Khám phá

Tam quốc diễn nghĩa: Kỳ nhân ngang tài Khổng Minh khiến Tào Tháo khóc cạn nước mắt

Trong Tam quốc, Quách Gia và Khổng Minh được đánh giá là những 'kỳ nhân' trong giới mưu sĩ thời Tam quốc. Có quan điểm cho rằng, nếu Quách Gia không mất sớm thì có thể cùng Tào Tháo thống nhất thiên hạ.

Quách Gia thường được xem là một trong những mưu sĩ xuất sắc nhất thời Tam quốc và cả xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, không hề thua kém người đương thời là Gia Cát Lượng. Nếu không mất sớm thì có thể cùng Tào Tháo thống nhất thiên hạ.

Tạo hình Quách Gia trên phim.

Quách Gia (170-207) tự Phụng Hiếu, như nhiều nhân vật khác trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, cũng có những điểm hư cấu so với lịch sử, song mức độ hư cấu không nhiều. Đó quả thật là một vị quân sư có thể “ngồi trong màn trướng quyết việc thắng bại ngoài ngàn dặm”.

Quách Gia vốn người Dương Địch, Dĩnh Xuyên (nay là Ngu Huyện, Hà Nam). Tuổi trẻ ôm chí lớn, khổ học đợi rồng mây, Quách Gia ít giao du với người thế tục, bình tĩnh chờ thời cơ, để mắt tìm chân chủ. Hành tung ấy, xét ra cũng không khác Gia Cát Khổng Minh là mấy.

Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ chép: “Quách Gia thời trẻ chí hướng cao xa. Thời Hán mạt thiên hạ sắp loạn, Gia từ lúc 20 tuổi trốn dấu hình tích, bí mật kết giao với người tuấn kiệt, không tiếp xúc với tục nhân nên người thời ấy đa phần chẳng ai biết, chỉ có bậc thức giả mới biết tài của Gia. Năm 21 tuổi, Gia được triệu vào phủ Tư đồ”.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nói Trình Dục, Tuân Úc tiến cử Quách Gia đang ở ẩn ra phụng sự Tào Tháo, nhưng thực tế Phụng Hiếu đã từng là một mưu thần của Viên Thiệu.

Theo sử liệu ghi chép, vào thời điểm 18 lộ chư hầu Quan Đông đánh Đổng Trác, nghe tiếng Viên Thiệu biết trọng đãi người hiền, Quách Gia đã tìm tới gia nhập đội ngũ. Song, chỉ một thời gian sau, qua nhận xét bản thân, ông đánh giá Viên Thiệu không phải là minh chủ xứng đáng của mình, bèn từ giã. Những sự đánh giá ấy, đã từng được thổ lộ với hai mưu sĩ của Thiệu là Quách Đồ và Tân Bình rằng: “Bậc trí giả khéo ở việc chọn chủ, cho nên trăm lần mưu việc là trăm lần toàn vẹn mà công danh có thể lập được. Viên công muốn nhún mình đãi kẻ sĩ bắt chước Chu Công, nhưng chưa hiểu được mấu chốt của việc dùng người. Đòi nhiều nhưng ít thiết yếu, thích mưu mà không quyết, muốn chung sức cứu giúp đại nạn cho thiên hạ, định nghiệp vương bá, khó thay!”, Quách Gia nói xong bỏ đi.

Quách Gia.

Về sau lời nhận xét đó căn bản đã trở thành cốt lõi của lời bàn “thập thắng”, tiếp thêm tự tin cho Tào Tháo tại Quan Độ đại chiến.

Quách Gia đến với Tào Tháo đúng là do Tuân Úc giới thiệu, nhưng là để lấp chỗ trống của một mưu sĩ người Dĩnh Xuyên khác là Hí Chí Tài, đã chẳng may chết sớm. Đàm luận một buổi, Phụng Hiếu đã khiến Tào Tháo phải thốt lên: “Đây sẽ là người giúp ta nên nghiệp lớn”. Hai mươi tám tuổi, ông giữ chức Tư không Quân tế tửu, như chức Đại đô đốc của Chu Du và Quân sư Trung lang tướng của Gia Cát Lượng bấy giờ.

Từ đó cho đến lúc chết, vỏn vẹn 11 năm phục vụ cho Tào Tháo, tài năng của Quách Gia đã giúp nhiều cho Tào Tháo trong các chiến thắng trước các lãnh chúa kẻ thù như Lã Bố và Viên Thiệu, cũng như thủ lĩnh của bộ lạc Ô Hoàn là Đạp Đốn, giúp Tào Tháo thống nhất phương Bắc. Chính vì thế, ông là một trong những bộ hạ được tin tưởng và yêu quý nhất của Tào Tháo. Quách Gia thường được xem là một trong những mưu sĩ xuất sắc nhất thời Tam quốc và cả xuyên suốt lịch sử Trung Quốc.

