Theo chuyên gia đi 'bắt ma' ở Hải Phòng: Nhà tâm linh nói về ngôi nhà trong đêm vắng (Phần 2)
Kỳ 2: Nhà tâm linh giải mã thông tin
Đường cao tốc Hải Phòng rộng thênh thang nên xe phóng nhanh vun vút. 6 giờ chiều vẫn nắng chang chang. Thời điểm “bắt ma” tốt nhất là lúc nửa đêm. Còn quá sớm, nên tôi vừa đi, vừa nghĩ mưu giết thời gian.
Trong chuyến đi “” cùng các nhà phong thủy, bằng hệ thống máy móc của Mỹ, ngoài một nữ phóng viên kiêm MC, hai quay phim, nhóm Hoàng Triệu Hải, thì còn một chuyên gia nữa về lĩnh vực tâm linh, đó là nhà tâm linh Lê Thái Bình. Anh là giám đốc Trung tâm Thiền Việt, và Giám đốc trung tâm truyền thông tâm linh thuộc Viện nghiên cứu tiềm năng con người.
Lê Thái Bình còn trẻ tuổi, nhưng khá nổi tiếng trong lĩnh vực phong thủy và tâm linh. Anh thường xuyên xuất hiện trong các buổi động thổ các dự án lớn.
Trong chuyến đi xuống “ngôi nhà ma ám” ở Hải Phòng của cặp vợ chồng có 10 người con điên khùng, chết chóc đau thương, tôi kể sơ qua về ngôi nhà và kế hoạch ngủ đêm trong ngôi nhà đó. Cô MC trẻ tuổi và một cậu quay phim tỏ ra sợ hãi. Cảm giác sợ hãi của những người tham gia đêm bắt ma, có thể khiến công việc bỏ dở, hoặc hỏng.
Hiểu về tâm lý và ám thị, nên tôi bịa ra chuyện “ăn thịt cá sấu, uống rượu tiết cá sấu sẽ xua đuổi hết ma tà”. Tôi luyên thuyên chuyện cá sấu là loài vật tồn tại từ thời tiền sử, có sức mạnh vô địch, sống sót qua mọi thăng trầm của trái đất từ nóng lên đến băng giá, nên ma tà đều sợ…
Thấy mọi người cùng tin chuyện đó, tôi đã gọi điện cho anh Cao Văn Tuấn, nổi danh đất Hải Phòng với biệt danh Tuấn “cá sấu”. Và, thay vì chạy thẳng đến nhà bà Nguyễn Thị Nở, chúng tôi đã rẽ về Quốc lộ 5, đến trang trại cá sấu lớn nhất miền Bắc ở km6. Loáng một cái, mấy người thợ của trang trại đã làm thịt xong con cá sấu nặng cỡ 30kg. Các món ăn đã bày kín bàn.
Có tí rượu trong người và tâm lý được thịt cá sấu “trợ dương”, nên mọi người đều hăng hái tiến đến ngôi nhà ma ám kinh dị đất Hải Phòng, khi đồng hồ đã điểm 22g đêm.
Con đường Đà Nẵng đông đúc xe cộ qua lại, thế nhưng, rẽ vào con ngõ hẹp số 239 thì như một thế giới khác. Những bóng đèn vàng vọt yếu ớt hắt ra từ những ngôi nhà cao tầng san sát càng khiến con ngõ trở nên lãnh lẽo dù là ngày hè oi ả nóng nực.
Bình thường, ban ngày, tôi đi một lèo đến ngay nhà bà Nở, dừng chân trước cái cổng xộc xệch, tường nhà mốc meo, nhưng đêm xuống, lọ mọ lạc hết ngách này đến ngách khác. Thi thoảng, tiếng dế kêu, tiếng ve kêu vang lên giữa màn đêm yên tĩnh.
Từ ngôi nhà nào đó ở ngóc ngách xa xa, tiếng vợ chồng nọ cãi chửi nhau rõ mồn một. Rồi tiếng đánh lộn vang ra. Có lẽ, đó là câu chuyện thường ngày ở ngôi nhà đó, nên chẳng ai bận tâm để ý. Cái cảm giác đi loanh quanh trong ngõ vắng, tìm mãi mới thấy nhà bà Nở, khiến tâm trạng “nhóm bắt ma” chúng tôi trở nên nặng nề. Nhiều người mồ hôi túa ra, lăn nhanh trên mặt.
Nhà bà Nở đóng kín cổng, nhưng ánh điện sáng mờ mờ trong nhà vẫn hắt ra. Tôi vừa cất tiếng gọi “bà Nở ơi” chưa kịp dứt, thì đã thấy tiếng lạch cạch mở cổng.
Tôi hỏi: “Bích nhớ anh không?”. Cô gái da trắng béo tốt thủng thẳng: “Nhớ chứ sao không!”. Bích ngó nhìn nhóm người đông đúc tìm đến lúc đêm muộn hỏi: “Sao đến muộn thế anh?”. Tôi bảo: “Anh đến bắt ma”.
