Khám phá

Tứ đại mỹ nhân mang tội "diệt quốc" trong lịch sử Trung Hoa

Muội Hỉ, Trần Viên Viên, Đát Kỷ, Bao Tự đều là những mỹ nhân mang tới đại họa cho các bậc đế vương và nhân dân thời họ sống.

Báo đốm liều mình lao xuống sông tử chiến với cá sấu caiman / Báo đốm phi thân vồ gọn linh dương trong 2 giây

Muội Hỉ thất sủng, bán nước trả hận

Nhà Hạ là một quốc gia cổ đại ở Trung Quốc. Có thể chỉ là một bộ lạc lớn thời xa xưa nhưng số dân, sự phồn vinh cũng đáng xưng nước lớn ở Trung Nguyên.

Hữu Thi là một trong số các nước chư hầu của nhà Hạ và ở nước chư hầu này, có một mỹ nhân tên gọi Muội Hỉ.

Theo sử sách, Hạ Kiệt là ông vua tàn bạo, thích gây chiến tranh đàn áp các chư hầu. Hạ Kiệt mang quân đi đánh Hữu Thi, nước này không chống nổi bèn dâng của cải và mỹ nữ, trong đó có Muội Hỉ để xin Hạ Kiệt lui quân.

Hạ Kiệt có được Muội Hỉ nên mới dừng ý đồ chinh phục chư hầu.

Các sử liệu của Trung Quốc ghi lại rằng, Muội Hỉ có 1 sắc đẹp tuyệt trần hiếm có nhưng tính khí táo bạo như nam nhân. Bình thường, nàng thích đội mũ, đeo kiếm như võ tướng. Thậm chí khi giao hoan, nàng cũng thích cương vị của phái mạnh.

Nàng có 1 nụ cười tuyệt đẹp nhưng rất ít khi cười. Chỉ khi nghe tiếng xé lụa mới lộ vẻ tươi cười nên vua Kiệt đã hạ lệnh mỗi ngày chuyển một số lớn lụa đến để xé cho nàng nghe.

Có được Muội Hỉ, Hạ Kiệt tha cho Hữu Thi nhưng vẫn tiếp tục mang quân đi đánh các nước nhỏ xung quanh, trong đó có nước Manh Sơn.

Manh Sơn bèn theo chân Hữu Thi, dâng 2 người con gái đẹp là Uyển và Viêm để xin Hạ lui quân. Hạ Kiệt bằng lòng nhận mỹ nữ mà lui quân về.

Nàng Muội Hỉ qua tranh vẽ (ảnh minh họa).

Tuy nhiên cũng từ đó Hạ Kiệt quay sang sủng ái hai người con gái đất Manh Sơn và lạnh nhạt với Muội Hỉ. Điều đó khiến cô oán hận Hạ Kiệt. Trong khi đó Thành Thang nước Thương ngày càng lớn mạnh.

Thương Thang sai hữu tướng Y Doãn đến kinh đô nhà Hạ vờ quy hàng. Người này đã lợi dụng sự oán vọng của Muội Hỉ đối với Kiệt để khai thác cho mục tiêu chính trị của nước Thương.

Nằm trong tính toán của Y Doãn, Muội Hỉ đã tiết lộ cho người ngoài rất nhiều tin tức về nội tình triều đình nhà Hạ.

Trong khi Kiệt say đắm tửu sắc thì Thương Thang theo kế sách của Y Doãn tìm cách liên minh với các bộ tộc để tạo vây cánh và mang quân đánh diệt các nước chư hầu thân với Hạ như Cát, Bình Chướng Vi, Côn Ngô.

Sau đó Hạ Kiệt bị Thương Thang đánh bại trong trận quyết định ở Minh Điều và mất nước, bị đày ra Nam Sào.

 

Bao Tự khiến vua Chu U Vương mất uy tín ngoại giao

Trong Sử ký Tư Mã Thiên có ghi chép về Bao Tự. Vì một nụ cười của nàng, Chu U Vương đã làm mất nước vào tay quân Khuyển Nhung.

Bao Tự duyên dáng, xinh đẹp tuyệt trần được Chu U vương sủng ái. Để khiến người đẹp cười, nhà vua đã làm mọi cách có thể. Tuy nhiên sau nhiều lần cố gắng không thành, Quắc công Thạch Phủ tâu với vua là mình có cách làm cho nàng cười.

Quanh đất nhà Chu cai trị vốn xây nhiều phong hỏa đài (đài cao để đốt lửa ra hiệu cho chư hầu dẫn quân tới cứu vua khi giặc đến).

Quắc Công khuyên Chu U vương đốt lửa cho chư hầu đến. Quân chư hầu mấy nước lân cận trông thấy các cột lửa cháy, ngỡ là có giặc bèn hớt hải mang quân đến cứu.

 

Đến kinh thành, thấy mọi người vẫn đi lại bình thường, không có giặc giã gì cả. Các chư hầu ngơ ngác nhìn nhau.

Chu U Vương tươi cười đáp lời chư hầu “Lâu không thấy các ông, nay đốt lửa để các ông tụ tập cho ta đỡ nhớ”. Chư hầu các phương vừa hậm hực vừa xấu hổ, đành cuốn cờ dẹp trống thất thểu ra về.

Bao Tự ở trên đài trông thấy bật tiếng cười lớn. U Vương vô cùng hoan hỉ vì làm được cho nàng cười. Đến một thời gian sau, vua Chu lại sai đốt lửa lần nữa và các chư hầu lại bị lừa để Bao Tự có được tiếng cười.


Vẻ đẹp của nàng Bao Tự cũng làm Chu U Vương mê muội mà mất nước (ảnh minh họa)

Vẻ đẹp của nàng Bao Tự cũng làm Chu U Vương mê muội mà mất nước (ảnh minh họa)

Chu U vương say mê Bao Tự, không lâu sau nàng sinh được một vương tử tên là Bá Phục. Vui mừng khôn siết, nhà vua quyết định phế truất Thân hậu cùng với con của bà là Thái tử Nghi Cữu. Bao Tự được lập làm Vương hậu thay thế, còn Bá Phục được lập làm Thái tử.

 

Thân hậu và Thái tử Nghi Cữu bị phế, bèn nương nhờ nhà ngoại ở nước Thân (nay là Hà Nam, Trung Quốc). Cha Thân hậu đem lòng hận Chu U Vương bèn liên hệ với quân Khuyển Nhung bên ngoài kéo vào đánh úp kinh đô.

Chu U vương vội cho đốt lửa hiệu triệu chư hầu tới cứu, nhưng các chư hầu bị lừa vài lần nên tưởng vua đùa, không tới nữa.

Chu U vương mang Bao Tự và con nhỏ bỏ chạy, bị quân Khuyển Nhung đuổi theo giết chết. Riêng Bao Tự bị vua Khuyển Nhung bắt về cung để mua vui.

Quân Khuyển Nhung cướp phá giết người kinh thành. Thân hậu ân hận mang họa cho dân Cảo Kinh bèn viết thư triệu các nước chư hầu Tấn, Tần, Trịnh đến đánh quân Khuyển Nhung. Quân chư hầu kéo đến đánh tan quân Nhung. Cùng lúc đó, Bao Tự thấy quân các nước kéo vào cung bèn thắt cổ tự vẫn.

Đát Kỷ gây họa cho quốc gia

 

Mặc dù chỉ là dã sử, nhưng nói về mỹ nhân họa quốc (người con gái đẹp gây họa cho nước) thì ai cũng biết đến Đát Kỷ.

Sinh ra trong một gia đình quyền quý, cha làm chủ một vùng đất rộng lớn là Ký Châu (Hà Bắc, Trung Quốc) tên là Tô Hộ.

Trong Phong Thần Diễn Nghĩa, Tô Hộ được mô tả như một vị tướng tài của vua nước Thương bấy giờ là Trụ Vương Ân Thọ. Tô Hộ được phong là Ký Châu hầu.

Vào thời xưa, con của các gia đình quyền quý như Ký Châu hầu được dạy dỗ nhiều thứ. Từ nữ công gia chánh đến lục thao tam lược (võ nghệ, quân sự), từ nghệ thuật phòng the cho đến cả những tri thức cao vời như dưỡng sinh, pháp thuật, hễ có cơ hội là được học.

Thế nên mới tạo nên được một mỹ nhân họa quốc như Đát Kỷ.

 

Khi được tiến cung hầu hạ Trụ Vương, Đát Kỷ dần dần dùng tài năng, thủ đoạn của mình để hãm hại Chánh cung hoàng hậu của Trụ Vương là Khương hoàng hậu.

Điều này khiến cho cha Khương hoàng hậu là Khương Văn Hoán, người giữ chức Đông Bá hầu, 1 trong 4 vị đứng đầu các chư hầu manh nha ý đồ phản loạn.

Tạo hình Đát Kỷ của Phạm Băng Băng trên màn ảnh.
Tạo hình Đát Kỷ của Phạm Băng Băng trên màn ảnh.

Có sắc đẹp, có khả năng quyến rũ đàn ông, lại có tri thức làm vũ khí, Đát Kỷ dần loại được hết tất cả những đối thủ trong cung lẫn trên triều, độc chiếm Trụ Vương cho riêng mình.

Để Trụ Vương không có thời gian suy nghĩ đến việc gì khác ngoài mình, Đát Kỷ còn chế tạo ra những thứ của lạ và độc để ăn chơi hưởng lạc.Đó là Nhục lâm (rừng thịt) và Tửu trì (ao rượu).

Đát Kỷ cho người tìm khắp nơi để săn thịt các loài thú lạ, quý hiếm, rồi nấu nướng lên, treo khắp các cành cây trong vườn Thượng uyển. Khi Trụ Vương dạo chơi trong vườn, đói lúc nào thì chỉ cần vươn tay, thịt rừng hiếm lạ đã sẵn.

 

Còn khi vua khát, chỉ cần ngồi bên hồ, múc một gáo là rượu thơm ngọt đã sẵn trong miệng. Bên cạnh có mỹ nhân bầu bạn, rượu thịt ê hề thì có ai nghĩ đến những con dân đói khổ ngoài đường?

Thậm chí, để Trụ Vương khỏi phải lăn tăn về việc hưởng lạc có được dài lâu không, Đát Kỷ đã thiết kế nên một công trình để Trụ Vương có thể tiếp xúc với các vị thần tiên trên trời, đó là Lộc đài.

Phần nền Lộc đài hình vuông, mỗi cạnh dài đến 3 dặm (khoảng 1256 m), cao đến cả ngàn thước. Công trình này phải huy động sức dân khắp kinh thành Triều Ca, xây dựng đến 7 năm mới hoàn thành.

Không chỉ ăn chơi hưởng lạc, Đát Kỷ còn nghĩ ra những trò quái đản để mua vui cho bản thân và nhà vua. Khi những cụ ông già và thanh niên cùng lội nước, Trụ Vương lấy làm lạ, không hiểu vì sao người già không bị run chân trong khi thanh niên trai tráng chân run lẩy bẩy.

Đát Kỷ cho rằng ông già được sinh ra khi cha mẹ khỏe mạnh nên ống chân còn đầy tủy máu còn cậu thanh niên kia được sinh ra lúc cha mẹ không khỏe nên ống chân ít huyết tủy, ngâm chân lâu trong nước lạnh sẽ run rẩy.

 

Nếu là người bình thường, câu chuyện sẽ chỉ dừng lại ở những phỏng đoán. Nhưng với Đát Kỷ - một phụ nữ quái đản thì không.

Cô ta muốn chứng thực suy nghĩ của mình. Và để chiều người đẹp, Trụ Vương sai người chặt chân ông già và cậu thanh niên kia chỉ để xem xem Đát Kỷ nói đúng hay không.

Không dừng lại ở đó, Đát Kỷ - Trụ Vương còn nghĩ ra nhiều trò tra tấn biến thái và man rợ nhằm tiêu diệt kẻ chống đối mình.

Sự tàn bạo, dã man của cặp đôi này chính là nguyên nhân khiến dân chúng đứng lên khởi nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Chu Võ Vương Cơ Phát. Được sự ủng hộ của dân chúng và các chư hầu khác, Cơ Phát đã lật đổ Trụ Vương, lập nên nhà Chu.

Trần Viên Viên làm hai ông vua mất nước

 

Trần Viên Viên (gọi tắt là Viên Viên), nguyên xuất thân từ một gia đình lao động nghèo ở thôn Thái Nguyên, Vũ Tiến, Hình Châu.

Tần Hoài bát kỹ Trần Viên Viên qua tranh vẽ (ảnh minh họa).
Tần Hoài bát kỹ Trần Viên Viên qua tranh vẽ (ảnh minh họa).

Mẹ Viên Viên sinh nàng chẳng được bao lâu thì mất. Cha vốn là một người buôn bán nhỏ nhưng do hoàn cảnh bần hàn nên đã bỏ đi xa, để lại cô con gái duy nhất cho người em vợ nuôi. Do hoàn cảnh mồ côi sớm, nên lớn lên Viên Viên mang theo họ Trần của chồng người dì ruột nuôi dưỡng.

Người dì tuy không có công sinh thành, nhưng lại có công nuôi dưỡng. Bà cho người đến dạy dỗ Trần Viên Viên từ nhỏ nên nàng đã sớm thành thục cầm, kỳ, thi, họa.

Khi trưởng thành, Trần Viên Viên bị bán vào một kỹ viện nổi tiếng ở Nam Kinh. Tại đây, nàng bắt đầu cuộc đời của một kỹ nữ đời Minh với danh hiệu “Tần Hoài Bát Diễm”.

Khi ấy, hoàng đế Sùng Trinh đang sủng ái Điền Quý phi, làm cho Chu hoàng hậu rất ghen tức. Biết chuyện, cha của Chu hoàng hậu đến kỹ viện bỏ tiền ra mua Viên Viên, để đưa vào cung phục vụ hoàng đế.

 

Kề cận được Viên Viên, Sùng Trinh thường ở mãi trong cung không muốn ra thiết triều.

Trong những ngày Sùng Trinh say đắm với người đẹp, nông dân bên ngoài nổi lên khởi nghĩa và đánh chiếm rất nhiều thành trì, giết chết rất nhiều tướng tài của triều đình. Khi đó, ông vua cuối cùng của Minh triều mới nhận ra sai lầm và cho Viên Viên ra khỏi cung.

Nhưng đến lúc đó, thời thế đã mất, thành trì không thể lấy lại, tướng tài không thể sống dậy, sĩ khí không thể chấn hưng. Thời cơ cuối cùng để đánh bại khởi nghĩa nông dân, phục hưng lại đất nước đã chôn vùi dưới váy nàng kỹ nữ.

Viên Viên được vua Sùng Trinh cho ra khỏi cung và an trí trong phủ Chu quốc trương. Trong một bữa tiệc tại phủ, nhan sắc và tài múa hát của Viên Viên đã lọt vào mắt xanh của một vị dũng tướng bậc nhất bấy giờ là Ngô Tam Quế.

Sùng Trinh đã ban Viên Viên cho Ngô Tam Quế và phong làm Tổng đốc Sơn Hải Quan (tương đương với Tư lệnh quân khu biên giới).

 

Ngày 26/5/1644, lực lượng của Lý Tự Thành (tự xưng là Sấm vương) vào chiếm lấy Bắc Kinh, lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Đại Thuận. Sùng Trinh bỏ chạy rồi tự vẫn ở Môi Sơn. Nàng bị Lý Tự Thành chiếm đoạt và cướp vào trong cung hầu hạ.

Ngô Tam Quế nghe tin Bắc Kinh bị chiếm vội quay về cứu vua. Lý Tự Thành vội sai người đón Ngô Tam Quế giữa đường để thuyết phục làm đồng minh.

Ngô Tam Quế vốn đã định đồng ý, nhưng lại nghe tin Lý Tự Thành đã chiếm đoạt người đẹp của mình thì nổi điên và làm ra một quyết định gây hại muôn đời.

Ông mở cửa quan cho quân Mãn Châu tràn vào Trung Nguyên với ý định mượn thế mạnh của Mãn Châu đánh bại Lý Tự Thành, đoạt lại giang sơn và mỹ nhân.

Nhưng mời quân dễ, tiễn đi thì khó. Quân Mãn Châu chiếm được Trung Nguyên thì ở lì không đi và xưng quốc hiệu là Thanh, chiếm luôn Trung Quốc.

 

Cho dù sau này, Ngô Tam Quế có dấy quân phản Thanh nhưng không ai ủng hộ và cũng không thể chống lại lực lượng mới nổi hùng mạnh, buộc phải chấp nhận đầu hàng và trở thành 1 viên tướng của Thanh triều.

Vì mê đắm sắc đẹp của Trần Viên Viên, Lý Tự Thành không quan tâm gì đến việc trùng tu, cố thủ thành trì trước sự tấn công của liên quân Mãn Châu – Ngô Tam Quế nên ông chỉ làm vua được có 43 ngày.

Sau khi bị đánh chạy khỏi Bắc Kinh, Lý Tự Thành đã lưu lạc khắp nơi, cuối cùng chết bờ chết bụi. Dù chỉ làm vua 43 ngày thì Lý Tự Thành cũng là ông vua thứ 2 mất nước dưới váy Trần Viên Viên.

Từ chuyện kỹ nữ Trần Viên Viên mới thấy câu nói của người xưa cấm có sai: "ôn nhu hương, anh hùng trủng", nghĩa là "tổ ấm dịu dàng là mồ chôn anh hùng".

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm