Tam quốc diễn nghĩa: Bí ẩn về người cháu kỳ tài chẳng kém Khổng Minh
Gia Cát Khác (203 - 253) là vị Đô đốc kế nhiệm Lục Tốn, họ Gia Cát, tên là Khác, tự Nguyên Tốn, là con cả của Gia Cát Cẩn, gọi Khổng Minh bằng chú. Đây cũng là một trong những nhân vật hiếm hoi của Đông Ngô được Tam quốc diễn nghĩa nhắc đến sau khi Gia Cát Lượng qua đời bên cạnh những cái tên như Khương Duy, Chung Hội, Đặng Ngải.
Là dòng dõi thế tộc trong chính quyền Đông Ngô, khi hoàng đế khai quốc của nhà Ngô là Tôn Quyền băng hà, Gia Cát Khác được chọn làm phụ chính đại thần cho con trai của Tôn Quyền là Tôn Lượng, nhưng khoảng thời gian mà ông nhiếp chính lại là một thảm họa quân sự đối với nước Ngô vì ông không ngừng gây chiến với nhà Tào Ngụy. Năm 253, Gia Cát Khác bị ám sát và bị diệt tộc trong cuộc chính biến giành quyền lực.
Được Tôn Quyền quý mến
Gia Cát Khác là người thông minh lanh lợi, có tài từ nhỏ, giỏi ăn nói, ứng đối hơn người. Gia Cát Khác hàng ngày thường tự đặt ra câu hỏi và tìm cách giải thích. Ông có tài nghị luận, ứng đối nhiều người không theo kịp. Tôn Quyền từ khi gặp Gia Cát Khác rất quý mến ông.
Sau khi Tôn Quyền chọn Tôn Đăng làm thái tử, để gây dựng uy tín và nâng cao năng lực cai trị cho thái tử, vua Ngô đã lựa chọn trong số con trai của các vị trọng thần và các vị quan lại trẻ tuổi những người có tài nhằm phò tá thái tử. Bốn người nổi bật nhất bao gồm Gia Cát Khác con trai của Gia Cát Cẩn, Trương Hưu con trai của Trương Chiêu, Cố Đàm cháu nội của Cố Ung, và Trần Biểu con trai của Trần Vũ. Tôn Đăng đối đãi với họ như bằng hữu chứ không như thuộc hạ, và cả bốn người đã cùng lớn lên bên nhau đồng thời giữ vai trò quân sư cho Tôn Đăng. Khi Tôn Đăng hỏi Hồ Tông nhận định thế nào về bốn vị quân sư này, ông đã viết một phong thư phúc đáp rằng Gia Cát Khác có tài trí hơn người, là bậc nhân tài hiếm có so với những người cùng trang lứa. Tuy nhận định này của Hồ Tông rất chính xác, nhưng Gia Cát Khác lại mắc một khuyết điểm rất lớn chính là sự thiếu cẩn trọng khi hành sự. Ngay cả cha ông là Gia Cát Cẩn và chú ông là Gia Cát Lượng đã không ít lần quở trách về khuyết điểm này. Gia Cát Cẩn đã từng nhận xét rằng: "Đứa trẻ này có thể sẽ làm rạng rỡ Gia Cát thị nhưng cũng có thể sẽ mang tới tai họa cho cả gia tộc".
Giỏi việc dùng binh
Về tài dùng binh của Khác thì Tam quốc diễn nghĩa kể khi quân Ngụy tiến đánh quận Đông Hưng, Khác được tướng quân Đinh Phụng hiến kế, cũng đích thân Đinh Phụng dẫn ba nghìn tử sĩ đánh bại quân Ngụy.
Sau đó Gia Cát Khác lại đem quân đánh Tân Thành suốt hai tháng, đến lúc tường thành sắp đổ thì bị quan giữ thành là Trương Đặc lừa. Trương Đặc sai người mang sổ sách đến dâng lên Gia Cát Khác, rồi thác rằng theo luật của Ngụy giữ thành trăm ngày không có quân cứu thì dù hàng địch, gia quyến vẫn được miễn tội, xin Gia Cát Khác tạm lui quân, vài ngày sau sẽ ra hàng. Gia Cát Khác tin là thật nên lui quân, Trương Nhĩ cho người gấp rút tu sửa trường thành, tiếp tục tử thủ. Tóm lại, đánh Ngụy ở Đông Hưng là kế của Đinh Phụng, mà bị lừa ở Tân Thành là do sự "thật thà" của vị Đô đốc Gia Cát Khác. Trước có Lỗ Túc, sau có Gia Cát Khác, dường như La Quán Trung rất thích để cho các Đô đốc của Đông Ngô "thật thà".
Có điều trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung không nói vì sao Gia Cát Khác lại có thể trở thành Đại Đô Đốc, được Tôn Quyền di mệnh phò tá ấu chúa Tôn Lượng (Tôn Lượng là con trai út của Tôn Quyền. Trong số những người anh của ông thì Tôn Đăng, Tôn Lự mất sớm, thái tử Tôn Hòa bị phế truất, hoàng tử thứ tư là Tôn Bá do có âm mưu tạo phản nên cũng bị ép tự tử, do đó Tôn Lượng được lập làm thái tử). Nhưng những chuyện này thì Tam quốc chí lại viết rất rõ.
Khi Khác còn trẻ, bấy giờ Đan Dương là quận trọng yếu liền kề bốn quận Ngô, Cối Kê, Tân Đô, Bà Dương nhưng vì núi rừng liên tiếp nên người ở trong đó hay làm giặc cướp, không thể bắt hết được. Gia Cát Khác bèn xin với Tôn Quyền ra làm quan, "cho là ba năm thu tất được bốn vạn quân mang giáp". Mọi người đều cho là không thể, ngay cả cha của Gia Cát Khác cũng nói ông làm xấu mặt cả nhà.
Khi Gia Cát Khác đến đó liền "chia sai các tướng đem quân chặn chỗ hiểm, chỉ đóng giữ rào lũy, không ra giao tranh, đợi thóc lúa của địch sắp chín thì tung quân ra gặt hái, khiến cho địch không còn lúa giống. Lúa cũ đã hết, ruộng mới lại không gặt, dân thường ở yên, địch không vào cướp được, do đó dân trên núi đói khốn, dần dần ra hàng. Gia Cát Khác bèn hạ lệnh lại rằng: "Người trên núi bỏ điều ác theo giáo hóa, đều nên vỗ về, dời ra huyện ngoài, không được gây nghi ngờ, nếu có sẽ bắt giam".
Có người bản địa là Chu Dụy không muốn rời núi bèn khởi binh chống lại. Thuộc hạ của Gia Cát Khác là Hồ Kháng bèn mang quân bắt trói Chu Dụy về phủ. Gia Cát Khác bèn khép tội Hồ Kháng chống lệnh và chém. Dân trong vùng thấy vậy biết chủ ý của ông chỉ muốn dân dời núi chứ không phải chém giết, bèn cùng nhau dời núi ra ngoài ở. Sau 1 năm, số người xuống núi nhiều hơn dự định ban đầu. Năm 237, Đan Dương hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của nước Ngô và trở thành quận trọng điểm về cung cấp binh sĩ và lương thực cho quân đội nước Ngô. Tôn Quyền bèn giao cho Gia Cát Khác 1 vạn người, còn lại chia cho các tướng quản lý. Nhờ công lao đó, Gia Cát Khác được thăng làm Uy bắc tướng quân, Đô hương hầu.
Năm 243, Gia Cát Khác lên kế hoạch tấn công thành Thọ Xuân của Tào Ngụy, và ra lệnh cho binh sĩ trong tư thế sẵn sàng công thành bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, khi biết tin danh tướng của Ngụy là Tư Mã Ý đã mang viện binh đến Thọ Xuân và chuẩn bị giao tranh với quân Ngô, Tôn Quyền đã ra lệnh cho Gia Cát Khác phải lập tức lui binh để tránh thiệt hại cho quân Ngô vì Tư Mã Ý là một lão tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Từ lúc đó trở đi, danh tiếng của Gia Cát Khác ngày một lớn hơn vì ông dám đối đầu với một danh tướng như Tư Mã Ý.
Một người cầm binh như thế, sao có thể bị một tên tướng giữ thành như Trương Đặc dùng chút kế mọn lừa gạt như một đứa con nít ba tuổi được?
Hay như việc quân Ngụy đánh Đông Ngô, Tam quốc diễn nghĩa cũng kể là do Tư Mã Sư nghe Tôn Quyền mất nên mới quyết định cất bảy vạn quân đánh Đông Hưng. Nhưng kỳ thực là do sau khi phò tá Tôn Lượng lên ngôi, Gia Cát Khác cho đắp đê lớn ở Đông Hưng, lại sai hai tòa thành liền núi ở hai phía trái phải. Quân Ngụy vì cảm thấy bị uy hiếp và lấn đất nên mới phạt Ngô.
Tam quốc diễn nghĩa vì muốn tạo nên một hình mẫu phản diện của Gia Cát Khác nên mới không hề nhắc đến công lao của Khác, lại đem Gia Cát Khác biến thành một người "thật thà" dễ dàng bị lừa gạt, đem công lao phá Ngụy quy hết cho Đinh Phụng.
Cứ theo tài năng của Gia Cát Khác như trên mà xét, Tôn Quyền dùng Gia Cát Khác làm người kế tục Lục Tốn, phụ chính đại thần cho ấu chúa Tôn Lượng chắc chắn không sai.
Tài đi với tật
"Đặt tên cho lừa" là một trong những giai thoại nổi tiếng về Gia Cát Khác. Chuyện kể về việc Gia Cát Khác đã sớm nổi danh từ khi ông còn là một đứa trẻ, câu chuyện bắt đầu ở một buổi yến tiệc của triều đình nước Ngô. Trong số các đại thần được Tôn Quyền sủng tín, Gia Cát Cẩn có tướng mạo kỳ lạ xấu xí, gương mặt dài và xấu, trông giống như mặt con lừa. Nhằm trêu chọc Gia Cát Khác, Tôn Quyền đã cho người dắt đến một con lừa, trên cổ đeo một cái biển viết: "Gia Cát Tử Du". Tôn Quyền thường thích lấy điểm yếu của quần thần ra để đùa vui. Gia Cát Cẩn, dù không vui cũng vẫn phải chiều lòng Tôn Quyền. Kế đến, Tôn Quyền quay về phía Gia Cát Khác và bảo cậu bé viết lên tấm biển ấy hai chữ bất kỳ mà cậu muốn. Cậu lập tức lấy bút viết thêm hai chữ "chi lư" tức là "lừa của" lên trên tấm bảng treo ở cổ con lừa, như vậy câu trên thành "lừa của Gia Cát Tử Du" (Gia cát Tử Du chi lư). Mọi người đều ngạc nhiên, ai cũng đều khen cậu thông minh hơn người. Tôn Quyền vô cùng thích thú và tặng luôn con lừa kia cho cậu.
Gia Cát Khác "đặt tên cho lừa".
Trong một buổi yến tiệc khác, Tôn Quyền đã hỏi Gia Cát Khác: "Nguyên Tốn, Trẫm hỏi khanh, cha khanh tài giỏi hơn hay thúc thúc của khanh Gia Cát Lượng tài giỏi hơn ?" Gia Cát Khác lập tức đáp lời: "Dĩ nhiên là cha thần tài giỏi hơn". Tôn Quyền mới hỏi tiếp lý do vì sao. Gia Cát Khác lại đáp: "Thưa bệ hạ, cha thần biết chọn minh chúa mà thờ, trong khi thúc thúc của thần thì không, vì vậy cha thần tài giỏi hơn". Tôn Quyền rất hài lòng với câu trả lời vừa có phần nịnh nọt nhưng lại hết sức thâm thúy, ông bảo Gia Cát Khác mời rượu các vị lão đại thần khác (trong số đó có các vị quan trẻ tuổi nhưng có địa vị cao). Khi Trương Chiêu đến, Trương Chiêu đã từ chối uống rượu do Gia Cát Khác mời và nói: "Mời rượu bậc tiền bối như thế này thật không phải phép". Sau khi Trương Chiêu khước từ, Tôn Quyền lập tức bảo Gia Cát Khác: "Hãy mời ông ấy uống thay trẫm".
Gia Cát Khác cầm rượu và tiến về phía Trương Chiêu rồi nói: "Thuở xưa, Thừa tướng Khương Tử Nha dù đã ở tuổi 90 nhung một vẫn cầm kỳ lệnh, tay kia thì cầm búa và không bao giờ tự nhận là lão nhân gia. Khi có chiến tranh, ngài luôn ở phía sau, khi có yến tiệc, ngài luôn đi trước. Như thế liệu tiểu nhân có thất lễ với bậc tiền bối không?”
Trương Chiêu không biết phải đối đáp lại như thế nào nên đành phải uống rượu do Gia Cát Khác mời. Sau đó, Tôn Quyền đã trọng thưởng cho Gia Cát Khác rất hậu và chọn ông làm quân sư cho thái tử lúc bấy giờ là Tôn Đăng.
Tài hoa bộc lộ, sự tán dương của mọi người khiến Khác đắm chìm trong danh vọng. Khi trưởng thành giữ chức Đô Úy, rồi thành công thu phục Đan Dương, chống lại quân Ngụy, thẳng đường nắm giữ binh quyền trong tay, chưa từng chiến bại. Bởi vậy khi đánh Tân Thành bất lợi, dù Sái Lâm hiến kế Gia Cát Khác cũng chẳng nghe.
Lại nữa, bởi giỏi tài biện bác không ai có thể khuyên can. Đằng Dận khuyên Gia Các Khác đừng đánh Ngụy bị Gia Các Khác phản bác, Tưởng Diên can ngăn thì bị đuổi, Niếp Hữu vốn giỏi tài ăn nói cũng không khuyên được ông mà lão thần Lã Đại từng răn dạy ông phải suy nghĩ kỹ càng cũng bị ông biện bác không thể đáp.
Không nghi ngờ gì thất bại tại Tân Thành là lần thất bại to lớn đầu tiên đả kích vào sự kiêu hãnh của Khác. Vì thế ông chỉ mong chứng tỏ tài năng của mình chứ nào quan tâm đến những chuyện khác như binh sĩ đã mỏi mệt. Tam quốc chí viết: "Quân sĩ bệnh tật, vứt qua đầy đường, có kẻ đâm đầu xuống hang hố, có kẻ lại bị bắt cướp, sống chết buồn giận, lớn nhỏ kêu than", vậy mà Gia Các Khác chỉ lo "đổi quân vệ, dùng người thân của mình, rồi lệnh sửa quân, muốn hướng đến miền Thanh Châu, Từ Châu".
Tháng 8 năm 253, Gia Cát Khác về tới Kiến Nghiệp. Ông rất tức giận vì trong thời gian đi vắng đã có một số quan chức bị thay đổi, vì vậy bèn cách chức hết những người được bổ nhiệm trong khi ông ra trận, lập lại trật tự cũ như trước.
Vì vậy nhiều người rất sợ Gia Cát Khác. Ông thay quân túc vệ, cho người thân tín của mình vào, rồi lệnh cho toàn quân chỉnh đốn chuẩn bị phát binh đánh Tào Ngụy báo thù, tiến vào Từ châu và Thanh châu.
Người trong hoàng tộc là Tôn Tuấn (cháu Tôn Tĩnh – em Tôn Kiên) nhân lúc Gia Cát Khác mất lòng người bèn nảy ý định lật đổ ông để thay thế.
Tháng 10 năm 253, Tôn Tuấn bày mưu cùng vua Ngô Tôn Lượng mở tiệc rượu và mời Gia Cát Khác đến. Thủ hạ của ông là Trương Ước, Chu Ân, Đằng Dận thấy có vẻ bất thường nên khuyên ông không nên đi, nhưng ông không nghe, cho rằng không ai làm gì nổi mình.
Gia Cát Khác đeo kiếm vào điện và uống rượu, có Trương Ước đứng hộ vệ. Uống được nửa chừng, Tôn Lượng đi ra, Tôn Tuấn cũng lấy cớ ra nhà tiêu, thay bộ quần áo ngắn rồi bất ngờ ra lệnh cho quân đao phủ vào bắt Gia Cát Khác theo chiếu lệnh. Gia Cát Khác không kịp trở tay, bị Tôn Tuấn chém. Trương Ước rút gươm chém vào tay Tôn Tuấn làm Tuấn bị thương, thủ hạ của Tôn Tuấn là Chu Tuấn cũng rút gươm chém vào tay Trương Ước. Quân đao phủ ùa vào giết chết ông và Trương Ước.
Gia Cát Khác bị tru di tam tộc. Năm đó ông 51 tuổi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
200 năm sau khi bị chôn nhầm vì ngất xỉu lúc sinh con, cảnh tượng bên trong quan tài của người phụ nữ khiến hậu thế bàng hoàng
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Sự thật cặp vợ chồng mang gỗ lăng mộ đế vương về làm tủ, khiến 4 đứa con dính lời nguyền chết thảm
Lão nông đào được khúc gỗ kì dị, tưởng gỗ quý sắp phát tài nào ngờ con trai vừa thấy đã báo cảnh sát
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?