Tiểu thư khuê các một bước trở thành sủng phi, bị vu oan dùng "tà thuật" hại Hoàng đế nhưng nói đôi câu liền lật ngược tình thế
Chuyện về phi tần thân phận thấp kém bước lên nắm quyền lực cao nhất hậu cung nhưng lại đoản mệnh / Vì sao những phi tần bị chôn sống cùng Tần Thủy Hoàng đều trong tư thế không khép chân?
Vào thời Tây Hán, huyện Sóc Ninh, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc ngày nay có nhà họ Ban đầy nền tảng và giàu truyền thống - nơi đã sinh dưỡng và giáo dục nên hàng loạt danh nhân lịch sử, nổi tiếng nhất có Ban Cố, tác giả của “Hán Thư” lừng lẫy. Ngược dòng thời gian trở về hai đời trước đó, nhà họ Ban còn có một tài nữ lưu danh sử sách – Ban Tiệp dư.
Từ khuê các xuất thân danh môn
Phụ thân của Ban Tiệp dư là Ban Huống từng lập được nhiều công lao khi chinh phạt Hung Nô vào thời Hán Vũ Đế, được phong chức Tả Tào Việt Kỵ Hiệu Úy. Ban Huống có 4 người con, tất cả đều giỏi văn thơ. Ái nữ duy nhất của Ban Huống – Ban Tiệp dư là người nổi bật hơn cả, thi phú âm luật đều tinh thông, được Hoàng đế để mắt đến, sau được tuyển vào cung.
Nàng được Hán Thành Đế nhất mực sủng ái bởi không chỉ đa tài đa nghệ, còn vô cùng hiền thục, không thị phi, không huênh hoang khoác lác, cũng không làm mất lòng ai, ngay đến cả thái hậu cũng rất quý nàng.
Vào thời nhà Hán, khi vi hành, Hoàng đế dùng một chiếc xe vô cùng sang trọng, chỉ đủ chỗ cho một người ngồi. Hoàng đế định cho làm một chiếc xe rộng lớn, để Ban Tiệp dư có thể ngồi chung, nhưng khi biết được, bà đã khuyên can:
“Tâu bệ hạ, xưa nay bậc thánh vương khi xuất ngoại, chỉ có những bậc đại thần là được phép ngồi cạnh Hoàng đế mà thôi. Nay, rộng ơn bệ hạ cho phép thiếp ngồi cùng, nhưng làm vậy, chắc chắn sẽ tổn hại đến thanh danh hiền đức của bệ hạ. Cúi xin bệ hạ lượng thứ thần thiếp, xét lại việc này, miễn cho thần thiếp ngồi chung xe”.
Lời tâu của Ban Tiệp dư rất có đạo lý, nên Hán Thành Đế phải hủy bỏ ý định ấy. Hoàng thái hậu Vương Chính Quân nghe chuyện, rất lấy làm tâm đắc, cất lời khen: “Thật là hiếm có, xưa có Phàn cơ, nay có Ban Tiệp dư”.
Đến sủng phi được Hoàng đế yêu chiều
Thái hậu nhìn ra Ban Tiệp dư là người có tấm lòng rộng mở, đức hạnh cao thượng, vì vậy muốn để bà phò trợ, giúp Hoàng đế có thể trở thành một bậc minh quân. Ban Tiệp dư từng có một đứa con với Hoàng đế, nhưng đứa con này chẳng may chết yểu, từ đó nàng không còn sinh thêm đứa con nào nữa.
Một lần nọ, Hán Thành Đế vi phục xuất tuần, đến phủ đệ của công chúa Dương A đã gặp một vũ nữ tên Triệu Phi Yến. Phi Yến vóc người lả lướt, thướt tha yểu điệu, ánh mắt đưa tình như gần như xa khiến cho Hoàng đế thần hồn điên đảo.
Sau khi nhập cung, Triệu Phi Yến cậy mình đắc sủng mà hoành hành ngang ngược, sau đó cũng đưa em gái của mình là Triệu Hợp Đức vào cung. Từ đó, Hán Thành Đế say mê chị em họ Triệu mà lãng quên Ban Tiệp dư, cũng như bỏ bê việc triều chính.
Hứa Hoàng hậu của Thành Đế căm phẫn hai chị em họ Triệu, lập một bàn thờ trong hậu cung, ngày đêm tụng kinh, cầu khẩn cho Hoàng đế sớm tỉnh ngộ. Có kẻ lập công, mách cho chị em Triệu Phi Yến. Họ Triệu đem việc này tâu cho vua, thêm thắt đủ thứ, nói rằng Hoàng hậu và Ban Tiệp dư đồng lõa rước vu thuật lập đàn tràng để trù yểm nhà vua. Hoàng đế lúc này đã bị hai chị em họ Triệu mê hoặc đến nỗi thần hồn điên đảo, lập tức tống giam Hoàng hậu vào trong lãnh cung. Hán Thành Đế gọi Ban Tiệp dư đến tra vấn. Nàng Ban không lộ chút sợ sệt, tâu vua:
“Thần thiếp nghe rằng, tử sinh có mệnh, giàu nghèo do trời. Người làm lành còn chưa biết có được hưởng phước không, huống hồ là chuyện sai quấy ấy? Nếu quỷ thần có sự hiểu biết, chắc chắn quỷ thần sẽ không bao giờ nghe những lời xin xỏ hại người. Nếu quỷ thần chẳng có sự hiểu biết, những lời trù yểm phỏng có ích gì? Chuyện bệ hạ hỏi, thần thiếp chẳng những không dám làm, mà còn chưa bao giờ nghĩ đến nữa!”.
Trước thái độ ung dung và thanh thản của nàng, Thành Đế tin và khâm phục, không bắt tội mà còn ban thưởng trăm cân vàng. Ban Tiệp dư từ chối nhận thưởng rồi khẩn cầu Hoàng thượng cho nàng đi hầu hạ Thái hậu.
Những ngày tháng thất sủng giãi bày cùng thơ phú
Sau khi đến cung Thái hậu, tâm tình của Ban Tiệp dư rất u uất, nên thường mượn văn thơ để bày giải tâm sự. Trong số đó, bài “Oán ca hành” (Khúc ca ai oán) được người sau ưa thích nhất. Trong bài thơ, Ban Tiệp dư ví mình như chiếc quạt lụa trắng, mùa hạ thì được vua yêu dấu, cất giữ bên mình vì có thể sinh ra gió mát cho vua. Đến mùa thu, tiết trời trở lạnh thì chiếc quạt bị vứt vào một xó, mọi người quên lãng.
Ngoài ra, Ban Tiệp dư còn có một bài thơ cũng nổi tiếng không ít, đó là bài “Trường Tín cung oán”. Trong đó, nàng kể lại thân thế từ lúc nhập cung được vua sủng ái, đến khi bị ruồng rẫy, tâm tình sầu buồn u uất. Văn từ phong phú uyển chuyển, ý tứ thâm trầm, hình ảnh sinh động đáng nhớ khiến mọi người vô cùng cảm khái.
Khi Hán Thành Đế băng hà, Ban Tiệp dư tình nguyện đến lăng vua để “thủ mộ”. Bà sống cuộc sống giản đơn đầy đạo hạnh cao khiết như một đạo nhân, bỏ mặc ngoài tai mọi chuyện tranh giành quyền lực, xem thường phú quý công danh, thệ nguyện suốt đời lo việc hương khói cho vua. Ban Tiệp dư mất năm 50 tuổi, được chôn trong khuôn viên lăng Hán Thành Đế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo