Thanh kiếm 2.000 năm tuổi tại chân núi Nưa: Tiết lộ về đời sống người Việt cổ
Bảo vật chứa vỏn vẹn 19 chữ: Lật giở bí mật từ Lý Thường Kiệt đến cuối thời Trần / Đào mương phát hiện bảo vật ngủ vùi nghìn năm, chuyên gia mừng rỡ: Ẩn chứa bí mật quốc gia
Kiếm ngắn núi Nưa tại Bảo tàng Thanh Hóa. Ảnh: Tuấn Minh
Được phát hiện vào năm 1961 một cách tình cờ tại chân núi Nưa, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Kiếm ngắn núi Nưa đã khiến giới chuyên gia bất ngờ. Sau nghiên cứu, các chuyên gia nhận định Kiếm ngắn núi Nưa có tuổi đời lên tới 2000 năm tuổi, và được xác định là thanh kiếm cổ nhất Việt Nam. Kiếm ngắn núi Nưa trở nên có giá trị và đặc biệt đó là vì nơi mà món bảo vật được tìm thấy.
Nhiều nguồn sử liệu cho rằng chân núi Nưa chính là nơi mà Bà Triệu năm xưa dấy quân khởi nghĩađã bao phen làm giặc Ngô "thất điên bát đảo". Song, liệu thanh kiếm này có thực sự gắn với cuộc kháng chiến của Bà Triệu hay không thì vẫn là một vấn đề chờ được làm rõ.
Điều bí ẩn này, trên thực tế, càng khiến thanh kiếm trở nên bí ẩn và khiến du khách cùng các nhà nghiên cứu ấn tượng, tò mò.
TIẾT LỘ ĐỜI SỐNG NGƯỜI VIỆT CỔKiếm có hình người phụ nữ ở phần cán. (Nguồn: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa)
Nhìn sơ qua các chi tiết trên thanh kiếm, có thể thấy rằng Kiếm ngắn núi Nưa được làm dày công bằng tay với các chi tiết trang trí vô cùng tỉ mỉ. Nếu như phần lưỡi kiếm của Kiếm ngắn núi Nưa được đúc gợi tưởng đến hình lá tre đặc trưng phong cách sông Mã thì chuôi kiếm gây ấn tượng vớihình tượng một người phụ nữ được khắc họa tinh xảo - chi tiết đắt giá giúp các nhà nghiên cứu có thêm cái nhìn sâu về trang phục của người phụ nữ cũng như đời sống của người Việt thời Văn hóa Đông Sơn.
Mô tả chi tiết, Kiếm ngắn núi Nưa được các nhà nghiên cứu của Cục Di sản Văn hóa phân giải như sau:
"Kiếm gồm 2 phần: phần lưỡi và phần cán. Lưỡi hình lá tre, mỏng, có hai rìa sắc, nhọn, chắn tay hình sừng trâu. Cán Kiếm ngắn Núi Nưa là khối tượng tròn thể hiện người phụ nữ được đúc liền với lưỡi kiếm, người phụ nữ đứng nhìn thẳng, hai tay khuỳnh chống nạnh đầy uy quyền, đầu vấn khăn hình chóp giống hình búp hoa sen. Mặt trái xoan, cằm hơi nhô ra, cặp mắt được thể hiện bằng hai vòng tròn đồng tâm, xung quanh có những chấm nhỏ, thể hiện cặp lông mày dài, cong, sống mũi thẳng, miệng thon nhỏ, tai dài đeo đôi vòng to chấm vai, ngực và tay đeo vòng trang sức. Bụng eo được thắt một dải rộng như cạp váy, lưng thắt dải bao dài phủ cả đằng trước và sau trên chiếc váy dài trùm hết chân. Thân mặc áo chẽn dài tay, tay áo và thân bó lấy thân làm nổi rõ những đường cong cơ thể. Áo cánh xẻ ngực không cài khuy để lộ vạt yếm kín cổ bên trong."
Kiếm ngắn núi Nưa được xác định thuộc về tầng lớp quý tộc. (Nguồn: Cục Di sản Văn hóa)
Có thể thấy, người phụ nữ gắn trên chuôi kiếm bận trên mình kiểu áo váy kín toàn thân, hoa văn trang trí được nhận xét là theo dạng hình học, phối cùng các vạch ngắn song song và các đường tròn. Các chi tiết trang trí này được nhận định là mang đặc trưng của Văn hóa Đông Sơn. Một điều thú vị khác cần được nhắc đến là lối ăn vận như người phụ nữ trên chuôi kiếm vẫn có thể thấy được ngày nay, cụ thể là trên y phục của phụ nữ người Mường.