Ngó vào trong nhà, cửa mở. Bà Nở vẫn ngồi ngay cửa, tay cầm bát cháo loãng húp. Bao năm qua vẫn vậy. Bà Nở nấu nồi cháo loãng, để ở ngay cạnh cửa nhà. Cứ đói lúc nào, là bà múc bát cháo ăn, chẳng quan tâm đến giờ giấc. Thu lu góc nhà, còn có người đàn bà nữa, mà tôi chưa gặp bao giờ.
Hỏi chuyện, mới biết, người phụ nữ mới xuất hiện trong ngôi nhà này là chị Phạm Thị Minh Thái, hơn 50 tuổi, là con cả của bà Nở. Chị Thái nói tiếng Việt mà lơ lớ, thi thoảng lại bồi tiếng Trung Quốc. Cái miệng móm mém vì răng rụng gần hết. Những cái răng còn lại thì đen sì như nhuộm, nên khi chị cười, nụ cười tối om.
Chị Thái có cuộc đời vừa điên khùng vừa long đong lận đận. Chị lưu lạc lên Bắc Giang, lấy chồng hồi 17 tuổi. Không có con, đầu óc lại đơ đơ nên chồng bỏ, rồi bị bán sang Trung Quốc. Chị biệt tích từ đó.
Theo lời chị, năm 20 tuổi, khi bỏ chồng, chị ngớ ngẩn, đi lang thang, thì bị một bà dắt sang chợ Mà Pho (chắc Ma ly pho) bên kia Hà Giang, bán cho một người đàn ông 55 tuổi, lúc đó, hơn chị 35 tuổi. Đó là một lão nông, nhà ở trên núi.
Chị Thái làm vợ, nhưng chẳng khác gì người hầu. Đầu óc không được minh mẫn như người thường, nhưng làm việc quần quật trên nương để nuôi chồng và người em chồng. Người em chồng cũng già cả, bệnh tật, không vợ con. Mới đây, ông chồng chết, khi tuổi đã 85, chị bơ vơ, một thân một mình, không con cái gì cả, thì công an Trung Quốc đã đưa chị về Việt Nam.
Chị chỉ nhớ quê nhà ở chợ Đổ thuộc thành phố Hải Phòng (ngày chị lưu lạc, vợ chồng bà Nở vẫn ở tập thể cũ cạnh chợ Đổ, rồi chuyển nhà vài lần mới đến chỗ hiện tại). Sở dĩ cái chợ có tên là chợ Đổ, vì bị đổ do bom Mỹ. Cái tên này chỉ còn trong ký ức người lớn tuổi thời chiến.
Bố mẹ chị là ai, chị cũng chỉ nhớ mang máng. Chị được đưa về phường, rồi loa đài, truyền hình ra rả suốt ngày thông báo. Khoảng một tháng sau, thì chính quyền tìm được nhà bà Nguyễn Thị Nở, cách chợ Đổ tới 5 cây số và “bàn giao” người phụ nữ ngơ ngẩn từ Trung Quốc về cho gia chủ.
Bình thường, trong nhà hầu như chỉ có bà Nguyễn Thị Nở sinh sống. Những người con tâm thần nặng thì ở trại tâm thần cả, chẳng về bao giờ, bà cũng không có điều kiện đi thăm. Cô con út Phạm Thị Bích thì cứ 2-3 tháng lại đi trại một lần. Uống thuốc men đầy đủ, tinh thần tỉnh táo, thì trại tâm thần lại đưa Bích về ở với bà Nở một thời gian. Điên quá thì lại đi trại.
Lần này, Bích ở nhà, lại gặp đúng dịp chị cả về nhà – người chị lưu lạc từ khi Bích còn là cô bé mới bi bô nói, chưa có ký ức gì nhiều về chị. Vậy là, trong lần “bắt ma” này, chúng tôi gặp 3 người đàn bà lơ ngơ trong ngôi nhà dị biệt.
Tôi vào trong nhà hỏi thăm mọi người, trình bày chuyện bắt ma, thì đoàn làm phim và “đoàn bắt ma” vẫn đứng ngoài ngõ, loanh quanh nghiên cứu phong thủy bên ngoài căn nhà, nhìn ngó khu vực dưới ánh sáng héo hắt của ánh điện vàng vọt.
Hàng xóm ngủ cả, hoặc đang thức thì cũng chẳng thèm ngó ra. Có lẽ, họ đã quá quen với mấy chuyện ma mãnh ở ngôi nhà này, hoặc cũng không muốn liên quan, dính dáng gì đến những chuyện dị biệt ở ngôi nhà này nữa, nên không dám tò mò.
Bỗng nhiên, nhà tâm linh Lê Thái Bình xồng xộc đi vào trong nhà, mồ hôi tứa ra như tắm. Có lẽ, anh to béo, nhiều mỡ, không khí ngày hè nóng nực, nên mồ hôi mới ra khiếp như thế. Lê Thái Bình nắm cổ tay Phạm Thị Bích, bảo nhắm mắt lại. Dường như Lê Thái Bình đang truyền cho Bích ít năng lượng sinh học. Truyền xong, nhà tâm linh hỏi Bích: “Có cảm nhận thấy gì không?”, thì Bích lắc đầu: “Không thấy gì cả!”.
Nhà tâm linh Lê Thái Bình đứng cạnh chiếc giường bà Nở nằm một tẹo, rồi tránh ngay ra bên cạnh. Anh giải thích: “Chỗ cạnh giường bà Nở nằm âm khí rất mạnh, cứ ngùn ngụt bốc lên. Ở đây không điên khùng cả nhà mới là chuyện lạ. Còn điên khùng hết thì đó là lẽ hiển nhiên. Đấy là lý do, mỗi nhà tâm linh đến lại thống kê ra một số lượng ma ở trong nhà. Giờ phải chỉnh lại phong thủy ngôi nhà này, rồi trấn yểm lại thì mới yên được. Nhưng chuyện này làm được cũng không phải đơn giản”.
Nói ngắn gọn vậy, rồi nhà tâm linh Lê Thái Bình đi ra chỗ bàn thờ. Từ lúc vào nhà bà Nở, tôi mới nhận ra có thứ gì đó khang khác. Lúc đó, mới biết cái khác chính là cái tủ thờ khá khang trang. Ký ức trong tôi, đó là ngôi nhà toàn đồ cũ rích, hôi hám, mốc meo, bẩn thỉu và vô giá trị.
Trước đây, bà Nở thường ra sông Cấm vớt củi rác về đun. Bà vớt được một cái tủ nát, liền tha về xếp lại, xộc xà xộc xệch, rồi đặt hai cái ảnh cúng, chân dung ông Phạm Văn Phong chồng bà, và người con thứ 7 Phạm Văn Đức.
Theo bà, thì mới đây, có một thầy bắt ma đến cúng, mang theo mâm lễ lớn và cái bàn thờ này. Thầy bắt ma bảo, tổng chi phí cho buổi bắt ma, gồm cả cái bàn thờ tặng bà, là 35 triệu, do thầy đó đầu tư toàn bộ.
Lầm rầm khấn vái một tẹo, nhà tâm linh Lê Thái Bình nhìn ra bức tường loang lổ cạnh bàn thờ, nơi Phạm Thị Bích ngồi dựa lưng suốt ngày đêm và bảo chúng tôi rằng: “Khoảng gần 12 giờ đêm, các anh chiếu đèn vào bức tường này và bức tường bếp, rồi quay phim lại nhé. Giờ em có việc phải đi gấp!”.
Dặn dò xong như vậy, rồi nhà tâm linh Lê Thái Bình đi mất hút. Lúc về, anh lái xe một mình. Và lúc đi, anh cũng đi rất nhanh. Lúc này, trong “đoàn bắt ma” chỉ còn lại tôi, nhà phong thủy Hoàng Triệu Hải cùng đồng sự, hai quay phim và một nữ MC.
Lần này về Hải Phòng, tôi gặp con út bà Nở là Phạm Thị Bích, khi cô mới ở bệnh viện tâm thần về và tỉnh táo nhất. Tôi đã trò chuyện với Bích khá lâu.
Thế rồi, trong một phút tỉnh táo nhất, Bích đã bảo rằng: “Thầy bà về đây cứ nói ma mãnh chứ nói thật với anh chả có ma nào đâu anh ạ. Nhà em điên là điên di truyền đấy. Cái bà Nở nhà em ngày xưa bị điên nặng, giờ thi thoảng vẫn điên, còn ông Phong bố em thì cũng là bệnh nhân tâm thần ấy mà. Bên nhà nội, rồi bên nhà ngoại em, nhiều đời trước cũng đầy người điên ra đấy. Bà mẹ em vẫn điên nên lúc nào cũng tin vào ma quỷ!”.
Khi máy ghi hình chạy đều, với lời kể rành rọt của Bích, thì tôi quay sang hỏi bà Nguyễn Thị Nở ngồi cạnh nghe con gái nói từ đầu. Bà Nở thừa nhận: “Đúng là cô cũng từng bị tâm thần cháu ạ. Hồi năm 13 đến 17 tuổi, là lúc cô bị tâm thần nặng nhất, đầu óc mụ mị không biết gì. Thế nhưng, sau tuổi đó, thì cô lại tỉnh táo. Sau này, cũng có lúc cô mất trí, nhưng cô vẫn là người tỉnh táo nhất nhà. Ông Phong nhà cô cũng tâm thần cháu ạ. Cô cũng biết nhà mình toàn người tâm thần, nên đẻ ra rặt tâm thần, nhưng mà thầy bà về nhà cô cứ bảo trong nhà toàn ma, thì cô cũng kể lại như vậy thôi”.
Vậy là đã rõ, câu chuyện về ngôi nhà ma ám với 10 người con điên, đã thực sự sáng tỏ. Nhưng, sự thật lại thêm bi thảm, với số phận những con người điên khùng, cần sự cảm thông và nâng đỡ của xã hội.
Còn nữa...
End of content
Không có tin nào tiếp theo