Những giai thoại tình ái ly kỳ của Hồ Quý Ly
Cuộc đời Hồ Quý Ly còn quá nhiều điều cần khảo cứu để làm sáng tỏ thêm; những giai thoại về tình ái của ông dưới đây phần nào cung cấp thêm thông tin dưới góc độ đời tư của vị vua đặc biệt này.
Giai thoại về người con gái bí ẩn của Gia Cát Lượng / Độc đáo hình tượng tê giác trên cổ vật Việt Nam
Gặp may mà trở thành phò mã triều Trần
Theo chính sử vào tháng 5 năm Tân Hợi (1371), vua Trần Nghệ Tông phong chức rồi gả em gái cho Hồ Quý Ly, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Tháng 5, lấy người họ ngoại là Lê Quý Ly làm Khu mật viện đại sứ. Hai chị em bà cô của Quý Ly, Minh Tông đều lấy làm cung nhân. Một bà sinh ra vua [Nghệ Tông], đó là bà Minh Từ. Một bà sinh ra Duệ Tông, đó là bà Đôn Từ. Cho nên vua khi mới lên ngôi rất tín nhiệm Quý Ly. Lại đem em gái mới góa chồng là công chúa Huy Ninh gả cho ông ta (Huy Ninh trước là vợ của tôn thất Nhân Vinh, Nhân Vinh bị Nhật Lễ giết hại)”.
Trần Nghệ Tông và em gái – công chúa Huy Ninh.Hình minh họa – Nguồn: truyentranh. |
Trước đó, vào tháng 9 năm Canh Tuất (1370), một người hoàng thất giữ chức Phó ký lang, tước Thượng vị hầu tên là Trần Tung tự là Nhân Vinh (sử thường chép là Trần Nhân Vinh) cùng một số hoàng thân quốc thích, đại thần mưu lật đổ Dương Nhật Lễ nhưng không thành nên bị giết.
Sau khi dẹp được loạn cung đình, Trần Nghệ Tông lên ngôi đã đem em gái góa chồng gả cho Hồ Quý Ly; hai người sống rất hòa hợp, hạnh phúc. Kết quả của mối duyên tình này là công chúa Huy Ninh đã sinh cho Hồ Quý Ly hai người con, con gái là Thánh Ngâu sau trở thành Khâm Thánh hoàng hậu của vua Trần Thuận Tông. Còn người con trai tên là Hán Thương, khi Quý Ly lập ra nhà Hồ, làm vua gần một năm thì nhường ngôi cho người con này, Hán Thương ở ngôi hơn 6 năm, đặt hai niên hiệu là Thiệu Thành, Khai Đại.
Chính sử thì ghi chép như vậy, nhưng dã sử và truyền tụng dân gian lại cho biết câu chuyện ly kỳ về mối duyên tình của Hồ Quý Ly với nàng công chúa nhà Trần có hiệu là Nhất Chi Mai.
Tương truyền, Hồ Quý Ly lúc hàn vi thường theo người cha đi buôn bán bằng đường biển. Một lần thuyền chở hàng ghé vào bờ, Quý Ly thấy trên bãi biển có ai vạch lên cát dòng chữ: “Quảng Hàn cung lý nhất chi mai” (trong cung Quảng Hàn có một cành mai). Thấy lạ, lại hay nên Quý Ly nhẩm thuộc lòng lấy câu thơ đó. Đến khi Quý Ly đã làm quan, một hôm hộ giá vua Trần đi chơi, nửa chừng ghé vào tránh nắng ở điện Thanh Thử, thấy trước điện rất nhiều cây quế, vua tức cảnh liền ra câu đối:
- Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế.
Các quan hầu cận cùng đi bất ngờ trước tình huống đó, ai nấy đều lúng túng chưa kịp ứng đối lại thì quan Ngự sử Quý Ly bỗng nhớ lại câu thơ trên bãi biến năm xưa, bèn đọc luôn:
- Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai.
Cả hai câu ghép lại thành hai vế đối nhau rất chỉnh với nghĩa là:
Thanh Thử điện kia ngàn gốc quế,
Quảng Hàn cung nọ một cành mai.
Nghe xong các quan đều phục tài Quý Ly, còn vua Trần giật mình kinh ngạc hơn bởi nhà vua có một công chúa đặt hiệu là Nhất Chi Mai vô cùng xinh đẹp, nàng ở trong cung cấm không ra đến ngoài. Vua mới hỏi Quý Ly rằng :
- Nhà ngươi làm sao biết được việc trong cung của ta có công chúa tên Nhất Chi Mai, nơi ở của công chúa là cung Quảng Hàn do chính ta đặt tên?
