Khám phá

Ly kỳ chuyện dòng nước giúp 'thăng quan tiến chức' ở Phú Thọ

Chẳng biết dòng nước ấy có mang đến vận may thăng quan cho người cầu tin hay không, nhưng chuyện phong thủy khí tụ ở ngã ba Bạch Hạc thì rõ rành từ thời Hùng Vương.

Lạ đời vị mỹ nhân quốc sắc cả đời... "không tắm" lại được hoàng đế trọng vọng, cung đình kính nể / Okapi, loài động vật kỳ lạ bước ra từ chuyện cổ tích

Chẳng biết có tự bao giờ, nhưng năm nào cũng vậy, khi tiết xuân vừa chớm nở thì người dân tứ xứ kéo về ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ) để lấy nước thăng quan và cầu may.

Chẳng biết dòng nước ô nhiễm ấy có mang đến vận may thăng quan cho người cầu tin hay không. Nhưng chuyện phong thủy khí tụ ở ngã ba Bạch Hạc thì rõ rành từ thời Hùng Vương.

“Anh muốn đến ngã ba Bạch Hạc thì đừng đến chỗ mà người ta chỉ lối bây giờ. Chỗ ấy là sai. Ngã ba Bạch Hạc làm gì có doi đất nào nổi lên.

Chỗ mới bây giờ là do đất cát bồi từ khi ngăn đập Sơn La. Anh cứ nhắm thẳng đền Tam Giang hướng khoảng trăm mét chỗ nước cuộn mới là ngã ba Bạch Hạc” – Lời của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương dặn chúng tôi trước lúc tìm đến ngã ba thiêng liêng cổ kính nhất nước Việt.

Đền Tam Giang.Đền Tam Giang.

Nước thăng quan ở ngã ba trời đất

Khi chạm vào tiếng cung văn của những đồng cô bóng cậu đền Tam Giang, chúng tôi đứng lại ngắm cảnh, may gặp một người tuổi cỡ 40 hỏi về ngã ba Bạch Hạc. Anh này chỉ tay ra chỗ doi cát nổi lên giữa sông. Một cụ già tuổi 74 tên là Nguyễn Văn Nụ đến bảo không phải, đấy là chỗ mới, chỗ cũ cách chân cầu Việt Trì vài trăm nhịp chèo. So với lời của cụ Nguyễn Khắc Xương thì quả đúng như vậy. Ông Nụ bảo: “Lớp trẻ không biết, thấy người ta lấy nước ở cái doi đất mới thì nghĩ đó là ngã ba Bạch Hạc. Tôi sống 74 năm rồi, tôi biết hết. Cái ngã ba cổ xưa ở chỗ cuộn nước, lại có ba màu khác nhau cùng ba vị nước mặn, ngọt, lợ”.

Thấy chúng tôi tâm huyết với ngã ba Hạc nên ông Nụ tự nguyện chèo thuyền làm hoa tiêu dẫn lối. Dòng nước xoáy khiến ông phải cứng chân đạp mái chèo liên tục. Đến chỗ nước xoáy, ông mới chỉ tay bảo là ngã ba Bạch Hạc. Lúc này, tôi để ý ông Nụ không điều khiển mái chèo nữa nhưng thuyền vẫn đứng vững một chỗ, không suy xuyển.

Chỗ khí tụ trời đất là đây. Nơi giao thoa của ba dòng sông lớn Thao – Lô – Đà cũng là đây. Và nghe đâu ngã ba thiêng khí này đã nghìn đời vào câu đối trên ban thờ Cơ Miếu Hùng Vương bằng Hán ngữ mà người sau lược dịch: Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô Bách Việt non sông có Tổ/Núi sáng khí thiêng, cố cung thành miếu mạo, ba sông quanh quất hướng chầu vua.

Nhiều người lấy nước ở ngã ba Bạch Hạc để mong thăng quan.Nhiều người lấy nước ở ngã ba Bạch Hạc để mong thăng quan.

Theo quan sát tường tận, ở vũng xoáy Bạch Hạc có ba dòng nước khác biệt vần vũ liên tục. Nếm vị nước cũng ba kiểu khác nhau.

 

Một dòng nước rất ngọt, dòng khác lại vị tanh mặn, dòng khác nữa thì lờ lợ. Chẳng biết thực hư có khí tụ hay không nhưng khí trời xung quanh sáng láng lạ thường. Chính chỗ ấy, nơi Lạc Long Quân “chia con” lên rừng xuống biển mà tạo thành dân Việt.

Cũng trước ngã ba thủy tụ ấy, vì thấy nhiều sự lạ nên người dân lập chùa Tam Giang án ngữ, ngõ hầu thờ tụng thần linh và Đức Phật cho đất yên ổn. Sau này, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đưa tướng lĩnh đến bái Tổ mong xin phù hộ đại quân vững chí cự địch Nguyên Mông trên dòng Đà giang.

Lấy nước thăng quan

Từ xa xưa, cổ tục lấy nước ở ngã ba Bạch Hạc đã có. Nhưng theo nghiên cứu của cụ Nguyễn Khắc Xương từ thời theo cha là thi sĩ Tản Đà du ngoạn Việt Trì, tục lấy nước ở Ngã ba Hạc rất đa dạng. Nhưng chủ yếu chỉ là lấy nước ở nơi linh khí thủy tụ về rửa xương cho tổ tiên khi sang cát cất mộ, hoặc lấy ít cát nơi đáy sông về để xây mồ mả.Tục truyền kể lại, nước ngã ba Bạch Hạc rất thơm. Nước ngũ vị hương để rửa xương cho tiền nhân cũng thua xa dòng nước này. Vả lại, được nước thủy tụ linh khí vào xương thì đời đời yên ổn, con cháu phát đạt an gia. Nhưng được thế, phải có cái tâm, cái đức khi đến nơi này.

Các nho sĩ thời xưa đến đây lấy nước đều rũ bỏ hết những muộn phiền, âu lo. Họ bình thản hòa mình cùng trời đất để xin nước, một để rửa bút, hai để rửa xương chứ tịnh không hề có ý xin nước cầu may, phát quan phát tài.

 

Thời nay lại khác, theo như ông Nụ lúc dò dẫm đưa khách ra cái doi cát múc nước: “Họ cứ lấy tàn chứ chẳng có thành tâm thành ý gì cả. Hỏi thì họ trả lời lấy nước về thờ mong năm mới thăng quan tiến chức. Năm sau lại đến lấy để thăng chức cao hơn”.

Đi lấy nước ở ngã ba Bạch Hạc.
Đi lấy nước ở ngã ba Bạch Hạc.

Vào ngày 22/2 và 10/3 âm lịch hằng năm là người tứ xứ đến lấy nước đông nhất. Một phần cũng vì khi ấy đền Tam Giang mở cổ tục “rước nước”, phần nữa lại trùng với giỗ Tổ Hùng Vương. Nhưng điều mà ông Nụ cũng như các cao niên ở đây buồn bã là tệ nạn kinh doanh nước thiêng.

Nhiều người múc nước dưới sông đựng vào chai hoặc can to rồi bán cho những người không thể ra được nơi thủy tụ linh khí. Mỗi can vài chục, có khi vài trăm nghìn. Sự linh thiêng cùng cổ tục bỗng dưng bị biến tướng kiểu buôn thần bán thánh vô tội vạ.

Hầm cá Anh Vũ

Là lão ngư ở ngã ba Hạc nên ông Nụ tỏ ra rành rẽ mọi chuyện. Chuyện trên mặt nước thì thôi không kể, vì nó là phần nổi dễ thấy, dễ tin. Chuyện dưới mặt nước mới đáng ngẫm, đáng suy. “Dưới ngã ba Bạch Hạc có một quần thể đá kỳ thú lắm. Tôi và vài lão ngư từng lặn xuống ấy dò dẫm vào tận trong hang. Có ba hang cả thảy, trong đó có một hang rộng đến 30m”, ông Nụ kể.Những ngư dân ngã ba sông thường đồn về loài quái thú dị kỳ quẩn quanh nơi hầm đá, nhưng ông Nụ khẳng định là không có. Đó chỉ là loài cá lăng khổng lồ, chúng hay tụ lại quần nhau rồi tạo ra sóng vần vũ đêm ngày. Bây giờ, nước ô nhiễm quá, nạn đánh bắt bằng xung điện nở rộ nên cá lăng hoặc chết hoặc di tản nơi khác cho yên ổn.

 

Dịch vụ bán “nước thiêng” hình thành ở Việt Trì.Dịch vụ bán “nước thiêng” hình thành ở Việt Trì.

Rồi còn chuyện cá Anh Vũ nữa. Khắp nước Việt ta thì chỉ cá Anh Vũ là quý dùng để tiến vua. Loài cá này còn hơn cả thần thoại vì có thật. Giá cả lên tới trăm triệu một con là bình thường, bởi quan niệm nuôi cá lấy may. Ngày trước, chúng hiển hiện ngay trong ba cái hầm đá dưới ngã ba Bạch Hạc. Hồi còn nhỏ, ông Nụ vẫn thấy chúng nhưng chẳng dám bắt. Người làng bảo, cá ấy là “cá vua”, cá của Hùng Vương.

Những năm bao cấp, có một nhóm khảo sát đường thủy chẳng tường lịch sử thiêng khí của ngã ba này nên dùng mìn định phá hầm đá phía dưới. Ai ngờ, mìn nổ không sập nổi đá mà ba người thiệt mạng. Từ ấy, chỗ ngã ba thi thoảng lại có người chết. Đấy là chuyện ông Nụ kể, người ta còn đổ cho thần thánh bắt người nhưng ngẫm lại, những kẻ phải bỏ mạng nơi đây, ít nhiều đều có dính dáng đến những việc mờ ám đối với hang ở của loài “cá vua” ngự vùng linh khí Bạch Hạc.

“Tục rước nước có từ thời Lý – Lê cùng tín ngưỡng thờ lúa nước của cư dân nông nghiệp. Tục rước nước cổ xưa là mong ước cầu cho mùa màng thắng lợi. Tục này không chỉ Việt Nam, mà Lào và Trung Quốc cũng có. Hơn chục năm trở lại đây, tục lấy nước với mục đích cầu thăng quan tiến chức chính là những biến tướng của thời đại. Nhưng đó âu cũng là sự thích hợp với những đổi thay tín ngưỡng mà mỗi địa vị lại có cách hiểu khác nhau”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm