Khám phá

Phú Xuân Sơn Cư Đồ - bức tranh vô giá lẫn trong giấy vụn bán đồng nát

Phú Xuân Sơn Cư Đồ, bức tranh thủy mặc là kiệt tác cuối đời của Hoàng Công Vọng (1269-1354), một trong tứ đại danh họa thời nhà Nguyên (1271-1368).

11 địa điểm chết chóc nhất thế giới / Cuộc sống xa hoa của Từ Hi Thái hậu: Mỗi bữa 120 món, 400 quả táo/ngày để ngửi

Tranh là một trong những tác phẩm tranh thủy mặc cổ đại tiêu biểu của Trung Quốc, nằm trong nhóm "Trung Quốc thập đại truyền thế danh họa".

Phú Xuân Sơn Cư Đồ gồm hai phần, phần thượng là Thặng Sơn Đồ, dài 31,9 cm, rộng 51,4 cm. Phần hạ là Vô Dụng Sư Quyển, dài 33 cm, dài 636,9 cm. Phần thượng đang được bảo quản tại Viện bảo tàng Chiết Giang ở Thượng Hải. Phần hạ đang bảo quản trong bảo tàng Cố Cung ở Đài Bắc, Đài Loan.

Phú Xuân Sơn Cư Đồ. (Ảnh: Bảo tàng Cố Cung)

Phú Xuân Sơn Cư Đồ. (Ảnh: Bảo tàng Cố Cung)

Hoàng Công Vọng bắt đầu vẽ Phú Xuân Sơn Cư Đồ năm 79 tuổi. Trong lần từ Tống Giang về ngôi nhà trên núi gần sông Phú Giang, ông đi cùng bạn tốt là Vô Dụng thiền sư. Đáp ứng lời bạn thỉnh cầu, Hoàng Công Vọng bèn trải giấy bày bút ở tòa lầu phía nam trong nhà, bắt đầu vẽ. Tuy nhiên, ông thường xuyên đi chơi nên ba năm vẫn chưa vẽ xong. Cuối cùng, ông quyết định mang theo cuộn tranh bên người, tranh thủ thời gian hoàn thành. Phú Giang là thượng nguồn sông Tiền Đường ở tỉnh Chiết Giang, nổi tiếng với cảnh sắc non xanh nước biếc.

"Hoàng Công Vọng cuối đời ẩn cư bên sông Phú Giang, dựng một túp lều cỏ gọi là 'Tiểu Động Thiên'. Mỗi lần ngắm sông, ông lại vẽ một khúc vào tranh", Đơn Quốc Cường, chuyên gia giám định của bảo tàng Bắc Kinh, từng nói, nhận định điểm đặc biệt của bức tranh là phác họa được biến hóa của cảnh vật thiên nhiên theo thời gian.

Hoàng Công Vọng tặng Phú Sơn Xuân Cư Đồ cho Vô Dụng thiền sư. Năm 1354, ông qua đời, bức tranh bắt đầu hành trình lưu lạc nhân gian 600 năm. Năm Thành Hóa triều Minh (1465-1487), tranh vào tay Thẩm Chu, một trong tứ đại danh họa đời Minh.

Thẩm Chu vô cùng ưa thích, treo lên tường và mời bạn bè tới ngắm. Thẩm Chu đưa tranh cho bạn nhờ đem đi bồi, không ngờ con trai của người bạn hám lợi đã đem tranh đi bán. Ít lâu sau, Thẩm Chu bất ngờ nhìn thấy bức tranh. Vội vàng chạy về nhà lấy tiền mua, khi ông quay lại, tranh bị người khác mua mất. Ông mất ăn mất ngủ, ngày đêm nhớ về bức tranh tới nỗi tự tay vẽ lại một bức khác giống hệt bản gốc, khiến mọi người đều kinh ngạc.

100 năm trôi qua, bản gốc Phú Xuân Sơn Cư Đồ lại đến tay Đổng Kỳ Xương, một danh họa và nhà thư pháp nổi tiếng thời Minh. Đổng Kỳ Xương cuối đời bán lại bức tranh cho viên quan họ Ngô và thành bảo vật gia truyền suốt ba đời tới đời Ngô Hồng Dụ, nhà sưu tập nổi tiếng. Nhà Minh suy tàn, quân Thanh từ phía nam đánh lên, Ngô Hồng Dụ chạy trốn, bỏ hết vàng bạc châu báu, chỉ mang theo Phú Xuân Sơn Cư Đồ và một bức thư pháp nổi tiếng khác theo người.

 

Chân dung Hoàng Công Vọng. (Ảnh: Baidu)

Chân dung Hoàng Công Vọng. (Ảnh: Baidu)

Năm 1754, một bức "Phú Xuân Sơn Cư Đồ - Vô Dụng Sư Quyển" được đưa vào cung. Càn Long hoàng đế nhìn thấy bèn vô cùng yêu thích, tự tay đề thơ dưới phần trống của bức tranh dài hơn 6 mét, đóng dấu ngọc tỷ. Không ngờ năm sau, hoàng đế lại được tặng một bức y hệt. Nhất thời khó phân biệt, ông tuyên bố bức thứ hai là giả, đồng thời mua lại tất cả các bức sao chép. Hoàng đế triệu tập đại thần để bình tranh. Trong số đại thần có người giám định được bức tranh mà hoàng đế cho là thật kỳ thực là tranh giả, nhưng không dám nói mà đều hùa theo Càn Long.

Năm 1933, quân Nhật chiếm Sơn Hải quan, bảo tàng Cố Cung quyết định chuyển tất cả cổ vật quý sang chỗ an toàn, đề phòng bị chiến tranh phá hủy. Phú Xuân Sơn Cư Đồ - Vô Dụng Sư Quyển cùng hàng vạn cổ vật quý của Cố Cung lưu lạc từ Bắc Kinh xuống Nam Kinh, qua Tứ Xuyên, Quý Châu, rồi quay về Nam Kinh sau khi kháng chiến chống Nhật kết thúc và năm 1948 bị đưa sang Đài Loan.

Trong thời gian cổ vật lưu tại Thượng Hải, chuyên gia của Bảo tàng Cố Cung, nhà giám định thư họa nổi tiếng Từ Bang Đạt đã nghiên cứu và phát hiện bức họa mà Càn Long chấp bút là giả, bức còn lại mới là thật. Câu chuyện thật giả lẫn lộn trở thành giai thoại cười trong làng thư họa Trung Quốc.

Bức Thặng Sơn Đồ nằm trong tay người nhà họ Ngô và năm 1669 bán cho Vương Diên Bân, nhà sưu tập thời Thanh, sau đó qua tay nhiều người khác và mãi tới năm 1938 mới xuất hiện lần nữa. Mùa thu năm 1938, Ngô Hồ Phàm, nhà sưu tập nổi tiếng người Thượng Hải, đang nằm dưỡng bệnh tại nhà thì Tào Hữu Khanh, ông chủ một tiệm đồ cổ, tới thăm. Tào Hữu Khanh mang theo người một bức Thặng Sơn Đồ cũ nát nhờ Ngô Hồ Phàm giám định. Ngô Hồ Phàm ngắm tranh, cảm nhận được nét vẽ phi phàm. Tranh không đề tên người vẽ, chỉ viết 4 chữ "Sơn Cư Đồ Quyển".

 

Ngô Hồ Phàm giám định hồi lâu, từ phong cách vẽ, nét bút, tới vết tích bị thiêu, bèn phán đoán đây là phần đầu bức họa Phú Xuân Sơn Cư Đồ của Hoàng Công Vọng.

"Loạn thế xuất kỳ tích, không ngờ 300 năm lại được nhìn thấy 'hỏa trung chí bảo' của Hoàng Công Vọng", ông cảm thán.

Tào Hữu Khanh nghe xong, biết bức họa là bảo vật, không muốn bán lại nữa. Cò kè mặc cả, cuối cùng Ngô Hồ Phàm lấy bảo vật đồ đồng trong nhà ra đổi phần tranh không có đề bút. Sau này, Tào Hữu Khanh tìm đến chỗ người bán, lại phát hiện trong đống giấy vụn phần tranh có đề bút, giúp hoàn chỉnh bức tranh.

Sau năm 1949, thư pháp gia nổi tiếng Sa Mạnh Hải, người bấy giờ làm việc trong bảo tàng Chiết Giang, nghe tin bức tranh đang ở trong tay Ngô Hồ Phàm. Sa Mạnh Hải sợ tranh quý lại gặp nạn, Ngô Hồ Phàm không giữ nổi tranh, bèn thuyết phục ông giao lại cho quốc gia bảo quản. Sau nhiều lần thuyết phục, Ngô Hồ Phàm cảm động, đồng ý đưa lại tranh cho bảo tàng Chiết Giang.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm