Khám phá

Tam quốc diễn nghĩa: Những chiến mã nổi tiếng thời Tam quốc - cái tên nói lên tất cả

Xích Thố của Quan Vân Trường có màu đỏ nổi bật, Ô Vân Đạp Tuyết của Trương Phi lại có màu đen như chủ nhân… Mỗi chiến mã nổi tiếng ấy lại có một đặc điểm, một món võ nghệ riêng biệt.

Trong suốt thời Tam quốc, nhiều vị anh hùng đã được vinh danh, và cũng có nhiều chiến mã đã được ngợi ca bởi sự trung thành, can đảm và bền bỉ. Chúng không chỉ được lưu truyền trong sử sách, mà còn được hình tượng hóa trong các tác phẩm văn học, nhạc kịch, và điện ảnh.

Ngựa Xích Thố

Quan Vũ và ngựa Xích Thố.

Ngựa Xích Thố là một con ngựa nổi tiếng trong Tam quốc, ngựa Xích Thố này được mô tả dài một trượng, cao tám thước, màu đỏ rực như lửa, tuyệt không có một sợi lông tạp, ngày đi ngàn dặm, trèo non vượt suối dễ dàng.

Ngựa Xích Thố từng qua tay nhiều chủ. Chủ nhân đầu tiên của Xích Thố là Đổng Trác, tướng nhà Đông Hán. Sau vì muốn thu phục Lã Bố, Đổng Trác đã đem tặng ngựa Xích Thố cho Lã Bố. Khi Lã Bố bị Tào Tháo giết, ngựa Xích Thố lại về tay Tào Tháo.

Người chủ cuối cùng của Xích Thố là Quan Vân Trường. Tào Tháo muốn thu phục Quan Vân Trường đã bắt chước Đổng Trác tặng tuấn mã cho anh hùng nhưng Quan Vân Trường nhận Xích Thố chỉ vì nóng lòng muốn tìm được người anh em Lưu Bị và tuyệt nhiên không vì được tặng ngựa quý mà nảy sinh lòng phản trắc.

Người đời có một bài thơ khen ngựa Xích Thố như sau:

“Ngàn dặm mù bay tịt nẻo xa

Trèo non vượt nước khéo xông pha

Chặt đứt dây cương rung chuông ngọc

Rồng đỏ trên trời hẳn mới sa”.

Sau khi Quan Vũ mất, Xích Thố lại rơi vào tay một tướng khác là Mã Trung nhưng lần này nó không ngoan ngoãn để mình bị trao tay thêm lần nữa. Ngựa Xích Thố đã tuyệt thực để đi theo Quan Vân Trường. Có lẽ đây chính là vị chủ nhân mà Xích Thố đã chờ đợi, tìm kiếm bấy lâu, giờ Quan Vũ chết, nó không còn muốn phục tùng ai khác nữa.

Chính vì hành động tuyệt thực này mà ngựa Xích Thố được người đời sau nhắc đến như một thần mã, bởi nó không chỉ là tuấn mã mà còn biết sống có nghĩa có tình, trung thành với chủ.

Ngựa Đích Lô

Ngựa Đích Lô cứu mạng chủ nhân.

Đích Lô vốn là ngựa của Trang Vũ một tướng của một danh sĩ dòng dõi hoàng tộc nhà Hán là Lưu Biểu nhưng sau này phản bội lại Lưu Biểu. Lưu Bị (người sáng lập ra nhà Thục Hán) bị thất bại trong trận giao chiến với Tào Tháo nên về đầu quân cho Lưu Biểu vì hai người cùng trong hoàng thất, đợi thời cơ làm lại sự nghiệp.

Lưu Bị nhìn thấy ngựa của Trương Vũ cho rằng đây là một con tuấn mã, liền hết lời ca ngợi rằng “con ngựa này chắc chắn là ngựa thiên lý”. Tướng của Lưu Bị lúc đó là Triệu Vân lập tức hiểu ngay ý của chủ nhân, liền giết chết Trương Vũ để cướp ngựa. Triệu Vân là danh tướng thời cuối Đông Hán và thời Tam Quốc, người góp công lớn thành lập nhà Thục Hán.

Khi Lưu Biểu nhìn thấy con ngựa này cũng khen không ngớt lời. Lưu Bị đang không biết lấy gì để báo đáp Lưu Biểu liền tặng con ngựa này cho Lưu Biểu. Không ngờ, Lưu Biểu lại thấy con ngựa này “có quầng mắt, trên đầu có những đốm trắng, lại tên Đích Lô, ắt là con ngựa sát chủ”, còn nói rằng “Trương Vũ cưỡi con ngựa này bị chết” chính là minh chứng, nên vội vàng tìm cớ trả lại cho Lưu Bị.

Người hầu của Lưu Bị đem tin “ngựa sát chủ” nói cho Lưu Bị, nhưng Lưu Bị không tin. Sau đó, khi nhận được mật báo có người định sát hại, Lưu Bị vội vàng thoát ra ngoài, cưỡi ngựa Đích Lô chạy trốn, nhưng bị nhầm đường, ông chạy đến bên suối Đàm Khê.

Phía trước là con suối rộng lớn, phía sau là quân địch truy đuổi, lúc này Lưu Bị mới nhớ đến lời khuyên “Đích Lô sát chủ” ngày trước, ông vừa điên cuồng quất vào lưng ngựa, vừa hét: “Đích Lô! Đích Lô! Hôm nay mày hại ta đi!”. Đích Lô bỗng nhiên vùng lên, phi một phát sang bờ bên kia, lập một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử. Sau đó, Lưu Bị càng không tin chuyện “Đích Lô sát chủ” , ông càng yêu quý con ngựa đã cứu mạng mình này hơn.

Khi đem quân đi đánh nước Thục, thấy ngựa của Bàng Thống, một trong những mưu sĩ của Lưu Bị, già yếu quá, nên để thể hiện sự trọng dụng của mình với Bàng Thống, Lưu Bị đã đem ngựa yêu của mình tặng cho Bàng. Ai ngờ Bàng Thống không có phúc được hưởng, vừa mới cưỡi lên Đích Lô đã bị kẻ địch tưởng nhầm là Lưu Bị nên bắn chết. Sau này ngựa Đích Lô cũng không rõ lưu lạc về đâu.

Ngựa Tuyệt Ảnh

Sử sách có ghi chép rằng, Tào Tháo có con ngựa quý nổi tiếng tên là Tuyệt Ảnh. Đây được coi là "thần mã" mà Tào Tháo rất mực quý mến.

Sở dĩ chiến mã này có tên là Tuyệt Ảnh bởi vì nó có khả năng phi rất nhanh đến nỗi cái bóng cũng không thể đuổi kịp. Cái tên Tuyệt Ảnh chính là nhằm mục đích nhấn mạnh đặc tính tuyệt vời này của con ngựa.

Cùng với Xích Thố, Đích Lô, ngựa Tuyệt Ảnh được coi là những chiến mã nổi tiếng gắn liền với các anh hùng nổi danh thời Tam quốc lần lượt là Lữ Bố, Quan Vân Trường, Lưu Bị và Tào Tháo.

Tuyệt Ảnh là con ngựa toàn thân được bao phủ bởi màu đen, bốn chân khỏe khoắn, cao và vạm vỡ, nhìn chung là sở hữu tướng tốt.

Được coi là chiến mã đã cùng vào sinh ra tử với Tào Tháo trong nhiều trận chiến khốc liệt, tốc độ di chuyển tuyệt vời của Tuyệt Ảnh khiến kẻ địch khiếp sợ và nó cũng là một con ngựa nổi tiếng rất mực trung thành trong lịch sử.

Tuyệt Ảnh là tuấn mã được Tào Tháo sử dụng nhiều khi tham chiến, nhưng không may là nó đã bỏ mạng trong một trận chiến khốc liệt.

Theo đó, vào năm 197, Tào Tháo tấn công Trương Tú ở Uyển Thành (Nam Dương) để nhằm chiếm thành trên tiến trình muốn bá chiếm trung nguyên. Ban đầu, khi Tào Tháo tấn công, Trương Tú do liệu thế không chống nổi nên liền dâng thành đầu hàng.

Tuy nhiên, không ngờ Trương Tú dâng thành hóa ra lại là một cái bẫy. Vì Trương Tú dấy binh làm phản bất ngờ nên Tào Tháo không kịp trở tay và suýt chút nữa đã phải bỏ mạng.

Nhờ có Điển Vi cùng 10 thủ hạ lăn xả vào đám quân phản loạn, giết hàng chục người. Nhưng vì lực lượng ít ỏi, lại không có một mảnh giáp, hành động dũng mãnh của danh tướng trung thành với Tào Tháo không khác gì “lấy trứng chọi đá”.

Các thủ hạ lần lượt bị tiêu diệt cũng là lúc trên người Điển Vi có hơn 10 nhát đâm. Quân Trương Tú tiến lại gần định bắt, thì Điển Vi chồm tới tóm lấy hai tên địch, đập vào nhau khiến cả hai chết ngay tại chỗ.

Một mình ông quần thảo với kẻ địch giết thêm vài chục người. Cuối cùng, quân Trương Tú phải dùng đến cung tên và cuối cùng là mũi lao đâm trúng giữa lưng mới vô hiệu hóa được Điển Vi. Ông chết trong khi mắt vẫn mở to, khiến cho kẻ địch nửa ngày sau mới dám tiến lại gần.

Nhờ có Điển Vi chặn giữ cửa trước nên Tào Tháo có đủ thời gian để trốn thoát lúc đêm tối. Tuy nhiên, nếu không nhờ có chiến mã Tuyệt Ảnh thì có lẽ Tào Tháo khó lòng thoát ra khỏi tử địa đó.

Tương truyền, trên đường tẩu thoát cùng Tào Tháo, mặc dù bị bắn trúng tới ba mũi tên nhưng Tuyệt Ảnh quả thực không phải là một con ngựa tầm thường.

Nó vẫn liều mạng phi nhanh đúng như cái tên của mình (Tuyệt Ảnh) để cứu chủ nhân. Tuyệt Ảnh hoàn thành sứ mạng giúp Tào Tháo trốn thoát và sống sót trong trận chiến khốc liệt ở Uyển Thành và cuối cùng đuối sức gục ngã khi bị một mũi tên bắn vào mắt.

Con ngựa tuyệt vời này quả thực có nghĩa có tình và một mực trung thành, và sẵn sàng bỏ mạng vì Tào Tháo.

Trong trận đánh này, Tào Tháo bị mất một con trai, Tào Ngang, một cháu trai, Tào An, và một con tuấn mã, Tuyệt Ảnh. Có thể nói đây là một thất bại thảm hại của Tào Tháo.

Ô Vân Đạp Tuyết

Trương Phi cưỡi ngựa Ô Vân Đạp tuyết.

Ô Vân Đạp Tuyết còn có tên là Vương Truy Mã, sống ở thế kỷ thứ hai, toàn thân màu đen nhưng bốn vó màu trắng. Đây là ngựa của Trương Phi, người anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Quan Công, được coi là anh hùng tuấn mã.

Ngựa của Trương Phi có tên rất ý nghĩa. Vương Truy Mã có nghĩa là con ngựa đi theo hầu hạ Đại Vương. Tương truyền Trương Phi và Ô Vân Đạp Tuyết đều đen như nhau. Trương Phi quý chú ngựa này như con đẻ, thường xuyên tự tay tắm rửa cho ngựa quý.

Người đời về sau thường nói người dũng mãnh cưỡi ngựa dũng mãnh. Quan Công từng nói: “Người tôi nặng nề, ngựa không vác nổi nên thường hay gầy, chính vì vậy mà tôi không thể cưỡi ngựa bình thường được”. Trương Phi cũng như vậy, ngựa bình thường thì không thể xứng với hào khí phi thường của Trương Phi được.

Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử

Triệu Vân cưỡi ngựa Dạ chiếu ngọc sư tử.

Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử toàn thân lông trắng như tuyết, tương truyền một ngày có thể đi hàng nghìn dặm. Ngay từ khi mới sinh ra phía dưới cổ đã có một hàng lông dày, trông giống như sư tử, tính khí nóng nảy, sau này lớn lên tính khí bớt nóng nảy hơn, buổi tối con ngựa này còn phát ra ánh sáng trắng bạc, vì vậy mới có tên là Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử. Con ngựa này của Triệu Vân, sống vào khoảng thế kỷ thứ hai. Tương truyền, Triệu Vân đóng quân ở trên núi Trường Bản xuất quân đi đánh trận đều cưỡi Dạ chiếu ngọc sư tử, có lần Triệu Vân cùng ngựa bị rơi xuống hố bẫy sẵn của quân địch, tưởng chừng không thể thoát thân. Nhưng sức ngựa rất lớn, cuối cùng cũng nhảy được lên trên miệng hố, cứu chủ nhân thoát chết.

Trong lần cứu ấu chú Triệu Vân một mình cưỡi ngựa Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử phá vây hàng vạn quân Tào, chém gãy 2 lá cờ to, giết 50 tướng, đoạt gươm báu Thanh Công (gươm mạ vàng của Tào Tháo), có thể chém gãy các loại binh khí. Hình ảnh Triệu Vân trong Tam quốc diễn nghĩa luôn được miêu tả là viên tướng đánh trận dũng mãnh, quả cảm nhưng từ tốn, chắc chắn, không xốc nổi như Trương Phi. Đặc biệt, hình ảnh Triệu Vân nổi bật trong trận Đương Dương Tràng Bản.

Người đời nay vẫn còn lưu truyền bài thơ về việc Triệu Vân cứu chúa trong trận Đương Dương Tràng Bản:

“Máu đỏ chan hòa áo giáp hồng

Đương Dương ai kẻ dám tranh hùng.

Xưa nay cứu chúa xông trăm trận

Chỉ có Thường Sơn Triệu Tử Long”.

Trong bộ tiểu thuyết Thủy hử cũng có nhắc đến Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử với tên Thiên Lý Long Câu Chiếu Dạ Ngọc Sư Tử, đó là ngựa mà Đoàn Cảnh Trụ định mang lên Lương Sơn tặng Tống Giang nhưng bị Sử Văn Cung cướp. Sau này Lư Tuấn Nghĩa giết Sử Văn Cung lấy lại ngựa.

Theo Quốc Tiệp/Người đưa tin
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo