Khám phá

Người nữ phát thanh viên huyền thoại thời chống Mỹ

Hanoi Hannah có tên thật là Trịnh Thị Ngọ. Bà sinh năm 1931 và là con gái của nhà tư sản Trịnh Đình Kính – người vẫn được mệnh danh là “ông hoàng thủy tinh Đông Dương” với thương hiệu Thanh Đức.

Người phụ nữ Việt duy nhất trở thành hoàng hậu ở nước ngoài là ai? / Bí ẩn vùng đất phụ nữ muốn có bao nhiêu chồng cũng được, đàn ông mặc váy và thi sắc đẹp

Hanoi Hannah có tên thật là Trịnh Thị Ngọ, phát thanh viên của đài VOV với “biệt danh” là Thu Hương. Những chương trình phát sóng của bà Trịnh Thị Ngọ nhằm kêu gọi lính Mỹ đầu hàng.
Và bà với giọng đọc tiếng Anh huyền thoại của mình đã đóng góp công lao không nhỏ trong cuộc chiến tâm lý chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Hanoi Hannah có tên thật là Trịnh Thị Ngọ. Bà sinh năm 1931 và là con gái của nhà tư sản Trịnh Đình Kính – người vẫn được mệnh danh là “ông hoàng thủy tinh Đông Dương” với thương hiệu Thanh Đức.
Trịnh Thị Ngọ sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hàng Bồ, Hà Nội. Ngay từ những năm tháng thiếu nữ, Trịnh Thị Ngọ đã nổi tiếng là người thông minh và xinh đẹp.
Cô con gái của nhà tư sản Trịnh Đình Kính thi đậu tú tài Pháp rồi tự học thêm tiếng Anh bên ngoài của bà Lucine Hà Văn Vượng. Bà Trịnh Thị Ngọ từng tâm sự rằng, bà quyết định học tiếng Anh bởi bà vô cùng yêu thích những bộ phim của Mỹ lúc bấy giờ, đặc biệt là bộ phim nổi tiếng “Cuốn theo chiều gió”.
Bà Trịnh Thị Ngọ khi còn trẻ

Bà Trịnh Thị Ngọ khi còn trẻ

Bà đã từng xem đi xem lại bộ phim ấy cả thảy 5 lần. Bà muốn mình có thể tự nghe, tự hiểu những gì mà các diễn viên đang nói mà không cần thông qua phụ đề dịch.
Cái giá của việc học tiếng Anh hồi đó khá đắt, khoảng 25 đồng tiền Đông Dương cho một giờ. Trong khi đó, mỗi tháng học phí tại trường học cũng chỉ vài chục đồng. Tuy nhiên, do gia đình có điều kiện nên bà có thể theo đuổi việc học tiếng Anh của mình.
Trong thời gian cách mạng tháng 8 diễn ra tại Hà Nội, Trịnh Thị Ngọ cũng như rất nhiều người dân yêu nước lúc bấy giờ, tham gia một cách nhiệt tình vào các hoạt động cứu chữa thương bệnh bình, tiếp tế nuôi quân cách mạng.
Đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra sau lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí minh, bà cùng gia đình tản cư về quê nhà ở vùng Thanh Oai, Hà Tây.
Ở đây, Trịnh Thị Ngọ lại chứng tỏ bản lĩnh của một người con gái có thể thích nghi với nhiều hoàn cảnh, dù hoàn cảnh đó có nhiều khó khăn vất vả.
Thanh Oai, Hà Tây vốn nổi tiếng với nghề làm nón lá. Trịnh Thị Ngọ trong khoảng thời gian sinh sống ở đây cũng trở thành cô gái làm học làm nón.
Rất không may là khi làm nón lá, bà đã bị kim đâm vào tay, dẫn đến viêm nhiễm và thành tật. Trong những năm kháng chiến, cũng là lúc gia đình bà bắt đầu gặp nhiều khó khăn. Cha của Trịnh Thị Ngọ, ông Trịnh Đình Kính bị bắt giam ở Hỏa Lò vì đã ủng hộ cách mạng. Mọi tài sản đều bị mất hết. Lúc này, mọi trách nhiệm được đặt lên vai của cô gái Trịnh Thị Ngọ.
Đến năm 1955, Đài tiếng nói Việt Nam mở chương trình phát thanh tiếng Anh, Trịnh Thị Ngọ với vốn tiếng Anh thành thạo của mình đã trở thành phát thanh viên kiêm biên dịch và biên tập viên.
Đến năm 1965, bà được phân công thực hiện chương trình Mỹ vận, tức là chương trình giành cho các binh sỹ Mỹ đang tham chiến tại Việt Nam. Cũng từ đó, tên tuổi của Trịnh Thị Ngọ gắn liền với chương trình phát thanh cho các binh sĩ Mỹ với cái tên Hanoi Hannah.
Các buổi phát thanh địch vận bằng tiếng Anh của bà Trịnh Thị Ngọ được phát vào ban đêm, sau 1 ngày dài diễn ra chiến sự.
Đó là những buổi phát thanh mà lính Mỹ vừa nguyền rủa, vừa sợ nhưng lại vẫn muốn nghe, kể cả khi bị cấm. Câu mở đầu của chương trình thường là: “Đây là Thu Hương trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở Nam Việt Nam...”.
Lúc đầu, buổi phát thanh chỉ dài 5, 6 phút mỗi lần và mỗi tuần có 2 buổi phát. Tuy nhiên, về sau tăng dần thời lượng và phát ngày 3 buổi, mỗi buổi 30 phút. Như vậy, mỗi ngày Hanoi Hannah có 90 phút phát thanh với hàng trăm nghìn binh sĩ Mỹ nghe.
Nội dung của buổi phát thanh là tất cả mọi câu chuyện. Từ chuyện gia đình của những người lính Mỹ tại quê nhà đến chuyện những người phụ nữ Việt Nam mất chồng con do bom đạn.
Hay suy nghĩ của những người lính Việt Nam sau một trận đánh. Đó còn là cả những điều lo sợ của lính Mỹ sau mỗi trận càn quét, đánh nhau.
Các thông tin mà bà Trịnh Thị Ngọ đọc chủ yếu được lấy từ các báo “Sao và Vạch” của quân đội Mỹ, rồi danh sách những lính Mỹ tử trận để dọc.
Ngoài ra, bà Trịnh Thị Ngọ cũng cẩn thận thu thập, ghi chép các các nguồn báo nước ngoài. Sự thu hút bản tin đối với lính Mỹ không chỉ bởi nội dung thông tin mà còn bởi phần nhiều từ giọng đọc của bà Trịnh Thị Ngọ.
Nguyên tắc đọc tin của bà Ngọ đã đặt ra cho mình là phải thuyết phục, không quá thân mật nhưng cũng không quá cứng rắn. Mọi từ ngữ đều được lựa chọn một cách kỹ lưỡng trước khi sử dụng.
Mục đích của bà lúc đó là làm sao để phát huy được hết sức mạnh của lời nói. Vậy nên, phải thể hiện sao cho giọng của mình vừa nhỏ nhẹ, nhưng cũng rất kiên quyết, vừa mềm mại nhưng phải rất cứng rắn, nhưng không được uốn éo.
Hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọ trên báo Mỹ năm 1966

Hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọ trên báo Mỹ năm 1966

Đây là trích dẫn một trong những đoạn văn mà bà thường đọc: “How are you, GI Joe? It seems to me that most of you are poorly informed about the going of the war, to say nothing about a correct explanation of your presence over here.
Nothing is more confused than to be ordered into a war to die or to be maimed for life without the faintest idea of what's going on”.
Dịch ra tiếng Việt là: “Chào anh lính Mỹ tên Joe. Tôi thấy có vẻ như hầu hết các anh được cung cấp rất ít thông tin về diễn biến của cuộc chiến, lại càng không được một lời giải thích đúng đắn về sự hiện diện của các anh ở đây.
Không có gì mơ hồ bằng việc được lệnh dấn thân vào một cuộc chiến để bị chết hoặc bị thương tật cả đời mà không có lấy một ý niệm mờ nhạt nhất về chuyện gì đang xảy ra”.
Bà Trịnh Thị Ngọ đã phải khổ luyện rất nhiều để có được 1 giọng đọc tiếng Anh chuẩn xác, trẻ trung và lưu loát đến vậy. Quan trọng hơn cả theo bà chính là việc phải gạt đi mọi lo toan để có thể thực sự được trò chuyện với những người lính Mỹ bằng tất cả niềm tin mãnh liệt của mình vào sự toàn thắng của dân tộc.
Bà Trịnh Thị Ngọ đã kể lại rằng có lần, quân địch ném bom ở Khâm Thiên, cửa kính rung lên từng đợt. Nhưng bà không sợ mà giọng nói khi ấy càng đanh thép, càng ngọt ngào hơn.
Với bà, tất cả những điều đó đều hướng đến một mục tiêu chung cao quý và vĩ đại. Đó chính là: sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Giọng nói của bà Trịnh Thị Ngọ khiến không ít binh lính Mỹ cảm thấy vừa thích thú vừa sợ hãi.
Vì thế, họ gọi bà là “phù thủy”, là nàng tiên cá. Thậm chí, có những binh lính Mỹ đã thốt lên rằng: “Hannah! Người là đấng tiên tri hay là mụ phù thủy, hay là quỉ sứ?”.
Các buổi phát thanh của bà Trịnh Thị Ngọ lúc đó cũng nhận được rất nhiều phản hồi từ các quốc gia Châu Âu và Mỹ mà đặc biệt là các quốc gia ở Bắc Âu. Nói về điều này, bà Trịnh Thị Ngọ đã hài hước, dí dỏm nói: “Có lẽ vì họ có 6 tháng ở nhà vào mùa lạnh”.
Bà Trịnh Thị Ngọ cũng chia sẻ về 1 chiếc postcard làm bà ấn tượng và nhớ rất lâu. Đó là tấm postcard có hình của cô Tokyo Rose. Đây là người đọc bản tin tiếng Anh thời kỳ Nhật chống Mỹ. Sau khi nước Nhật thua trận, Tokyo Rose đã được xem như 1 tội phạm chiến tranh, bị giam cầm.
Người gửi bức hình dường như muốn “nhắc nhở” bà Trịnh Thị Ngọ rằng có thể bà cũng sẽ có số phận giống như Tokyo Rose mà thôi.
Tuy nhiên, điều đó chưa bao giờ khiến Hanoi Hannah cảm thấy nản lỏng, bởi trong tâm trí của bà niềm tin về 1 nước Việt Nam mạnh mẽ, anh hùng chắc chắn sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chính nghĩa của mình.
Và đúng như vậy, vào ngày 30/4/1975, dân tộc Việt Nam đã chính thức chiến thắng, đất nước Việt Nam được thống nhất.
Trong ngày vui của toàn dân tộc ấy, bà Trịnh Thị Ngọ vinh dự là người được đọc trực tiếp tin chiến thắng bằng tiếng Anh, báo với toàn thế giới rằng: “Sài gòn đã được giải phóng, đất nước Việt Nam đã hòan toàn độc lập, thống nhất”.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm