Kỳ bí cây lim khổng lồ 'tự tử' để hiến thân xây đại điện Lam Kinh
Nhà nghiên cứu lịch sử địa phương Hoàng Hùng, trước khi dẫn chúng tôi khảo sát những ngôi mộ cổ nghi mộ vua Lê ở Thọ Xuân (Thanh Hóa), ông bảo nên qua điện Lam Kinh để thắp nén nhang tưởng nhớ các vị vua lỗi lạc.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh, dù được phục dựng lại một phần nhỏ, từ nền móng cũ, nhưng thực sự khiến chúng tôi choáng ngợp bởi sự tráng lệ. Chính điện được dựng bởi những cột gỗ lim khổng lồ, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Nhưng, điều thú vị và huyền bí nhất, lại xoay quanh cây gỗ lim mà hay gọi là “cây lim hiến thân”.
Trời đất Thọ Xuân nổi mưa giông lớn, trắng xóa đất trời. Chúng tôi phải di chuyển đến chính điện bằng xe điện, chạy lắt léo dưới những lùm cây lớn rậm rạp như rừng.
Cô hương dẫn viên du lịch giọng sang sảng tự hào về chính điện Lam Kinh, được phục dựng khá chi tiết từ nền móng cũ. Ngay cả kích cỡ các cột gỗ, cũng phải chính xác từng centimet bởi căn cứ vào chân tảng còn đó. Nhiều chi tiết của chính điện được mạ vàng lấp lánh để tăng phần uy nghi.
Nếu như Đại nội Huế được pha trộn với kiến trúc Tây phương và chuộng những nét trang trí nhỏ nhắn tinh xảo thì khu chính điện Lam Kinh lại là những tổ hợp với kết cấu to rộng, hoàng tráng, được xây cao hơn 1,8m so với mặt sân rồng.
Không chỉ chắc chắn về kết cấu mà Lam Kinh còn có một địa thế nhìn sông dựa núi rất đẹp. Phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía Nam thì nhìn ra sông Chu. Bên tả có rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng. Kết cấu tổng thể của cả Lam Kinh có hình chữ vương với ngọ môn, sân rồng, chính điện, Thái miếu vô cùng quy mô và hoành tráng. Có thể nói Lam kinh đích thực là một nơi dành cho các bậc đế vương xưa cư ngụ.
Chính điện Lam Kinh hoành tráng như thế, nhưng câu chuyện thú vị nhất khi đến di tích lịch sử này, lại là cái cột gỗ ở hậu cung, liên quan đến “cây gỗ lim hiến thân” đầy sự kỳ bí.
Theo đó, vào năm 2009, khi dự án phỏng dựng lại kinh đô Lam Kinh theo những ghi chép và dấu tích còn sót lại, thì cây gỗ lim nằm trong khu di tích đang xanh tốt bỗng nhiên trút lá úa vàng. Người ta không hiểu tại sao một cây gỗ lim to lớn, đã sống mấy trăm năm, bỗng dưng không rõ vì nguyên nhân gì, mà ngày càng héo khô, trút lá. Nhiều chuyên gia có kinh nghiệm chăm sóc cây cối đã được huy động tìm hiểu và thử cứu chữa, nhưng cây gỗ cứ ngày một khô héo và rồi chết hẳn.
Chị hướng dẫn viên khu chính điện nói: “Nhiều người nghĩ, cây già thì nó phải chết, nhưng với cây cối, đặc biệt cây lim, nhiều khi có thể sống cả ngàn năm nếu không có tác động gì quá lớn. Nên chuyện tự nhiên cây chết không rõ nguyên nhân, khi môi trường xung quanh không có gì lạ lùng, là quá kỳ lạ. Cây lại chết đúng lúc đang cần gỗ để phỏng dựng lại công trình chính điện, nên càng lạ lùng hơn nữa. Nghĩ chuyện này có liên quan đến tâm linh, nên Ban quản lý khu di tích bèn làm một cái lễ đàng hoàng cúng thổ địa để “xin cây”. Một số nhà tâm linh còn bảo cây có trường sinh học và trường tâm linh phát ra. Nó đã sống qua nhiều thế kỷ và đã trở thành thiết mộc lim và muốn “hiến mình” để xây lại cung điện”.
Khi hạ cây xuống, nhờ vào những quan sát qua thân và một phần của rễ cây, các nhà khoa học đã xác định cây lim này có tuổi đời khoảng 600 năm, cùng thời với vua Lê Lợi xây dựng Lam Kinh.
Đã có một số phỏng đoán cho rằng tuổi của cây trùng với thời điểm Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn hoặc trùng với thời điểm ông lên ngôi vua trị vì trăm họ.
Có lẽ nào, chính cây lim này có mối liên kết kỳ bí đặc biệt với vua Lê Thái Tổ, để giờ đây khi con cháu nhiều đời sau muốn phục dựng lại một phần cơ đồ của nhà Lê thì lập tức “hiến mình” trở thành một phần quan trọng của đại điện?.
Trong quá trình đốn hạ cây lim, nhiều thợ mộc cũng phải ngạc nhiên về sự trùng hợp kỳ lạ. Nó không chỉ chết vào đúng thời điểm phục dựng lại Lam Kinh mà tất cả những phần từ thân, đến cành đều vừa khớp với những phần cốt yếu, quan trọng nhất của đại điện.
Cụ thể thì có 5 cấu kiện sử dụng được từ cây lim này. Phần thân chính của cây, sau khi gọt vỏ, mài nhẵn, thì có đường kính và vòng thân vừa khớp với kích thước của chân tảng trụ đá chính.
Theo chính sử ghi lại, Lam Kinh có tới 3 lần bị lửa thiêu rụi. Một lần dưới thời Lê Thái Tông không rõ nguyên nhân; một lần cháy dưới triều Mạc khi Mạc Đăng Doanh cùng em trai là Mạc Công Chính đi chiến thuyền ngược sông Mã để đến Lam Kinh đốt phá, vì không muốn tồn tại một thủ phủ của nhà Lê; thời Lê Trung Hưng nhà Lê cho tôn tạo lại nhưng tiếp tục bị đốt phá lần ba khi quân Tây Sơn tràn đến Thanh Hóa. Sau nhiều lần bị hủy hoại thì Lam Kinh chỉ còn giữ lại được phần nền đá và các trụ cột chân tảng bằng đá. Đời sau cứ căn cứ vào các chân tảng để phục dựng đúng với quy mô công trình.
Cùng với cột trụ chính rất khớp với tiết diện chân tảng, chiều cao công trình, thì các phân cành cũng rất khớp với các vị trí khác nhau. Một cành lớn làm thành cột quân tức là cột to thứ hai của điện, một cành nhỏ hơn vừa khớp làm cột ngoài hiên, một cành nữa đủ làm thanh đầu trụ cũng là một trong những kết cấu quan trọng để dựng lên đại điện, một cành thì được thêm một thanh thượng lương.
Bước vào chính điện và hậu cung, đặc biệt đứng bên cột trụ chính làm từ cây lim hiến mình, chúng tôi có cảm giác tĩnh lặng tuyệt đối. Ngoài trời mưa như trút nước, sấm chớp rền vang, nhưng không gian trong điện yên tĩnh đến lạ thường.
Men theo lối đi được ốp toàn bằng đá phiến lớn để ra về, chúng tôi tò mò muốn đi qua chỗ gốc lim hiến thân trước kia để được tận mắt nơi mà cây gỗ trong đại điện từng tồn tại ở đó nhiều thập kỷ.
Chiều lòng chúng tôi, anh cán bộ của khu di tích liền lái xe đưa chúng tôi qua. Trời mưa mỗi lúc một lớn khiến cho tầm nhìn bị giảm xuống đáng kể. Gió mạnh đến nỗi lật ngược cả ô. Ấy thế nhưng, khi đến khu vườn có nhiều cây lớn bao phủ thì gió cũng nhẹ, mưa cũng không còn trút nước nữa.
Anh cán bộ khu di tích chỉ tay vào khoảnh đất giữa khu đất bạt ngàn cây lớn bảo: “Ở chính cái chỗ mà trước cây gỗ hiến thân mọc thì nay không thể trồng lại một cây lim khác. Chúng tôi cũng không hiểu vì sao, chỉ trồng một thời gian ngắn là chúng sẽ héo và chết. Còn ngay bên cạnh đó, xung quanh thì nhiều cây lim cứ mọc tự nhiên, xanh tốt không hề có dấu hiệu của héo úa. Thế nên bây giờ ban quản lý chẳng trồng thêm cây gì vào đây nữa mà làm cái biển đánh dấu lại để người tham quan biết đã từng có một cây lim ở đây hiến thân mình để dựng lại dinh cơ nhà Lê”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
200 năm sau khi bị chôn nhầm vì ngất xỉu lúc sinh con, cảnh tượng bên trong quan tài của người phụ nữ khiến hậu thế bàng hoàng
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Sự thật cặp vợ chồng mang gỗ lăng mộ đế vương về làm tủ, khiến 4 đứa con dính lời nguyền chết thảm
Lão nông đào được khúc gỗ kì dị, tưởng gỗ quý sắp phát tài nào ngờ con trai vừa thấy đã báo cảnh sát
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?