Về dáng vẻ của người phụ nữ trên chuôi kiếm, có thể thấy người phụ nữ được tạc với hình thể cân đối, tóc búi cao, dáng đứng thẳng, tay khuỳnh chống hông, tai to, ánh mắt toán lên uy quyền; từ các chi tiết này, có thể suy luận rằng người xưa đã tạc lại một nhân vật có địa vị cao, có quyền lực. Nếu đem so sánh với hình tượng phụ nữ trên các chuôi kiếm hay dao găm cùng thời khác thì hình tượng người phụ nữ trên Kiếm ngắn núi Nưa được đánh giá là đẹp hơn cả.
Một số mẫu dao găm, kiếm cùng thời khác mà ở chuôi cũng tạc hình người.
Một điều đáng được nhắc tới là hình tượng phụ nữ được tìm thấy rất nhiều trên các mẫu dao găm, kiếm được tìm thấy tại khu vực Thanh Hóa và các khu vực xung quanh, niên đại từ khoảng đầu thế kỷ 3. Đây có thể là minh chứng cho thấy chế độ mẫu hệ đã từng phổ biến ra sao.
Trên báo Thanh Niên, Tiến sĩ sử học Lê Ngọc Tạo, Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Thanh Hóa, đã nhận xét về kiếm ngắn núi Nưa như sau: "Đây là kiếm ngắn có hình thức hết sức độc đáo và là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho phong cách chế tác đồ đồng lưu vực sông Mã thuộc thời đại văn hóa Đông Sơn. Chính trang phục của người phụ nữ trên chuôi kiếm đã cho chúng ta sự nhận biết những nét riêng biệt của vùng lưu vực sông Mã trong nền văn hóa Đông Sơn".
Căn cứ vào hình dáng và niên đại hiện vật, nhà điêu khắc - hoạ sĩ Lê Quỳ đã tạc tượng Bà Triệu đứng trên đầu voi. Đây là một tác phẩm nghệ thuật đẹp được trưng bày ở phòng trưng bàyVăn hoá Đông Sơntại Bảo tàng Thanh Hoá, được đông đảo du khách trong và ngoài nước khen ngợi.
BẢO VẬT QUỐC GIAKiếm ngắn núi Nưa được công nhận là bảo vật quốc gia. (Nguồn: Bảo tàng Thanh Hóa)
Với các giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa, Kiếm ngắn núi Nưa đã được mang đi trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hoá và các cuộc trưng bày lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị, như trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 1997, chào mừng Hội nghị thượng đỉnh nguyên thủ các Quốc gia nói tiếng Pháp tại Hà Nội; trưng bày Kỷ niệm 80 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hoá Đông Sơn năm 2004 tại Hà Nội; trưng bày kỷ niệm 50 năm kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam năm 2010 tại Quảng Nam.
Kiếm ngắn núi Nưa hội tụ đầy đủ những phẩm cách xứng đáng với một bảo vật quốc gia: Là hiện vật gốc và độc bản, là vật phẩm có giá trị văn hóa - lịch sử đặc trưng cho thời đại Văn hoá Đông Sơn.
Với những giá trị to lớn về văn hóa – lịch sử, Kiếm ngắn núi Nưa đã được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2013.
Chú thích: (1) Văn hóa Đông Sơn: Nền văn hóa cổ đã xuất hiện vào khoảng năm 800 Trước Công Nguyên, từng tồn tại ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam và Bắc Trung bộ Việt Nam (Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, trung tâm được cho là khu vực Đền Hùng), và ba con sông lớn và chính của đồng bằng Bắc Bộ (sông Hồng, sông Mã và sông Lam) vào thời kỳ đồ đồng và thời kỳ đồ sắt sớm.
(2) Bà Triệu (8/11/226 – 4/4/248): Còn được gọi là Triệu Ẩu, Triệu Trinh Nương, Triệu Thị Trinh, Triệu Quốc Trinh, là một trong những vị anh hùng dân tộc Việt Nam. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo