Tổ tiên loài người đã xuất hiện ở châu Á từ hơn 2 triệu năm trước?
Tạp chí Nature đã công bố việc một nhóm các nhà địa chất học và khảo cổ học Trung Quốc và Anh phát hiện ra một nhóm 96 hiện vật công cụ đá gồm mảnh tước và hòn cuội ở miền trung Trung Quốc có niên đại sớm nhất là 1,26 triệu năm và muộn nhất là 2,12 triệu năm.
Tổ tiên của con người có xúc tu? / Tổ tiên loài người là... lươn?
Phát hiện này đặt ra giả thuyết tổ tiên loài người đã xuất hiện ở châu Á từ rất sớm.
Kết quả của nhóm nghiên cứu do GS. Zhu Zhaoyu (Chu Chiếu Vũ) từ Sở Nghiên cứu Hóa học Địa chất Quảng Châu trực thuộc Viện Khoa học Trung Quốc làm trưởng nhóm thực hiện từ năm 2004 đến năm 2017 tại di chỉ Shangchen (Thượng Trần) đã được nhiều nhà khoa học khác kiểm chứng độc lập để đảm bảo những công cụ này thực sự có niên đại sớm như công bố. Theo đó, đây sẽ là dấu vết sớm nhất tìm được về sự hiện diện của người tối cổ ngoài châu Phi.
Phát hiện ở Shangchen thách thức phát hiện hóa thạch trước đây ở Dmanisi, Grudia có niên đại 1,85 triệu năm - vốn tạm được coi là mốc chứng minh sự kiện người tối cổ rời khỏi châu Phi. Trong khi đó, hóa thạch người vượn sớm nhất ở Đông Á được phát hiện ở Tây Nam Trung Quốc chỉ có niên đại cách nay 1,7 triệu năm.
Tầng địa chất 2,12 triệu năm tuổi được khảo sát có lẽ không chỉ là dấu tích duy nhất chứng minh sự hiện diện của người tối cổ ở khu vực bởi nơi chứa các tầng văn hóa sâu nhất hiện không thể tiếp cận được do hoạt động canh tác nông nghiệp. Theo nhà nhân học và địa chất học John Kappelman từ Đại học Texas - Austin và cũng là người đánh giá nghiên cứu, nỗ lực nghiên cứu các vị trí đó sẽ cần được ưu tiên.
Các công cụ đá từ một di chỉ khảo cổ ở Trung Quốc có niên đại 2,1 triệu năm.
Các công cụ đá từ di chỉ Shangchen - Trung Quốc được chế tác sớm nhất từ 2,1 triệu năm trước và là những dấu vết đầu tiên của người tối cổ ở ngoài châu Phi. Di tích hóa thạch người và công cụ ở Dmanisi, Grudia có niên đại 1,8 triệu năm từng được coi là mốc sớm nhất biết đến về sự kiện loài người di cư từ châu Phi.
Dấu vết địa từ
Các hiện vật được xác định niên đại bằng phương pháp cổ địa từ (palaeomagnetism) – xác định niên đại các khoáng vật từ tính ở cùng tầng văn hóa với các hiện vật bằng cách so sánh chúng với niên đại biến động địa từ của Trái đất. Các niên đại xác định nhờ phương pháp này là “vững chắc”, theo khẳng định của nhà địa chất Jan-Pieter Buylaert, Đại học Aarhus - Đan Mạch tham gia việc nghiên cứu trầm tích ở khu vực.
Nhóm nghiên cứu và những người phản biện cũng tự tin ở tính xác thực của các hiện vật. Đồng trưởng nhóm nghiên cứu Robin Dennell từ Đại học Exeter - Anh nói rằng nhóm của ông đã loại trừ mọi nguyên nhân tự nhiên như bào mòn bởi nước. Dù nước có thể bào mòn đá tự nhiên giống như công cụ, nhưng không có dấu vết sông cổ nào được phát hiện ở di chỉ Shangchen và các hiện vật tìm được đều có kích thước khối lớn khác hẳn đất đá trong vùng. Cũng theo nhà khảo cổ học Michael Petraglia từ Viện Khoa học Lịch sử Nhân chủng Max Planck ở Jena - Đức, các công cụ đá mang đầy đủ những đặc điểm cơ bản của các công cụ đá sơ khai nhất.