Quý Ly cứ thực tình tâu lại việc tình cờ bắt gặp câu thơ trên bãi biển dạo trước, vua Trần cho là chuyện kỳ lạ, chắc duyên trời đã định bèn gả công chúa Nhất Chi Mai cho Quý Ly. Công chúa xinh đẹp như nhành hoa mai trắng, duyên dáng thanh tao nên dân gian lấy tên nàng đặt cho mai trắng (bạch mai) và ghép tên nàng cùng chức vụ chồng, cũng từ đó loài mai này được gọi là Mai ngự sử hay Nhất chi mai.
Vậy là nhờ câu thơ trên bãi biển năm xưa đáp lại vế đối của vua Trần, Hồ Quý Ly bất ngờ có được "người tình trăm năm" dòng dõi hoàng tộc - công chúa Nhất Chi Mai, để rồi từ cuộc hôn nhân đó đã mở ra con đường sự nghiệp thênh thang cho ông đến khi thực hiện được mưu đồ thâu tóm thiên hạ. Nàng công chúa Nhất Chi Mai ấy theo sử sách chính là công chúa Huy Ninh.
Bị người đẹp thử thách trong đêm tân hôn
Hồ Quý Ly không chỉ là một nhà cải cách lớn với tầm nhìn sâu rộng, bao quát mà còn là người có trình độc học vấn khá uyên bác. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Hồ Quý Ly đã dịch thiên Vô dật trong cuốn Thượng Thư của Chu Công; dịch và bình giải cuốn Kinh Thi của Khổng Tử, phê phán một số quan điểm của sách Luận Ngữ…Ông còn soạn ra sách Minh Đạo gồm 14 chương để cho vua, hoàng hậu, cung phi học tập. Ngoài ra Hồ Quý Ly còn viết khá nhiều thơ chữ Hán, chữ Nôm với nội dung chủ yếu để khuyên vua, dạy bảo con cháu, nhắc nhở quần thần…
Văn chương giỏi, lại biết võ thuật, đọc sách binh thư, từng nhiều lần tham gia chiến trận, do đó ở một góc độ nào đó có thể nói Hồ Quý Ly văn võ song toàn. Không phải không có lý khi vào tháng 3 năm Đinh Mão (1387), Thượng hoàng Trần Nghệ Tông phong cho Hồ Quý Ly làm Đồng bình chương sự, ban cho một thanh gươm, một lá cờ đề 8 chữ: “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức”.
Ấy vậy mà Hồ Quý Ly đã bất ngờ gặp thử thách văn thơ ngay trong đêm tân hôn với nàng công chúa Trần triều, một câu chuyện ít người được rõ. Chuyện kể rằng, sau khi lễ cưới đã hoàn tất các thủ tục, đến giờ tân lang vào động phòng hoa chúc, lúc Hồ Quý Ly đến bên giường, tân nương không chịu làm lễ hợp cẩn mà bắt chồng đứng bên ngoài màn đối đáp văn chương, thơ phú với mình, nếu hay khiến nàng vừa ý mới cho động phòng. Đầu tiên Nhất Chi Mai ra vế đối rằng:
- Ai đấy phải nâng niu, chiều chuộng
Quý Ly đáp lại:
- Đây xin thề gìn giữ, chăm nom
Nhất Chi Mai lại xướng rằng:
- Đôi trái đào tiên chỉ dành cho người quân tử
Quý Ly đối lại trong niềm hạnh phúc:
- Một tấm thân ngà trong màn trướng duy mỹ nữ
Nàng công chúa tài sắc lại ra một câu đối nữa:
- Nơi ấy thiêng liêng, dành riêng cho chí sĩ
Trước câu đối này, Hồ Quý Ly thấy bối rối, nghĩ mãi không ra câu từ thích hợp để đối lại, đến khi đã quá nửa đêm mới đáp lại được:
- Chốn đó trắng trinh, xin hưởng lộc giai nhân
Bấy giờ công chúa Nhất Chi Mai mới dừng việc thử tài, cùng Quý Ly uống chén rượu giao bôi, động phòng hoa chúc.
Lấy vợ người làm vợ mình, nhận con người làm con mình
Hồ Quý Ly có bao nhiêu vợ, bao nhiêu con, đó là điều khó mà biết rõ tường tận được, tuy nhiên nguồn tư liệu dân gian địa phương phần nào bổ sung thêm một số thông tin hữu ích, như tại xã Thanh Thủy (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) hiện có ngôi đền thờ bà Nguyễn Thị Dầm, một phi tần của Hồ Quý Ly được triều đại sau này sắc phong là Bảo Long Thánh Mẫu, Hoàng hậu đệ tam trinh tiết.
Tương truyền bà Dầm là một thôn nữ, xinh đẹp một hôm đi cắt cỏ ven sông Đáy vừa làm vừa hát:
Tay cầm bán nguyệt đưa ngang,
Em là phận gái sửa sang cõi bờ.
Nửa vành trăng sáng đơn sơ,
Trăm ngàn ngọn cỏ ngẩn ngơ quy hàng.
Bấy giờ Hồ Quý Ly đang chỉ huy quân lính tập trận tại thôn Ô Cách, cách đó không xa. Tình cờ nghe tiếng hát trong trẻo, thánh thót của cô gái lấy làm yêu mến bèn ghé thuyền lên bờ hỏi chuyện rồi cho võng kiệu đón vào cung làm vợ, sau này bà Dầm sinh được hai người con gái.
Về khía cạnh tuyển lựa người vào hậu cung, trừ những phụ nữ kết duyên với vua khi họ còn hàn vi, chưa có được danh vị cao sang làm nên sự nghiệp, bước lên trên ngôi báu; hoặc tình cờ gặp gỡ với vua mà trở thành vợ chồng, còn lại muốn được nên danh phận thì phải trải qua đợt tuyển tú nữ từ dân gian. Trong quan niệm của giai cấp thống trị, hoàng đế là thiên tử nên họ có quyền sở hữu tất cả những gì họ muốn, tất cả những gì trong thiên hạ đều là của vua vì thế, việc tuyển chọn phi tần cho nhà vua được tiến hành trên quy mô rộng lớn nhằm lựa ra những người con gái tài sắc vẹn toàn vào cung. Thế nhưng ngoài công chúa Huy Ninh (Nhất Chi Mai) và phi tần Nguyễn Thị Dầm, Hồ Quý Ly còn một người vợ nữa và điều lạ lùng là người này cũng từng trải qua một đời chồng.
Đối đáp thơ văn. Hình minh họa – Nguồn: vnthuquan. |
Tranh vẽ chân dung Hồ Quý Ly. Hình minh họa. Nguồn: mythuat. |
Công chúa Huy Ninh có một người con gái với chồng trước Hồ Quý Ly đã nhận làm con nuôi và phong làm công chúa Hoàng Trung, sau đem gả cho Trần Mộng Dữ, con trai của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán.
Ngoài ra Hồ Quý Ly còn lấy vợ góa của Thượng vị hầu Trần Tông (còn gọi là Trần Tung), vốn có một người con là Trần Đỗ, sau được làm Cung lệnh, đổi thành họ Hồ, phong làm tướng cầm quân. Sử chép rằng: “Năm Mậu Thìn (1388), mùa hạ, tháng 5, lấy Trần Đỗ làm cung lệnh. Đỗ là con Thượng vị hầu Tông, mẹ Đỗ cải giá lấy Quý Ly, cho nên có lệnh này. Sau Đỗ đổi làm họ Hồ” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trên đây là một số giai thoại tình ái ly kỳ, thú vị vừa hư vừa thực của Hồ Quý Ly, một con người không thể thực hiện được ước mơ xây dựng một đất nước hùng mạnh, phú cường, để lại mối hận nghìn thu, như trong bài thơ của Nguyễn Trãi nói về Hồ Quý Ly có câu: “Anh hùng di hận kỷ thiên niên” (Anh hùng để hận đến nghìn năm). Cuối cùng vị vua tài ba ấy phải gửi nắm xương tàn nơi đất khách, trước khi mất ông thổ lộ tâm tình xót xa, sự tủi thẹn của mình qua bài thơ “Cảm hoài”, trong đó có câu:
Cứu nước, tài hèn, thua Lý Bật,
Dời đô, kế vụng, khóc Bàn Canh.
Bình vàng đã mẻ làm sao gắn,
Đợi giá, ngọc vàng chẳng dám khinh.
Theo kienthuc.net.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ
Cột tin quảng cáo