Vị thế Quách Gia - Khổng Minh đối với Tào Tháo - Lưu Bị

Lưu Bị sau khi có được Gia Cát Lượng phò tá, đã thốt lên câu nói nổi tiếng: “Ta được Khổng Minh, như cá gặp nước”. Tào Tháo được Quách Gia phò trợ, cũng vui mừng khôn xiết. “Kẻ giúp ta thành đại nghiệp, chính là người này”.

Gia Cát Lượng có 28 năm phò tá Lưu Bị, trong đó có 11 năm trở thành một trong những người quyền lực nhất nhà Thục Hán. Khổng Minh có nhiều thời gian để thể hiện tài năng trên mọi phương diện, từ quân sự, chính trị hay kinh tế.

Trong khi đó, Quách Gia chỉ có vỏn vẹn 11 năm theo Tào Tháo, chủ yếu đóng vai trò mưu sĩ trong lĩnh vực quân sự. Trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, Quách Gia đã để lại sự nghiệp huy hoàng, giúp Tào Tháo đánh bại Lã Bố, phá Viên Thiệu, thảo phạt Viên Đàm - Viên Thượng…

Danh tiếng của Quách Gia thậm chí còn vang khắp quân đội. Ông chính là cánh tay phải giúp Tào Tháo thống nhất miền Bắc.

Trước lúc lâm chung, Lưu Bị “tin tưởng” đem sự nghiệp nhà Thục Hán phó thác lại cho Gia Cát Lượng. Tào Tháo cũng từng có ý định giao phó hậu sự cho Quách Gia. Quách Gia mất sớm khi mới 38 tuổi nên lịch sử đã không thể chứng kiến cuộc so tài giữa hai chiến lược gia kiệt xuất này.

Tầm quan trọng trong Tam quốc

Quách Gia qua đời là một trong những tổn thất lớn nhất của Tào Ngụy. Trên thực tế, việc Tào Tháo thất bại ở Xích Bích có nhiều nguyên nhân. Điển hình là những lời cảnh báo của Trình Dục khi Lưu Bị - Tôn Quyền liên minh hay Giả Hủ can ngăn nhưng Tào Tháo vẫn quyết đánh trận Xích Bích.

Sau thất bại trong trận Xích Bích, Tào Tháo ngửa mặt lên trời nói: “Nếu Phụng Hiếu còn, ta đâu đến nỗi này”. Việc Tào Tháo nhắc đến cái chết của Quách Gia cũng là một cách để “đổ lỗi”.

Quách Gia.

Bên cạnh đó, Tào đau buồn đến vậy là bởi Quách Gia được mô tả là “thần cơ diệu toán”, với tài mưu lược thâm sâu, khả năng tùy cơ ứng biến nhanh nhạy, bách chiến bách thắng. Quách Gia qua đời vì ốm nặng, đúng lúc uy danh của ông đạt đến mức cao nhất.

Khi Tào Tháo 3 lần chiến Lữ Bố, quân sĩ mệt mỏi, chuẩn bị rút quân. Lúc này, một mình Quách Gia chủ trương tái chiến, khẳng định tái chiến tất thắng. Kết quả, Tào Tháo bắt sống Lữ Bố.

Tào Tháo chinh phạt Viên Đàm, Viên Thượng, quân Tào thắng trận liên tiếp, chư tướng hô hào đuổi đánh, riêng Quách Gia đề nghị lui binh.

Sau này, huynh đệ Đàm-Thượng tự gây tai họa và rơi vào thế đường cùng, Tào Tháo “ngư ông đắc lợi”.

Người giỏi như Tào Tháo, còn phải khen Quách Gia: “Khi nghĩ mưu lược thì không bao giờ có sai sót”, “gặp việc cần ứng biến, ta chưa có quyết định gì đã thấy Quách Phụng Hiếu nghĩ ra cách ứng phó”, “người này có tầm quan sát giỏi hơn mọi người”.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung có bài thơ khen Quách Gia rằng:

“Trời sinh Quách Phụng Hiếu,

Hào kiệt đã nức danh.

Bụng chứa đầy kinh sử,

Lồng ngực ẩn giáp binh,

Ra mưu như Phạm Lãi,

Quyết sách tựa Trần Bình,

Chẳng may lại mất sớm,

Trung Nguyên cột trụ nghiêng”.

Tào Tháo khóc Quách Gia.

Tài cao như vậy mà không được thọ, 38 tuổi đã lìa đời, khiến Tào Tháo cũng phải đau đớn vì “không còn ai phó thác việc về sau”. Nếu như Quách Gia không mất sớm, hay ít nhất sống thêm vài năm nữa, câu chuyện sẽ trở nên hết sức khó đoán.

Theo Quốc Tiệp/Người đưa tin
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo