Tại sao người Ai Cập cổ đại lại tôn sùng mèo?
Trí tuệ nhân tạo giúp phục dựng thành công khuôn mặt của pharaoh Ai Cập từ xác ướp / Khám phá bí ẩn về Ai Cập cổ đại: Top 4 sự thật ít ai ngờ tới
Người Ai Cập cổ đại nổi tiếng về sự yêu thích với tất cả các loài mèo. Không thiếu những đồ sáng tạo theo chủ đề mèo - từ những bức tượng lớn đến những đồ trang sức phức tạp, chúng đã tồn tại qua hàng thiên niên kỷ kể từ khi các pharaoh cai trị sông Nile.
Người Ai Cập cổ đại đã ướp xác vô số con mèo, và thậm chí còn tạo ra nghĩa trang vật nuôi đầu tiên trên thế giới, một khu chôn cất gần 2.000 năm tuổi, phần lớn là dành cho những chú mèo.
Nhưng tại sao mèo lại được đánh giá cao ở Ai Cập cổ đại? Theo nhà sử học Hy Lạp cổ đại Herodotus, người Ai Cập sẽ cạo lông mày để bày tỏ sự thương tiếc khi những chú mèo trong gia đình qua đời và họ sẽ tiếp tục "để tang" cho đến khi lông mày mọc lại.
Phần lớn sự tôn kính này của người Ai Cập cổ đại với mèo đến từ đức tin và hệ thống tín ngưỡng. Theo một cuộc triển lãm năm 2018 về tầm quan trọng của mèo ở Ai Cập cổ đại được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Quốc gia Smithsonian tại Mỹ, người Ai Cập cổ đại nghĩ rằng các vị thần và người cai trị của họ có những phẩm chất giống mèo.
Cụ thể, mèo là được coi là sở hữu hai tính khí đáng mơ ước - một mặt chúng có thể bảo vệ, trung thành; mặt khác chúng rất ngoan cường, độc lập và quyết liệt.
Điều đó có thể giải thích tại sao người Ai Cập cổ đại lại xây dựng những bức tượng giống mèo. Tượng Nhân sư ở Giza dài 73 mét có khuôn mặt người và cơ thể sư tử có lẽ là ví dụ nổi tiếng nhất.
Bastet là vị thầm nổi tiếng nhất trong các vị thần có hình dạng của loài mèo. Bastet có hình dạng một nửa là mèo, một nửa là của người phụ nữ, bà được biết đến là vị thần bảo vệ mái ấm trước quỷ dữ và bệnh tật. Số người tôn thờ Bastet rất lớn vì bà còn liên quan đến phụ nữ và sinh sản.
Mèo có thể cũng được yêu thích vì khả năng săn chuột và rắn, bảo vệ mùa màng. Theo Đại học London, người Ai Cập cổ đại thậm chí đặt tên hoặc biệt danh cho con mình theo tên mèo, bao gồm cả cái tên "Mitt" (có nghĩa là mèo) dành cho các bé gái. Không rõ khi nào mèo thuần hóa xuất hiện ở Ai Cập, nhưng các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những ngôi mộ mèo có niên đại khoảng 3800 năm trước Công nguyên.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây tiết lộ rằng sự tôn sùng của người Ai Cập cổ đại với mèo không phải lúc nào cũng tử tế. Nhiều khả năng Ai Cập còn có một ngành công nghiệp dành cho việc nhân giống hàng triệu con mèo con để giết và ướp xác chôn cùng con người, phần lớn là từ khoảng năm 700 trước Công nguyên đến năm 300 sau Công nguyên.
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái trên tạp chí Scientific Reports, các nhà khoa học đã chụp CT trên các động vật được ướp xác - một trong số đó là mèo. Điều này giúp họ có cái nhìn chi tiết về cấu trúc bộ xương và các vật liệu được sử dụng trong quá trình ướp xác.
Khi các nhà nghiên cứu nhận lại kết quả, họ nhận ra sinh vật này nhỏ hơn rất nhiều so với dự đoán của họ. Giáo sư Richard Johnston cho biết: "Đó là một con mèo còn rất nhỏ, chưa đầy 5 tháng tuổi, cổ của nó bị cố tình bẻ gãy."
Johnston nói với Live Science: "Chúng tôi thực sự khá sốc. Điều đó nói lên rằng, tục hiến tế mèo không hiếm. Chúng thường được nuôi cho mục đích hiến tế. Họ có những trang trại dành riêng để bán mèo."
Mary-Ann Pouls Wegner, phó giáo sư khảo cổ học Ai Cập tại Đại học Toronto trước đây đã nói với Live Science rằng, đó là bởi vì nhiều sinh vật đã được cúng tế cho các vị thần của Ai Cập cổ đại. Đây được xem như một cách để xoa dịu hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các vị thần ngoài những lời cầu nguyện bằng lời nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Đối với người Ai Cập cổ đại, mèo là một trong những sinh vật linh thiêng.