Khám phá

Nỗi đau khổ vì ghen của Nam Phương hoàng hậu

Là mẫu nghi thiên hạ, Nam Phương không thể gào thét, khóc lóc vì ghen như một mụ nông dân. Thế nhưng bà vẫn bị cho là từng đi ám sát 'gian phu dâm phụ'.

Trong lịch sử Việt Nam, Nam Phương là bà hoàng hậu đặc biệt không chỉ vì sau bà, vĩnh viễn không còn người phụ nữ nào được phong danh hiệu này nữa, mà còn vì trong suốt sự tồn tại của vương triều Nguyễn, bà là người phụ nữ duy nhất được phong hậu khi còn sống.

Dòng bài này có sử dụng tư liệu từ các nguồn: Hồi ký “Một nửa đời hư” (Vương Hồng Sển); Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn (Phạm Khắc Hòe); Hỏi chuyện đời bà “thứ phi” Mộng Điệp với Cựu hoàng Bảo Đại (Nguyễn Đắc Xuân); Chuyện nội cung cựu hoàng Bảo Đại (Nguyễn Đắc Xuân).

Kỳ 3: Nỗi đau khổ vì ghen của Nam Phương hoàng hậu

Có chuyện kể rằng, hồi còn du học ở Pháp, có lần Nam Phương hoàng hậu gặp một thầy bói người Tàu. Ông ta nhìn cô nữ sinh rồi phán rằng cô có tướng đại phú quý, sau này sẽ là đệ nhất mệnh phụ, nhưng cuộc đời buồn nhiều hơn vui. Có lẽ một trong những nỗi buồn lớn nhất của hoàng hậu là thói trăng hoa quá mức của Bảo Đại.

Ông chồng hoàng đế nghiện sắc dục

Trái ngược hẳn với ông bố yếu sinh lý, để mốc meo cả tam cung lục viện, Bảo Đại lại đa tình và đam mê sắc dục đến mức nghiện ngập. Để cưới được Nam Phương, ông đã buộc phải chấp nhận bãi bỏ hậu cung, tuân thủ chế độ một vợ một chồng. Quả là ngoài Nam Phương, chẳng có thêm phi tần nào được đưa vào nội, thế nhưng bồ bịch, tình nhân của ông thì không đếm hết.

Ngoài những người tình gắn bó sâu đậm nhất như bà Phi Ánh, bà Mộng Điệp, Hoàng Tiểu Lan, Monique Marie Eugene Baudo…, nhà vua có vô số người tình ngắn hạn và một đêm, trong đó có cả Trần Lệ Xuân, em dâu Ngô Đình Diệm.

Điều này, trong Hồi kí của Huỳnh Văn Lang cũng từngviết: "Sự thân mật giữa Bảo Đại và Trần Lệ Xuân là có thật, đến nỗi có lần Ngô Đình Nhu đi ngoại quốc về đã tỏ ý ghen tuông và buông lời trách móc, la rầy Trần Lệ Xuân. Đó là khoảng thời gian năm 1949, Ngô Đình Nhu sang Pháp mấy tháng, còn Trần Lệ Xuân ở nhà rảnh rỗi nên đi chơi, đi săn với Bảo Đại. Khi từ nước ngoài trở về nghe một số người nói bâng quơ, Nhu đã hằn học hỏi Lệ Xuân: "Ở nhà bà đi chơi với 'hoàng thượng' thế nào mà để người ta nói tới tai tôi?””.

Về mối quan hệ này,ông Lí Nhân, người từng là Thư kí tòa soạn của Nguyệt san Quê Hương ở Sài Gòn từ 1960-1962 cho biết: "Sở dĩ có những lời đồn đoán đến tai Nhu, là vì những năm trên gia đình Ngô Đình Nhu ở Đà Lạt nên Trần Lệ Xuân có dạo đã dạy dương cầm cho các con của Bảo Đại. Trước đó, gia đình Trần Văn Chương (cha của Trần Lệ Xuân) và Nam Phương hoàng hậu thân nhau từ hàng chục năm rồi. Do vậy, Lệ Xuân và Bảo Đại rất đỗi thân quen. Và chính vì mối thân tình đó đã phát sinh ra những lời đồn đại về sau này".

Theo nhiều sách, cho dù là hoàng đế, là cố vấn, quốc trưởng hay chỉ là một ông già lưu vong, Bảo Đại không bao giờ có thể sống thiếu đàn bà.

Bảo Đại không bao giờ có thể cầm lòng trước những người đàn bà đẹp để không theo đuổi, chinh phục và lên giường với họ. Hoàng đế cuối cùng của nước Việt từng chia sẻ rất thẳng thắn: “Tôi luôn có nhu cầu đối với đàn bà, một thứ nhu cầu thường xuyên không thể dập tắt được như đồ ăn thức uống. Từ khi đến tuổi lớn, đêm nào cũng phải có một người đàn bà nằm bên, mỗi đêm một người”.

Trong cuốn “Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam”, tác giả người Pháp Daniel Grandclément cho biết, theo đuổi đàn bà đẹp là sở thích hàng đầu của Bảo Đại, đến nỗi một người thân cận với nhà vua từng nói: “Ông đã dan díu với đủ hạng người, từ cô hầu phòng bình thường, vợ của các gia nhân đày tớ, hoa hậu Đông Dương đến gái nhảy, thậm chí gái điếm…”

Đi đêm lắm có ngày gặp ma. Trong một lần lên Tây Nguyên đi săn, Bảo Đại bị gãy chân, nguyên nhân được công bố chính thức là vua vấp ngã xuống hố bẫy cọp. Nhưng dư luận lại tin rằng, hoàng đế lên Tây Nguyên để săn thú thì ít mà săn gái thì nhiều, mà gái ở đây là một bà đầm. Trong lúc hai người đang hú hí, ông chồng Tây của người đẹp bắt gặp, nổi giận giương súng bắn gãy chân nhà vua. Toàn quyền Decoux phải cho máy bay chở vua về Sài Gòn chữa trị.

Nam Phương hoàng hậu

Với một người chồng như thế, Nam Phương hoàng hậu chắc hẳn phải đau khổ tột bậc. Nhưng là một hoàng hậu, một cô gái được giáo dục kỹ lưỡng, lại đầy lòng kiêu hãnh, bà không thể ầm ĩ khóc lóc, hay chạy theo vua mong chiếm lại trái tim. Bà còn nhiệm vụ đối với mẹ chồng, với nội cung, còn 5 đứa con để nuôi dạy.

Tuy là người Tây học, có tư tưởng tự do, Nam Phương cũng chưa bao giờ có tư tưởng “ông ăn chả, bà ăn nem”, cho dù bà có nhan sắc lộng lẫy khiến không người đàn ông nào không hâm mộ. Kể cả sau này, khi hoàng đế đã thoái vị, và hai vợ chồng trên thực tế đã ly thân, Nam Phương cũng không hề có người đàn ông nào khác.

Cách ghen của hoàng hậu

Mặc dù Nam Phương hoàng hậu là một người cư xử trầm tĩnh, tinh tế, nhưng vì thói trăng hoa của Bảo Đại vượt quá khả năng chịu đựng của người phụ nữ bình thường, nên hình như cũng có lúc bà không thể kiềm chế nổi mà phải ‘động thủ”.

Trong cuốn “Chiến tranh Đông Dương”, tác giả Lucien Bodart kể rằng, có lần Bảo Đại hẹn hò cùng tình nhân ở Đà Lạt, và hoàng hậu biết được: "Nam Phương ghen tuông đã có ý định cho lái xe bắn lén vào những kẻ đang tình tự ở Đà Lạt. Bà Decoux, vợ quan Toàn quyền, đã phải hy sinh thân mình trong vụ đáng buồn này. Bà đã đi nhanh đến chỗ hẹn hò để ngăn một vụ án mạng có thể xảy ra. Án mạng không xảy ra, nhưng phu nhân Toàn quyền vì phóng xe quá nhanh để ngăn vụ bắn Bảo Đại và người tình nên đã thiệt mạng. Bà được chôn tại khuôn viên nhà thờ Vinh Sơn (nay nằm trên đường Ngô Quyền, phường 6, Đà Lạt)".

Ông Phạm Khắc Hòe, từng là Đổng lý ngự tiền văn phòng của hoàng đế Bảo Đại, từng chứng kiến Nam Phương ghen và kể chuyện đó trong hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”. Đó là khi Bảo Đại đã thoái vị, ra Hà Nội làm cố vấn cho chính phủ cụ Hồ. Đã quen thói ăn chơi, cựu hoàng không chịu được thiếu thốn, nên nhờ ông Hòe về Huế gửi cho vợ một bức thư xin tiền.

Bà Nam Phương nhận thư, đọc xong thì nét mặt buồn buồn, nước mắt như muốn trào ra, trầm ngâm một giây lát rồi hỏi ông Hòe: “Ông có biết Vĩnh Thụy cần tiền để làm chi và cần bao nhiêu không?”. Dĩ nhiên ông Hòe không dám nói thật. Khi tiễn khách, cựu hoàng hậu không ngăn được nước mắt. Chiều hôm đó khi ông Phạm Khắc Hòe đến lấy thư trả lời, hoàng hậu nhỏ nhẹ nói: “Ông Hòe! Chắc ông biết tôi rất tin ông, quý trọng ông, trước cũng như nay. Cho nên tôi muốn ông cho biết tất cả sự thật về việc ông Vĩnh Thụy mê con Lý (Lý Lệ Hà).

Chân dung Hoàng hậu Nam Phương trước năm 1945.

Bị bất ngờ, ông Hòe không dám trả lời thẳng: “Chúng tôi rất tiếc không biết rõ vấn đề ấy mà chỉ nghe người ta nói qua loa thôi”. “Người ta nói thế nào?”. “Người ta bảo ông Vĩnh Thụy có nhân tình là cô Lý”. “Ông có biết con Lý nhiều không? Và con ấy người như thế nào?”. Ông Hòe khó xử, đành nói qua: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy mặt cô Lý, chỉ nghe nói là cô ấy đẹp. Còn về đạo đức thì tất nhiên là xấu rồi”.

Nghe nói Lý Lệ Hà đẹp, mắt bà Nam Phương hơi đỏ lên, hỏi nhiều chuyện nữa nhưng ông Hòe không trả lời thẳng vào câu hỏi, khiến bà bực: “Rõ ràng ông không muốn nói thật”. Khi tiễn khách, cựu hoàng hậu bảo thư viết chưa xong, mai ông đến lấy và cho biết cách giải quyết vấn đề Lý Lệ Hà. Ông Hòe nói, tốt nhất là hoàng hậu nên đưa các con ra Hà Nội sống cùng chồng. Khuyên như vậy, nhưng về nghĩ lại, ông lại lo ngay ngáy nhỡ khi ở cùng, bà Nam Phương đánh ghen ầm ĩ thì thật phiền.

Hôm sau, bà Nam Phương hỏi, chuyện đưa gia đình bà ra Hà Nội có phải ý của cụ Hồ không, ông Hòe bảo không. Bà lại hỏi cụ Hồ có biết chuyện chồng bà mê cô Lý không. Khách đáp: “Chúng tôi không rõ. Hồ Chủ tịch chưa có lúc nào hỏi hoặc nói về việc ấy với tôi cả”. Suy nghĩ một lúc, cựu hoàng hậu nói, bà cũng muốn ra Hà Nội sum họp, nhưng sợ làm tốn kém thêm cho chính phủ, lại làm cho cựu hoàng đang vui sướng trở thành đau khổ, gò bó: “Thôi! Tôi đành chịu đựng riêng một mình để cho người ta vui sướng”. Rồi bà gửi cho chồng số tiền mà ông ta đòi hỏi. Ông Hòe cũng kể, không biết Nam Phương viết những gì trong thư mà khi đọc, mặt Bảo Đại cứ tái dần đi…

Ít lâu sau, vào tháng 3.1946, Bảo Đại đi Trung Quốc rồi sang Hong Kong cùng Lý Lệ Hà, từ bỏ đất nước mà ông mới tuyên bố muốn làm một công dân của nó. Hoàng hậu Nam Phương đã viết cho tình địch một bức thư mà Lý Lệ Hà vẫn giữ suốt nửa thế kỷ sau:“Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương”.

Qua câu chuyện trên, có thể thấy hoàng hậu Nam Phương tuy ghen tuông đau khổ nhưng cư xử cực kỳ chín chắn và mẫu mực, cuối cùng vẫn nghĩ đến “đại cục” chứ không để cho cơn ghen mù quáng dẫn dắt hành động của mình. Bởi vậy, chuyện bà sai người ám sát chồng và tình địch trên kia cho đến nay vẫn chỉ được xếp vào loại tin đồn thổi, rất khó xác định thực hư.

Kỳ 1:Chuyện mẹ chồng nàng dâu của Nam Phương hoàng hậu

Kỳ 2:Sự thật cuộc gặp định mệnh giữa Bảo Đại và Nam Phương

Theo Anh Thi/Khám phá

loading...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo