Những kỷ lục ấn tượng và khó phá vỡ của các phi hành gia
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ra ngoài vũ trụ mà không mặc đồ phi hành gia? Bài học xương máu cho ta biết câu trả lời! / Nữ phi hành gia tắm và ngủ trong không gian như thế nào? Sự thật sẽ khiến bạn bất ngờ!
Kể từ chuyến bay đầu tiên của con người lên vũ trụ vào ngày 12/4/1961, khi phi hành gia người Liên Xô Yuri Gagarin thực hiện chuyến bay một vòng quanh quỹ đạo Trái Đất trên tàu Vostok 1, con người đã có những bước tiến dài trong công cuộc chinh phục vũ trụ.
Cùng điểm lại một vài kỷ lục ấn tượng và khó phá vỡ của các phi hành gia trong công cuộc khám phá vũ trụ.
Phi hành gia lập kỷ lục sống lâu nhất trên không gianNgày 4/2 vừa qua, nhà du hành vũ trụ người Nga Oleg Kononenko đã thiết lập một kỷ lục mới về tổng số ngày sống ngoài vũ trụ, với tổng cộng 879 ngày sống xa Trái Đất.
Thành tích của Oleg Kononenko đã vượt qua kỷ lục trước đó được nắm giữ bởi phi hành gia đồng hương Gennady Padalka, với tổng thời gian sống ngoài vũ trụ là 878 ngày, 11 giờ và 30 phút.
Đáng chú ý, Oleg Kononenko được đưa lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào tháng 9 năm ngoái và thời gian lưu trú dự kiến sẽ kéo dài một năm. Điều này đồng nghĩa với việc nếu mọi chuyện vẫn diễn biến đúng kế hoạch và không có sự cố nào xảy ra, Oleg Kononenko sẽ nâng thành tích sống trên vũ trụ của mình lên hơn 1.110 ngày cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ hiện tại.
"Dự kiến Oleg Kononenko sẽ đạt tổng cộng 1.000 ngày sống trong không gian vào lúc 0h20 ngày 5/6/2024 theo giờ Moscow. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thám hiểm hiện tại vào ngày 23/9, tổng thời gian bay của ông ấy sẽ là 1.110 ngày", Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos chia sẻ.
Hiện là lần thứ 5 Kononenko thực hiện nhiệm vụ bên ngoài Trái Đất. Cuối tháng này, Kononenko sẽ đảm nhiệm vai trò điều hành Trạm vũ trụ Quốc tế ISS khi các thành viên khác đang làm việc tại ISS sẽ quay trở về Trái Đất.
"Tôi bay vào vũ trụ để làm điều mình yêu thích, chứ không phải để lập nên các kỷ lục. Tôi tự hào về những thành tựu của mình, nhưng tôi tự hào hơn nữa là kỷ lục về tổng thời gian con người sống trong không gian vẫn do phi hành gia người Nga nắm giữ", Kononenko chia sẻ sau khi đạt được cột mốc đáng nhớ.
Phi hành gia người Nga Gennady Padalka từng nắm giữ kỷ lục trước khi bị Oleg Kononenko phá vỡ (Ảnh: Space Flight).
Các phi hành gia Liên Xô trước đây và hiện tại là Nga thống trị các kỷ lục về thời gian sống trong vũ trụ. 8 người có tổng thời gian sống và làm việc ngoài vũ trụ lâu nhất đều thuộc về các phi hành gia người Liên Xô và Nga. Vị trí thứ 9 thuộc về nữ phi hành gia người Mỹ Peggy Whitson, với 675 ngày sống xa Trái Đất.
Phi hành gia có thời gian sống kéo dài liên tục lâu nhất ngoài không gianThành tích của Oleg Kononenko và Gennady Padalka đạt được sau nhiều lần đi vào không gian để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chứ không phải là thời gian kéo dài liên tục mà các phi hành gia này sống ngoài vũ trụ.
Phi hành gia người Liên Xô và Nga Valeri Polyakov (sinh 1942, mất 2002) vẫn đang nắm giữ kỷ lục về thời gian sống liên tục trên vũ trụ (Ảnh: TSR).
Người nắm giữ kỷ lục về thời gian sống liên tiếp trên vũ trụ lâu nhất cũng thuộc về một phi hành gia người Nga (trước đây là Liên Xô), đó là Valeri Polyakov. Ông đã làm việc trên Trạm vũ trụ Mir từ ngày 8/1/1994 đến 22/3/1995, với tổng thời gian kéo dài 437 ngày, 17 giờ và 58 phút.
Trước đó, Polyakov cũng từng thực hiện nhiệm vụ trên Mir kéo dài 240 ngày, từ ngày 28/8/1998 đến 27/4/1989.
Phi hành gia nắm giữ kỷ lục nhiều lần bay vào không gian nhất
2 phi hành gia người Mỹ là Franklin Chang-Diaz và Jerry Ross đang nắm giữ kỷ lục về số lần bay vào không gian, cùng có thành tích 7 lần.
Franklin Chang-Diaz (trái) và Jerry Ross là những người đang nắm kỷ lục về số lần bay vào không gian (Ảnh: WTTW).
Jerry Ross là người đầu tiên đạt cột mốc 7 lần bay vào không gian thông qua những chuyến bay vào vũ trụ trong giai đoạn từ năm 1985 đến 2002. Kỷ lục của Ross không kéo dài được lâu khi bị Franklin Chang-Diaz san bằng thành tích cũng trong năm 2002.
Phi hành gia có số lần đi bộ ngoài không gian nhiều nhấtPhi hành gia người Nga Anatoly Ykovlevic Solovyev là người đang nắm giữ kỷ lục về số lần đi bộ ra ngoài không gian nhiều nhất (16 lần) và cũng là người có tổng thời gian đi bộ ngoài không gian lâu nhất (82 giờ 22 phút).
Phi hành gia người Nga Anatoly Solovyev đang giữ kỷ lục với 16 lần đi bộ ra ngoài không gian (Ảnh: Twitter).
Thành tích của Solovyev bỏ xa người đứng thứ 2 là phi hành gia người Mỹ gốc Tây Ban Nha Michael Lopez-Alegria. Phi hành gia Lopez-Alegria đã thực hiện 10 chuyến đi ra ngoài không gian, với tổng thời gian đạt được là 67 giờ 40 phút.
Kỷ lục về số người cùng sống ngoài không gian đông nhấtNăm 2009, tàu con thoi Endeavour đã đưa 7 thành viên phi hành đoàn lên Trạm Vũ trụ quốc tế ISS. Vào thời điểm này, trên ISS đã có sẵn 6 phi hành gia khác đang làm nhiệm vụ. Điều này đồng nghĩa với việc đã có cùng lúc 13 người sống trên không gian, lập nên kỷ lục đông người cùng sống ngoài không gian nhất.
Ảnh chụp 13 phi hành gia cùng có mặt trên Trạm vũ trụ Quốc tế ISS (Ảnh: Space).
Hiện kỷ lục này vẫn chưa được phá vỡ.
Người lớn tuổi và trẻ tuổi nhất từng bay vào không gianKỷ lục người đàn ông trẻ tuổi nhất bay vào không gian hiện thuộc về phi hành gia người Liên Xô Gherman Titov. Khi thực hiện chuyến bay lên vũ trụ vào tháng 8/1961, Titov mới chỉ 25 tuổi.
Kỷ lục nữ phi hành gia trẻ tuổi nhất từng bay vào không gian thuộc về nhà khoa học người Liên Xô Valentina Tereshkova. Khi thực hiện chuyến bay vào không gian ngày 16/6/1963, Tereshkova mới chỉ 26 tuổi. Valentina Tereshkova cũng là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử bay vào không gian.
Gherman Titov (trái) và Valentina Tereshkova, những người trẻ nhất từng bay vào không gian (Ảnh: Getty).
Kỷ lục của Valentina Tereshkova sau đó bị phá vỡ bởi Anastatia Mayers, khi cô gái này bay lên vũ trụ trong chuyến bay du lịch của hãng Virgin Galactic vào tháng 8/2023. Tại thời điểm này, Mayers mới chỉ 18 tuổi.
Tuy nhiên, do Mayers chỉ thực hiện một chuyến bay du lịch, thay vì một chuyến bay lên không gian để thực hiện nghiên cứu khoa học, nên nhiều người vẫn cho rằng Mayers chưa thể phá vỡ kỷ lục mà Tereshkova đã lập được vào năm 1963.
Ở chiều hướng ngược lại, người đàn ông lớn tuổi nhất từng bay vào không gian là phi hành gia người Mỹ John Glenn. Khi Glenn bay lên vũ trụ vào ngày 29/10/1998, ông đã 77 tuổi. John Glenn cũng là phi hành gia người Mỹ đầu tiên bay vào quỹ đạo Trái Đất năm 1962.
John Glenn (trái) và Peggy Whitson là những người cao tuổi nhất từng bay vào không gian (Ảnh: NASA).
Người phụ nữ lớn tuổi nhất bay vào không gian là phi hành gia người Mỹ Peggy Whitson. Bà được phóng lên vũ trụ vào ngày 21/5/2023, khi đã ở tuổi 63. Bà cũng đang nắm giữ kỷ lục người Mỹ và nữ phi hành gia có thời gian sống lâu nhất ngoài không gian, với tổng cộng hơn 675 ngày.
Những áp lực khủng khiếp các phi hành gia phải hứng chịu khi sống trên vũ trụ quá lâuSở dĩ những kỷ lục về thời gian làm việc kéo dài trên vũ trụ được giới khoa học quan tâm và đánh giá cao vì đây là những kỷ lục rất khó để đạt được.
Thời gian sống trên vũ trụ càng lâu, các phi hành gia sẽ phải chịu đựng nhiều áp lực rất dữ dội ảnh hưởng đến cơ thể, chẳng hạn như sự phân phối của các chất lỏng trong cơ thể khiến họ rất khó để thích nghi khi quay trở lại Trái Đất.
Các phi hành gia phải gánh chịu áp lực khủng khiếp sau một thời gian dài sống trong không gian (Ảnh minh họa: NASA).
Nhiều phi hành gia sẽ đối mặt với tình trạng mất mật độ xương và teo cơ. Mặc dù trên trạm ISS có thiết kế phòng tập thể dục để giúp các phi hành gia có thể vận động, nhưng vẫn không thể tránh khỏi tình trạng bị mất cơ bắp và tổn thương xương, khớp.
Thông thường, các phi hành gia sẽ chỉ làm việc khoảng 6 tháng trên ISS trước khi quay trở về Trái Đất và được thay thế bởi những phi hành gia khác.
Các phi hành gia sẽ phải mất vài năm để hồi phục sức khỏe hoàn toàn sau 6 tháng làm việc trên vũ trụ. Dù vậy, họ vẫn phải đối mặt với các di chứng về sức khỏe như nguy cơ gãy xương cao hơn hay nguy cơ bị ung thư…
Một vấn đề khác mà nhiều phi hành gia phải đối mặt sau thời gian dài làm việc trên vũ trụ đó là những tổn thương về mặt tâm lý và cảm xúc, khi họ thường xuyên phải làm việc một mình và cách xa người thân trong một thời gian dài.
Do vậy, các phi hành gia sẽ phải rất dũng cảm và cống hiến hết mình để có thể làm việc kéo dài trên vũ trụ.
ISS là trạm vũ trụ lớn nhất từng được con người xây dựng trong không gian, là dự án kết hợp giữa 5 cơ quan hàng không vũ trụ, bao gồm NASA (Mỹ), Roscosmos (Nga), Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản, Cơ quan vũ trụ châu Âu và Cơ quan vũ trụ Canada.
Do những căng thẳng về chính trị giữa Nga và Mỹ, năm 2022, Nga công bố sẽ rút khỏi trạm ISS vào cuối năm 2024 và xây dựng một trạm vũ trụ mới của riêng mình. Tuy nhiên, Nga vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ các chuyến bay đưa người lên ISS đến năm 2025.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
200 năm sau khi bị chôn nhầm vì ngất xỉu lúc sinh con, cảnh tượng bên trong quan tài của người phụ nữ khiến hậu thế bàng hoàng
Các nhà khoa học tiết lộ bí mật gây 'sốc' về con người sau khi chết: Chết có thực sự là hết?
Loài 'sói đầu lừa' đã tuyệt chủng 500.000 năm bỗng xuất hiện, giới khoa học bàng hoàng khi giải mã được
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Sự thật cặp vợ chồng mang gỗ lăng mộ đế vương về làm tủ, khiến 4 đứa con dính lời nguyền chết thảm
Top 10 loài chim quý hiếm với tên gọi và tiếng kêu độc lạ nhất Việt Nam: 'Bắt cô trói cột', 'khát nước'…