Khám phá

Tử tù nào khiến Chu Nguyên Chương phải lập tức thả người ngay sau khi nghe thấy tên tuổi tổ tiên?

Vị Hoàng đế tàn bạo khét tiếng Chu Nguyên Chương phải lập tức xóa tội cho phạm nhân, thậm chí còn ban 5 lần miễn tử cho con cháu đời sau của ông ta.

Bí mật trong ngôi mộ 4.000 năm tuổi của một thành viên hoàng gia Ai Cập cổ đại / Phát hiện ký hiệu “công nghệ cao” trong ngôi đền cổ nhất Ai Cập

Vào thời phong kiến, Hoàng đế chính là những người nắm trong tay quyền sinh quyền sát đối với tất cả bách tính trong thiên hạ. Cũng bởi vậy mà người xưa vẫn có câu "gần vua như gần cọp", bởi lẽ chỉ cần một câu nói của Thiên tử cũng có thể khiến cho không ít kẻ phải rơi đầu.

Thế nhưng sự thực là có đôi khi, ngay tới Hoàng đế cũng không dám tùy tiện hạ sát một số người có thân thế đặc biệt. Và câu chuyện về việc Chu Nguyên Chương buộc phải tha chết cho hậu duệ của một nhân vật nổi danh dưới đây cũng nằm trong số đó.

Điểm đặc biệt còn nằm ở chỗ, nhân vật khiến vị vua khét tiếng tàn bạo của Minh triều phải e dè lại là một vị quan từ thời Bắc Tống – Phạm Trọng Yêm.

Nhân vật hiếm hoi dù thất thế trên chốn quan trường nhưng vẫn được hậu thế đời đời tôn kính

Tranh chân dung Phạm Trọng Yêm. (Nguồn Baike).

Phạm Trọng Yêm (989 – 1052), tự Hy Văn, là nhà chính trị, quân sự, nhà văn, nhà giáo dục nổi danh dưới thời Bắc Tống.

Ông xuất thân trong gia đình quan lại ở đất Tô Châu, cha từng làm quan vào đầu thời nhà Tống. Năm xưa sau khi cha mất sớm, mẹ lại tái giá, Phạm Trọng Yêm đã tự mình tới Nam Kinh đèn sách, tới năm 1015 thì đỗ tiến sĩ và bước chân vào chốn quan trường ở tuổi 26.

Một trong những chiến công nổi bật của vị quan họ Phạm phải kể tới việc ông từng cầm quân và hiến kế giúp triều đình nhà Tống đánh đuổi Tây Hạ để bảo vệ giang sơn.

Trên phương diện chính trị, Phạm Trọng Yêm cũng từng đề xuất cải cách triều chính, trong đó có những chính sách hết sức tích cực như giảm lao dịch, bổ nhiệm, bãi nhiệm quan lại rõ ràng, tu sửa võ bị…

Tuy nhiên cuộc cải cách này nhanh chóng thất bại do những phe cánh đối lập trong triều. Vị quan họ Phạm cũng vì vậy mà bị giáng chức bởi những lời gièm pha.

 

 Tử tù khiến Chu Nguyên Chương phải lập tức thả người ngay sau khi nói ra tên tuổi tổ tiên - Ảnh 2.
Tranh minh họa: Nguồn Internet.

Tới năm 1052, ông lâm trọng bệnh tại Từ Châu. Tương truyền rằng vào thời điểm vị quan ấy hấp hối, cả triều đình nhà Tống trên dưới đều vô cùng thương tiếc.

Sau khi Phạm Trọng Yêm qua đời, bách tính muôn dân bấy giờ đều khóc thương, ngay tới dân tộc thiểu số Tây Hạ cũng ăn chay liên tục mấy ngày để tưởng niệm cho vị quan dốc lòng vì dân vì nước ấy.

Nhìn lại cuộc đời của Phạm Trọng Yêm, không khó để nhận thấy bản thân ông đã trở thành một tên tuổi nổi bật trong dòng chảy của lịch sử Trung Hoa.

