Theo ước tính, hiện nay ở Nhật có đến 8 triệu ngôi nhà hoang, không có ai sinh sống. Trang Bloomberg cho biết con số này sẽ tăng lên đến 20 triệu vào năm 2033, chiếm đến 1/3 tổng số nhà ở Nhật Bản. Do đó, nhiều thị trấn tại đất nước mặt trời mọc đang có nguy cơ biến thành thị trấn “ma”.
Hiện tượng “có nhà không muốn ở” này là hệ quả của sự suy giảm dân số tại Nhật Bản. Đây vốn là đất nước nổi tiếng với dân số già khi có tuổi thọ trung bình là 83,1 và hơn 61.000 người trên 100 tuổi. Tỷ lệ kết hôn và sinh con ở Nhật cũng ngày càng thấp nên dân số giảm trung bình 1 triệu người mỗi năm.
Bên cạnh đó, những ngôi nhà kiểu truyền thống bằng gỗ là loại nhà thường bị bỏ hoang do chi phí bảo trì quá đắt, nguy cơ cháy nổ cao cũng như không an toàn khi xảy ra thiên tai.
Tỉ lệ nhà bỏ hoang ngày càng tăng cao là vấn đề đáng báo động đối với chính phủ nước này vì các căn nhà nàythường chứa đầy rác thải và bị bao trùm bởi cây cối. Hệ thống xử lý nước thải hoặc bể phốt để lâu ngày dễ khiến bệnh tật lây lan. Ngoài ra, những căn nhà này cũng khiến giá bất động sản xung quanh bị hạ thấp.
Vì lý do đó, chính phủ Nhật Bản đã quyết định ban hành luật đánh thuế bỏ hoang nhà. Luật này yêu cầu chính quyền địa phương xác định bất động sản đã bị bỏ hoang, gửi thông báo đến chủ sở hữu của nó đề nghị họ khắc phục.
Nếu sau một khoảng thời gian nhất định, họ không có hành động gì thì chính quyền sẽ đánh thuế bất động sản đặc biệt cho khu đất đó. Sau đó, nếu chủ nhà vẫn “bơ” thì chính quyền sẽ cho phá dỡ ngôi nhà và gửi hóa đơn thanh toán cho chủ nhà.
Biện pháp này nghe có vẻ rất đơn giản nhưng thực tế không dễ thực hiện. Trong nhiều trường hợp, việc xác định chủ sở hữu đối với bất động sản bỏ hoang khá khó. Nếu người sở hữu đã chết và số người thừa kế lớn hơn một thì việc tìm và liên lạc với họ khá rắc rối và tốn kém nên nhiều địa phương không muốn làm điều đó.
Để dễ dàng hơn, một số nơi chính quyền còn hỗ trợ tiền để chủ sở hữu nhưng ngôi “nhà ma” phá dỡ nhà. Ví dụ, thành phố Kasama sẽ hỗ trợ 1/3 chi phí (khoảng 300.000 yên), thành phố Toyohashi thì hỗ trợ đến 2/3 (khoảng 200.000 yên) nhưng chỉ dành cho nhà gỗ. Thậm chí, ở thành phố Minami Aizu, số tiền trợ cấp phá dỡ lên đến 800.000 yên cho người có thu nhập thấp và 500.000 yên cho người có thu nhập trung bình.
Bên cạnh việc phá dỡ, nhiều ngôi nhà lớn và còn giá trị sử dụng được mua lại, sửa chữa và nhập vào “ngân hàng nhà hoang” để bán cho người cần mua. Biến các căn “nhà ma” thành dự án nghệ thuật hay địa điểm du lịch trải nghiệm cũng là một phương pháp khác để giải quyết vấn đề này.