Tam quốc diễn nghĩa: Nhân vật thần bí khiến Tào Tháo phải kinh ngạc, nghiêng mình kính nể
Bói mà biết được căn bệnh do ma quỷ làm ra, bói mà biết được vật đậy trong hộp kín trăm lần không sai, bói mà biết được thiên cơ và có khả năng “cải tử hoàn sinh”… Quản Lộ chính là người đã để lại nhiều câu chuyện ly kỳ, bí ẩn nhất thời Tam quốc nhờ tài đoán mệnh nổi tiếng của mình.
Quản Lộ không rõ năm sinh năm mất, tự Công Minh, quê Bình Nguyên nước Ngụy, nay là phía Tây Nam tỉnh Sơn Đông. Ông có dung mạo xấu xí, thích uống rượu, tính khí bất định. Là người tinh thông bát quái, phán đoán không việc nào không trúng, khắp thiên hạ đều bái phục.
Ông hiểu rõ cái đạo lý của Chu Dịch, thiên văn, phong thủy, bói đoán, xem tướng, không gì không tinh thông. Tính vốn rộng rãi, được nhiều người ưa, ghét mà không thù, yêu mà không khen, thường muốn lấy đức báo oán. Thường nói: “Trung, hiếu, tín, nghĩa là gốc rễ của con người, không thể không xem trọng; trong sạch, thẳng thắn chỉ là vẻ ngoài hão rỗng của kẻ sĩ, không đủ để xem trọng”. Quản Lộ thờ cha mẹ có hiếu, thật thà với anh em, tin yêu bạn bè, đều tỏ rõ lòng nhân hòa, cả đời không có chỗ thiếu sót. Kẻ sĩ bình luận, kẻ già cũng chịu phục.
Đến Tào Tháo cũng nghiêng mình kính phục
Tạo hình Tào Tháo trên phim.
Có lần Tào Tháo trong lòng lo lắng, không hiểu có chuyện sẽ xảy ra nên phát bệnh nặng, thuốc thang thế nào cũng không bớt. Nhân dịp có quan Thái sử Thừa là Hứa Chi từ Hứa đô đến Nghiệp quận thăm, Tháo cho vời vào hỏi chuyện xem có người nào giỏi về bói dịch không. Hứa Chi liền tiến cử Quản Lộ và đem những chuyện về người này thuật cho Tháo nghe. Tháo mừng rỡ vô cùng, vội cho người đến Bình Nguyên triệu Quản Lộ về.
Quản Lộ đến nơi được Tháo nhờ gieo quẻ để đoán bệnh. Một lát sau Lộ nói: “Ngài mắc phải ảo thuật của Tả Từ rồi, nhưng không có gì đáng ngại đâu”. Nghe xong, Tháo thở một hơi dài khoan khoái như vừa trút xong một gánh nặng.
Đoạn Tháo nhờ Lộ bói một quẻ để xem việc thiên hạ, Quản Lộ lại gieo quẻ rồi đoán:
“Ba tám ngang dọc
Phía nam định quân
Lợn vàng gặp cọp
Bị gãy một chân”.
(Trong trận chiến sau này chiếm Hán Trung của quân Thục Hán, tướng Hoàng Trung uy dũng dùng kế chém chết Hạ Hầu Uyên của Tào Ngụy, chiếm núi Định Quân.)
Lão tướng Hoàng Trung giết chết đại tướng Tào Ngụy – Hạ Hầu Uyên trên núi Định Quân.
Khi Tháo hỏi về hậu vận con cháu thì Lộ cho biết:
“Trong cung sư tử
Được yên thần vị
Đạo vương canh tân
Con cháu đại quý”.
Tuy nhiên vì là cách nói không chính diện và minh xác cụ thể, nên Tháo thấy còn mập mờ, muốn hỏi thêm cho kỹ thì Lộ nói:
“Số trời mông mông không thể đoán được.
Đợi sau này sẽ ứng nghiệm”.
(Quả nhiên, sau này Tào Phi, con trai cả của Tào Tháo lên ngôi Hoàng đế). Lúc này Tháo không dám hỏi nữa và ngỏ ý muốn phong quan cho Quản Lộ. Lộ từ chối và giải thích:
“Tôi tướng cùng, vì xương trán không phải “chủ cốt”, con người không phải “thủ tinh”, sống mũi không có “lương trụ”, chân không phải kiêu “thiên căn”, lưng không “tam tháp”, bụng thiếu “tam nhâm”, nên chỉ có thể trừ ma quỷ, chứ không thể trị được thiên hạ”. Tháo lại hỏi: “Vậy ngài thử đoán xem tướng của tôi thế nào?”
Quản Lộ khôn khéo trả lời: “Ngôi nhân thần đã đến cực phẩm còn phải coi tướng làm gì nữa?” Tháo còn cố hỏi, nhưng Lộ chỉ cười không đáp. Thấy vậy, Tháo bảo Lộ xem tướng các quan văn võ đang ngồi xem thế nào. Lộ nhìn qua một lượt rồi nói: “Đều là bày tôi đời trị”.
Tháo lại hỏi thăm tình hình hai xứ Đông Ngô, Tây Thục, Lộ cho biết: “Đông Ngô sắp mất một viên đại tướng, còn Tây Thục thì sắp đem quân xâm phạm biên cương”.
Lỗ Túc qua đời, Trương Phi và Mã Siêu dẫn đại quân áp sát biên giới, quả đúng như lời mà Lộ nói.
Tháo còn đang nghi hoặc thì đã có quân vào báo: “Đô đốc Đông Ngô trấn thủ ở Lục Khẩu là Lỗ Túc đã từ trần”. Tháo giật mình vội cho quân thám thính Hán Trung. Hai ngày sau thám tử về báo: “Lưu Huyền Đức sai Trương Phi và Mã Siêu đóng quân ở Hạ Biện, có ý muốn đánh chiếm quan ải”.
Tháo nổi giận, định xua quân vào Hán Trung tử chiến, bèn nhờ Lộ bói xem một quẻ xem cát hung thế nào. Lộ gieo quẻ rồi nói: “Đại vương đừng vội động binh, vì mùa xuân tới đây Hứa Đô thế nào cũng bị một trận hỏa tai dữ dội”.
Tháo thấy mọi việc Quản Lộ nói đều đúng cả nên không dám xuất binh. Về sau quả nhiên Hứa Đô bị một trận hỏa tai lớn do Kim Vy, Vi Hoảng và Cảnh Kỷ làm phản mưu “diệt Tào hưng Hán” nhân ngày lễ Nguyên tiêu. Dẹp loạn xong, Tháo đem vàng ngọc trọng thưởng cho Quản Lộ, nhưng ông từ chối và xin được về quê.
Nhà Tấn đắc tội, Quản Lộ báo thù
Mặc dù Lộ không làm quan, nhưng mỗi khi gặp chuyện gì khó khăn, Tào Tháo đều cho người đến hỏi để biết cát hung của sự việc. Khi nhà Tấn lên làm vua, những ai đã từng bày mưu hiến kế cho Tào Tháo đều bị bắt. Quản Lộ được coi là “cái túi khôn” của Tào Tháo nên cũng chịu chung số phận. Một buổi chiều, Lộ đang đi bỗng nhiên vấp chân một cái. Nhìn xuống đất thấy không có cái gì cả. Lộ “đánh tay” biết mạng mình sẽ bị tuyệt trong nay mai, nên tối hôm đó, ông đã thức suốt đêm, đem tất cả những cái sở học ra viết thành một “Tức cẩm nang” nhờ người trao lại 4 đời sau để báo thù.
Hôm sau, quả nhiên quân lính đến bắt Quản Lộ ra pháp trường xử trảm. Sắp đến Quản Lộ bị hành hình thì một trận cuồng phong nổi lên, cuốn cái mũ của vua Tấn bay lên trên không trung. Lộ nói: “Nếu cái mũ rơi xuống đất là điềm ta báo được thù.” Quái lạ thay, cái mũ đảo lộn trên không một lúc rồi rơi xuống úp vào đầu con ngựa mà vua Tấn đang cưỡi. Quản Lộ thấy thế thở dài cúi đầu xuống mà chịu chết.
Bốn đời sau, trong dòng họ của Quản Lộ lại có kỳ tài xuất hiện. Đó là Quản Bật, Bật có diện mạo giống Lộ như khuôn đúc, học rất giỏi, mắt rất tinh, có thể đếm được các vì sao trên trời. Và điều lạ lùng hơn nữa là Bật cũng giỏi về khoa lý số giống y như ông tổ bốn đời là Quản Lộ. Người ta không thể ngờ được rằng Bật chính là Lộ tái sinh để quyết giết cho được một người con cháu của Tư Mã Ý mà báo thù.
Theo đúng như cẩm nang mà Lộ truyền lại. Bật đã vào cung đoán mộng cho vua Tấn rồi khéo léo xui ông vua này lên Định Quân Sơn đào mả Khổng Minh để tìm “Thanh Thư cẩm nang”. Khổng Minh trước khi chết có làm một cái lăng giả ở trong chứa đầy các máy móc, cùng những ám khí hiểm độc, mục đích giết hại những kẻ tham lam dám xâm phạm mộ phần của mình… Còn mưu kế lần này của Quản Bật là “mượn gió bẻ măng”, sử dụng nó để nhắm vào vua nhà Tấn.
(Quản Bật. Ảnh minh họa: thông qua viedaily.com)
Đến khi ngôi lăng bị phát giác và không ngăn cản được ý muốn thám hiểm của nhà vua, có một vị sư già đã đi theo sát bên để hộ vệ. Cuối cùng, cũng chính nhà sư đã cho thuốc để cứu mạng khi vua hít phải khói độc từ trong cái hộp bằng đá tỏa ra… Còn Quản Bật trước đó đã viện cớ đau bụng xin lên địa huyệt để rời xa nơi nguy hiểm.
Vua Tấn về triều, đau một trận nặng nhưng rồi được nhà sư cứu khỏi và cho biết đầu đuôi câu chuyện. Như thế, sự báo thù của Quản Lộ đã không thành công đúng như cái điềm báo trước hôm chịu tội ở pháp trường. Sau đó, vua Tấn cho người về quê tìm Quản Bật, nhưng Bật đã không còn ở đó nữa. Người ta không rõ cuộc đời về sau của ông như thế nào.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Là chủ của Thiên Đình, tại sao Ngọc Hoàng lại sợ hãi đến trốn cả vào gầm bàn, phải nhờ cậy Phật Tổ Như Lai khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung?
Ai được xem là ‘nhà thơ của làng cảnh Việt Nam’ ? Có bài thơ người Việt nào cũng thuộc
Nhà thơ 'lười' nhất lịch sử: Cả đời chỉ sáng tác một bài hai câu thơ, được truyền muôn đời