Hoang mạc cằn cỗi nhuốm màu sắt oxit đỏ ửng như Sao Hỏa, bề mặt lạnh đến đóng băng như ở vệ tinh Europa của Sao Mộc, hay hồ núi lửa, hồ axit, bồn lưu ẩm ướt, hang động ngầm giàu dưỡng chất,... nghe qua chúng rõ ràng là những nơi không thể dành cho con người sinh sống.
Đúng vậy, những đặc điểm địa hình kể trên thường được gắn liền với các thiên thể khác trong Hệ Mặt Trời, nơi được các nhà khoa học nghi ngờ là có sự sống nhưng vẫn chưa xác nhận được. Để biết được chính xác, chúng ta phải gửi tàu thăm dò đến tận những vùng đất xa xôi đó.
Nhưng trước khi thực hiện các dự án khảo sát liên hành tinh đắt đỏ, hãy cùng tham quan một loạt địa điểm có đặc tính tương tự như vậy ngay trên chính địa cầu này. Ở đây, chúng không chỉ là bản sao về vẻ ngoài mắt thấy tai nghe, mà lý tính, hóa tính cùng những điều kiện liên quan đến sự sống cũng gần như được sao chép hoàn hảo.
Điều đó có nghĩa là, trên hành tinh xanh tưởng chừng như hiền hòa, vẫn có nơi nóng đến thiêu đốt, lạnh đến buốt xương, khô cằn đến bốc hơi hay nồng độ axit vượt xa sự tưởng tượng cùng độ mặn của nước không thể sánh bằng. Hãy cùng đi một vòng đến những nơi lạ kì này trên Trái Đất nhé.
Hố trũng Danakil ở Ethiopia là một nơi không nằm trong bất cứ định nghĩa nào bởi tính độc đáo của nó, độc đáo đến mức độc địa, không một động vật nào sống sót nổi ở đây. Cảnh quan núi lửa dày đặc khiến mạch nước ở đây không chỉ nóng hổi mà còn đậm đặc axit, độ mặn cao cùng hơi nước có chứa độc tính.
Nhưng tại đây, vi sinh vật phát triển mạnh mẽ, nhất là ở khu vực hồ chứa lưu huỳnh cùng những ống phun hơi nước chứa khoáng. Các nhà khoa học khi tìm đến đây lần đầu đã biết chắc chắn, nó hệt như những gì đang diễn ra ở Sao Hỏa và ở Trái Đất vào buổi bình minh của sự sống.
Khoảng 300 mét bên dưới mặt đất, các tinh thể selenite khổng lồ tạo ra một hang động nóng, ẩm, tối màu, hút mắt tại vùng mỏ Naica ở Mexico. Những mẩu tinh thể này, cái nhỏ nhất dài 4 mét, cái to nhất dài hơn 9 mét.
Nơi này được phát hiện lần đầu vào năm 2000 và nhanh chóng được đưa lên bản đồ các điểm đến đậm chất ngoại hành tinh. Năm 2017, phòng nghiên cứu Penelope Boston của NASA đã công bố tìm thấy các quần thể vi khuẩn mắc kẹt bên trong nhóm tinh thể này, ước chừng chúng có tuổi đời hơn 50.000 năm.
Với những vách đá sa thạch gồ ghề và rực rỡ ánh đỏ cam nhàn nhạt, Wadi Rum ở Jordan là một trong những vùng đất có cảnh quan phong phú nhất hành tinh xanh. Hoang mạc trải xung quanh khu vực này có tên gọi “Thung lũng Mặt Trăng” theo tiếng địa phương, đã trở thành Sao Hỏa trong nhiều phim bom tấn của Hollywood.
Nhưng không chỉ mang vẻ đẹp nghệ thuật, nơi này được nhiều cơ quan hàng không vũ trụ như Negev của Israel chọn làm nơi nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Các cơ quan này đưa phi hành gia đến đây sinh hoạt như một bài thí nghiệm để chuẩn bị cho cuộc sống của con người trên Sao Hỏa trong tương lai.
Salar de Uyuni trên dãy Andes thuộc lãnh thổ Bolivia là cánh đồng muối lớn nhất Trái Đất. Muối ở đây nhiều và dày tới nỗi, nó tạo thành một tấm thảm màu trắng có thể nhìn thấy được từ không gian vũ trụ.
Vào mùa mưa, những cơn mưa trải thêm một tấm thảm nước lên đây khiến nó biến thành tấm gương phản chiếu khổng lồ. Các sinh vật yêu muối tập trung ở đây rất đông đúc để sinh trưởng.
Nếu bước đi trên Mặt Trăng hay dạo chơi trên Sao Hỏa là một điều khó khăn, thì hãy nghĩ đến việc di chuyển bên trong các ống phun trào dung nham, chúng sẽ khiến cuộc hành trình trở nên dễ dàng hơn.
Ẩn bên dưới mặt đất, bên trong ống dung nham ta có thể tránh né được bức xạ cao, sự tấn công của thiên thạch cỡ nhỏ, nhiệt độ biến thiên khó lường, những cơn bão bụi khắc nghiệt mà đặc biệt là bên trong đó rộng lớn đến chứa được cả một thị trấn.
Trong thực tế, các nhà khoa học cũng đã tính đến chuyện cho phi hành gia sinh sống bên trong những ống dung nham không còn hoạt động khi đặt chân đến các hành tinh khác trong tương lai.
Nam Cực là gương mặt vàng trong làng thám hiểm đại dương ngoại hành tinh. Các lớp băng dày đóng bên trên bề mặt khiến che đậy đi vùng biển lạnh lẽo mà đa dạng sinh vật ở bên dưới, cấu trúc này giống hệt như đại dương nước lỏng được cho là có tồn tại bên dưới bề mặt đóng băng của vệ tinh Europa.
Để tìm kiếm được sự sống ở Europa và các nơi tương tự, các nhà khoa học ở Trái Đất phải tiếp cận các vật thể này, khoan sâu xuống lớp băng và nhấn chìm cỗ máy của mình vào lòng biển bên dưới.
Nhưng để dễ dàng hơn, các nhà nghiên cứu vẫn đang thực nghiệm tại quê nhà, ngay vùng biển Châu Nam Cực trước khi gửi tàu đi thực tế.
Hồ Mono ở California trông giống hệt Sao Hỏa của 4 tỷ năm trước, lúc này hành tinh đỏ bắt đầu bị mất nước lỏng do chúng dần bốc hơi vào không gian. Khi nước biến thành hơi và bay đi, chúng làm lộ ra tufas, các tháp canxi với hình thù kì lạ bên dưới lòng hồ.
Các nhà khoa học đến Hồ Mono và bắt đầu phân tích mẫu vật, chúng chứa các tập vi khuẩn sống trong nước mặn, nước kiềm cùng nhiều điều kiện khắc nghiệt khác mà rất có thể điều này đã xảy ra tương tự trên Sao Hỏa trong quá khứ.
Từ năm 2003, các nhà khoa học đã tìm đến Svalbard, một quần đảo ở Bắc Cực thuộc quản lý của Na Uy, để làm nơi nghiên cứu các dạng sống có thể tồn tại trên Sao Hỏa. Với nhiệt độ cực kỳ thấp cùng các mỏm băng vĩnh cửu cùng nền đất có địa chất núi lửa, Svalbard phản chiếu môi trường ở hai cực của Sao Hỏa.
Đèo Borup Fiord là một vùng thung lũng nằm ở lưng núi trên Đảo Ellesmere của Canada, là nhà của một dải băng màu vàng bốc mùi khó ngửi giống những gì các nhà nghiên cứu dự đoán có tồn tại trên vệ tinh Europa của Sao Mộc.
Những con sông băng và những mạch nước ngầm phun ra lưu huỳnh từ lớp vỏ băng giá, được các nhà khoa học đánh giá gần gũi nhất với cảnh quan trên Europa. Không những thế, quần thể vi sinh vật sôi động cũng được nhóm các nhà nghiên cứu tìm hiểu để đưa ra các dự đoán khả dĩ cho chuyến du hành đến vệ tinh của Sao Mộc trong thập niên tiếp theo.
Hoang mạc Atacama của Chile không chỉ là nơi thu hút các tay nhiếp ảnh đến đây săn tìm bầu trời đêm, mà nó còn được giới khoa học đánh giá là khô cằn hệt vùng xích đạo Sao Hỏa. Trong thực tế, nó là nơi khô nhất hành tinh của chúng ta với lượng mưa trung bình chưa đến 1 cm mỗi năm.
Mặc dù điều kiện thời tiết cực đoan, không mưa, không mây và hạn hán nghiêm trọng, nhưng vẫn có dạng sinh vật cứng đầu dám sinh trưởng ở đây vì dẫu khô cằn nhưng nhiệt độ tại Atacama vẫn rất thấp do nằm cao khoảng 2.400 mét so với mực nước biển. Từ những điều này, giới khoa học tin rằng các dạng sống tương tự vẫn có thể tồn tại được ở Sao Hỏa.