Nguồn gốc cổ xưa của lễ đón năm mới
Vào ngày 1/1 hằng năm, nhiều quốc gia trên thế giới tổ chức lễ đón năm mới. Nhưng đây không phải là điều gì đó quá mới lạ. Trên thực tế, các lễ hội và lễ kỷ niệm đánh dấu ngày đầu tiên của năm đã có từ hàng nghìn năm trước.
Ngày đông như trong cổ tích ở ngôi làng cổ xưa nhất nước Nhật / 8 ngôi chùa cổ xưa nhất bạn nên ghé thăm khi đến Chiang Mai
Trong khi một số lễ hội đón năm mới chỉ đơn giản là dịp để uống rượu và vui chơi, nhiều lễ hội khác có liên quan đến các sự kiện nông nghiệp hoặc thiên văn.
Ví dụ, năm mới của người Ai Cập cổ đại bắt đầu với lũ lụt hằng năm của sông Nile, trùng với sự xuất hiện của ngôi sao Thiên Lang (Sirius) trên bầu trời đêm. Người Phoenicia và người Ba Tư bắt đầu năm mới của họ bằng ngày xuân phân, và người Hy Lạp kỷ niệm nó vào ngày Đông chí. Trong khi đó, ngày khởi đầu năm mới của Trung Quốc trùng với lần trăng non thứ hai sau ngày Đông chí.
Nhiều nước trên thế giới đón năm mới vào ngày 1/1 với pháo hoa và các lễ hội đặc sắc. Ảnh: Ancient Origins.
Lễ hội Akitu ở Babylon
Lễ hội đón năm mới sớm nhất thế giới đã diễn ra cách đây khoảng 4.000 năm ở Babylon cổ đại, và nó gắn bó sâu sắc với tôn giáo và thần thoại. Đối với người Babylon ở vùng Lưỡng Hà, trăng non đầu tiên sau điểm xuân phân – ngày gần cuối tháng ba với thời gian ngày và đêm ngang bằng nhau – báo hiệu năm mới bắt đầu và đại diện cho sự tái sinh của thế giới tự nhiên. Người Babylon đánh dấu sự kiện này bằng một lễ hội tôn giáo lớn gọi là Akitu. Thuật ngữ “Akitu” bắt nguồn từ tiếng Sumer có nghĩa là lúa mạch – loại ngũ cốc được thu hoạch vào mùa xuân.
Bức tranh của người Ai Cập cổ đại về các vũ công và người thổi sáo trong lễ hội đón năm mới. Ảnh: Ancient Origins.
Trong lễ hội Akitu, người dân mang tượng của các vị thần đi diễu hành qua những con đường trong thành phố, đồng thời thực hiện một số nghi thức nhằm tôn vinh chiến thắng của họ trước các thế lực thù địch. Thông qua những nghi lễ này, người Babylon tin rằng các vị thần đã gột rửa và tái sinh thế giới để chuẩn bị cho năm mới và mùa xuân trở lại.
Ngoài dịp năm mới, người Babylon cũng tổ chức lễ hội Akitu để kỷ niệm chiến thắng thần thoại của thần bầu trời Marduk đối với nữ thần biển xấu xa Tiamat. Lễ hội cũng diễn ra khi đất nước có những thay đổi quan trọng về mặt chính trị, chẳng hạn như khi một vị vua mới lên ngôi.
Năm mới của người La Mã cổ đại
Lịch của người La Mã thời kỳ đầu bao gồm 10 tháng (304 ngày), và năm mới bắt đầu vào ngày xuân phân. Romulus – người sáng lập thành Rome – đã tạo ra bộ lịch này vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Nhưng qua nhiều thế kỷ, cách tính lịch của Romulus không đồng bộ với chuyển động của Mặt trời và bộc lộ nhiều hạn chế.
Đến năm 46 trước Công nguyên, hoàng đế Julius Caesar đã khắc phục vấn đề trên bằng cách tham khảo ý kiến các nhà thiên văn và toán học lỗi lạc nhất trong thời đại của ông. Nhà vua đưa vào sử dụng lịch Julian, một loại lịch dựa trên chu kỳ chuyển động của Mặt trời, gần giống với lịch Gregory hiện đại mà hầu hết các quốc gia trên thế giới sử dụng ngày nay.
Trong cuộc cải cách của mình, Caesar đã thiết lập ngày 1/1 là ngày đầu tiên của năm, một phần là để tôn vinh tên gọi của tháng một: Janus – vị thần La Mã đại diện cho sự thay đổi và khởi đầu mới. Vị thần Janus có hai khuôn mặt để nhìn về quá khứ và tương lai. Sau cải cách lịch của Caesar, ngày 1/1 trở thành mốc thời gian chuyển đổi từ năm này sang năm tiếp theo.
Người La Mã cổ đại tổ chức lễ kỷ niệm ngày 1/1 bằng cách cúng tế thần Janus với hy vọng sẽ có nhiều may mắn trong năm mới. Họ trang trí nhà cửa bằng những cành nguyệt quế và tham gia những bữa tiệc thịnh soạn. Ngày đầu năm được coi là tiền đề cho mười hai tháng tiếp theo. Do đó, bạn bè và hàng xóm thường trao nhau những lời chúc an lành và những món quà để có khởi đầu tích cực cho năm mới.
Thời kỳ Trung Cổ
Nhưng ở châu Âu vào thời Trung cổ, các lễ kỷ niệm dùng để chào đón năm mới được coi là ngoại giáo và không phù hợp với Cơ Đốc giáo. Đến năm 567 sau Công nguyên, Hội đồng thành phố Tours [nơi đặt trụ sở cũ của Cơ đốc giáo] đã bãi bỏ ngày 1/1 là ngày bắt đầu của năm, thay thế nó bằng những ngày mang ý nghĩa tôn giáo hơn chẳng hạn như ngày 25/12, hoặc ngày Lễ Truyền tin (25/3) hay còn gọi là “Ngày của Phụ nữ”.
Lịch Gregory (Dương lịch)
Năm 1582, sau khi cải cách lịch Gregory, Giáo hoàng Gregory XIII đã thiết lập lại ngày 1/1 là ngày đầu năm mới. Mặc dù các quốc gia với người dân chủ yếu theo đạo Thiên chúa đã sử dụng lịch Gregory gần như ngay lập tức, nhưng nó chỉ từng bước được áp dụng tại những quốc gia chủ yếu theo đạo Tin lành. Ví dụ, người Anh không dùng lịch cải cách cho đến năm 1752. Trước thời điểm đó, Đế quốc Anh và các thuộc địa của họ ở châu Mỹ vẫn tổ chức lễ đón năm mới vào tháng ba.
Tết Nguyên đán và quái vật khát máu
Một trong những truyền thống lâu đời nhất vẫn còn tồn tại đến ngày nay là Tết Nguyên Đán. Người dân sống trong thời nhà Thương ở Trung Quốc đã tổ chức lễ hội này từ cách đây khoảng ba thiên niên kỷ. Ban đầu, Tết Nguyên Đán là cách để người dân đánh dấu sự khởi đầu của thời vụ gieo trồng vào mùa xuân. Nhưng sau đó, lễ hội gắn liền nhiều hơn với các câu chuyện thần thoại và truyền thuyết.
Người Trung Quốc cổ đại tin rằng, một sinh vật khát máu tên là Nian (tiếng Trung Quốc có nghĩa là “Năm”) luôn rình rập ở các ngôi làng vào mỗi dịp năm mới để ăn gia súc, mùa màng và thậm chí cả con người. Để xua đuổi thú đói, dân làng đã trang hoàng nhà cửa bằng những đồ trang trí màu đỏ, đốt tre (sau này được thay thế bằng pháo) và tạo ra những tiếng ồn lớn. Kết quả là quái vật Nian không bao giờ dám xuất hiện nữa. Những màu sắc và ánh sáng rực rỡ nhằm mục đích khiến quái vật Nian sợ hãi cuối cùng trở thành phong tục lưu truyền cho đến ngày nay.
Ngày nay, Tết Nguyên Đán là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp bên nhau. Người ta thường nấu những món ăn ngon, tặng nhau phong bao lì xì (thường có màu đỏ) và trang trí nhiều thứ màu đỏ khác trong nhà nhằm mục đích cầu may. Các điệu múa lân và rồng, trống, pháo hoa, và các loại hình giải trí khác tràn ngập các con phố trong ngày lễ này. Vì Tết Nguyên Đán dựa trên lịch âm, nên ngày lễ thường rơi vào cuối tháng một hoặc đầu tháng hai tính theo dương lịch, vào lần trăng non thứ hai sau ngày Đông chí. Mỗi năm gắn liền với một trong mười hai con giáp bao gồm: chuột, trâu, hổ, mèo (hoặc thỏ), rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó và lợn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo