Khám phá

Những tiền nhân trầm khuất: Bạch Thái Bưởi, vị doanh nhân khí phách Việt

Ngày 2/10/2018, tại triển lãm Paris Motor Show ở Pháp, hãng xe hơi Việt Nam VinFast ra mắt 2 mẫu xe hơi mang tên Lux A2.0 và Lux SA2.0, trở thành sự kiện quan trọng đánh dấu một bước ngoặt lớn cho một hãng xe hơi của Việt Nam.

Đỗ Thị Vân Anh - Nữ doanh nhân xinh đẹp tràn đầy năng lượng lan tỏa đến mọi người / Doanh nhân Mẫn Chí Trung, Tổng giám đốc An Trung Industries: Người mang sứ mệnh khai phá

Hình ảnh VinFast như muốn nói cho những nước phát triển biết rằng Việt Nam hôm nay có thể làm được điều gì như thể gợi lại bóng hình của một vị tiền nhân của hơn 80 năm về trước, người đã dành trọn cuộc đời để tạo nên niềm tự hào Việt. Ông là Bạch Thái Bưởi.

“Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”

Năm 1909, một cuộc cạnh tranh đã trở thành chuyện truyền kỳ được kể lại, giữa một bên là vị doanh nhân người Việt: Bạch Thái Bưởi và bên kia là liên minh Tây - Tàu quyết tâm bóp chết vị doanh nhân người Việt dám phá bĩnh thế độc quyền trong vận tải thủy của người Pháp và người Hoa.

Thời điểm ấy, doanh nhân Bạch Thái Bưởi vừa rời bỏ công việc “thầu chợ” và “cầm đồ” để thuê 3 chiếc tàu vừa hết hạn hợp đồng với nhà nước của một người Pháp, sau đó cho mở 2 tuyến Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy (Nghệ An).

Ông Bạch Thái Bưởi

Ông Bạch Thái Bưởi

Liên minh Tây - Tàu quyết đánh bật kẻ không biết trời cao đất dày này bằng việc “đua vốn”. Họ cho hạ giá vé gấp 2 lần. Bạch Thái Bưởi không khoan nhượng, lại hạ thêm một giá nữa. Liên minh Tây - Tàu liền hạ 3 lần.

Cứ thế, giá vé tuyến Hà Nội - Nam Định từ 40 xu ban đầu kéo xuống còn 5 xu. Khỏi nói cũng biết là cả hai bên đều lỗ chổng vó. Liên minh Tây - Tàu có vốn mạnh và quyết tâm tiêu diệt Bạch Thái Bưởi.

Trong tình thế đó, Bạch Thái Bưởi đã tung ra thứ vũ khí cuối cùng, một thứ mà liên minh Tây - Tàu vĩnh viễn không bao giờ có được: ông là người Việt Nam và kinh doanh trên đất nước Việt Nam.

Đất nước ta khi đó mang thân phận của một nước thuộc địa nhưng dân ta vẫn kiên cường, mang một lòng tương thân tương ái, một tinh thần dân tộc từ tiếng trống Mê Linh. Và Bạch Thái Bưởi đã cho đổi tên các con tàu của mình thành Lạc Hồng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi...

Ông diễn thuyết về lòng tự hào dân tộc, nói lên khí phách người Việt Nam, nói lên niềm khao khát được chấn hưng công nghiệp, làm giàu cho đất nước Việt Nam. Ngoài ra, ông còn cho treo một cái ống trên tàu, hòng nhắn gửi một nhà từ thiện nào đó giúp đỡ bằng cách bỏ tiền vào, để ông giảm lỗ, để có thêm tiền mà cạnh tranh với ngoại bang. Kết quả?

 

Người dân nước Việt bỏ tàu của Pháp, của Hoa, mà ùn ùn đi tàu của Bạch Thái Bưởi. Đoàn tàu của ông lớn mạnh dần khi mua ngược lại những con tàu phá sản của người Hoa, đồng thời còn mua một xưởng đóng và sửa chữa tàu.

Đến năm 1919, doanh nghiệp Bạch Thái Bưởi đóng con tàu Bình Chuẩn huyền thoại với chiều dài 42 mét, cao 3,6 mét, tải trọng 600 tấn và công suất đạt 450 mã lực. Đó là con tàu hiện đại đầu tiên hoàn toàn do người nước Nam làm ra.

Chuyến tàu đi từ Hải Phòng xuống Sài Gòn trong sự chào đón của người miền Nam, như biểu trưng của sự đoàn kết dân tộc và rằng nước ta có thể làm được những gì?

Khải Định chính yếu chép lại lời của vua Khải Định nói với quần thần ngày hôm ấy: “Nước ta vốn dĩ của ít, thợ vụng, nếu không có Bưởi dám bỏ tiền ra thì đâu có việc cho Phúc thi thố (Phúc là Nguyễn Văn Phúc - đốc công của xưởng tàu), mà không có tài khéo của Phúc thì tiền của Bưởi cũng bỏ phí mà thôi. Hai người này đã nêu cao tấm gương về sự tiến bộ, văn minh cho người nước ta mai sau soi vào”.

Kế đó, vua phong thưởng cho Bạch Thái Bưởi và đốc công xưởng tàu Nguyễn Văn Phúc.

 

Bạch Thái Bưởi được ghi nhận là vị doanh nhân Việt Nam đã đánh bật liên minh Tây - Tàu ở cái nơi mà ngỡ rằng sẽ không có chỗ cho người Việt chen chân vào.

Nhưng không chỉ có thế, bằng tinh thần đó, ông đã tạo nên một trào lưu đến hôm nay vẫn còn ở lại: “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Chiến thắng của ông trước liên minh Tây - Tàu tạo thành niềm khích lệ lớn cho lớp doanh nhân đời đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20. Chiến lược “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” cũng thành công rực rỡ ở các mảng sản xuất, kinh doanh với cảnh người Việt chen chúc mua hàng Việt dù chất lượng có thể kém đi đôi chút so với hàng Tây, hàng Tàu.

Nhưng, đó là thứ cảm giác của sự dựng xây một khí phách Việt trong giai đoạn đất nước điêu tàn, đang chịu sự xâm lấn của ngoại bang.

"Tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris"

 

Bạch Thái Bưởi đặt tên cho hãng tàu là “Giang hải lâu thuyền Bạch Thái Công ty”. Ở thời điểm đỉnh cao nhất, công ty có 40 con tàu, 20 chiếc sà lan, phát triển kinh doanh ở Hong Kong, Nhật Bản, Singapore...

Hằng năm chạy khoảng 5.000 chuyến, vận chuyển 1,5 triệu lượt hành khách và 15 vạn tấn hàng hóa. Điều đã đưa Bạch Thái Bưởi trở thành một trong bốn người giàu nhất Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Tuy nhiên, chuyện về ông đẹp không phải vì khối tài sản khổng lồ, cũng không phải là cách giương cao ngọn cờ Việt Nam ở thương trường thế giới mà là ở khí phách Việt Nam.

Lễ hạ thủy tàu Bình Chuẩn, con tàu do người Việt thiết kế, thi công.. Ảnh: L.G.

Có một giai thoại được kể lại như sau. Trong cuộc họp của Hội đồng Kinh tế lý tài, Bạch Thái Bưởi đã đứng ra bênh vực cho quyền lợi của người dân bị trị.

Thống sứ Bắc Kỳ khi đó là Rene Robin đã đập bàn: “Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi”. Bạch Thái Bưởi đáp lại: “Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin”.

 

Sau đó, ông nói tiếp: “Tôi kinh doanh trên đất nước tôi, xung quanh tôi là đồng bào tôi, chẳng lẽ đồng bào tôi không ủng hộ tôi hay sao?”.

Điều này được chứng minh qua việc Bạch Thái Bưởi lao vào đầu tư mỏ. Chúng ta đều biết rằng Pháp luôn xem các thuộc địa là nơi khai thác về nguyên vật liệu, khoáng sản để đưa về mẫu quốc. Điều này dẫn đến các chủ mỏ than đều nằm cả trong tay thực dân Pháp.

Nếu Bạch Thái Bưởi xông vào mặt trận này thì chẳng khác gì “trứng chọi đá”. Vậy nhưng "Nực cười châu chấu đá xe/ Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng".

Vào năm 1928, khi Bạch Thái Bưởi dốc hết vốn liếng mua 2 mỏ than của người Pháp thì ông lại thắng lớn. Điều ấn tượng hơn ở chỗ, ông biến luôn người Tây, và công nghệ Tây phục vụ ngược lại cho chính mình. Ông đã thực hiện một chuyện không có tiền lệ.

Lần đầu tiên có một doanh nhân của nước Việt Nam thuộc địa khi đó, đã sang tận “mẫu quốc” Pháp để thuê kỹ sư người Pháp, người Ba Lan, các sinh viên giỏi của Đại học Hầm mỏ... về quản lý cho mỏ than của ông.

 

Bạch Thái Bưởi để lại một bài học lớn cho đời sau về những suy nghĩ lớn, tầm nhìn xa, sẽ tạo nên các hành động lớn và kết quả không thể ngờ đến. Người giỏi không phải là người đi soi mói, phán xét và suốt đời bới lông tìm vết. Người giỏi là người dám dấn thân.

Ước vọng ngày đó của Bạch Thái Bưởi là muốn công ty của mình giống như tập đoàn Mitsubishi ở Nhật Bản, tức là kinh doanh đa ngành, đa nghề. Từ kinh doanh hàng hải, sang khai thác mỏ đến các lĩnh vực khác như in ấn, dệt may, thậm chí là dự án xây dựng đường ray xe lửa cũng được đặt lên bàn làm việc của ông.

Bởi người đàn ông này mang một suy nghĩ lớn về khát vọng “Tôi muốn làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”. Bởi vậy, ông là doanh nhân hoạt động tích cực trong các vấn đề xã hội, ông cho xây cổng làng, tôn tạo đình chùa quê hương, giữ gìn bản sắc Việt.

Ông mở tờ “Khai hóa nhật báo” như là người bạn đường của các doanh nghiệp người Việt. Ông còn là một trong những sáng lập viên của hội “Khai trí tiến đức”, là hiệp hội do các nhà văn hóa lập ra vào đầu thế kỷ 20, điểm đến của những người trí thức quan trọng nhất đương thời về chấn hưng nước Việt.

Tấm lòng của Bạch Thái Bưởi là tấm lòng vì nước, vì dân. Ông thường thu nhận những người ăn xin, người nghèo trong vùng vào làm việc trong mỏ. Ông chăm sóc đời sống công nhân qua việc thăm hỏi, đám cưới, ma chay, con cái học tốt thì giúp đỡ tiền bạc. Vào năm mà Huế bị trận lũ lớn, nhân dân lầm than, Bạch Thái Bưởi đã lập tức cho 2 tàu chở đầy gạo vào Huế cứu đói cho dân. Nhờ việc làm đó mà ông đươc vua Bảo Đại tặng sắc phong.

 

Cái chết dang dở, chí nghìn thu

Khi bao nhiêu dự định còn đang trên đà phát triển thì Bạch Thái Bưởi ra đi đột ngột vào ngày 22/7/1932 vì một cơn đau tim. Ông đã xuất hiện trong giai đoạn người dân vẫn còn bỡ ngỡ với những kỹ nghệ phương Tây, bên cạnh sự bóc lột thuộc địa của thực dân Pháp.

Nhưng, lại trở thành một doanh nhân người Việt với khối tài sản khổng lồ và được kính nể, cùng với đó là tinh thần dân tộc bất khuất.

Bạch Thái Bưởi giống như một bậc đại trượng phu trên thương trường, người luôn muốn những điều tốt đẹp nhất cho người Việt giữa sự o ép của người Pháp. Mọi thứ tuy dang dở, nhưng tấm gương đã thành nghìn thu cho bao nhiêu doanh nhân của đời sau noi theo.

Theo Dũng Phan/An ninh Thủ đô
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm