Thăm chùa Huệ Tâm ở Hộ Phòng, Bạc Liêu
Ngôi chùa nằm bên phế tích Chăm cổ hiếm có ở Việt Nam / Khám phá ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất miền Trung
Nhờ Sư cô Thích nữ Nghĩa Hòa (Trụ trì chùa Hổ Phù) mà tôi được biết Huệ Tâm tự cùng phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu. Sư cô Huệ Thanh vốn là bạn đồng tu với Sư cô Nghĩa Hòa ở buổi đầu, có thời gian cùng ở chính ngôi chùa này trên đường về Chủ Chí - Phong Thạnh Tây, qua chiếc cầu Mới khá lớn trên con đường cũng mới toanh đấu nối quốc lộ 1 với quản lộ Phung Hiệp – tuyến đường bộ lớn cắt ngang những cánh đồng.
Chùa Huệ Tâm về kết cấu công trình không khác một ngôi nhà trung bình, nối dài, trong một xóm còn nghèo, dựa vào đồng tôm trải dài... Chùa mới kiến tạo hồi đầu những năm 1990, “không có gì lạ hết, chú ạ!” – Sư cô Huệ Thanh nói. Cảnh trí bình thường, không ni chúng đồng tu, nếu cho rằng đấy là tịnh thất cũng có người tin.
Được Sư cô Nghĩa Hòa nói trước, tôi biết Sư cô Huệ Thanh vướng K – ung thư, sau nhiều lần hóa trị ở Trung tâm ung bướu TP.HCM, tình trạng K vùng ngực ổn định, nhưng lại xuất hiện K ở buồng trứng! Lời kể của Sư cô Nghĩa Hòa khiến tôi ám ảnh và khi dừng xe đạp trước cổng, lễ Phật xong, vào hậu liêu đảnh lễ Sư cô Huệ Thanh tôi vui khi vị ni không đến nỗi như tưởng nghĩ: vững vàng, tiếp đãi đúng mực và nhân dáng khá ổn.
Quê ở Trần Đề - vùng cửa biển thuộc Sóc Trăng, tỳ kheo ni Huệ Thanh đến đây theo lời khuyên của Hòa thượng Thích Huệ Hà, khi ngài còn tại thế. Cơ ngơi đơn sơ nhưng so với buổi đầu đã là đáng kể.
Từ khi Sư cô Nghĩa Hòa đi tu học ở Long Phước, Bạc Liêu, một mình Sư cô Huệ Thanh với già lam khi đường xá còn chông chênh hơn bây giờ nhiều. Cảnh tự khi ấy khiến vị ni bật khóc khi đích thân Sư ông Hòa thượng Huệ Hà cùng Đại đức Minh Lành, Giác Nghi đến thăm: “Ngài bỏ xe, cả đoàn lội bộ trên đường ruộng” và “Sư ông nói gì, thưa sư cô?” – tôi hỏi. “Con Thanh ở vầy sao?” - sư cô kể.
Có lẽ ngôi già lam này có những chi tiết đặc biệt do liên quan đến bậc tôn túc công hạnh viên mãn, Hòa thượng Huệ Hà. “Cái tên chùa, Huệ Tâm, là lấy từ pháp danh Sư ông” – Sư cô Huệ Thanh “bật mí”. Đúng rồi, Huệ Hà, Huệ Tâm. “Chính Hòa thượng làm thủ tục cho chùa có con dấu vuông”, vị ni kể. Mỗi lần Sư cô Huệ Thanh về văn phòng Phật giáo tỉnh có phật sự, đều được sư ông an ủi, động viên. “Ngày sư ông viên tịch tôi khóc nhiều lắm” - nghe đến đây tôi quay mặt đi...
Ở Huệ Tâm tự không có khóa tu một ngày, không duy trì đạo tràng, không ni chúng và... chính điện, tủ sách Phật học khá phong phú và giữ gìn sạch sẽ, nhà bếp sáng sủa, cùng vị ni đã và đang can trường chiến đấu với bệnh tật, coi đấy là phương tiện thử thách lòng tu.
Huệ Tâm không có máy tính, xe máy, cây cảnh chỉ vài giò lan không đẹp lắm... Khi tôi xin số điện thoại, dãy 11 số vina nói lên nhiều về đời sống ở đây. Khi tôi hỏi về công tác từ thiện nhân đạo, Sư cô Huệ Thanh thiệt tình vắn tắt: “Cũng không có gì chú ơi, mỗi năm đóng góp chừng năm triệu cho công việc nhân đạo chung, cho cô công nhân nghèo một chiếc xe đạp để đi làm”, giản dị vậy. Nhưng tôi biết chính vị ni khi vướng ung thư, bệnh trọng, trên xe và ở Trung tâm ung bướu TP.HCM biết cảnh ngộ một số bệnh nhân khó, đã âm thầm ghi chép địa chỉ và khi về đã gửi tiền giúp qua bưu điện. “Tôi chia sẻ những gì mình có”, sư cô trả lời khi tôi đề cập chuyện ấy.
Ước mơ. Sư cô Huệ Thanh tiết lộ mong cầu của con nhà Phật: làm sao có được một hai vị ni phát tâm đến đây đồng tu và khi ấy sư cô giao công việc quản lý tự viện để vào thất tịnh tu. Ước mơ ấy đẹp... Vùng sâu vùng xa cần nhiệt tâm, sự dấn thân của quý tăng ni trẻ đươc đào tạo căn bản để hoằng dương chính pháp, mang ánh sáng chân lý cho bà con nghèo, hướng dẫn tu học và phụng sự cộng đồng.
Tạm biệt Huệ Tâm tự, hiểu thêm đời sống tăng ni vùng sâu vùng xa cực Nam và thêm cảm xúc về công hạnh, tấm lòng Sư ông Thích Huệ Hà. Cám ơn Sư cô Nghĩa Hòa tạo duyên cho tôi biết thêm một cảnh chùa...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Là chủ của Thiên Đình, tại sao Ngọc Hoàng lại sợ hãi đến trốn cả vào gầm bàn, phải nhờ cậy Phật Tổ Như Lai khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung?
Ai được xem là ‘nhà thơ của làng cảnh Việt Nam’ ? Có bài thơ người Việt nào cũng thuộc
Nhà thơ 'lười' nhất lịch sử: Cả đời chỉ sáng tác một bài hai câu thơ, được truyền muôn đời