Bản đồ: Người cổ di cư
Danh tính bí ẩn
Tuy nhiên, những câu hỏi về chủ nhân của những công cụ đá này vẫn chưa được giải đáp: dấu vết xương cốt người chưa tìm thấy ở Shangchen. GS. Dennell nói đùa: “Chúng tôi sẽ rất vui nếu tìm thấy bất kỳ hóa thạch người nào - tay cầm sẵn công cụ thì càng tốt.”
Quan điểm chính của nhóm cho rằng đây là sản phẩm của Người Đứng thẳng (Homo Erectus). Tuy nhiên, cả giáo sư Dennell và các cộng sự đều nghi vấn các công cụ này có thể thuộc về một loài Homo cổ hơn.
Petraglia và Rezek cùng tin rằng tuổi của các công cụ và khả năng các loài Homo xuất hiện ở Trung Quốc từ trước mốc 2,12 triệu năm gợi ý rằng chủ nhân của chúng phải thuộc về các loài như Người Khéo léo (Homo Habilis) vốn tồn tại từ khoảng từ 2,4 đến 1,4 triệu năm trước. Ngoài ra, Jungers cũng để ngỏ khả năng chủ nhân các công cụ này là Người vượn Phương Nam (Australopithecus), một loài vượn người cổ trước nay chỉ tìm thấy ở châu Phi. Hóa thạch Lucy nổi tiếng là một cá thể loài này.
Phát hiện này đặt ra giả thuyết chứng minh việc người cổ từ 2 triệu năm trước đã di cư trên một quãng đường rất xa, khi quãng đường từ di chỉ người cư trú gần nhất tìm thấy ở Đông Phi đến Shangchen lên đến 14.000 km. Một nguyên nhân cho sự di chuyển này có thể là việc xuôi theo dòng thức ăn, theo lời Vivek Venkataraman, nhà sinh thái học tiến hóa từ Đại học Harvard - Hoa Kỳ.
Dù thế nào đi nũa, kết quả công bố ở Shangchen chắc chắn sẽ thúc đẩy các nhà nghiên cứu khác tìm kiếm các dấu vết con người trên lục địa Âu Á từ 2 triệu năm trước.
Trước đó, từng có rất ít công bố về dấu tích người cổ ở lục địa Âu Á. Ví dụ như năm 2016 có một công bố về việc phát hiện các công cụ đá 2,6 triệu năm tuổi ở một di chỉ gần biên giới Ấn Độ - Pakistan. Dù khả thi, công bố này cũng không đạt được tính xác thực cao như phát hiện tại Shangchen bởi vì việc chứng minh sự hiện diện của con người đòi hỏi phải chứng minh về độ xác thực của công cụ và các thông số địa chất giúp xác định niên đại. Theo lời GS. Dennell: “Điều đó nghĩa là anh phải đãi hàng núi đất để tìm thấy vàng.”
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ lạc nguyên thủy mạnh nhất thế giới: xé xác dã thú bằng tay, ngồi xổm để sinh con cái
Tể tướng Trung Quốc nạp nhiều thê thiếp hơn cả Hoàng đế, vẫn sống thọ đến 104 tuổi
Danh tướng có chỉ số IQ cao ngất ngưởng ở Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa, xuất thân danh giá, từng lừa được cả Tào Tháo
Việt Nam xuất hiện thêm 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới, tỉnh nắm giữ trữ lượng lớn nhất có 1/3 diện tích nằm trên 'mỏ vàng' này
Bộ lạc nữ duy nhất trên thế giới: Bắt cóc đàn ông mạnh để sinh con và đuổi họ đi khi mang bầu
Bộ lạc nguyên thủy nhất thế giới, nơi phụ nữ cả đời không tắm bằng nước 1 lần nào
Cột tin quảng cáo