Nơi con người sống hòa hợp thiên nhiên
Thăm ngôi làng cổ Hallstatt - Di sản văn hóa 7.000 năm của nước Áo / Vẻ đẹp huyền bí ở vùng đất cổ xứ Quảng mang danh Di sản Văn hóa Thế giới
Về thăm làng Gò Cỏ - ngôi làng nhỏ ven biển, nằm cách trung tâm TP Quảng Ngãi khoảng 50 km về phía Nam, ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, nơi lưu giữ nhiều dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh cách đây hàng ngàn năm, nghe người dân nói chuyện sống thuận theo tự nhiên.
Giữ nếp sống xưa
Làng Gò Cỏ chỉ vỏn vẹn 83 hộ dân với diện tích 105 ha, nằm giữa 2 đồi núi cao, cách biệt với cư dân bên ngoài, được các chuyên gia trong và ngoài nước phát hiện năm 2017 khi đi khảo sát để xây dựng không gian văn hóa Sa Huỳnh trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới… Làng từng có lớp cư dân cổ - chủ nhân nền văn hóa Sa Huỳnh (niên đại cách đây 2.500 - 3.000 năm).
Đến Gò Cỏ, dễ dàng bắt gặp những giếng đá, cầu đá, nhà lợp mái tranh... - đặc trưng tiêu biểu của người Chăm Pa mà cư dân làng chài này đã gìn giữ cả ngàn năm trước. Hiện trong làng vẫn còn 12 giếng nước xây bằng đá có cách đây hàng trăm năm; các đền thờ, miếu mạo từ thời Vương quốc Chăm Pa cũng được tìm thấy ở đây. Đặc biệt, trong làng hiện có rất nhiều con đường, tường rào bằng đá xếp chồng lên nhau một cách tỉ mỉ.
"Tôi không biết những con đường đá, giếng đá, bờ rào bằng đá này có khi nào nhưng từ bé, tôi đã thấy. Cha mẹ, ông bà tôi mỗi ngày đều mang đá từ ghành về xếp chồng lên nhau. Đến giờ, nhiều lúc rảnh rỗi, tôi vẫn thường xếp đá tạo tường rào như thế" - bà Nguyễn Thị Đào, người dân ở làng Gò Cỏ, kể.
Cảnh quan Gò Cỏ nguyên sơ, mộc mạc gắn liền với cuộc sống êm ả, bình dị, chất phác của người dân nơi đây. Từ việc đánh bắt hải sản hằng ngày đến trồng rau, củ, quả… hầu như ai cũng làm theo cách truyền thống, không gây hại cho môi trường, thiên nhiên. Ngay cả các vật dụng hằng ngày như nong, nia, rổ, thúng… người dân cũng chủ yếu đan lát bằng tre, chiếc mũ đan bằng lá dừa.
Những hàng rào bằng đá được xếp tỉ mỉ ở làng Gò Cỏ Ảnh: Kiều Nguyễn
Những căn nhà tranh, tường rào đá - một đặc trưng ở làng Gò Cỏ Ảnh: Kiều Nguyễn
Người dân ở làng Gò Cỏ thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp tự trồng. Ảnh: T.Trực
Khách du lịch khám phá làng Gò Cỏ bằng thuyền nan – phương tiện đánh bắt của người dân Gò Cỏ. Ảnh: Kiều Nguyễn
Ông Phạm Mười (69 tuổi, người dân làng Gò Cỏ) kể khi còn trẻ, ông theo các thuyền lớn đi đánh bắt hải sản tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa; nay già thì gắn bó với thuyền nhỏ, không động cơ như ông bà xưa đi biển. "Hằng ngày, tôi vẫn kiếm sống bằng nghề chài lưới trên những con thuyền không động cơ này. Dù việc đánh bắt chậm hơn, không đem lại hiệu quả so với dùng động cơ nhưng bù lại, ít tốn chi phí, không gây hại cho môi trường, biển cả; cá tôm lúc nào cũng có quanh năm vì có thời gian sinh sôi nảy nở" - ông Mười hài lòng.
Ngoài những hộ gắn bó với nghề đánh bắt hải sản theo cách truyền thống, rất nhiều hộ dân khác ở làng Gò Cỏ gắn bó với công việc đồng áng; trồng rau, củ, quả phục vụ nhu cầu gia đình. "Trước kia, khi chưa có khách du lịch, hầu hết cuộc sống của người dân nơi đây đều là tự cung, tự cấp. Nhà nào làm biển thì lấy cá tôm đổi rau, củ; ngược lại, nhà nào trồng rau thì dùng rau đổi lấy hải sản… Khi nhiều du khách đến Gò Cỏ, một số người dân chuyển qua làm dịch vụ nhưng ai cũng có ý thức gìn giữ nếp sống xưa, thân thiện môi trường, không đầu tư máy móc gây tổn hại đến thiên nhiên, cảnh quan" - ông Mười cho hay.
Điểm đến của du khách
Chính từ những giá trị văn hóa ngàn năm mang nét đặc trưng làng quê ven biển, thích hợp cho phát triển du lịch cộng đồng, cùng với sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, du lịch nên người dân làng Gò Cỏ đi Cù lao Chàm (Quảng Nam) học làm du lịch cộng đồng. Tháng 4-2019, dân làng chung tay thành lập Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của làng.
Ngay từ khi được nhiều du khách tìm tới, mỗi nhà ở Gò Cỏ đều ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống, giữ gìn nếp sống xưa. Nhờ những cách làm hiệu quả, chung tay giữ gìn môi trường sống thân thiện với thiên nhiên này mà làng du lịch Gò Cỏ đã đón hàng trăm lượt khách trong nước và quốc tế.
Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, cho biết từ ngày diễn ra hoạt động du lịch, người dân trong làng càng có ý thức phân loại rác. Khắp đường làng sạch sẽ, không rác thải. Du khách đến đây đều hài lòng về cung cách phục vụ cũng như mãn nhãn trước thiên nhiên trong lành, lối sống chân tình của người dân.
"Làng tôi từng không ai biết. Chính con cháu trong làng cũng bỏ đi nơi khác sinh sống. Nhưng nay khác rồi, du khách đến nườm nượp, nhiều khi chúng tôi phải từ chối đón đoàn vì quá tải. Y như giấc mơ vậy!" - bà Huỳnh Thị Thương (68 tuổi, người dân làng Gò Cỏ) tự hào nói.
Được ví như "kho báu" Bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, người khởi xướng du lịch cộng đồng ở Gò Cỏ, cho rằng để du lịch cộng đồng phát triển, quan trọng nhất là phải có sự hợp tác của người dân trong việc giữ gìn môi trường, giữ cảnh quan, sống hòa hợp với tự nhiên. "Người dân ở Gò Cỏ bây giờ vẫn đánh bắt cá bằng thuyền nan, vun đất làm nông nghiệp bằng lối thủ công... Du khách muốn đi biển đánh cá, đi rẫy trồng khoai, làm bánh ít, đan lưới..., người dân đều tận tình hướng dẫn. Chính cách sống thuần hậu, hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên mà người dân Gò Cỏ vẫn đang ngày đêm bền bỉ, gìn giữ và trân trọng những giá trị di sản, tự nhiên của vùng đất được ví như "kho báu" này" - bà Kiều hãnh diện. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