Khám phá

Tam quốc diễn nghĩa: Sự thật về võ công của Tào Tháo

Tào Tháo được biết đến trong vai trò là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất nhưng ít người biết rằng, ông cũng là bậc cao thủ, tinh thông võ nghệ thời Tam quốc.

Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc. Tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung đưa ra quan điểm phê phán Tào Tháo nhưng cũng có những người không ngớt lời khen. Danh thần Đông Hán Kiều Huyền nói với Tào: “Thiên hạ sắp đại loạn, chỉ có bậc nhân tài kiệt xuất mới có thể đứng ra giải cứu thiên hạ. Lẽ nào người đó chính là các hạ?”.

Tạo hình Tào Tháo trên phim.

Nhà phân tích thời Đông Hán, Hứa Thiệu cũng từng nhận định: “Tào Tháo là năng thần trị thiên hạ, là gian hùng thời loạn thế”.

Học giả hiện đại Dịch Trung Thiên nói, Tào Tháo “vừa thông minh tuyệt đỉnh, vừa ngu ngốc vô cùng; vừa gian trá giảo hoạt, vừa thẳng thắn trung thực; vừa khoáng đạt đại độ, vừa đa nghi; vừa khoan hồng đại lượng lại vừa hẹp hòi ích kỷ”.

Có thể nói, Tào Tháo vừa có phong phạm của bậc tuấn kiệt, có khí phái anh hùng, nhưng cũng không kém phần tiểu nhân, “tính khí Diêm Vương, tấm lòng Bồ Tát”.

Cuộc đời Tào Tháo đặc biệt nổi bật trong lĩnh vực quân sự, chính trị, văn học nhưng ít người biết rằng, ông cũng là bậc thầy về võ thuật thời Tam quốc.

Thân mang tuyệt kỹ, đột nhập cấm cung

Quyển Dị đồng tạp ngữ của tác giả thời Đông Tấn Tôn Thịnh có ghi lại sự tích Tào Tháo từng đơn thương độc mã xông vào... phòng ngủ của quan Trung thường thị Trương Nhượng (cận thần của Hán Linh Đế) giữa đêm khuya.

Trương Nhượng cho rằng Tào Tháo có mưu đồ bất chính, bèn lệnh vệ sĩ tấn công bắt Tào. Nhưng Tào Tháo “múa thương bảo vệ bản thân đột phá vòng vây, nhảy tường trốn thoát”.

Trương Nhượng chính là một trong “Thập thường thị” nổi tiếng triều Đông Hán, ngay cả Quốc cữu Hà Tiến cũng mất mạng dưới tay Nhượng.

Cấm vệ quân dưới quyền Trương Nhượng đều thuộc hàng “cực phẩm”, cho dù Tào Tháo có dùng thủ đoạn tinh vi hơn thì việc ám sát Nhượng cũng cầm chắc thất bại.

Dù vậy, việc Tào một mình đột phá vòng vây của cấm vệ triều đình và đào thoát thành công, đủ thấy bản lĩnh võ nghệ của Ngụy Vương không tầm thường.

Thảm sát Lữ gia

Để trừ gian thần Đổng Trác, Tào Tháo từng liều mạng thực hiện nhiệm vụ ám sát Trác, nhưng bị thất bại và phải trốn khỏi kinh thành, tới Thành Cao nương nhờ nhà Lưu Bá Xa.

Chính vì lòng nghi kỵ quá nặng của mình, Tào Tháo đã giết chết cả nhà họ Lưu. Riêng câu chuyện này đã có 3 “phiên bản”.

Tam quốc chí - Ngụy thư của Trần Thọ viết rằng, Tào Tháo tới Lữ gia, bị con trai Lữ cùng môn khách trong nhà mưu cướp tiền của, Tào bèn ra tay sát hại hàng chục người.

Sách Thế ngữ nói, khi Tào Tháo tới, Lữ Bá Xa không ở nhà mà chỉ có 5 người con trai tiếp đãi Tào trọng hậu. Tào Tháo đang trong lúc đào tẩu, nghi ngờ Lữ gia âm mưu hại mình, nên dùng kiếm giết 8 người nhà họ Lữ trong đêm rồi bỏ đi.

Dị đồng tạp ngữ thì viết rằng, Tào Tháo nghe thấy tiếng mài dao, bèn nghi ngờ Lữ gia muốn hại mình nên đã “tiên hạ thủ vi cường”, giết hại toàn bộ Lữ gia.

Cho dù độ chân thực của 3 phiên bản trên ra sao, thì điều có thể xác định là Tào Tháo đích thực đã “đại khai sát giới”, giết chết rất nhiều người trong vụ thảm sát Lữ gia. Đây cũng được xem là minh chứng cho võ nghệ của Tào.

Đặc biệt, sau khi hành hung, ông không quên để lại câu nói nổi tiếng của mình - “Thà ta phụ người, chứ không để người phụ ta”.

Đơn thương độc mã thoát khỏi vòng vây

Thời kỳ thảo phạt Đổng Trác, quân Tào liên tục thất bại, lực lượng tổn thất nghiêm trọng. Bản thân Tào Tháo cũng bị thương và phải cùng Hạ Hầu Đôn chạy về Dương Châu chiêu binh mãi mã.

Thứ sử Dương Châu Trần Ôn và Thái thú Đơn Dương Chu Hân cho Tào 4.000 quân, song giữa đường xảy ra tạo phản.

Phản quân hỏa thiêu doanh trại Tào Tháo trong đêm, buộc Tào Tháo liều chết đột phá vòng vây, giết hàng chục loạn quân.

Năm 193, Tào Tháo nghi ngờ Từ Châu mục Đào Khiêm giết cha mình là Tào Tung, bèn đem quân “huyết tẩy Từ Châu”.

Điều này khiến mưu sĩ Trần Cung bất mãn và bỏ Tào, sau đó cùng Trương Mạc ở Duyện Châu tôn Lữ Bố làm Thứ sử Duyện Châu, giao cho 100.000 quân đánh Tào.

Lữ Bố tập kích đại bản doanh của Tào Ngụy tại Duyện Châu là Bộc Dương, buộc Tào rút quân ở Từ Châu về đối phó với Bố.

Trong cuộc chiến này, Tào Tháo bị các tướng Cao Thuận, Trương Liêu, Tạng Bá, Ngụy Tự, Hầu Thành... vây khốn.

Tào Ngụy mặc dù có các tướng Tào Hồng, Vu Cấm, Nhạc Tiến, Điển Vi... tọa trấn nhưng cũng rơi vào trùng vây trước 10 vạn đại quân của Lữ Bố.

Tam quốc diễn nghĩa mô tả - “Chúng tướng tử chiến, (Tào) Tháo tiên phong xung trận”.

Về sau, Tào Tháo bại trận, song thêm một lần nữa ông đơn thương độc mã thoát khỏi sự bao vây của Lữ Bố.

Tình tiết màn phá vây của Tào cũng được mô tả ly kỳ - “Từ trong ánh lửa thấy Lữ Bố cầm kích phi ngựa tới. Tào Tháo lấy tay che mặt phóng ngựa đi. Lữ Bố từ sau đuổi tới, cầm Phương Thiên Họa Kích gõ lên mũ giáp của Tào Tháo hỏi - ‘Tào Tháo ở đâu?’, Tào chỉ về hướng ngược lại đáp - ‘Kẻ cưỡi ngựa vàng phía trước chính là y’. Lữ Bố nghe xong thúc ngựa đuổi theo, bỏ lại Tào Tháo. Tháo quay ngựa, bỏ đi về phía Đông”.

Đối với chuyện Tào Tháo nhiều lần phá vây “thập tử nhất sinh”, có học giả hiện đại dùng câu thơ trong bài “Hiệp khách hành” của Lý Bạch để bình về bản lĩnh cao siêu của ông - “Thập bộ sát nhất nhân, thiên lý bất lưu hành” (10 bước giết 1 người, giết tới ngàn dặm).

Thần tiễn “bách phát bách trúng”

Tam quốc chí - Ngụy thư có nói, Tào Tháo tài nghệ tuyệt luân, bắn cung bách phát bách trúng, tay không địch mãnh thú. Tào từng bắn được 63 con chim trĩ trong một cuộc đi săn ở Nam Bì.

Khi Tào Tháo nghênh đón Thiên tử, định đô ở Hứa Xương, từng nghe theo kiến nghị của Trình Dục mời vua đi săn. Hán Hiến Đế không bằng lòng nhưng cũng không dám chống lại Tào.

Lúc đi săn, Hiến Đế bắn 3 phát liền không trúng, Tào Tháo bèn tiếp lấy Bảo Điêu cung, Kim Phê tiễn trong tay vua, một tên bắn ra trúng ngay lưng hươu.

Quần thần nhìn thấy Kim Phê tiễn, đều cho là Thiên tử bắn trúng, đồng thanh hô “Vạn tuế”.

Tinh thông “thập bát ban võ nghệ”

Tạo hình Tào Tháo trên phim.

Ngay trước đại chiến Xích Bích chính là rằm tháng Giêng, Tào Tháo lệnh bày rượu ở đại doanh.

“Rượu vào lời ra”, Tào Tháo đứng trên mũi thuyền cuồng vọng nói - “Ta phá Hoàng Cân, bắt Lữ Bố, diệt Viên Thuật, thu phục Viên Thiệu, dấn thân phương Bắc, bình định Liêu Đông, tung hoành thiên hạ, không uổng chí trượng phu”.

Ngay lúc Tào Tháo cao hứng, Thứ sử Dương Châu Lưu Phức “nói lời chẳng lành”, lập tức khiến Tào Tháo đại nộ, “một tay cầm sóc (giáo dài), đâm chết Lưu Phức”.

Điều đáng nói là, trong cơn say, Tào Tháo vẫn đủ khả năng múa trọng binh dài 6 tấc (2m) chỉ bằng một tay mà đâm chết Lưu Phức, chứng minh ông không chỉ văn tài xuất chúng, mà đẳng cấp “túy quyền” cũng vô cùng đáng nể.

Đa phần những câu chuyện về Tào Tháo đều có phần tiêu cực nhưng không vì thế mà tài năng của ông bị lãng quên. Những mưu sự hơn người cùng võ nghệ siêu phàm giúp Tào Tháo trở thành một trong những cái tên nổi tiếng bậc nhất thời Tam Quốc.

Theo Quốc Tiệp/Người đưa tin
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo