Những sự thật ngỡ ngàng về cuộc đời võ sư Diệp Vấn
Bí ẩn khả năng siêu nhiên của những động vật ít ai ngờ / Đại gian hùng Tào Tháo và "thuật phòng the" lạ lùng
Diệp Vấn và Vịnh Xuân
Có thể nói rằng trước năm 2009, ngoại trừ những người học võ Vịnh Xuân, rất ít người biết Diệp Vấn là ai. Nhưng sau thành công vang dội của bộ phim "Diệp Vấn 1" do Chân Tử Đan thủ vai chính, người người đều biết đến cái tên Diệp Vấn. Đồng thời hễ nhắc tới Vịnh Xuân Quyền là nhắc tới Diệp Vấn, ngược lại nhắc đến Diệp Vấn là nói tới Vịnh Xuân.
Trong sự thực, Diệp Vấn là truyền nhân đời thứ 6 của phái Vịnh Xuân Quyền. Ông đã dành cả cuộc đời để theo đuổi sự nghiệp võ thuật. Chính ông là người có công truyền bá phái Vịnh Xuân ra khắp thế giới trong khi trước thời ông, môn võ này chỉ được lưu truyền trong các gia tộc là chính. Và cũng chính nhờ vào việc phát dương môn phái đó mà tên tuổi ông trở nên nổi bật.
Sư phụ Diệp Vấn.
Theo tiểu sử của Diệp Vấn trên Wikipedia và Baidu, ông tên thật là Diệp Kế Vấn, sinh ra tại Phật Sơn - tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc. Ông xuất thân trong một gia đình giàu có và được giáo dục theo Nho giáo từ nhỏ. Năm 7 tuổi, ông bái Trần Hoa Thuận làm sư phụ để học Vịnh Xuân Quyền. Lúc đó Trần Hoa Thuận đã 70 tuổi nên chủ yếu Diệp Vấn học võ với sư huynh là Ngô Trọng Tố. Diệp Vấn là học trò cuối cùng của Trần Hoa Thuận. Sau khi Diệp Vấn học được 3 năm thì Trần Hoa Thuận qua đời.
Vào năm 16 tuổi, Diệp Vấn từ Phật Sơn sang Hong Kong qua sự giúp đỡ của một người bà con. Một năm sau, ông vào học trong trường St. Stephen’s College – một trường trung học dành cho con cái những gia đình giàu có và người nước ngoài ở Hong Kong.
Thời gian ở Hồng Kông, Diệp Vấn đã có cơ duyên được gặp Lương Bích – là sư thúc của ông, và được học thêm những bí quyết về võ thuật mà ông không có điều kiện học từ sư phụ Trần Hoa Thuận. Năm 24 tuổi ông trở lại Phật Sơn làm một cảnh sát. Cho đến lúc đó, Diệp Vấn đã có 18 năm liên tục luyện tập và học hỏi về Vịnh Xuân và đã đạt đến một trình độ võ thuật ít người bì kịp.
Cuộc đời lưu lạc
Diệp sư phụ luyện tập với mộc nhân.
Diệp Vấn ở Phật Sơn vẫn duy trì thời gian luyện tập võ thuật hàng ngày. Mặt khác, Phật Sơn là một địa phương rất phát triển về võ thuật nên đã có rất nhiều cao thủ các phái tìm đến ông giao lưu, trao đổi. Những cuộc tỉ thí của họ thường là đóng cửa trong nhà, người ngoài không biết. Trong thời gian này, Diệp Vấn cũng dạy Vịnh Xuân cho một số những cảnh sát thuộc hạ, bạn bè và người thân thích của mình nhưng ông không mở võ đường chính thức.
Diệp Vấn và các đệ tử.
Khi quân Nhật phát động chiến tranh xâm lược Trung Quốc, Phật Sơn bị Nhật chiếm và nhà của Diệp Vấn trở thành chuồng ngựa của lính Nhật. Diệp Vấn đã tham gia vào hoạt động thu thập tin tình báo cho quân đội Trung Hoa Dân Quốc.
Cuối năm 1949, sau khi Tưởng Giới Thạch bị thua phải chạy ra Đài Loan, Diệp Vấn cũng rời Phật Sơn sang Hồng Kông vì ông là một đảng viên Quốc Dân Đảng. Từ đây ông bắt đầu quãng thời gian sống trong khó khăn tài chính nhưng cũng là quãng thời gian ông phát dương môn phái Vịnh Xuân mạnh mẽ.
Theo website Kworkwingchun của một đệ tử đời thứ 3 của Diệp Vấn, ở Hồng Kông, năm 1950 lúc đã gần 60 tuổi, Diệp Vấn mở võ đường bắt đầu thu nhận đệ tử làm kế sinh nhai. Lớp đệ tử đầu tiên là các nhân viên phục vụ trong nhà hàng gồm 8 người, trong đó có Lương Xương là chủ tịch công đoàn của hội công nhân nhà hàng. Trong mấy năm đầu, việc dạy võ của Diệp Vấn không thuận lợi và phải chuyển địa điểm mấy lần nên cuộc sống của ông khá khó khăn. Sau cùng võ đường ổn định tại đường Lợi Đạt thuộc khu Du Ma Địa. Chính ở đó ông đã đào tạo ra nhiều cao thủ võ thuật thành danh sau này như Lý Tiểu Long.
Hoàng Thuần Lương (áo đen), đại đệ tử của Diệp Vấn ở Hồng Kông.
Diệp Vấn bắt đầu trở nên nổi tiếng ở Hồng Kông trong thập niên 1960 bởi vì một số đệ tử và con cháu của ông sau 10 năm học võ đã tương đối trưởng thành. Họ đã đủ khả năng đứng ra mở lớp dạy võ. Trong quá trình hoạt động, họ có một số tranh cãi với những võ sư thuộc các phái khác dẫn đến tỉ thí. Hầu hết các trận đấu là họ thắng dẫn đến uy tín của cụ Diệp lên rất cao. Trên cơ sở đó, năm 1967, cụ Diệp và các học trò lập ra Vịnh Xuân Thể Dục Hội.
Tháng 12/1972, Diệp sư phụ qua đời tại Hồng Kông vì bệnh ung thư thanh quản. Ông ra đi để lại sự tiếc nuối cho nhiều môn sinh, đệ tử và cả giới võ thuật. Nhiều người đã nói ví rằng “một pho từ điển sống về Vịnh Xuân” đã mất đi. Sau khi ông mất, người ta cũng thống nhất tôn vinh ông là “bậc thầy Vịnh Xuân”.
Nhất đại tôn sư
Sau khi Diệp Vấn qua đời, các học trò của ông vẫn tiếp tục truyền bá Vịnh Xuân một cách rộng rãi. Cho đến nay, hệ thống Vịnh Xuân theo giáo trình của Diệp Vấn đã có mặt ở rất nhiều nước trên toàn thế giới. Theo một bài viết của võ sư Diệp Chuẩn thì đến sau khi Diệp Vấn qua đời đã có gần nửa triệu người học Vịnh Xuân Quyền. Còn theo Wikipedia, đến nay trên toàn thế giới có đến 2 triệu người đang luyện tập môn võ này, một con số khổng lồ.
Diệp Vấn vẫn chăm chỉ luyện công khi tuổi tác đã ngoài 70.
Sự thành công của Diệp Vấn ngoài niềm đam mê và nỗ lực trọn đời, còn nhờ vào những phương pháp sư phạm rất độc đáo của ông. Trước hết, dù mở võ đường làm kế sinh nhai, Diệp sư phụ vẫn không thu nhận đệ tử theo kiểu càng nhiều càng tốt. Võ sư Diệp Chính (con trai cụ Diệp Vấn) trong một bài viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha mình nói rằng:
“Diệp sư phụ đặt trọng tâm lớn vào việc lựa chọn tài năng. Ông luôn nói: “Không có gì để bàn cãi khi nói rằng một đệ tử chọn được thầy đã khó nhưng một người thầy chọn được một đệ tử còn khó hơn”. Đó là một tâm lý bất bình thường đối với một người dạy võ để kiếm sống. Điều này có nghĩa rằng ông có thái độ rất nghiêm túc trong thái độ của mình và chịu trách nhiệm về các môn đồ mà ông dạy. Trong suốt cuộc đời, ông đã không treo lên một biển hiệu hay dòng tuyển sinh quảng cáo nào. Mục đích của việc này là để “giành quyền chủ động lựa chọn đệ tử”. Ông đã tôn trọng và giữ vững nguyên tắc này trong suốt 20 năm. Đó là một điều đáng khen ngợi đối với một người dạy võ để kiếm sống như ông”.
Bên cạnh đó, Diệp sư phụ cũng đã thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại. Khi giảng dạy Vịnh Xuân, ông đã loại bỏ hết những khái niệm siêu hình học như ngũ hành, bát quái. Thay vào đó ông ứng dụng các kiến thức công nghệ đương thời như cơ học, toán học để giải thích các quy tắc Vịnh Xuân. Điều này cũng là một bí quyết giúp người học dễ dàng tiếp nhận hơn.
Võ sư Diệp Chính còn kể: “Người đã không bao giờ nói và thậm chí căm ghét những ai khoe rằng: “Tôi đã được gặp một thiên tài hay một ẩn sĩ và người đó đã dạy cho tôi những kỹ năng phi thường hay độc chiêu trong võ thuật” nhằm lừa đệ tử của mình và nâng cao chính mình. Ông nghĩ rằng người đó không có niềm tin vào những gì mình đã học được và đã rất nông cạn trong các quy tắc của võ thuật và chỉ muốn mọi người sợ hãi bằng cách bịa ra các câu chuyện bí hiểm. Diệp sư phụ tin rằng một người sử dụng các phương tiện vô căn cứ để dạy võ thuật là những người thất bại”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Việt Nam xuất hiện thêm 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới, tỉnh nắm giữ trữ lượng lớn nhất có 1/3 diện tích nằm trên 'mỏ vàng' này
CLIP: Con non bị sư tử tấn công, trâu rừng kéo theo '500 anh em' tới giải cứu và cái kết
Trong Tây Du Ký, tại sao yêu quái dám ăn Đường Tăng để trường sinh bất tử mà không dám trộm quả nhân sâm của Chân Nguyên Đại Tiên?
CLIP: Kinh hoàng trước cảnh người huấn luyện bị đàn sói tấn công dữ dội
CLIP: Chó đóng vai người hòa giải, 'tung chiêu' ngăn hổ và sư tử cắn nhau nhưng cái kết mới gây chú ý
Thời xưa có nạn đói phải ăn rễ cỏ, nhai vỏ cây, nhưng tôm cá dưới sông đầy tại sao không ăn?