứ Mường Bi, chỉ là câu chuyện các cụ già kể cho vui, nhưng có một điều chắc chắn rằng, khó nơi nào có những cây vải khổng lồ đến như vậy.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngư dân bất ngờ vớt được khối gỗ ước tính hơn 3.455 tỷ đồng
Nhặt bừa viên đá chặn cửa nhiều thập kỷ, cụ bà đến khi mất cũng không biết mình từng sở hữu báu vật
Chỉ 4 cao thủ có thể đánh bại Cưu Ma Trí trong Thiên Long Bát Bộ: Ba trong đó là sư huynh đệ
CLIP: Quạ đen phản đòn xuất sắc, hạ gục chim ưng để thoát hiểm
Cận cảnh khu mộ 50 tỷ đồng của vợ cũ vị đại gia nổi tiếng nhất Bình Dương
Cao thủ có con mắt tinh tường nhất của Kim Dung: Cả đời nhận 4 đồ đệ, hai trong đó là đệ nhất thiên hạ