Tuy nhiên điều đáng nói còn nằm ở chỗ, chính danh tiếng của vị quan họ Phạm này đã nhiều lần giúp cho hậu duệ của ông thoát khỏi cảnh ngàn cân treo sợi tóc.

Hai lần thoát chết trong gang tấc của hậu duệ Phạm Trọng Yêm: Danh tiếng của tổ tiên đã làm nên kỳ tích

 

 Tử tù khiến Chu Nguyên Chương phải lập tức thả người ngay sau khi nói ra tên tuổi tổ tiên - Ảnh 3.
Ảnh minh họa.

Vào đầu thời nhà Minh, người cháu đời thứ 12 của Phạm Trọng Yêm là Phạm Văn Từ từng làm tới chức Ngự sử trong những năm Hồng Vũ, tuy nhiên lại bởi vì kháng chỉ mà bị xử án chém đầu.

Bấy giờ, danh sách các phạm nhân bị tử hình đều được trình lên cho Hoàng đế Chu Nguyên Chương xem xét một lượt.

Khi nhìn thấy tên và quê quán của Phạm Văn Từ, nhà vua không khỏi hoài nghi, liền lập tức phái người đi điều tra thân thế của tử tù này.

Không lâu sau đó Phạm Văn Từ được dẫn giải tới trước mặt nhà vua. Khi vừa biết tử tù họ Phạm ấy là hậu duệ đời thứ 12 của Phạm Trọng Yêm, nhà vua chỉ đành thở dài một tiếng rồi sai người đem giấy bút, viết lên đó câu thơ nổi tiếng trong bài "Nhạc Dương lâu ký" của chính nhân vật này:

"Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi nhạc nhi nhạc".

 

(Đại ý là: Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).

Chu Nguyên Chương một mực cảm thán tài năng và nhân phẩm của Phạm Trọng Yêm, liền đem mấy chữ này ban cho Phạm Văn Từ, cũng lấy đó là minh chứng cho 5 lần miễn tử mà ông ban cho con cháu Phạm gia kể từ thời điểm ấy.

Phải biết rằng, Hoàng đế Chu Nguyên Chương lúc sinh thời từng thẳng tay thanh trừng không ít quan lại, thậm chí còn đứng sau hàng loạt cuộc tắm máu công thần.

Bởi vậy mà người thời bấy giờ cho rằng Phạm Văn Từ nhờ vào danh tiếng tổ tiên mà có thể thoát được tử tội, lại còn đem về 5 lần miễn tử cho con cháu, âu cũng có thể xem là kỳ tích.

 Tử tù khiến Chu Nguyên Chương phải lập tức thả người ngay sau khi nói ra tên tuổi tổ tiên - Ảnh 4.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Bên cạnh câu chuyện về Phạm Văn Từ, sử sách còn lưu lại một giai thoại tương tự khác về hậu vận may mắn của con cháu Phạm Trọng Yên. Theo đó, vị quan họ Phạm còn có một hậu duệ đời sau tên là Phạm Hi Vinh.

 

Tương truyền rằng có một lần người này ra ngoài làm ăn, trên đường đi không may gặp phải bọn cướp. Bấy giờ, tiền bạc bị lấy đi đã là điều khó tránh, thế nhưng ngay tới tính mạng của Phạm Hi Vinh cũng chưa chắc đã giữ được.

Vì bảo toàn tính mệnh cho bản thân mình, người này liền tìm cách thương thảo cùng toán cướp. Không ngờ rằng sau khi tiết lộ mình là con cháu của Phạm Trọng Yêm, những kẻ cướp kia vừa nghe tới tên nhân vật này đã lập tức thả người.

Không dừng lại ở đó, số tiền của mà Phạm Hi Vinh vừa bị lấy đi đều được toán cướp trả lại đầy đủ.

Những kẻ bất hảo ấy dù thân là phường thảo khấu, thế nhưng cũng biết Phạm Trọng Yêm là một bậc hiền tài. Cũng nhờ vậy mà hậu duệ của vị quan họ Phạm ấy lại một lần nữa giữ được tính mạng nhờ danh tiếng của tổ tiên.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm