Khám phá

Ngôi đền cổ xưa ở Ấn Độ được tạc hoàn toàn từ một khối đá khổng lồ

Ngôi đền Hindu cổ đại đã tồn tại tới 1200 năm, toàn bộ ngôi đền có diện tích lớn gấp đôi đền Parthenon của Hy Lạp.

Những ngôi đền, chùa nằm dưới bộ rễ cây cổ thụ độc đáo trên thế giới / Ngắm những ngôi đền màu trắng có kiến trúc đẹp

Đền Kailasa ở Maharashtra, Ấn Độ là công trình kiến trúc nguyên khối lớn nhất thế giới được chạm khắc hoàn toàn thủ công từ một tảng đá duy nhất. Đây được đánh giá là một trong những công trình đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử kiến trúc.
Đền Kailasa ở Maharashtra được tạc hoàn toàn từ một khối đá khổng lồ.

Đền Kailasa ở Maharashtra được tạc hoàn toàn từ một khối đá khổng lồ.

Đền Kailasa là công trình thứ 16 trong quần thể 34 tu viện và đền thờ thuộc hang động Ellora, nằm trong các vách đá ở Aurangabad, Maharashtra, Ấn Độ. Quần thể công trình này được đào cạnh nhau trong khu vực 2 km của một vách đá bazan ở thung lũng Sahyadari.
Ngôi đền được xây dựng để thờ phụng thần Shiva mang phong cách Pallava và có nét tương đồng với kiến trúc Dravidian. Nơi đây được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ thứ 8 bởi vua Rashtrakuta Krishna I. Theo các nhà khảo cổ học, để hoàn thành được công trình này, đã có hơn 400.000 tấn đất đá được đẽo gọt và vận chuyển đi nơi khác. Rất có thể những người cổ đại với những công cụ lao động thô sơ đã phải mất tới hàng thế kỷ mới có thể hoàn thành được công trình vĩ đại này. Người ta vẫn chưa thể lý giải được làm cách nào mà người cổ đại có thể tách được những tảng đá khổng lồ ra khỏi ngọn núi đá cao hơn 30 mét với một tỉ lệ hoàn hảo đến vậy.
Đền Kailasa gây kinh ngạc bởi toàn bộ công trình được tạo ra bằng cách đào thẳng đứng, nghĩa là những người thợ phải đào, đục đẽo các khối đá từ trên xuống dưới. Các nhà sử học và kiến trúc sư đã rất ngạc nhiên khi phát hiện một khu phức hợp tráng lệ và phức tạp đến như vậy. Thế nhưng trong lịch sử không hề có ghi chép nào về việc xây dựng công trình đồ sộ này. Có ý kiến còn cho rằng, đền Kailasa chỉ được xây dựng trong vòng 18 năm.
Toàn bộ ngôi đền Kailasa có diện tích lớn gấp đôi đền Parthenon tại Hy Lạp. Đây là một trong những công trình kiến trúc lớn nhất thế giới, sánh ngang với cả đền Taj Mahal. Đây cũng là công trình duy nhất được tạo ra bằng cách chạm khắc trực tiếp vào núi. Qua dấu vết từ những vết đục đẽo trên tường đá, các nhà khoa học cho rằng, công cụ mà người xưa dùng để tạo nên kiệt tác này chỉ bao gồm đục, búa và những vật sắc nhọn.
Đền Kailasa đôi khi còn được gọi là đền Kailashnath bởi nó được thiết kế giống với ngọn núi Kailash linh thiêng tại Tây Tạng, được cho là nơi cư ngụ của thần Shiva. Đền có chóp vuông với các chi tiết được chạm khắc tỉ mỉ. Trong sân, có một khu thờ trung tâm dành riêng cho thần Shiva, vị thần tối cao tượng trưng cho sự tái tạo và hủy diệt trong Ấn Độ giáo. Các nhà khoa học cho biết, ban đầu công trình kiến trúc này còn được phủ một lớp thạch cao trắng dày để trông chúng giống như ngọn núi được bao phủ bởi tuyết. Tuy nhiên đến ngày nay lớp thạch cao này đã không còn.
Hùng vĩ và tráng lệ là vậy, nhưng đền Kailasa cũng đã từng phải trải qua một thời kỳ đen tối. Vào năm 1682, vua Mugahl Aurangzeb – một tín đồ Hồi giáo sùng đạo đã ra lệnh phá hủy hàng ngàn ngôi đền Hindu trong đó có đền Kailasa. Theo những ghi chép lịch sử, đã có tới hơn 1000 người làm việc liên tục trong vòng 3 năm để phá hủy ngôi đền này.
Tuy nhiên, họ chỉ gây ra được những thiệt hại rất nhỏ, chỉ có vài bức tượng và phù điêu bị phá vỡ và biến dạng. Nhận ra rằng không thể phá hủy hoàn toàn đền Kailasa nên cuối cùng vua Aurangzeb đã phải từ bỏ kế hoạch này. Những người Hindu cho rằng, chính sức mạnh của thần linh đã ngăn cản không cho ngôi đền bị phá hủy.
Không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, đền Kailasa cũng là nơi lưu giữ hàng nghìn tác phẩm điêu khắc, bản vẽ và chữ khắc thể hiện sự phong phú về mặt nghệ thuật và triết học của nền văn minh Ấn Độ cổ đại. Trong đó có phiến đá khắc lại nội dung của thiên sử thi hùng tráng Ramayana. Ước tính ngày nay vẫn còn khoảng 32 triệu chi tiết chạm khắc tiếng Phạn tại đây vẫn chưa được dịch.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm