Khám phá

Sự sống Sao Hỏa nằm sâu 2 mét dưới lòng đất?

Nhà vật lý từ Trung tâm Chuyến bay không gian Goddard của NASA tiết lộ những khám phá mới quanh hành trình săn tìm sự sống Sao Hỏa.

Hồ nước ‘chấm bi’ độc đáo được ví như sao Hỏa trên Trái đất / "Xác ướp" 830 triệu năm chỉ ra nơi sinh vật sao Hỏa trú ẩn

"Kết quả của chúng tôi cho thấy các axit amin bị phá hủy bởi tia vũ trụ trong đá bề mặt Sao Hỏa và tái sinh với tốc độ nhanh hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây" - tờ Sicience Alert dẫn lời nhà vật lý Alexander Pavlov từ Goddard.

Ông cho biết các nhiệm vụ thám hiểm Sao Hỏa hiện nay đang khoan xuống bề mặt ở độ sâu chỉ 5 cm. Ở độ sâu đó, chỉ mất 20 triệu năm để phá hủy hoàn toàn các axit amin, chưa kể một số vật liệu đặc trưng của Sao Hỏa sẽ làm tăng tốc độ phá hủy hơn nữa. Đó có thể là lý do sự sống cổ đại mà bấy lâu NASA vẫn tìm kiếm chưa lộ diện.

Sự sống Sao Hỏa nằm sâu 2 mét dưới lòng đất? - Ảnh 1.

Nỗ lực khoan lỗ trên Sao Hỏa của Curiosity và Perseverance của NASA có thể là "công dã tràng" - Ảnh: NASA

Theo tiến sĩ Pavlov, để tìm được những thứ mơ ước - như hóa thạch của sinh vật Sao Hỏa, các nhà khoa học cần phải khoan sâu ít nhất 2 mét để chạm tới bất kỳ vật liệu sự sống nào còn nguyên vẹn, chưa bị bức xạ xóa dấu vết.

Phát hiện này đến từ một thí nghiệm để kiểm tra độ bền của các hợp chất này trước bức xạ, bằng cách trộn các axit amin với hỗn hợp khoáng chất được thiết kế để bắt chước tình trạng của Sao Hỏa, đưa vào một môi trường có nhiệt độ tương tự Sao Hỏa.

Trong tình huống may mắn nhất, bất kỳ axit amin nào có trên bề mặt Sao Hỏa từ 100 triệu năm trước hoặc lâu hơn đều đã bị "chiếu xạ thành hư vô".

Với dạng sự sống mà NASA tìm kiếm - hàng tỉ năm tuổi, thời Sao Hỏa còn có nước và phù hợp với sự sống - thì những nỗ lực của 2 robot dạng rover tự hành Curiosity và Perseverance vừa qua chỉ là "công dã tràng", một khi chúng chỉ khoan sâu vài cm.

Như vậy, cơ quan vũ trụ này sẽ cần tìm cách khác cho cuộc săn đuổi sự sống của mình, trong những sứ mệnh tiếp theo.

 

Bức xạ khắc nghiệt bủa vây bề mặt Sao Hỏa - do sự thiếu từ trường và bầu khí quyển mong manh - là vấn đề làm bận tâm các nhà khoa học bấy lâu, bởi đó là kẻ thù của sự sống. Trái Đất sống được một phần lớn là nhờ từ quyển và khí quyển dày đặc, bảo vệ muôn loài khỏi bức xạ khốc liệt từ Mặt Trời, trong khi vẫn giữ được hơi ấm.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm