Khám phá

Soi từng ngóc ngách cổng thành tuyệt đẹp của Thăng Long xưa

Sau những thăng trầm lịch sử, Đoan Môn - cánh cổng thành tuổi đời nhiều thế kỷ của kinh thành Thăng Long vẫn giữ được sự chắc chắn và uy nghiêm của mình.

Nằm ở trong Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, Đoan Môn là một di tích lịch sử có tầm quan trọng đặc biệt của kinh thành Thăng Long xưa.

Công trình này là cửa chính phía Nam dẫn vào khu Cấm thành. Căn cứ vào vật liệu xây dựng và phong cách hiện còn của di tích, có thể khẳng định Đoan Môn được xây dựng được xây dựng vào thời Lê và được tu bổ sửa sang vào thời Nguyễn.

Nằm ở hướng Nam của điện Kính Thiên thẳng trục với Cột cờ Hà Nội, Đoan Môn được xây dựng theo chiều ngang theo lối tường thành cổ với 5 cổng thành kiểu vòm cuốn bằng đá cân xứng qua trục thần đạo của Hoàng thành Thăng Long.

Cửa giữa lớn nhất dành riêng cho nhà vua, cao 4 mét, rộng 2,7 mét. Các cửa còn lại cao 3,8 mét rộng 2,5 mét dùng để các quan, hoàng thân quốc thích ra vào cung cấm mỗi khi có lệnh hoặc tham dự các nghi lễ lớn tại điện Kinh Thiên.

Tấm biển đá khắc hai chữ Đoan Môn gắn phía trên cửa chính dài 1,5 mét rộng 0,7 mét.

Mặt sau Đoan Môn có hình chữ U với hai cửa phụ và hai cửa ngách đối xứng hai bên cửa chính.

Cận cảnh một cửa ngách.

Hai cửa ngách nối với hai cửa ngoài cùng ở mặt trước Đoan Môn bằng đoạn hành lang hình chữ L dài hàng chục mét.

Bánh xe để di chuyển (đóng, mở) cánh cửa thành bằng gỗ.

Hai bên Đoan Môn có hai dãy bậc cấp bằng gạch dẫn lên tầng hai.

Trên nền tầng hai xây một phương đình kiểu hai tầng tám mái, được gọi là lầu Ngũ Môn.

Mái lầu Ngũ Môn lợp ngói ta, hai đầu nóc đắp hai con rồng (đầu kìm), bốn góc mái trên tạo thành đao cong.

Hai hồi đắp hình hổ phù.

Tầng một của lầu Ngũ Môn có có hệ thống cửa phía trong và phía ngoài phong phú, chia mặt bằng thành nhiều khoang nhỏ.

Các cửa hai bên và dãy cửa trong cùng có dạng vòm.

Các cửa khác có dạng lục giác với hai góc phía trên được vát chéo.

Tầng trên của lầu Ngũ Môn thu nhỏ lại so với tầng dưới, trổ cửa vòm ở phía trước và hai bên.

Trong tầng này có đặt một bàn thờ.

Cấu trúc gỗ của mái lầu Ngũ Môn.

Quanh lầu Ngũ Môn có các thảm cỏ, cây xanh, trong đó có những cây hoa đại rất lớn.

Lan can và ống thoát nước hình đầu cá chép của lầu Ngũ Môn.

Phía sau Đoan Môn, năm 1999 các nhà khảo cổ học đã đào hố khai quật rộng 85,2 m2 để lần tìm dấu vết con đường Ngự đạo xưa. Ngày nay hố này được để lộ thiên cho du khách tham quan.

Bên trong hố là những di vật khảo cổ quan trọng. Ở độ sâu 1,2 mét là đường viền đá gia cố chân tường Đoan Môn và sân gạch thời Lê Sơ. Độ sâu 1,9 mét là đoạn đường lát gạch hoa chanh thời Trần. Ngoài ra còn có những viên gạch lát đường thời Lý được dùng lại.

Những di vật khảo cổ học đã củng cố thêm nhận định Đoan Môn thời Lý, Trần, Lê về cơ bản đã tọa lạc tại cùng một vị trí.

Sau những thăng trầm lịch sử, cánh cổng thành tuổi đời nhiều thế kỷ của kinh thành Thăng Long vẫn giữ được sự chắc chắn và uy nghiêm của mình.

Theo Quốc Lê/Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo