Nhưng không phải lúc nào loài gấu nước cũng sinh sống tại các địa điểm khắc nghiệt, chúng cũng thích chọn môi trường ấm áp để cảm thấy thoải mái. Đó là lý do giúp các nhà khoa học khám phá ra một loài sinh vật hoàn toàn mới sống trên rong rêu của bề mặt bê tông tại một bãi đậu xe ở Nhật Bản.
“Chiến công” lớn này thuộc về nhà sinh vật học Kazuharu Arakawa ở Trường Đại học Keio. Ông đang thuê một căn hộ trong thành phố Tsuruoka và trong lúc lấy một mẫu rêu từ bãi đậu xe trong tòa nhà để phục vụ cho việc phân tích về sau, ông đã tình cờ phát hiện ra loài vật mới.
Một phát hiện ngẫu nhiên như vậy nghe thật hoang đường nhưng sự thật thì không tình cờ đến thế. Tardigrades - hay còn gọi là moss piglet hoặc gấu nước - thường sống trong rêu, địa y và lá mục – đó là lý do khiến Kazuharu Arakawa có cơ hội tìm thấy nó. Sau đó, nhà sinh vật học đã kiểm tra mẫu rêu trong phòng thí nghiệm và phát hiện có 10 sinh vật đa bào sống trong đó.Chúng đã được chiết xuất và tách ra thành 5 cặp để chuyển vào phòng nuôi cấy.
Một trong những cặp này phát triển cực kì nhanh trong đĩa của chúng. Với các phép phân tích vi mô và gen tiếp theo, nhà khoa học đã phát hiện một loại hoàn toàn mới - Macrobiotus shonaicus - thuộc nhóm Macrobiotus hufelandi. Điểm để phân biệt M. shonaicus với những loài khác là trứng của nó. Chúng có bề mặt cứng và các sợi tơ co dãn nhô ra phía ngoài - tương tự như trứng của hai loài khác được phát hiện gần đây, M. paulinae ở châu Phi và M. polypiformis ở Nam Mỹ.
M. shonaicus là loài gấu nước thứ 168 được xác định ở Nhật Bản - trong tổng số hơn 1.200 loài (PDF) được nhận diện trong loài Tardigrada. Nhưng phát hiện này thật sự là một dấu mốc quan trọng.
"Đây là báo cáo đầu tiên về một loài mới trong khu phức hợp ở Đông Á. Chúng ta vẫn cần những điều tra rộng rãi hơn về Nhật Bản và Châu Á để hiểu được tính đa dạng của khu vực này, cũng như cách các loài sinh vật thích nghi với môi trường địa phương", Arakawa phát biểu trên báo chí.
Một điều nữa khiến M. shonaicus khác biệt đó chính là chế độ ăn uống của chúng. Để nuôi dưỡng M. shonaicus, các nhà nghiên cứu đã cho chúng ăn tảo, nhưng hầu hết các loài Macrobiotidae là động vật ăn thịt, chúng ăn trùng bánh xe.
Cũng có những câu hỏi về giới tính được đặt ra.
"M. shonaicus có hai giới tính, những con tardigrade được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm hầu hết đều sinh sản đơn tính (con cái có thể sinh sản mà không cần con đực). Vì vậy, đây là một mô hình lý tưởng để nghiên cứu sự sinh sản tính dục và các hành vi của tardigrades”, Arakawa cho biết.
Arakawa là một chuyên gia về tardigrade và ông ấy có mối quan tâm khoa học thuần túy về những sinh vật bất thường này. Thậm chí ông còn cho rằng loài vật này rất duyên dáng. Arakawa nói: "Khi tôi thấy chúng bò chậm chạp dưới chiếc kính hiển vi, bám chặt vào lá rêu và (hình như) đang nhìn xung quanh với đôi mắt nhỏ xíu của chúng, tôi thấy những chú gấu nước dễ thương vô cùng.”
Những chú “heo nhỏ bám trên rêu” này có thể đáng yêu nhưng điều thực sự làm chúng ta mê hoặc đó là khả năng chống chọi với môi trường khắc nghiệt đầy kinh ngạc của chúng. Thậm chí chúng có thể chống lại cả cái chết - ở mức độ sinh lý học -mà các khoa học vẫn chưa thể hiểu được.
Arakawa nói: "Điều làm chúng ta sửng sốt nhất là khả năng “vắt kiệt nước” trong cơ thể mình của gấu nước. Nếu bạn đi tìm một định nghĩa về cuộc sống, nó có thể liên quan đến việc sinh sản và việc thực hiện các phản ứng sinh hóa trực tiếp để đạt được mục đích này. Nói chung là sự sống liên quan đến việc trao đổi chất.
Nhưng khi môi trường trở nên khô khốc, tardigrade có thể sống khỏe mạnh mà không cần đến một giọt nước. Và trong trạng thái này, chúng không thực hiện bất kì phản ứng sinh hóa hay trao đổi chất nào cả. Tuy nhiên, chúng sẽ hồi phục nhanh chóng các chức năng sau khi được bù nước. Điều này thách thức những hiểu biết của thời đại chúng ta về sự sống và cái chết".
Toàn bộ nghiên cứu đã được công bố trên PLOS ONE.