Tại sao người Việt rất bình tĩnh, yên tâm chờ đón cái chết?
Clip: Cận cảnh 'cung thủ' dưới nước săn mồi cực đỉnh / Phát hiện loài cóc mắt đỏ rực như máu
Người Việt Nam có truyền thống văn hóa lâu đời, chính vì vậy trong những việc trọng đại như cưới xin, lễ tết, tang ma người Việt có những nghi thức, phong tục được lưu giữ qua bao đời nay.
Theo cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam của GS.TS Khoa học Trần Ngọc Thêm, do cho rằng trong con người có phần xác và phần hồn, sau khi chết, linh hồn sẽ về nơi "thế giới bên kia" và với thói quen sống bằng tương lai (sản phẩm của lối tư duy theo triết lí âm dương), cho nên người Việt Nam rất bình tĩnh, yên tâm chờ đón cái chết. Chết già vì vậy được xem là một sự mừng, bởi vậy mới có câu “trẻ làm ma, già làm hội”. Nhiều nơi có người già chết còn đốt pháo; chắt chút để tang cụ kị thì đội khăn đỏ, khăn vàng (là màu tốt theo Ngũ hành).
Người Việt cổ coi cái chết là bắt đầu một sống mới nên ngày sinh nhật không được quan tâm nhiều bằng ngày giỗ. Còn người phương Tây coi chết là hết nên họ rất chú trọng đến ngày sinh nhật của mình.
Người Việt Nam chuẩn bị khá chu đáo, kĩ càng cho cái chết của chính mình hoặc của người thân. Các cụ già tự mình lo sắm cỗ hậu (chỉ việc về sau, còn gọi là cỗ thọ, quan tài, áo quan). Quan tài của ta làm hình vuông tượng trưng cho cõi âm theo triết lí âm dương.
Người cẩn thận còn cho làm thêm chiếc quách bọc ngoài (thành ngữ trong quan ngoài quách). Cỗ thọ làm xong, kê ngay dưới bàn thờ như một việc hết sức bình thường. Có cỗ thọ rồi, các cụ còn lo nhờ thầy địa lí đi tìm đất rồi xây sinh phần. Các vua chúa bao giờ cũng lo tất cả những việc này rất chu tất ngay từ khi mới lên ngôi; các lăng mộ vua còn giữ được ở Huế đồng thời cũng là những nơi thắng cảnh là vì thế.
Khi trong nhà có người nhà hấp hối, việc quan trọng là đặt lên hèm (tên thụy) cho người sắp chết. Đó là một tên mới (do người sắp chết tự đặt hoặc con cháu đặt cho) mà chỉ có người chết, con cháu và thần Thổ công nhà đó biết mà thôi.
Khi cúng giỗ, con trưởng sẽ khấn bằng tên hèm. Thổ thần có trách nhiệm chỉ cho phép linh hồn có "mật danh" đúng như thế vào thôi (vì vậy, tên này còn gọi là tên cúng cơm). Làm như vậy là đề phòng ngừa những cô hồn lang thang vào ăn tranh cỗ cúng sau này.
Trước khi khâm liệm, phải làm lễ mộc dục (tắm gội cho người chết) và lễ phạn hàm: bỏ một nhúm gạo nếp và ba đồng tiền vào miệng (gạo để dùng thay bữa, tiền để đi đò - quan niệm của người vùng sông nước). Khi khâm liệm, phải có miếng vải đắp mặt người chết để khỏi trông thấy cháu con sinh buồn.
Trong áo quan, từ thời Hùng Vương đã có tục chia tài sản cho người chết mang theo. Ngày nay, người Việt vẫn để kèm trong áo quan các đồ vật tùy thân như quần áo, gương lược. .. và hằng năm khi giỗ thì "gửi thêm" vàng (giấy), quần áo (giấy),...
Trước khi đưa quan tài đến nơi chôn cất, người ta cúng thần coi sóc các ngả đường để xin phép đưa tang. Trên đường đi có tục rắc các thỏi vàng giấy làm lộ phí cho ma quỷ để chúng khỏi quấy nhiễu. Đến nơi, làm lễ tế Thổ thần nơi đó để xin phép cho người chết được “nhập cư”.
Chôn cất xong, trên nấm mộ đặt bát cơm, quả trứng, đôi đũa (cắm trên bát cơm), nhiều nơi còn đặt thêm mớ bùi nhùi. Tục này mang ý nghĩa chúc tụng. Mớ bùi nhùi tượng trưng cho thế giới hỗn mang, trong hỗn mang hình thành nên thái cực (tượng trưng bằng bát cơm), thái cực sinh ra lưỡng nghi (tượng trưng bằng đôi đũa), có lưỡng nghi (âm dương) là có sự sống (tượng trưng bằng quả trứng).
Toàn bộ toát lên ý cầu chúc cho người chết sớm đầu thai trở lại. Nhiều nơi có tục làm nhà mồ cho người chết với đủ những tiện nghi, vật dụng tối thiếu.
Để cho linh hồn người chết được yên ổn và phù hộ cho con cháu khoẻ mạnh, làm ăn phát đạt là tục cải táng.
Trong việc tang ma, người Việt Nam bị giằng kéo giữa hai thái cực: Một bên là quan niệm coi chết là bước vào cuộc sống mới ở thế giới khác nên việc tang ma được xem như việc đưa tiễn; bên kia là quan niệm trần tục coi chết là hết nên việc tang ma là việc xót thương.
Xót thương nên muốn níu kéo, giữ lại. Tục khiêng người chết đặt xuống đất, tục gọi hồn là mong người chết sống lại. Vì xót thương nên có tục khóc than (nhà không có con thì thuê người khóc mướn).
Vì xót thương nên con cháu không lòng dạ nào mà dùng đồ tốt (nên có tục làm đỗ tang bằng các loại vải thô, xấu như xô gai màu trắng - màu xấu nhất trong Ngũ hành); không tâm trí nào mà nghĩ đến việc ăn mặc (nên trong thời gian tang có tục để gấu xổ, áo trái, đầu bù....); đau buồn quá nên đứng không vững (khi đưa ma, con trai phải chống gậy, gái yếu hơn nên phải lăn đường); đau buồn quá dễ sinh quẫn trí va đập thành trùng tang (nên khi đưa ma. phải đội mũ làm bằng dây chuối,...). Ngày nay, nhiều tục lệ trong số đó không còn tồn tại nữa, lẽ chính là vì chúng quá chi li, cầu kì, chứ không phải vì chúng vô nghĩa.
Ở lĩnh vực tang lễ này cũng thấy rõ tính cộng đồng: nhà có tang, việc thì nhiều mà người nhà lại không còn đủ tỉnh táo minh mẫn nữa, nên bà con xóm làng bao giờ cũng chạy tới giúp đỡ, lo toan chỉ bảo cho mọi việc.
Người Việt Nam quan niệm “bán anh em xa, mua láng giềng gần” nên khi nhà có người mất, hàng xóm láng giềng không những giúp đỡ mà còn để tang nhau: “Họ dương 3 tháng, láng giềng 3 ngày; Láng giềng còn để ba ngày- Chồng cô, vợ cậu một ngày cũng không”.
Người nông nghiệp sống gắn bó không chỉ với xóm làng mà còn cả với thiên nhiên, cho nên khi chủ chết, cây cối trong vườn cũng đau buồn mà để tang, bởi thế nên nhiều nơi có tục đeo băng trắng cho cả cây cối.
Phong tục tang lễ của ta thấm nhuần rất sâu sắc tinh thần triết lí âm dương Ngũ hành phương nam
Tang lễ truyền thống Việt Nam dùng màu trắng là màu của phương Tây theo Ngũ hành. Mọi thứ liên quan đến phương Tây đều được xem là xấu. Nơi để mồ mả của người Việt và người dân tộc thường là hướng Tây của làng; người dân tộc xem rừng phía Tây là rừng của ma quỷ. Sau màu trắng là màu đen (của phương Bắc theo Ngũ hành). Nếu chắt, chút để tang cụ, kị (là tốt, vì các cụ sống lâu) thì dùng các màu tốt như màu đỏ (phương Nam) và vàng (Trung ương).
Theo triết lí âm dương, âm ứng với số chẵn, dương ứng với số lẻ; vì vậy mọi thứ liên quan đến người chết đều phải là số chẵn.
Lạy trước linh cữu thì phải lạy 2 hoặc 4 lạy; ở nhà mồ của các dân tộc miền núi, cầu thang phải làm với số bậc chẵn; hoa cúng nười chết cũng phải dùng số chẵn. khác với người sống ở cõi dương, mọi thứ phải theo số lẻ: lạy người sống phải là 1 hoặc 3 lạy; cầu thang, bậc tam cấp nhà ở phải có số bậc lẻ (thế mới là tam cấp!); hoa cho người sống cũng phải có số bông lẻ. Trừ trường hợp chết coi như sống - ví dụ cúng Phật thắp 3 nén nhang, hoặc sống coi như chết - ví dụ con gái lạy cha mẹ trước lúc xuất giá đi lấy chồng 2 lạy).
Cũng theo luật âm dương là việc phân biệt tang cha với tang mẹ: Khi con trai chống gậy để tang thì cha gậy tre, mẹ gậy vông. Đó là vì thân tre tròn. biểu tượng dương; cành gỗ vông đẽo được thành hình vuông, biểu tượng âm.
Đưa tang và để tang còn có tục cha đưa mẹ đón (tang cha - đi sau quan tài, tang mẹ - đi giật lùi phía đầu quan tài) và tục áo tang cha thì mặc trở đàng sống lưng ra, tang mẹ mặc trỏ đằng sông lưng vô - hai tục sau cũng đều thể hiện triết lí âm dương qua cặp nghĩa hướng ngoại (dương, cha) - hướng nội (âm, mẹ).
Phong tục tang lễ phổ biến và chính thống của ta còn thừa kế được cả tinh thần dân chủ truyền thống. Thọ Mai gia lễ của ta quy định cha mẹ phải để tang con, và không chỉ cha mẹ để tang con mà cả ông bà và cụ kị cũng để tang hàng cháu, hàng chắt.
Trong khi đó thì theo tục lệ Trung Hoa, "Phụ bất bái tử" (cha không lạy con). Con chết trước cha mẹ là nghịch cảnh, là con bất hiếu (một vài nơi ở vùng Bắc Bộ có truyền thống Nho học mạnh cũng theo quan niệm này nên nếu con chết trước thì lúc khâm liệm quấn trên đầu tử thi mấy vòng khăn trắng, ý là ở cõi âm cũng phải để tang báo hiếu sẵn cho cha mẹ).
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Người phụ nữ nghèo đổi đời nhờ nhặt được viên ngọc trai quý hiếm trong lúc nấu ăn, trị giá bằng cả căn nhà
Trong 'Tây Du Ký', con quái vật duy nhất đã hơn một lần ăn thịt Đường Tăng, bạn có biết đó là ai không?